tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 22-09-2018

  • Cập nhật : 22/09/2018

Nhật Bản có thể phải “nhường” Mỹ để tránh chiến tranh thương mại

Nếu ông Trump hành động đúng như những gì đã cảnh báo Nhật, thì Thủ tướng Abe sẽ buộc phải đáp trả tương xứng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người vừa giành thêm một nhiệm kỳ cầm quyền thứ ba, sẽ đối mặt với một thế cân bằng mong manh khi ông có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần tới. Cuộc gặp này diễn ra giữa lúc Tokyo đang cố tránh để xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ - hãng tin CNBC cho hay.

Đầu tháng này, ông Trump phát tín hiệu cảnh báo có thể áp thuế bổ sung 25% lên xe hơi và phụ tùng ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản. Lời cảnh báo này được xem như một công cụ mặc cả để Washington giành được điều mà họ muốn có từ lâu với Tokyo - một thỏa thuận tự do mậu dịch (FTA).

Mỹ muốn FTA, nhưng Nhật thì không

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Nhật Bản lại không muốn có thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ và đang tìm ra những cách khác để "xoa dịu" ông Trump.

"Tôi nghĩ không có lý do gì để Nhật Bản xem nhẹ sự cảnh báo của ông Trump", ông Tobias Harris, Phó chủ tịch Teneo Intelligence, nhận định. "Bởi vậy, giờ đây Nhật Bản sẽ phải lựa chọn giữa hoặc có một số nhượng bộ với Mỹ về quyền tiếp cận thị trường, hoặc ngồi vào bàn đàm phán FTA".

Vấn đề này được dự báo sẽ là chủ đề chính trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật dự kiến diễn ra tại New York vào ngày 26/9.

Nếu được áp, thuế quan Mỹ sẽ gây tổn thất lớn cho kinh tế Nhật Bản, bởi xe hơi - mặt hàng đóng góp khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này - sẽ là sản phẩm "chịu trận" đầu tiên. Một hàng rào thuế quan của Mỹ đối với hàng Nhật cũng sẽ gây thiệt hại chính trị cho ông Abe, người vốn tự xem mình có mối quan hệ thân thiết với ông Trump - theo đánh giá của chuyên gia Harris.

Nếu ông Trump hành động như cảnh báo, ông Abe sẽ rơi vào một tình huống buộc phải trả đũa tương xứng, và điều đó sẽ đẩy mối quan hệ song phương Mỹ-Nhật xuống mức thấp. Đó chính là những gì đang diễn ra hiện nay giữa Mỹ với Trung Quốc, khi hai bên "ăn miếng trả miếng" bằng cách áp thuế lên hàng hóa của nhau.

"Một tình huống như vậy chắc chắn là điều mà ông Abe muốn tránh" ông Harris phát biểu.

Theo số liệu của cơ quan thống kê Mỹ, Nhật Bản hiện là quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico.

"Một mức thuế 25% áp lên xe hơi và phụ tùng ôtô xuất khẩu của Nhật Bản sẽ khiến lợi nhuận của các hãng xe Nhật giảm khoảng 50%", ông Jesper Koll, Giám đốc điều hành (CEO) của Wisdom Tree Japan KK, cảnh báo. "Đó là một mối đe dọa lớn từ bên ngoài mà Nhật Bản đang đối mặt và ông Trump thừa biết điều đó. Ông ấy đang mặc cả ở vị thế cao hơn".

Lựa chọn của ông Abe

Theo giới chuyên gia, có nhiều nhượng bộ mà Tokyo có thể đưa ra với Washington.

Ông Trump "muốn được nhìn nhận như một người thắng cuộc, nên vấn đề nằm ở chỗ ông Abe có thể đưa ra đề nghị gì để khiến ông Trump trông như người thắng", ông Koll nói, và phát biểu thêm rằng "Nhật Bản có nhiều lựa chọn có thể đưa ra để ông Trump được xem là thắng".

Chẳng hạn, Nhật Bản có thể mua thêm những mặt hàng xuất khẩu Mỹ như đậu tương, thịt bò và thiết bị quốc phòng. Một gói nhượng bộ về nông nghiệp có thể giúp ông Trump ghi điểm với cử tri là nông dân của Mỹ trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.

"Đó có thể là dạng thỏa thuận mà chính quyền ông Trump sẽ chấp nhận để chuyển sang các vấn đề khác, nhất là khi Mỹ và Nhật Bản đều đang muốn đoàn kết để chống lại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)" - ông Harris phát biểu.

Ngoài ra, ông Abe cũng có mở một quỹ để Nhật rót vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Mỹ - theo ông Koll.

Một số nhà phân tích lạc quan rằng Mỹ và Nhật Bản sẽ tìm được giải pháp, bởi đây là hai quốc gia có mối quan hệ liên minh chặt chẽ lâu năm.

Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, mối quan hệ gần gũi giữa hai bên có thể giúp giải quyết những khác biệt trong chính sách thương mại.

Ngoài ra, CSIS cũng cho rằng Nhật Bản có một số thế mạnh mặc cả: "Kinh nghiệm và cam kết của ông Abe về tăng cường liên minh Mỹ-Nhật có thể giúp định hình chính sách của Mỹ trong khu vực".

Ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà quan sát cho rằng ông Trump sẽ không "ra tay" ngay với Nhật Bản. "Có vẻ ông ấy còn mải đấu với Trung Quốc và giải quyết các vấn đề trong nước", chuyên gia kinh tế trưởng Takuji Okubo thuộc Japan Macro Advisors phát biểu. "Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Nhật là tương đối thấp, nên tôi cho rằng Nhật Bản tương đối an toàn".(vneconomy)
---------------------

WTO xem xét yêu cầu trừng phạt của Trung Quốc đối với Mỹ

WTO sẽ xem xét yêu cầu của Trung Quốc về việc trừng phạt Mỹ hàng năm vào khoảng hơn 7 tỷ USD (gần 6 tỷ euro) liên quan đến hành vi áp thuế chống bán phá giá của Washington.

 Hàng hóa được xếp tại cảng Dương Sơn, Trung Quốc ngày 25/7/2018. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo các nguồn tin thân cận tại Geneva, một trọng tài của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 21/9 sẽ xem xét yêu cầu của Trung Quốc về việc trừng phạt Mỹ hàng năm vào khoảng hơn 7 tỷ USD (gần 6 tỷ euro) liên quan đến hành vi áp thuế chống bán phá giá của Washington. 

Trước đó trong một cuộc họp đặc biệt của Cơ quan Giải quyết Tranh chấp WTO để bàn thảo về diễn biến trong tranh chấp thương mại đã kéo dài 5 năm giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, các thành viên đã đồng ý bổ nhiệm một trọng tài để giải quyết vụ tranh chấp này. 

Một nguồn tin thân cận với WTO cho biết rằng quá trình chỉ định trọng tài đã được tự động kích hoạt sau khi Mỹ thông báo với WTO rằng nước này phản đối mức độ trừng phạt do Trung Quốc đề xuất. 

Hồi đầu tháng này, Bắc Kinh đã cảnh báo rằng họ đã yêu cầu WTO cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại hàng năm trị giá hơn 7 tỷ USD đối với Washington. Trong một cuộc họp mới đây, đại diện của Trung Quốc nói rằng các biện pháp chống bán phá giá của Washington đã vi phạm nghiêm trọng lợi ích kinh tế và thương mại hợp pháp của Trung Quốc. 

Hồi tháng 12/2013, Trung Quốc đã khiếu nại lên WTO về động thái áp thuế chống bán phá giá của Mỹ, cho rằng cách đánh giá của Washington không tuân theo các quy định của WTO. Theo Bắc Kinh, Washington trong trường hợp này đã sử dụng biện pháp “quy về không” (zeroing), so sánh giá hàng nhập khẩu với giá hàng hóa tương đương trong nước để xác định biên độ bán phá giá. Giới chức Bắc Kinh cho rằng các biện pháp trên đã gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Trung Quốc. 

Đến tháng 10/2016, một ban chuyên gia của WTO đã đưa ra phán quyết có lợi cho Trung Quốc trong vụ khiếu nại này, bao gồm cả vấn đề biện pháp “quy về không” của Mỹ. Sang vào tháng 6/2017, Mỹ cho biết họ sẽ tiến hành thực thi các đề xuất của WTO trong một khung thời gian “hợp lý”. 

DSB đặt hạn chót đến ngày 22/8 Mỹ phải tuân thủ phán quyết nêu trên. Theo các quy định của WTO, nguyên đơn có thể yêu cầu được áp đặt các biện pháp trừng phạt lên bị đơn nếu hai bên không đạt thỏa thuận về mức bồi thường thỏa đáng trong vòng 20 ngày tính theo thời hạn do WTO đặt ra. 

Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng Mỹ không thực sự nỗ lực và không đạt được tiến triển nào trong việc thực hiện phán quyết của WTO. Theo văn kiện công bố ngày 11/9, mức độ thiệt hại do biện pháp chống bán phá giá của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc ước tính khoảng 7,043 tỷ USD/năm.(Bnews)
----------------------

Nga cáo buộc Mỹ muốn bóp nghẹt ngành xuất khẩu vũ khí

Điện Kremlin cho rằng lệnh trừng phạt Mỹ vừa áp đặt với quân đội Trung Quốc là nhằm gạt bỏ đối thủ trên thị trường vũ khí.

"Bằng cách cấm vận khách hàng mua vũ khí Nga và những người có liên hệ với quân đội Nga, Mỹ đang tìm cách bóp nghẹt các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực buôn bán vũ khí toàn cầu", Reuters dẫn tuyên bố hôm nay của phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Tuyên bố này được Moskva đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua áp đặt lệnh trừng phạt với Cục Phát triển Trang bị thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc và quan chức đứng đầu đơn vị này là tướng Lý Thượng Phúc vì đã mua tiêm kích Su-35S và hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Nga.

Quyết định này được ban hành theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA). Đây là lần đầu tiên Washington áp dụng CAATSA để trừng phạt một quốc gia vì giao dịch với Moskva.

Ông Peskov gọi các lệnh trừng phạt mới là mang tính thù địch và khó dự đoán, nhưng không cho biết Nga sẽ phản ứng thế nào. "Họ sử dụng biện pháp này thường xuyên đến mức mà một lệnh có thể ngáng chân lệnh mới", ông nói.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm nay cũng cho rằng Mỹ đang "đùa với lửa" bằng việc trừng phạt quân đội Trung Quốc vì mua vũ khí Nga, khẳng định hành động này của Washington ảnh hưởng đến sự ổn định toàn cầu.

Theo số liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình Stockholm, Mỹ đang là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới với thị phần 34% và khách hàng đến từ ít nhất 98 quốc gia trên thế giới. Nga xếp sau Mỹ khi xuất khẩu vũ khí đến 47 nước, chiếm 22% thị phần.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục