tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-07-2016

  • Cập nhật : 19/07/2016

Việt Nam xuất siêu 1,7 tỷ USD

Cán cân thương mại thặng dư, Việt Nam tiếp tục là quốc gia xuất siêu với trị giá 1,7 tỷ USD nửa đầu năm 2016...

Tổng Cục Hải quan vừa công bố tình hình xuất nhập khẩu nửa năm 2016. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt hơn 82 tỷ USD, tăng 5,7% tương ứng tăng gần 4,44 tỷ USD so với cùng kỳ.

Trong đó, giá trị giá xuất khẩu hàng hóa nhóm doanh nghiệp FDI đạt 57,34 tỷ USD, chiếm 69,8% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu đạt hơn 80,43 tỷ USD, giảm nhẹ 0,8% (tương ứng giảm 684 triệu USD) so với cùng kỳ. Trong đó, khối FDI đóng góp khoảng 47,1 tỷ USD, chiếm 58,6% tổng trị giá nhập khẩu Việt Nam.

 

Xuất khẩu 10 nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất từ 15/06 đến 30/06/2016 và lũy kế đến hết tháng 6/2016.

Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 162,57 tỷ USD, tăng 2,4%, tương ứng tăng hơn 3,76 tỷ USD so với cùng kỳ.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 104,44 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Mức xuát siêu hàng hóa cả nước lên tới gần 1,7 tỷ USD, trong đó, khối doanh nghiệp FDI đạt 10,25 tỷ USD.(Xaluan)

1 năm Luật Doanh nghiệp mới: Hơn 100 nghìn doanh nghiệp ra đời

Kể từ ngày 01/7/2015 đến 01/7/2016, đã có gần 106 nghìn doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp mới, số vốn đăng ký đạt gần 768 nghìn tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, so với cùng kỳ, số doanh nghiệp đã tăng 27,8%, trong khi số vốn tăng tới 42,4%.

Về đăng ký doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đã có 1.660 doanh nghiệp FDI được thành lập trong giai đoạn này với tổng số vốn hơn 62 nghìn tỷ đồng, bình quân 37,5 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng cao. Cả nước có thêm 54.500 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 427 nghìn tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tư duy cải cách trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng với những thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua đã thực sự khích lệ tinh thần khởi nghiệp, tạo một làn sóng thành lập doanh nghiệp nửa cuối năm 2015 và duy trì đà tăng cho đến nay. Trong các tháng cuối năm 2015, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng cao đặc biệt. Tại một số thời điểm, số vốn cam kết đưa vào thị trường tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.

Cũng theo bà Trần Thị Hồng Minh, trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc thực hiện các quy định của Luật Đầu tư về điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, với gần 50 nghị định về điều kiện kinh doanh. Chính phủ và các Bộ, ngành đã làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc để rà soát, cắt giảm được khá nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, trái với quy định của Hiến pháp và Luật Đầu tư.

Ngoài ra, ngay sau khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được ban hành, Bộ KH&ĐT đã khẩn trương nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhằm đáp ứng các quy định về pháp lý mới đối với công tác đăng ký doanh nghiệp. Chỉ riêng trong 06 tháng đầu năm 2016, trên cả nước đã có 2.704 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử thành công, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó có 1.744 hồ sơ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, chiếm 64,4% tổng số hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử.

Luật Đầu tư còn vướng nhiều

Cũng theo bà Trần Thị Hồng Minh, trong thực tế triển khai, việc áp dụng các quy định tại hai văn bản Luật mới gặp một số khó khăn, vướng mắc là điều không tránh khỏi. Về cơ bản, những vướng mắc phát sinh thời gian qua do có sự khác nhau giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư, chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, nhà ở, bất động sản và các ngành dịch vụ chưa mở hoặc mở hạn chế đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

So sánh một cách khách quan thì các vấn đề, vướng mắc phát sinh liên quan đến thực thi Luật Doanh nghiệp không nhiều; tính chất của các vướng mắc phát sinh chủ yếu mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ, thái độ và cách thức làm việc của các công chức, cơ quan có liên quan. Đối với Luật Đầu tư, do quy mô và mức độ đổi mới rất lớn, được thực hiện trên phạm vi rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật, nhiều cơ quan nhà nước trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau từ Trung ương đến địa phương, nên phát sinh khá nhiều vấn đề vướng mắc cần được nghiên cứu, xem xét giải quyết.

Sự khác nhau, không tương thích, không phù hợp thể hiện ở một số nội dung, ví dụ như khác nhau về trật tự các thủ tục cụ thể (điển hình là thủ tục đánh giá tác động môi trường quy định trong Luật Bảo vệ môi trường), khác nhau về quy trình thủ tục, thẩm quyền giải quyết một số thủ tục đầu tư;

Bà Minh cho biết hiện nay, Bộ KH&ĐT với sự hỗ trợ của Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cũng đã nhận diện và đánh giá khá đầy đủ các vướng mắc nêu trên và đã báo cáo Chính phủ để có phương án xử lý đối với các vướng mắc này. Một mặt, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời giải quyết dứt điểm các vướng mắc nêu trên theo yêu cầu của Chính phủ.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung vào hai nhiệm vụ chính; đó là tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo tinh thần các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện.(chinhphu.vn)

Khó tiếp cận quỹ bảo lãnh tín dụng

Nếu các quỹ bảo lãnh tín dụng vẫn yêu cầu phải có tài sản bảo đảm mới được bảo lãnh vay vốn thì rất khó để mô hình này trở thành “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 15-7, một lãnh đạo Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP HCM cho biết đang rất mệt mỏi do phải liên tục giải trình về những khoản nợ doanh nghiệp (DN) vay ngân hàng nhưng không trả được. Không chỉ phải xử lý và thu hồi nợ mà những người hoạt động trong các quỹ bảo lãnh để xảy ra nợ xấu có khả năng phải chịu trách nhiệm về pháp luật. DN muốn được bảo lãnh thì phải có tài sản thế chấp như vay ngân hàng.

“Giống tiệm cầm đồ cao cấp!”

Giám đốc một DN nhỏ trong lĩnh vực sản xuất quần áo trẻ em cho rằng vốn luôn cần thiết với DN, nhất là DN nhỏ và vừa trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, không phải lúc nào DN cũng tiếp cận vốn dễ dàng từ ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp. “Chỉ nghe quỹ bảo lãnh mà phải có tài sản thế chấp như đi vay ngân hàng là không DN nào tới rồi. Không có vốn thì DN rất khó bàn tới chuyện đổi mới máy móc, công nghệ để sản xuất hàng có giá cạnh tranh” - vị giám đốc này nói.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, nhìn nhận tất cả DN đều cần vốn nhưng nhóm nhỏ và vừa khó tiếp cận hơn do không có tài sản thế chấp, báo cáo tài chính, báo cáo thuế cũng chưa rõ ràng. Trước đây, những DN này có thể đến quỹ bảo lãnh tín dụng để được bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng. Khoảng 2 năm nay, hoạt động bảo lãnh của các quỹ bị đình trệ. Có rất nhiều DN tìm đến quỹ nhưng đành ra về vì không có tài sản thế chấp, không có báo cáo tài chính rõ ràng…

Thực tế, từ khi có Quyết định 58/2013 của Chính phủ về quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng và Thông tư 147/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quyết định này, gần như mọi hoạt động bảo lãnh của các quỹ ngưng trệ. Theo Quyết định 58, để được bảo lãnh, DN phải có tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai làm tài sản bảo đảm. Nhiều quỹ nhận hồ sơ của DN nhưng không bảo lãnh được vì vướng quy định về tài sản thế chấp… Không riêng TP HCM, báo cáo hoạt động từ các quỹ bảo lãnh tín dụng ở Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội cũng nhìn nhận vướng mắc nhất hiện nay trong hoạt động là quy định về tài sản bảo đảm và bảo toàn vốn.

Theo PGS-TS Hạ Thị Thiều Dao, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, các quy định trên không khác nhiều so với tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng thương mại. Nếu đủ tài sản thế chấp, DN đến ngân hàng vay vốn, chứ đâu cần quỹ bảo lãnh. Điều DN cần là bảo lãnh các khoản vay không có tài sản thế chấp. Tài sản hình thành trong tương lai cũng chỉ vay đầu tư mới có, các phiếu mua bán ngắn hạn không có loại tài sản này.

“Dù DN có dự án tốt nhưng không có tài sản thế chấp thì cũng rất khó được quỹ bảo lãnh. Ngay tại TP HCM, nhiều DN cũng không thể tiếp cận được vốn vay thông qua quỹ bảo lãnh vì quy định này. Chưa kể việc bảo lãnh phải có rủi ro khi DN không thuận lợi nhưng lại quy trách nhiệm cho các quỹ trong việc để mất vốn là chưa hợp lý” - ông Phạm Ngọc Hưng nhìn nhận.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, một trong những người góp ý thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng đầu tiên tại TP HCM nhưng giờ phải ví von quỹ bảo lãnh mà bắt DN phải có tài sản thế chấp giống như “tiệm cầm đồ cao cấp”.

Đến giờ, các quỹ chỉ hoạt động cầm chừng hoặc “ngồi chơi xơi nước”. Qua gần 10 năm hoạt động, Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP HCM đã có những thành công bước đầu nhưng lại “thụt lùi” trong vài năm gần đây. Theo thống kê gần nhất của nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, đến nay quỹ này mới bảo lãnh được 120 lượt DN và đến cuối năm 2014, số DN đang được quỹ bảo lãnh là 14 với số dư bảo lãnh là 241,8 tỉ đồng.

Sớm gỡ vướng mắc

Mới đây, dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng đề cập cần nâng cao năng lực tài chính cho các quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh DN vay vốn tại ngân hàng. Trong Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ tại địa phương, trình Chính phủ trong quý III/2016.

Trao đổi với phóng viên Báo Báo, một lãnh đạo Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP HCM cho rằng nếu không có cơ chế cấp bù cho quỹ phần rủi ro có thể mất đi từ hoạt động của DN thì rất khó hoạt động. Do một số khoản nợ DN không trả vì gặp khó khăn, chuyển thành nợ khó đòi nên gần đây, lãnh đạo của quỹ liên tục phải giải trình với thanh tra. “Gần chục năm hoạt động, rủi ro của quỹ bảo lãnh không bao nhiêu nhưng lại hỗ trợ rất nhiều cho DN trong sản xuất kinh doanh. Giờ các DN rất cần bảo lãnh để vay vốn ngân hàng nhưng với yêu cầu phải có tài sản thế chấp và quy trách nhiệm cho quỹ khi để mất vốn thì quá khó” - vị lãnh đạo này phân trần.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng cần thay đổi cơ chế trong hoạt động bảo lãnh của các quỹ như việc mở rộng điều kiện “dễ thở” hơn thay vì quy trách nhiệm trong việc làm thất thoát vốn, để phát sinh nợ khó đòi… Hoạt động của các quỹ bảo lãnh cần được nhìn nhận khi DN vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, đóng thuế cho ngân sách chứ không chỉ dựa trên phí bảo lãnh thu được. Theo ông Phạm Ngọc Hưng, các ngân hàng thương mại cũng cần san sẻ trong việc khoản vay được bảo lãnh gặp rủi ro do không theo dõi quản lý chặt dòng tiền của DN chứ không thể “phó mặc” cho các quỹ bảo lãnh.(XL)

Dự án 37 triệu USD vào nông nghiệp ở Quảng Trị: Không được gia hạn giải quyết vướng mắc thêm một lần nào nữa

Sau khi thăm thực địa diện tích khoảng 200ha của dự án trồng cây mắc ca ở huyện Hướng Hóa và nghe báo cáo vướng mắc mà dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 36,9 triệu USD này đang gặp phải, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ra "tối hậu thư" với các đơn vị liên quan, rằng: "Phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc của dự án này, hạn cuối đến giữa tháng 8.2016".

Không chấp nhận đền bù giá quá cao

Như Báo Lao Động số 149 ngày 29.6.2016 đã có bài viết "Dự án 37 triệu USD vào nông nghiệp ở Quảng Trị: Nguy cơ phá sản do không được bàn giao đất" - phản ánh những vướng mắc tại dự án có 100% vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại địa bàn miền núi Hướng Hóa. Trong đó, trở ngại lớn nhất khiến dự án này đứng trước nguy cơ phá sản là chưa được Nhà nước cấp đủ diện tích đất như cam kết (250ha/600,5ha đã đền bù), trong lúc hàng triệu cây giống được ươm trồng đã đến thời kỳ xuống đất.

Ông Huỳnh Văn Trí - Chủ tịch HĐTV Cty TNHH My Anh - Khe Sanh (gọi tắt Cty My Anh) - là người đã đưa dự án nông nghiệp trên về Quảng Trị. Ông Trí nói, ông chọn đất ở huyện miền núi Hướng Hóa để đầu tư vào, với mong muốn thay đổi vùng đất khó này. Hiện tại, bằng vốn tự có của mình, ông Trí đã chuyển về Việt Nam 7 triệu USD/36,9 triệu USD để thực hiện dự án. Dù chỉ mới "khởi động" trên diện tích được bàn giao hơn 200ha, nhưng dự án này đã giải quyết việc làm cho hơn 100 nhân công (hơn 60 người là đồng bào thiểu số) với mức lương từ 4 đến 6 triệu đồng.

Theo ông Trí, Cty đã được UBND tỉnh Quảng Trị cho thuê đất với diện tích hơn 649ha, Cty đã đền bù giải phóng mặt bằng hơn 600ha. "Nhưng diện tích thực tế đã giao cho Cty khoảng hơn 250ha, phần còn lại chưa xác định và đang tranh chấp. Tôi nhận thấy có sự thiếu thống nhất trong việc thu hút đầu tư, triển khai thực hiện và giải quyết các vướng mắc, dẫn đến chuyện chậm giao đất. Thậm chí, còn có sự kích động, cản trở việc thực hiện dự án" - ông Trí nói.

Giải thích về những khó khăn chưa được tháo gỡ liên quan đến dự án của Cty My Anh, ông Võ Thanh - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa nói rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, khó khăn nhất là việc sổ đỏ của người này, nhưng người khác lại canh tác. Cụ thể, khi huyện và Cty My Anh tiến hành đền bù ở diện tích 600ha, người dân họ tự nguyện giao sổ đỏ. "Do thời gian gấp rút và diện tích 600ha quá lớn, chúng tôi chỉ đi thực địa một số nơi chứ không đi hết được, nên cho dân ký nhận tiền. Không ngờ, trong số 600ha đất có chủ đó, một số diện tích người đồng bào thiểu số ở bản Rrô tự ý vào canh tác, một số diện tích lại do người dân bản Mới (xã Đak Rông, huyện Đak Rông) vào xâm canh" - ông Thanh cho biết. Cũng theo ông Thanh, huyện đã đến vận động từng hộ dân giao lại đất, hiện còn 13 hộ chưa chịu di dời. "Họ đã một lần tái định cư khi thi công thủy điện Rào Quán nên rất khó khăn. Chúng tôi đang tìm quỹ đất, khai hoang rồi vận động họ đến đó canh tác" - ông Thanh cho biết thêm.

Bên cạnh đó, một phần diện tích đất khá lớn của Cty CP MDF VGR Quảng Trị (hơn 102,5ha) đã được thống nhất sẽ bàn giao cho Cty My Anh nhưng chưa thực hiện được. Hiện tại, mức giá bồi thường mà Cty MDF đưa ra cho diện tích đất trên là hơn 4 tỉ đồng. Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói rằng, ông nghe các đơn vị liên quan báo cáo việc Cty MDF đưa ra số tiền đền bù quá lớn. "Số tiền đền bù hơn 4 tỉ đồng là không phù hợp với thực tế, vì rừng ở đây trồng xen. Việc Cty MDF đưa ra giá cao như vậy không chấp nhận được" - ông Đồng nhận định.

Giữa tháng 8 là hạn chót

Tại buổi họp vào ngày thứ 7 (16.7.2016), sau khi nghe các bên báo cáo kết quả thực hiện giao đất cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hướng Hóa, ông Hà Sỹ Đồng đề nghị các đơn vị liên quan cần thống nhất tư tưởng để phối hợp giải quyết các vướng mắc.

Ông Hà Sỹ Đồng giao cho Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Trị vào đầu tuần tới sẽ phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa đi kiểm tra thực địa, cắm mốc ranh giới để làm rõ diện tích đất đang thiếu. "Sai ở đâu mà thiếu đất, Sở Tài nguyên Môi trường hay huyện Hướng Hóa sai phải có báo cáo cụ thể" - ông Đồng chỉ đạo.

Đối với các hộ dân người đồng bào đang canh tác và xâm canh trên phần đất đã bàn giao cho Cty My Anh, huyện Hướng Hóa phải họp dân, tuyên truyền cho họ thấy chủ trương của tỉnh đã được thống nhất. Một khi dự án đi vào hoạt động bà con sẽ được giải quyết việc làm với lương ổn định. Bên cạnh đó, cần tìm vùng đất để khai hoang, cấp lại cho bà con canh tác và có đền bù hợp lý. Riêng đối với 102,5ha đất của Cty MDF, ông Đồng giao Sở Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với huyện Hướng Hóa kiểm đếm cụ thể, áp giá để trình UBND tỉnh thống nhất phương án đền bù. Việc đền bù tiến hành đúng quy định, nếu Cty MDF không đồng ý với kết quả do cơ quan thuộc quyền UBND tỉnh công bố thì sẽ có biện pháp khác phù hợp, đảm bảo tiến độ giao đất cho DN trồng cây kịp thời vụ..

Thời gian để tháo gỡ những vướng mắc trên được ông Đồng ấn định từ nay đến giữa tháng 8.2016. "Chúng ta đã họp nhiều lần, gia hạn nhiều lần nhưng công việc vẫn chưa hoàn thành, vì vậy UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính sẽ không gia hạn thêm một lần nào nữa. Nếu lần tới chưa hoàn thành, sẽ họp kiểm điểm trách nhiệm" - ông Đồng nhấn mạnh.

Cũng tại phiên họp này, những vướng mắc của dự án chăn nuôi bò công nghiệp của Cty CP Bình Hà được đưa ra mổ xẻ. Ông Đồng cũng chỉ đạo, nhắc nhở và ấn định thời gian tháo gỡ vướng mắc đối với các đơn vị liên quan.(laodong)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh 21-07-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh 21-07-2016

    Kinh tế Trung Quốc có tệ như đồn đoán
    Thị trường BĐS tại Anh: Những điều chỉnh hậu Brexit
    USD lên giá sau số liệu khả quan của thị trường nhà đất Mỹ
    Ông Võ Trường Thành bị miễn nhiệm chức Chủ tịch khoáng sản Bình Dương
    VIB lãi trước thuế hơn 300 tỷ đồng sau 6 tháng

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-07-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-07-2016

    Ukraine hy vọng nhận thêm 4 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế
    Chứng khoán Mỹ lại lập đỉnh mới nhờ cổ phiếu công nghệ, ngân hàng
    Ngân hàng Trung ương Trung Quốc "bơm" tiền vào thị trường
    Đại diện ngân hàng Cuba và Mỹ tiến hành đối thoại sau 50 năm
    ADB hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển châu Á

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-07-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-07-2016

    Không nên dồn vốn vào vàng
    Lãi suất khó giảm khi các ngân hàng chạy đua huy động vốn
    Nhận diện những mặt trận MobiFone sắp "tấn công tổng lực"
    Tình cảnh thua lỗ tại SBIC: Có công ty không đủ kinh phí duy trì bộ máy phục vụ công tác giải thể

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-07-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-07-2016

    Vinafood 2 nguy cơ mất hàng trăm tỷ đồng
    Đại gia Thái bác thông tin người Trung Quốc sở hữu Big C Việt Nam
    Ông Lê Phước Vũ nuôi mộng trở thành 'trùm thép' Cà Ná
    Anh lên lịch đàm phán các hiệp định thương mại mới hậu Brexit
    Doanh nghiệp EU tìm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực môi trường

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 20-07-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 20-07-2016

    World Bank tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam
    Điện máy Trần Anh báo lãi 6 tháng tăng 75%
    Dầu Tường An báo lãi nửa năm chỉ tăng 3,6%
    FPT hợp tác kinh doanh, phát triển công nghệ với đối tác châu Âu
    Nhà đầu tư bất động sản "tạm ngưng" giữa bất ổn chính trị toàn cầu

  • Tin kinh tế đọc nhanh 20-07-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh 20-07-2016

    Giá thuê khu công nghiệp tại TPHCM đắt gấp đôi Bình Dương, Đồng Nai
    Nguồn cung hạn chế vàng dễ làm giá
    Sản lượng dầu đá phiến Mỹ giảm tháng thứ 10 liên tiếp
    Dỡ bỏ thuế chống bán phá giá tôm Minh Phú sang Mỹ
    Vicem ngổn ngang trước IPO

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-07-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-07-2016

    Hoa quả đặc sản - lại bị thương lái Trung Quốc ép giá
    Áp thuế tự vệ với phôi thép và thép dài nhập khẩu
    Thổ Nhĩ Kỳ ráo riết trấn an thị trường tài chính sau vụ đảo chính
    Nguồn cung cá tra nguyên liệu dồi dào

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 19-07-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 19-07-2016

    Hậu quả Brexit có thể nặng nề hơn cú sốc Lehman Brothers
    Bảo hộ nhãn hiệu DN: Đừng 'mất bò mới lo làm chuồng'
    Doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh thông qua M&A
    Bill Gates cam kết tài trợ cho châu Phi thêm 5 tỉ USD

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 19-07-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 19-07-2016

    Sản lượng dầu thô 6 tháng đầu năm của Trung Quốc xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010
    DN da giày: Định hướng liên kết chuỗi và phát triển sản phẩm mới giá trị cao
    Kim ngạch nhập khẩu kỳ 2 tháng 6/2016 đạt gần 7,43 tỷ USD
    Địa ốc Đà Nẵng được dự báo tăng giá

  • Tin kinh tế đọc nhanh 19-07-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh 19-07-2016

    Quỹ tài chính thúc vốn vào khối tư nhân
    Sự tự tin của dòng vốn đầu cơ
    Kinh doanh Casino: Cần khung pháp lý rõ ràng
    Giá thép cùng với các hàng hóa kỳ hạn khác tại Trung Quốc ngày 18/7 đều giảm