tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 23-05-2018

  • Cập nhật : 23/05/2018

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục có thêm nhiều dấu hiệu sáng

Bộ Lao động Mỹ ngày 17/5 cho biết số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này trong tuần kết thúc vào ngày 12/5 tăng 11.000 lên 222.000 đơn (mức đã điều chỉnh theo mùa).

nen kinh te my tiep tuc co them nhieu dau hieu sang

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục có thêm nhiều dấu hiệu sáng

Thị trường lao động Mỹ hiện được đánh giá đang tiến đến mức có thể đáp ứng một cách đầy đủ nhất về việc làm, khi tỷ lệ thất nghiệp áp sát mức thấp trong 17 năm rưỡi qua là 3,9%. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã dự đoán con số này sẽ là 3,8% vào cuối năm nay. Số lượng người nhận trợ cấp sau tuần hỗ trợ đầu tiên giảm 87.000 người trong tuần kết thúc vào ngày 5/5, xuống 1,71 triệu người – mức “đáy” kể từ tháng 12/1973.

Kathryn Asher, chuyên gia kinh tế tại Moody’s Analytics ở Pennsylvania (Mỹ), cũng nhận định thị trường lao động Mỹ đang hướng đến việc thắt chặt hơn.

Conference Board, tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu có trụ sở tại New York (Mỹ), ngày 17/5 công bố báo cáo cho thấy chỉ số kinh tế dẫn đầu của Conference Board tăng 0,4% trong tháng 4/2018, sau mức tăng tương tự ghi nhận trong tháng 3/2018. (Chỉ số kinh tế dẫn đầu của Conference Board là thước đo hoạt động kinh tế tương lai của Mỹ). Kết quả này phản ánh khả năng đà tăng trưởng mạnh sẽ tiếp tục được duy trì ở nước này trong nửa cuối năm nay.

Một báo cáo cập nhật của Liên hợp quốc ngày 17/5 nhận định nền kinh tế Mỹ đang vận hành ở mức gần hết công suất hoặc đã hết công suất. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ được dự đoán tăng trưởng 2,5% trong năm 2018 và 2,3% trong năm 2019.(Vietnam+)
-----------------------

Đà Nẵng khởi kiện 32 nhân tài vi phạm hợp đồng

Ngày 21-5, tin từ Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) cho hay đã nộp đơn khởi kiện 32 người tại TAND các cấp để yêu cầu bồi hoàn kinh phí.

Đà Nẵng khởi kiện 32 nhân tài vi phạm hợp đồng - Ảnh 1.

Khu vực một cửa tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Trong đó, tám trường hợp đang trong quá trình xét xử tại TAND các cấp, 10 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn thi hành án. Ba trường hợp đã bồi hoàn xong sau phiên xét xử sơ thẩm. 11 trường hợp Trung tâm rút đơn khởi kiện do học viên hoàn thành việc bồi hoàn trước khi vụ án đưa ra xét xử.

Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng (Đề án 922) bắt đầu triển khai từ năm 2004. Hợp đồng đào tạo học viên ràng buộc rằng sau khi tốt nghiệp các học viên phải trở về làm việc cho TP ít nhất bảy năm.

Theo Trung tâm, đến nay có 647 lượt học viên đi học theo Đề án 922 . Có 93 người xin rút khỏi đề án. Trong đó có 40 người xin rút khi đã nhận công tác và 47 học viên vi phạm hợp đồng. Còn lại là các học viên không đạt kết quả theo yêu cầu của đề án.

Đối với 40 học viên xin rút khi đã nhận công tác, các lý do đưa ra chủ yếu liên quan đến yếu tố gia đình (đoàn tụ với vợ/chồng), lý do sức khỏe hoặc muốn tìm công việc khác.

Theo lãnh đạo Trung tâm này, khi học viên có nguyện vọng xin ra khỏi đề án, cơ quan quản lý đề án trước khi tham mưu cấp có thẩm quyền đều mời học viên và phụ huynh học viên (nếu có) đến làm việc để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, tìm cách giải quyết các vướng mắc (nếu có) cũng như động viên học viên tiếp tục công tác.

Đồng thời cơ quan quản lý đề án thông báo cụ thể đến học viên và phụ huynh quy định liên quan việc bồi hoàn kinh phí trong trường hợp học viên xin ra khỏi đề án.

Thông tin cách thức xử lý trong trường hợp học viên không hoàn thành nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định cũng được công khai đến từng gia đình học viên.(PLO)
-----------------------

Thêm 8 tỉnh được điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất

Chính phủ vừa ban hành các Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của 8 tỉnh: Yên Bái; An Giang; Bình Dương; Lai Châu; Kon Tum; Cao Bằng; Lào Cai và Sơn La.

Chính phủ yêu cầu UBND 8 tỉnh trên xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.

Bên cạnh đó, quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất; khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và đã cho thuê.

Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở với đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuế đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật đất đai...

Trước đó, hồi đầu tháng 5 vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020 của 13 tỉnh là Hà Nam, Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Bình, Nghệ An, Gia Lai, Khánh Hòa và Vĩnh Phúc.(VNeconomy)
---------------------------

Thị trường Fintech Việt Nam có thể đạt gần 8 tỷ USD năm 2020

Thị trường Fintech Việt đã đạt 4,4 tỷ USD vào năm 2017 và sẽ đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam cũng có thể nổi lên như một quốc gia dẫn đầu trong phát triển các giải pháp Fintech.

Sức ảnh hưởng của Fintech đang ngày càng mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo PricewaterhouseCoopers, các Startup Fintech đã thu hút hơn 40 tỷ USD trong 4 năm qua. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã nhận được gần 15 tỷ USD đầu tư vào Fintech từ 1/2016 đến 2/2017. Cơ hội trong lĩnh vực Fintech là điều rõ ràng nhận thấy và Việt Nam không đứng ngoài sân chơi đó. 

Không có giới hạn

Thị trường Fintech Việt đã đạt 4,4 tỷ USD vào năm 2017 và sẽ đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020, nghiên cứu của Solidiance cho biết. Tổ chức này cho rằng có nhiều yếu tố hỗ trợ như tỷ lệ thâm nhập cao của internet và điện thoại thông minh tại các trung tâm đô thị, ví điện tử ngày càng phổ biến, thu nhập và tiêu dùng tăng, thương mại điện tử phát triển.

Chỉnh phủ Việt Nam cũng đang có vai trò tích cực khi tạo một khung pháp lý ngày càng có tính hỗ trợ, thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo Fintech và các biện pháp khác. Nếu Chính phủ thành công trong kế hoạch 70% dân số sử dụng tài khoản ngân hàng trong 2 năm tới, điều này sẽ còn đẩy nhanh sự phát triển của thị trường Fintech hơn nữa. 

Ông Michael Sieburg, chuyên gia tại Solidiance cho rằng có nhiều phụ thuộc vào động thái của Chính phủ Việt Nam trong vài năm tới. "Phải định hướng sự phát triển của Ban chỉ đạo Fintech NHNN, đây là bước đi quan trọng và thể hiện cách tiếp cận nghiêm túc của Chính phủ trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý hướng Fintech đi lên. Một vấn đề chủ chốt nữa là tốc độ các sản phẩm và dịch vụ mới được hướng dẫn pháp lý ra sao để họ có thể dự đoán được thị trường và giảm thiểu rủi ro", ông Michael Sieburg nói. Ông cũng lưu ý rằng thời gian phê duyệt quá dài đối với giấy phép có thể cản trở sự sáng tạo khiến Việt Nam khó trở thành người đi đầu trong Fintech.

Đẩy mạnh kỹ thuật số

Hiện nay, các giải pháp thanh toán kỹ thuật số chiếm đến 89% thị trường Fintech tại Việt nam. Dự đoán của Solidiance, các lĩnh vực tài chính cá nhân và doanh nghiệp sẽ lần lượt tăng 31,2% và 35,9% đến 2025. Sự tăng trưởng này một phần đến từ việc Chỉnh phủ chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Năm ngoái, Việt Nam đã công bố kế hoạch giảm các giao dịch tiền mặt tại các trung tâm mua sắm, cửa hàng tạp hóa và các nhà phân phối xuống dưới 10% năm 2020.

Trước khi đạt được điều này, Việt Nam cần cải thiện chỉ số tài chính toàn diện. Tính đến năm 2014, theo World Bank chỉ có 31% người trưởng thành tại Việt nam có tài khoản giao dịch chính thức. Có nhiều lý do như chi phí cao, thủ tục nhiều giấy tờ, khách hàng khó tiếp cận dịch vụ và nghi ngờ trong lĩnh vực tài chính.

Điện thoại di động đóng vai trò chất xúc tác

Ông Sieburg cho biết tỷ lệ thâm nhập cao của điện thoại thông minh tại Việt Nam sẽ là yếu tố hỗ trợ cải thiện chỉ số tài chính toàn diện. Đến 2017, 84% người dùng điện thoại di động tại Việt Nam là sử dụng Smartphone. Ứng dụng thanh toán điện tử sẽ thu hút người khó truy cập vào hệ thống ngân hàng truyền thống, mở đường cho xu hướng thanh toán không tiền mặt. "Các thanh toán điện tử sẽ thay đổi không chỉ đối với thị trường bán lẻ và thanh toán hóa đơn mà còn cho các dịch vụ công giữa chính phủ và người dân, hiện đang là một thách thức ở một số khu vực nông thôn", ông nói.

"Trong thập kỷ tới, Việt nam sẽ nổi lên như một nơi dẫn đầu trong phát triển các giải pháp sáng tạo Fintech. Năng lượng đang rất lớn tại đây, người dân sẵn sàng đón nhận công nghệ mới, sự năng động, trẻ trung, sáng tạo,…Tôi háo hức muốn biết tương lai phía trước của Việt Nam sẽ như thế nào", ông Sieburg nói.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục