tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-08-2018

  • Cập nhật : 01/08/2018

Doanh số bán lẻ của Nhật Bản phục hồi trong dấu hiệu chi tiêu tích cực

 Doanh số bán lẻ của Nhật Bản tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 6/2018 do sự gia tăng chi tiêu trong nhiên liệu, thiết bị và mỹ phẩm, trong một dấu hiệu tích cực rằng các hộ gia đình ngày càng tin tưởng vào nền kinh tế này.

Doanh số bán lẻ tăng 1,8% trong tháng 6/2018 là nhiều hơn ước tính trung bình 1,6%, sự gia tăng trong tháng 5/2018 là 0,6%.

Theo Bộ Thương mại, sau điều chỉnh theo mùa, doanh số bán lẻ cũng tăng 1,5% trong tháng 6/2018 so với sự sụt giảm 1,7% trong tháng trước.

Kinh tế Nhật Bản dự kiến phục hồi trở lại trong quý 2 so với sự sụt giảm trong quý 1, khi kết thúc đợt tăng trưởng dài nhất kể từ bong bóng kinh tế những năm 1980.

Tuy nhiên, sự gia tăng doanh số bán lẻ không thể đưa ra nhiều sự thỏa mái cho Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ), nơi đang vật lộn với lạm phát thấp và tác dụng phụ của chương trình nới lỏng tiền tệ.

Shuji Tonouchi, chuyên gia kinh tế thị trường tại công ty chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley cho biết “chi tiêu tiêu dùng đang dần cải thiện, vì thị trường lao động đang thắt chặt và mọi người đang nhận được tiền thưởng mùa hè của họ”. “Tôi vẫn lo lắng về chi tiêu do có nhiều công nhân làm bán thời gian. Giá không tăng vì thế BOJ sẽ cố gắng thay đổi thông điệp về chính sách của mình”.

Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 25 năm là 2,2%, điều mà nhiều nhà kinh tế nói sẽ hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng bằng cách tăng áp lực lên lương.

Có những nguy cơ tâm lý tiêu dùng có thể suy yếu nếu Nhật Bản bị vướng liên tiếp trong chính sách thương mại với Mỹ. Washington đã tham gia vào một tranh chấp nóng với Trung Quốc về thặng dư thương mại và có những lo lắng rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể cũng yêu cầu Nhật Bản thực hiện các biện pháp cụ thể để giảm thặng dư thương mại.

BOJ có thể giảm dự báo lạm phát của mình tại cuộc họp kết thúc vào ngày 31/7/2018 và có thể điều chỉnh chương trình kích thích khổng lồ của mình để chính sách tiền tệ ổn định hơn.(VITIC)
----------------------

Giá cả hạ nhiệt, CPI tháng 7 giảm nhẹ

Giá gạo, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế cùng giảm đã kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2018 giảm 0,09% so với tháng trước. Lạm phát tính tới thời điểm này là 3,45%, tiến khá sát đến mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay.

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2018 giảm 0,09% so với tháng trước, tăng 4,46% so cùng kỳ năm trước; tăng 2,13% so với tháng 12 năm trước.

Đây là diễn biến khá ngược với dự báo, bởi sau mức tăng 0,61% của tháng 6/2018, nhiều ý kiến lo ngại rằng, CPI sẽ tiếp tục xu hướng tăng, ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của cả năm.

Việc CPI tháng 7/2018 giảm tốc, thậm chí còn âm so với tháng trước đã góp phần quan trọng vơi bớt nỗi lo lạm phát cao quay trở lại trong năm nay. Tuy nhiên, dù CPI tháng 7 giảm nhẹ, CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng vẫn tăng 3,45%, tiến khá sát đến mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát giá cả thị trường để có thể đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã quyết nghị.

Quay trở lại với diễn biến CPI tháng 7, có thể thấy, so với các tháng 7 của khoảng 10 năm trở lại đây, đây là tháng có CPI gần như thấp nhất. Năm 2012, tháng 7 CPI cũng âm, nhưng mức âm là 0,29%.

Các tháng 7 còn lại của 10 năm trở lại đây, CPI đều tăng. Thậm chí, năm 2009, mức tăng lên tới 0,52%; năm 2011 bị đẩy lên 1,17%.

Theo Tổng cục Thống kê, việc CPI tháng 7/2018 giảm nhẹ so với tháng trước là do giá gạo, giá xăng dầu và cả giá dịch vụ y tế đều giảm.

Cụ thể, giá gạo giảm 0,8% so với tháng trước, do các tỉnh phía Bắc đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân nên nguồn cung dồi dào làm cho giá gạo ở các tỉnh phía Bắc giảm so với tháng trước. Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017, ở mức 385 USD - 395 USD/tấn giảm từ 10 USD đến 30 USD/tấn làm cho giá gạo trong nước giảm theo.

Tiếp đó, giá xăng dầu giảm 1,24% so với tháng trước, do ảnh hưởng của đợt giảm giá ngày 22/6/2018 và 23/7/2018, góp phần giảm CPI chung 0,05%.

Trong khi đó, giá dịch vụ y tế điều chỉnh giảm theo Thông tư số 15/2018/TT/BYT ngày 30/5/2018 của Bộ Y tế về việc quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, theo đó chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế giảm 7,58%, góp phần giảm CPI chung 0,29%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm hàng tăng. Cụ thể, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,56%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,43%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,37%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,26%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; giáo dục tăng 0,05%.

Ngoài ra, còn có 3 nhóm hàng giảm giá, bao gồm thuốc và dịch vụ y tế - giảm 5,85%; giao thông - giảm 0,52%; bưu chính - viễn thông - giảm 0,05%.

Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7/2018 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,41% so với cùng kỳ. 7 tháng đầu năm 2018, lạm phát cơ bản so cùng kỳ tăng 1,36%.

Trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, thực phẩm tươi sống, giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm 2018 so cùng kỳ ở mức 1,36%, phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.(Baodautu)
---------------------------

Không xuất khẩu quặng nguyên khai, tinh quặng vàng, đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molipden đến năm 2025, có xét đến năm 2035.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến quặng vàng, đồng, niken, molipden phải bảo đảm phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu khoáng của nền kinh tế; không xuất khẩu quặng nguyên khai, tinh quặng vàng, đồng.

Quy hoạch phấn đấu vào năm 2020 sản lượng khai tuyển đạt 146,433 nghìn tấn tinh quặng vàng, 216 nghìn tấn tinh quặng đồng, 103 nghìn tấn tinh quặng niken. Đến năm 2025 đạt 146,393 nghìn tấn tinh quặng vàng, 206 nghìn tấn tinh quặng đồng, 118 nghìn tấn tinh quặng niken, 1.500 tấn tinh quặng molipden.

Quy hoạch xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến quặng vàng, đồng, niken, molipden giai đoạn đến năm 2025 có xét đến năm 2035 đối với từng loại như sau: Quặng vàng khoảng 3.795 tỷ đồng, quặng đồng khoảng 2.830,5 tỷ đồng, quặng niken khoảng 2.151 tỷ đồng và molipden khoảng 620,4 tỷ đồng.

Nhà nước sẽ hoàn thiện, bổ sung các chính sách pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các dự án thăm dò, khai thác gắn với các dự án chế biến sâu kim loại vàng, đồng, niken và molipden. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác tuân thủ chính sách pháp luật về khoáng sản và môi trường, đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động; công bố công khai tọa độ ranh giới các dự án quy hoạch quặng vàng, đồng, niken và molipden.

Tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ ranh giới mỏ và các điểm mỏ mới được phát hiện và khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quặng vàng, đồng, niken và molipden quốc gia.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rà soát, chỉ đạo chủ đầu tư các dự án khẩn trương thực hiện công tác đánh giá, thăm dò các mỏ quặng vàng, đồng, niken, molipden đã cấp phép khai thác nhưng chưa được thăm dò tuân thủ theo quy định của pháp luật về khoáng sản; xử lý nghiêm theo quy định đối với các dự án không tuân thủ quy định của pháp luật về khoáng sản...(baohaiquan)
---------------------

Hàng hóa nhập khẩu theo Thỏa thuận khung giữa các tổ chức không được miễn thuế

Thỏa thuận khung được ký kết giữa Văn phòng AUF và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam không phải là văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam nên không coi là điều ước quốc tế, vì vậy không có cơ sở để miễn thuế NK.

Tổng cục Hải quan vừa có công văn trả lời Văn phòng đại diện AUF tại châu Á-Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) về việc đề nghị miễn thuế hàng hóa NK.

Phân tích quy định hiện hành, Tổng cục Hải quan cho biết, việc quy định miễn thuế đối với hàng hóa NK theo các Điều ước quốc tế được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Điều ước quốc tế số 108/2016/QH13; khoản 4 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK; điểm c, d khoản 1 Điều 5 Nghị định 134/2016/NĐ-CP; Điều 5, Điều 8 Luật thuế GTGT và Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Theo đó, Thỏa thuận khung được ký kết ngày 9/1/2013 giữa Tổ chức Agence Universitare de la Francophonie (Tổ chức phi Chính phủ được thành lập và hoạt động theo pháp luật của Canada) và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam không phải là văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam với tổ chức phi cCính phủ.

Vì vậy, Tổng cục Hải quan không có cơ sở để giải quyết miễn thuế NK và thuế GTGT đối với hàng hóa do Văn phòng AUF nhập khẩu theo nội dung Thỏa thuận khung trên.(Baohaiquan)

Trở về

Bài cùng chuyên mục