tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 21-05-2018

  • Cập nhật : 21/05/2018

Đồng Nai sẽ đóng cửa Khu công nghiệp Biên Hòa I vào cuối năm 2022

Đồng Nai sẽ đóng cửa Khu công nghiệp Biên Hòa I vào cuối năm 2022

Tỉnh ủy Đồng Nai vừa có buổi làm việc với các ngành trong tỉnh về việc di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I. Đây là vấn đề đã được Đồng Nai bàn bạc từ nhiều năm qua, song vì không đưa ra được thời gian cụ thể đóng cửa khu công nghiệp nên việc di dời vẫn dậm chân tại chỗ.

Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, hiện nay, di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I là vấn đề cấp bách, không thể trì hoãn thêm. Bởi hơn 1 triệu người dân Biên Hòa và hàng triệu dân các tỉnh Đồng Nam bộ phụ thuộc vào nước sông Đồng Nai nhưng do các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa I xả thải ra sông, khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

Được biết, đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I chậm trễ là do ngành chức năng của Đồng Nai mãi loay hoay, không đưa ra được thời điểm cụ thể đóng cửa khu công nghiệp này.

Từ đó thiếu cơ sở pháp lý, doanh nghiệp không chịu di dời, tỉnh vẫn không xử lý được. Để doanh nghiệp có sự chuẩn bị, sau buổi làm việc này, Đồng Nai sẽ thông báo cho các doanh nghiệp thời hạn cuối cùng mà họ phải chuyển đi.

Để đẩy nhanh di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I, Đồng Nai sẽ chấm dứt cho thuê và thu hồi đất của những doanh nghiệp đã hết hạn thuê đất. Với doanh nghiệp còn thời hạn thuê đất, tỉnh đưa vào danh sách thực hiện bồi thường để họ sớm chuyển đi.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, tỉnh Đồng Nai yêu cầu đến cuối năm 2022 sẽ đóng cửa Khu công nghiệp Biên Hòa I. Trước ngày 31/12/2022, tất cả doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động tại đây.

Theo đề án của Sonadezi, sẽ có 3 phương án bố trí, sắp xếp các vị trí đất ở, đất thương mại, dịch vụ, trung tâm hành chánh... tại KCN Biên Hòa 1 sau khi di dời các nhà máy.

Trong đó, phương án 1 có đất ở, đất ở kết hợp thương mại dịch vụ khoảng 114 ha (chiếm 29,7%), đất công cộng dịch vụ gần 99 ha, đất giao thông gần 62 ha, còn lại là đất dành cho cây xanh, du lịch, giáo dục.

Phương án 2, giảm đất ở kết hợp thương mại xuống còn 25%. Tăng đất công công dịch vụ, hành chánh từ 30% (phương án 1) lên 35%.

Ở phương án 3, giảm đất ở kết hợp với thương mại dịch vụ còn 22%, tăng đất công cộng dịch vụ, đất hành chánh, an ninh lên 37% diện tích đất toàn khu.

Một loạt các dự án hạ tầng kết nối như QL1, QL51, đường sắt trên cao Metro, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… đã và đang được xây dựng tạo điều kiện để KCN Biên Hòa 1 có thể trở thành khu đô thị thương mại, dịch vụ, là trung tâm của TP. Biên Hòa nói riêng và tỉnh Ðồng Nai nói chung.

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh Đồng Nai về việc di dời và chuyển đổi công năng, Sonadezi đã xây dựng đề án trên toàn bộ diện tích KCN Biên Hòa 1 hiện hữu là 324 ha. Số vốn dự kiến cho đề án chuyển đổi hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó riêng vốn đền bù, giải phóng mặt bằng gần 7.500 tỷ đồng và chi phí xây dựng hạ tầng khoảng 2.000 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Khu công nghiệp Biên Hòa I ra đời năm 1963, tổng diện tích 323ha. Mỗi ngày, các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây xả hơn 9.000m3 nước thải. Trong đó chỉ có khoảng 1.000m3 được đấu nối qua Khu công nghiệp Biên Hòa II để xử lý, phần còn lại các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Năm 2009, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng khu công nghiệp này.

Tại Khu công nghiệp Biên Hòa I hiện có khoảng 80 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 40 doanh nghiệp có hợp đồng thuê đất đến năm 2051.(CafeF)
-------------------------

Báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành chưa đạt yêu cầu

Báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành chưa đạt yêu cầu

Đó là thông tin từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Hội đồng thấm định nhà nước 2 dự án quan trọng quốc gia. Một trong số đó là dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Về dự án này, Bộ đã có văn bản ngày 17/4/2018 báo cáo Thủ tướng về kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo đó, hồ sơ dự án chưa đầy đủ, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án còn một số tồn tại, chưa đủ điều kiện trình Thủ tướng quyết định đầu tư dự án.

Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai khẩn trương bổ sung đầy đủ hồ sơ và tiếp thu các ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước vào Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để đủ điều kiện trình Thủ tướng quyết định đầu tư dự án.

Cũng liên quan đến dự án Sân bay Long Thành, phản ánh lên Quốc hội, cử tri Hà Nội đề nghị giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án, có giải pháp cụ thể đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ.

Còn cử tri An Giang đề nghị Quốc hội kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kịp thời việc triển khai dự án này để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, hạn chế lãng phí xảy ra.

Ủy ban Kinh tế trả lời, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia có tổng mức đầu tư lớn, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ nói chung và cả nước nói riêng. Việc triển khai dự án ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân. Xác định được tầm quan trọng của dự án, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành 3 nghị quyết về nội dung này.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, Quốc hội đã thông qua nghị quyết ngày 25/6/2015 về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nhằm đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ cũng như góp phần ổn định cuộc sống cho người dân có đất thu hồi trong vùng dự án, ngày 19/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 38 về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần. Và ngày 24/11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết số 53 về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Văn bản trả lời cử tri nêu rõ, các nghị quyết của Quốc hội luôn đặt ra nhiệm vụ và yêu cầu Chính phủ chỉ đạo công tác thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hiệu quả đầu tư; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình đầu tư.

Để tăng cường công tác giám sát việc thực hiện dự án, Quốc hội yêu cầu Chính phủ hàng năm phải báo cáo tình hình thực hiện, đồng thời, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

"Ủy ban Kinh tế với chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ tiếp tục thực hiện công tác giám sát, góp phần bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí", cơ quan trả lời cử tri khẳng định.(VNeconomy)
--------------------------

Đất Sài Gòn tăng giá gấp đôi sau 1 tháng, liệu có nguy cơ bong bóng?

Một số chuyên gia tham dự hội thảo "Giá bất động sản - thực hay ảo" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ở TP HCM ngày 18-5, nhận định rằng giá BĐS TP.HCM tăng nóng thời gian qua có nhiều yếu tố mà nguyên nhân chính là sự đẩy giá của giới cò đất, môi giới. Lý do khác là nhu cầu ở của người dân ngày càng tăng.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Phú Đông, cho rằng người đầu cơ, đầu tư hay mua nhà đất để ở đều góp phần làm cho thị trường sôi động. Trong đó, đáp ứng được nhu cầu của người mua nhà để ở là ưu tiên hàng đầu của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. 

Tuy nhiên, việc giá đất tăng, thủ tục phức tạp, thiếu chính sách hỗ trợ cũng như dòng vốn đã khiến thị trường căn hộ dưới 1,5 tỉ đồng đáp ứng nhu cầu thực của phần lớn người tiêu dùng đang rất hiếm, trong khi đó giá bán ở các phân khúc khác lại tăng rất mạnh.

Còn theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, là người đi mua nhà, ông thấy có những nơi tăng gấp đôi. Chỉ cách đây 1 tháng, ông đã từng đi xe máy tìm mua đất,  có những nơi tháng trước 600 - 700 triệu đồng thì tháng sau tăng lên 1,5 tỉ.

"Dựa trên thu nhập bình quân đầu người ở TP.HCM tương đương 2.000-2.500USD/người/năm, trong khi tốc độ tăng trưởng bất động sản tăng đến 60 - 70% là không hợp lý. Đây thực sự là tăng trưởng nóng. Lãi suất ngân hàng cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, giá nhà thì quá cao. Nếu với mức thu nhập bình quân này, để mua căn hộ 1,5 tỉ đồng thì họ phải mất 20 năm mới trả hết nợ của ngôi nhà", ông Khương chia sẻ.

Cũng theo ông Khương, giá bất động sản tăng "nóng" thời gian qua có nhiều yếu tố. Trong đó có sự đẩy giá của các thành phần môi giới . Còn ở góc độ người tiêu dùng nhu cầu ở của người dân là có thật. Hiện nay, TP.HCM có khoảng 10 triệu dân, thì có 2 - 3 triệu là người dân ngoại tỉnh đến TP.HCM sinh sống và làm việc, nên có nhu cầu về nhà ở. Bên cạnh đó thì tích lũy của người dân nhiều hơn.

Còn theo ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng TP.HCM, thời gian qua có hiện tượng một số người dân và nhà đầu tư nhỏ lẻ chuyển hướng về quận 2, quận 9 mua nhà ở thấp tầng, riêng lẻ và đất nền khiến giá nhà, đất khu vực này tăng cao. 

Ông Sơn nhận định rằng nguyên nhân của sự chuyển hướng này là do cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông ở khu vực này phát triển mạnh; ý tưởng hình thành khu đô thị sáng tạo ở khu Đông TP (quận 2, 9 và Thủ Đức) đã thành hình; các vụ cháy chung cư cao tầng liên tiếp ở Hà Nội và TP.HCM làm tâm lý người dân bị ảnh hưởng...

"Theo tôi, sự tăng giá của sản phẩm theo thời gian, khoảng 5%-10% cùng với sự hoàn thiện của cơ sở hạ tầng là phù hợp. Tuy nhiên, nếu giá đất nền tăng đột biến như hiện nay, có nơi tới 70% chỉ trong vài năm là hoàn toàn không phản ánh đúng giá trị thực của sản phẩm", ông Sơn chia sẻ.

Do vậy, người dân khi chọn mua sản phẩm nhà ở, cần chọn sản phẩm có hạ tầng giao thông, tiện ích, tiến độ sản phẩm có hình thành theo thời gian. Cạnh đó, nên lưu ý một số khu vực có giá tăng đột biến, những khu vực này khi mua thì cần thận trọng. Tránh mắc bẫy tạo tâm lý đám đông để thổi giá của cò.

Theo ông Sơn, sắp tới, TP.HCM sẽ chuẩn bị quỹ đất sạch để ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm nhà ở giá rẻ nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia quản lý, phát triển và cho thuê. TP.HCM đặt mục tiêu tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 40 triệu m2. 

Trong đó, nhà ở xã hội được triển khai đầu tư với quy mô khoảng 44.000 căn hộ, tổng diện tích đất 135 ha. Còn nhà ở thương mại sẽ phát triển theo nhu cầu thị trường. Đặc biệt, sau năm 2020, TP.HCM sẽ dùng quỹ đất sạch có sẵn cận các tuyến metro, các khu giao lộ lớn vùng ven để cho doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà cho thuê dài hạn với giá tốt, đáp ứng nhu cầu cho người ở thật. 

"Doanh nghiệp chỉ cần bỏ vốn ra đầu tư xây nhà cho thuê chứ không cần đóng tiền sử dụng đất, ông Sơn khẳng định.

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín phân tích, ở góc độ kinh tế học có 4 yếu tố tác động tới giá bất động sản: giá trị thị trường bao gồm chi phí xác lập, chi phí marketing, quản lý dự án… ; giá trị tiền tệ (nguồn cung tiền, nguồn FDI, nguồn vốn kiều hối…) hay còn nói là lượng cung tiền của nền kinh tế; lượng cung - cầu của thị trường; yếu tố cạnh tranh.

Theo đó, một sản phẩm tăng giá vượt quá 15-17% là tăng nóng, vượt quá khả năng tạo ra thu nhập của thị trường, sức lao động của xã hội. Giá ảo khi thông tin không thực tế, không xác thực với quy hoạch của Nhà nước. Chẳng hạn một dự án 5 năm mới hoàn thành nhưng lại tung tin đồn 2 năm đã hoàn thành.

Hiện trên 70% dòng vốn tín dụng ngân hàng chảy vào bất động sản. Thời gian vừa qua, ngân hàng đã đáp ứng nguồn vốn trung dài hạn vào bất động sản. Sắp tới các ngân hàng sẽ hạn chế nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Đồng thời, tỷ lệ rủi ro cho vay bất động sản cũng dược tăng từ 150% lên 250% theo quy định của Thông tư 06. Như vậy dòng vốn sẽ được siết lại.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục