tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 08-11-2017

  • Cập nhật : 08/11/2017

Phát triển cảng nước sâu, góc nhìn từ UNCTAD

Ngày 25-10-2017, Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã công bố báo cáo Tổng quan Vận tải hàng hải 2017 (Review of Maritime Transport 2017).

Đây là báo cáo thường niên điểm qua tình hình phát triển của ngành hàng hải trong năm, tổng quan về sự phát triển trong những năm tới. Đồng thời, đưa ra những khuyến nghị cho những đối tượng có liên quan đến ngành hàng hải, với nội dung trải rộng trên nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hải, đội tàu, đóng tàu và phá dỡ tàu cũ, pháp chế...

Cảng biển là một nội dung không thể thiếu trong báo cáo này, và trong năm 2017, trước những thay đổi phức tạp của ngành vận tải container, UNCTAD đã giành phần lớn nội dung trong chương cảng biển để nói về những diễn biến liên quan đến nhóm cảng container.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển các cảng container nước sâu và với kinh nghiệm khai thác cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) gần một thập kỷ, những nội dung của báo cáo chắc chắn sẽ mang lại những gợi ý đáng tham khảo với các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp.

Về mặt đầu tư cảng, báo cáo cho biết, các nhà khai thác cảng toàn cầu đang cân nhắc lại kế hoạch phát triển của mình do phải đối mặt với thách thức từ nhu cầu vận chuyển diễn biến không tích cực. Nghiên cứu của hãng tư vấn Drewry cho rằng một số kế hoạch mở rộng trong tương lai có thể sẽ bị dừng lại.

Còn theo UNCTAD, một số dự án phát triển cảng vẫn đang được triển khai trong phạm vi các quốc gia nằm trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, và Việt Nam là một trong những cái tên được nhắc đến bên cạnh các quốc gia có cảng biển nhận vốn đầu tư từ Trung Quốc như Hy Lạp, Pakistan, Malaysia, Sri Lanka...

Cạnh tranh trong thị trường trung chuyển quốc tế, một thị trường rất khắc nghiệt, mà cái bánh không lớn thêm hoặc thậm chí còn nhỏ lại, là một lựa chọn đầy rủi ro.

Thực tế là, với những động thái phát triển đội tàu siêu lớn và những hoạt động sáp nhập và mua lại giữa các hãng tàu lớn trong thời gian qua, thì ngay cả cụm cảng container nước sâu duy nhất ở Việt Nam hiện nay là CM-TV cũng chưa thể đáp ứng được một cách toàn diện việc tiếp nhận và làm hàng cho các tàu container lớn nhất thế giới.

Do đó, việc quy hoạch các cụm cảng nước sâu như CM-TV, Lạch Huyện, hay kể cả Liên Chiểu theo định hướng đón siêu tàu container trở thành một nội dung quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm nghiên cứu thêm. Quy hoạch cũng như chính sách phải đủ hấp dẫn để kêu gọi đầu tư từ các nhà khai thác cảng, đặc biệt là các hãng tàu container lớn, bởi tuy dòng vốn đầu tư cảng vẫn có thể chảy vào Việt Nam, nhưng với sự thận trọng của các nhà đầu tư quốc tế thì các dự án phải có tính khả thi cao mới có được lượng vốn cần thiết.

Mặt khác, UNCTAD nhấn mạnh rằng sau quá trình tái cấu trúc liên minh hàng hải, các liên minh mới ngày nay đạt quy mô lớn chưa từng có và cũng trở nên mạnh hơn trên bàn thương lượng, do đó quyết định đưa tàu vào cảng nào của các liên minh sẽ rất quan trọng với các cảng biển. Để có thể phục vụ các liên minh hãng tàu tốt nhất, bên cạnh yêu cầu thiết yếu là có hệ thống cơ sở vật chất phù hợp, các cảng container phải chú trọng việc nâng cao năng suất khai thác và quy trình hải quan tại các cảng phải thông suốt.

Riêng về năng lực khai thác, báo cáo cho rằng các bến cảng có chiều dài cầu bến chỉ giới hạn ở mức 600-800 mét thì không có khả năng thành công trong thị trường khai thác cảng nước sâu nữa. Nội dung này rất đáng chú ý vì tại CM-TV hiện nay chỉ có mỗi cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) là đáp ứng được nội dung này với 900 mét cầu tàu. Điều đó phần nào lý giải cho thành công của TCIT khi là cảng đầu tiên trong cụm cảng hoạt động có lời.

Với những bến container hiện hữu tại CM-TV, do chỉ được quy hoạch có chiều dài thường ở mức 600 mét, việc nghiên cứu chính sách nhằm kết hợp năng lực các bến để cùng khai thác trở nên quan trọng hơn trong thời gian tới.

Chính bản thân các hãng tàu cũng ưu tiên làm việc với một số bến cảng có quy mô đủ lớn chứ không muốn mất thời gian với một thị trường quá phân mảng, do đó UNCTAD cho rằng việc kết hợp giữa các bến cảng trong cùng một cụm cảng là cần thiết. Việc kết hợp có thể ở mức hợp tác khai thác giữa các cảng ở gần nhau, như trường hợp của cảng Seattle và Tacoma ở Mỹ, hay đạt đến mức có hoạt động sáp nhập và mua lại giữa các nhà khai thác cảng với nhau.

Cả hai nội dung trên đều nên được nghiên cứu áp dụng cho khu vực CM-TV, vì hiện nay đang tồn tại sự bất đối xứng trong thực trạng khai thác CM-TV và cảng Cát Lái ở TPHCM. CM-TV có năng lực khai thác tốt và còn công suất nhưng thiếu hàng, còn Cát Lái thì không thể đón được tàu lớn, hoạt động gần hết công suất do thường xuyên đầy hàng.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy sáp nhập và mua lại giữa các cảng sẽ giúp tăng năng lực khai thác của từng bến cảng, tối ưu hóa được lượng phương tiện chuyên khai thác container, giảm được thời gian tàu chờ cầu bến, nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng về hậu phương.

Mặc dù vậy, việc thay đổi bên góp vốn tại các cảng ở CM-TV giờ đây là không đơn giản khi có nhiều nhà đầu tư liên quan đến từng bến cảng. Ví dụ, bốn bến cảng TCIT, cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), cảng quốc tế Sài Gòn Việt Nam (SITV) và cảng container quốc tế Gemalink đã có sự tham gia của 11 nhà đầu tư, trong đó có các nhà khai thác cảng trong nước, nhà khai thác cảng và hãng tàu container quốc tế, các doanh nghiệp này có những tính toán và chiến lược khác nhau.

Trong bối cảnh mà hoạt động đầu tư và khai thác tại CM-TV đang rất cần sự chuyển biến để tối ưu hóa năng lực toàn cụm cảng, Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp điều chuyển vốn thông qua các doanh nghiệp nhà nước trong khu vực.

Cuối cùng, báo cáo của UNCTAD nhấn mạnh vai trò của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ các cảng nhỏ và vừa trong quá trình thích ứng với tình hình mới, hàm ý rằng Chính phủ cần hỗ trợ thông qua các công cụ chính sách để giúp các cảng nâng cao vai trò trong vùng hậu phương ảnh hưởng của mình, hơn là hướng đến việc cạnh tranh vị trí trung tâm trung chuyển quốc tế. Đề xuất này xuất phát từ dự báo của hãng tư vấn Drewry, rằng sản lượng hàng trung chuyển trên toàn thế giới sẽ duy trì ở mức ổn định, thậm chí có thể giảm nhẹ trong thời gian tới.

Rõ ràng là, cạnh tranh trong thị trường trung chuyển quốc tế, một thị trường rất khắc nghiệt, mà cái bánh không lớn thêm hoặc thậm chí còn nhỏ lại, là một lựa chọn đầy rủi ro. Đây là một nội dung lớn có liên quan trực tiếp đến CM-TV do cụm cảng này đang được định hướng trở thành cảng trung chuyển quốc tế, và sẽ là một nội dung nữa cần được nghiên cứu chi tiết trước khi ban hành bất cứ chính sách nào liên quan.(TBKTSG)
------------------------

Metro Bến Thành - Suối Tiên không còn vốn để giải ngân

UBND TPHCM cho biết dự án metro Bến Thành - Suối Tiên khối lượng hoàn thành từ đầu năm 2017 đến nay là 2.357 tỷ đồng nhưng vốn không còn đủ để giải ngân.

Theo đó, ngày 6/11, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, UBND TP đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về tình hình chuẩn bị, thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ tại thành phố.

Theo kế hoạch đã giao năm 2017 tại TPHCM, vốn ODA hơn 4.303 tỷ đồng, vốn đối ứng hơn 493 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay một số dự án trọng điểm của thành phố phải thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư, do đó các dự án này mặc dù đã ký kết Hiệp định vay nhưng chưa thể giải ngân theo yêu cầu của nhà tài trợ.

Vì vậy, TPHCM đề nghị các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ thành phố hoàn chỉnh thủ tục pháp lý để đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án (dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương...).

Cụ thể, đối với dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên năm 2017 được giao 2.119 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân là 2.112 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch vốn được giao và trong thực tế khối lượng hoàn thành từ đầu năm 2017 đến nay là 2.357 tỷ đồng nhưng vốn không còn đủ để giải ngân.

metro ben thanh - suoi tien

Metro Bến Thành - Suối Tiên

Cùng với đó dự án cải thiện môi trường nước TP HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) được giao 1.200 tỷ đồng, lũy kế giải ngân là 869 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch vốn được giao; dự án vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2 được giao 530 tỷ đồng, lũy kế giải ngân được 480 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch vốn được giao.

Đến nay, số vốn đã giao cho các dự án trên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu giải ngân thực tế của các dự án, do đó, UBND TP tiếp tục kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ bố trí vốn ODA đủ và kịp thời cho các dự án.

Bộ Tài chính hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc hoàn thành các thủ tục cần thiết để giải ngân vốn cho các dự án. Hỗ trợ UBND TP hoàn chỉnh các thủ tục điều chỉnh các dự án trọng điểm, hoàn thành công tác chuẩn bị dự án các dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Hướng dẫn UBND TP HCM hoàn chỉnh quy trình tiếp nhận các dự án sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại theo Nghị định số 48/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ về quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố.(NDH)
---------------------------

Putin chỉ đạo viện trợ Việt Nam 5 triệu USD sau bão Damrey

Tổng thống Vladimir Putin chỉ đạo chính phủ Nga viện trợ nhân đạo Việt Nam 5 triệu USD sau trận bão Damrey. 

 

bao damrey gay thiet hai lon va nguoi va tai san. anh: xuan ngoc.

Bão Damrey gây thiệt hại lớn và người và tài sản. Ảnh: Xuân Ngọc.

 

"Một máy bay IL-76 chở hàng viện trợ nhân đạo đang chuẩn bị sẵn sàng cất cánh tới Việt Nam, và Tổng thống ra lệnh viện trợ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 5 triệu USD", hãng Interfax dẫn lời Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống Putin hôm nay nói, dựa trên báo cáo của Bộ trưởng Các tình trạng Khẩn cấp Vladimir Puchkov. 

Tổng thống Putin đã họp với Thủ tướng Dmitry Medvedev, Bộ trưởng Puchkov và Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov về tình hình thiệt hại do bão lũ ở Việt Nam. 

Ít nhất 69 người chết, 30 người mất tích sau khi cơn bão Damrey đổ bộ các tỉnh Nam Trung Bộ từ ngày 4/11. Mưa bão cũng làm sập trên 1.300 ngôi nhà, gần 115.000 nhà tốc mái, hư hại; gần 1.300 tàu cá bị chìm, hư hỏng.

Bão đổ bộ đúng vào thời điểm Đà Nẵng đang tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC từ ngày 6-11/11. Do ẩnh hưởng của hoàn lưu bão, nhiều ngày qua Đà Nẵng mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến gần 11.000 nhà dân ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng bị ngập, trong đó hơn 300 hộ phải di dời, ước tính thiệt hại vật chất 44 tỷ đồng.(Vnexpress)
-----------------------

10 tháng đầu năm EVN phát điện thêm 9 tổ máy tổng công suất hơn 2.100 MW

Trong tháng 10/2017, EVN đã phát điện hòa lưới tổ máy thứ hai Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Lũy kế 10 tháng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa vào vận hành, phát điện thêm 9 tổ máy với tổng công suất là 2.135 MW.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Báo cáo tình hình hoạt động tháng 10 năm 2017 và mục tiêu, nhiệm vụ công tác tháng 11/2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cho biết, trong tháng 10, EVN đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân cũng như đảm bảo cung cấp điện đối với các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội.

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 10/2017 đạt 17 tỷ kWh (trung bình 550 triệu kWh/ngày), sản lượng ngày cao nhất đạt 579,9 triệu kWh (ngày 5/10) và công suất cao nhất toàn hệ thống là 28.490 MW (ngày 9/10).

Lũy kế 10 tháng sản lượng toàn hệ thống đạt 165 tỷ kWh, tăng 8,13% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 10/2017 ước đạt 15,1 tỷ kWh; lũy kế 10 tháng năm 2017 ước đạt 144,9 tỷ kWh, tăng 9,22% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng điện thương phẩm nội địa tăng 9,43%.

Báo cáo cũng cho biết, trong tháng 10/2017, trào lưu truyền tải vẫn theo hướng từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam với sản lượng điện truyền tải ước đạt 14,54 tỷ kWh. Công suất truyền tải cao nhất trên trên các đường dây 500kV Bắc - Trung là 2.000 MW và Trung - Nam gần 3.900 MW. Sản lượng truyền tải vào miền Nam khoảng 61,5 triệu kWh/ngày (tương đương 23,8% nhu cầu điện miền Nam).

Các hồ thủy điện nhìn chung nước tiếp tục về khá nên tổng sản lượng thủy điện đã được huy động cao hơn phương thức, các nguồn nhiệt điện than, tua bin khí huy động thấp hơn kế hoạch.

Do đó, công tác vận hành hệ thống điện, thị trường điện tháng 10/2017 được thực hiện theo Quyết định số 3698/QĐ-BCT ngày 26/9/2017 và tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh để phục vụ huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện khí theo khả năng cấp khí và khả dụng các nhà máy. Cũng theo Quyết định của Bộ Công Thương, thị trường phát điện cạnh tranh được khôi phục vận hành từ ngày 1/11/2017.

Ứng phó với diễn biến mưa lũ bất thường, EVN và các đơn vị tiếp tục tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc vận hành điều tiết các hồ thủy điện lớn ở phía Bắc.

Về đầu tư xây dựng, trong tháng 10/2017 đã phát điện hòa lưới tổ máy thứ hai Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Lũy kế 10 tháng, Tập đoàn đã đưa vào vận hành, phát điện thêm 9 tổ máy với tổng công suất là 2.135 MW, gồm: Thủy điện Trung Sơn (4x65MW), Nhiệt điện Thái Bình (2x300MW), Thủy điện Thác Mơ mở rộng (75MW), Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (2x600MW).

Về lưới điện, trong tháng 10, EVN và các đơn vị đã khởi công 7 công trình; hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 9 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500kV. Lũy kế 10 tháng năm 2017, đã khởi công 157 công trình, hoàn thành và đưa vào vận hành 172 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500kV.

Theo EVN, trong tháng 11/2017, EVN sẽ hoàn thành chạy tin cậy tổ máy thứ hai Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 để phát điện thương mại; nghiệm thu bàn giao các Nhà máy Thủy điện Trung Sơn, Thác Mơ mở rộng, Nhiệt điện Nghi Sơn 1...

Về lưới điện, trong tháng 11/2017 phấn đấu hoàn thành đóng điện các đường dây 220kV Hòa Bình - Tây Hà Nội, Bảo Thắng - Yên Bái, Thái Bình - Tiền Hải - Trực Ninh, nhánh rẽ 1C sau trạm biến áp 500kV Phố Nối; đường dây 220kV Quảng Ngãi - Quy Nhơn; hoàn thành đóng điện các đường dây 110kV Vĩnh Yên - Vĩnh Yên 2, Kim Động - Phố Cao, Hải Dương - Phố Nối, Than Uyên - Phong Thổ, Séo Chong Hô - Nậm Tóng - Sử Pán...(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục