tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 18-08-2018

  • Cập nhật : 18/08/2018

Đầu tư bất động sản châu Á Thái Bình Dương tăng kỷ lục

Nửa đầu năm 2018, giao dịch bất động sản châu Á Thái Bình Dương đạt 81 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay.

Theo báo cáo Dòng vốn toàn cầu do Jones Lang LaSalle (JLL) công bố, lượng giao dịch bất động sản châu Á Thái Bình Dương đạt 42 tỷ USD trong quý II/2018, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017. Nếu tính trong 6 tháng đầu năm, lượng giao dịch đạt mốc 81 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất đã ghi nhận từ trước đến nay.

Đơn vị này cho biết, châu Á Thái Bình Dương đang trong giai đoạn phục hồi kể từ chu kỳ suy thoái trước. Tốc độ thực hiện các giao dịch tăng lên đáng kể so với các khu vực khác trên thế giới. Sự tăng trưởng của châu Á Thái Bình Dương thúc đẩy lượng giao dịch bất động sản toàn cầu, đạt 341 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018, tăng 13% so với năm 2017 và là đây là chu kỳ sáu tháng có diễn biến tốt nhất kể từ năm 2007.

Theo ông Pranav Sethuraman, Bộ phận Nghiên cứu Vốn toàn cầu của JLL, châu Á Thái Bình Dương được thúc đẩy bởi sự phục hồi liên tục tại các thị trường phát triển như Australia và Nhật Bản cùng với sự tăng trưởng dài hạn ở các thị trường đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.Lượng đầu tư ở hầu hết các thị trường lớn nhất châu Á Thái Bình Dương đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm. Những thị trường phát triển hàng đầu hiện nay như Hong Kong, Hàn Quốc và Australia nổi lên với tốc độ tăng trưởng trung bình là 110% so với năm 2017. Mặc dù có sự suy giảm trong quý II, tổng thể các hoạt động vẫn tăng 3% ở Trung Quốc và 7% ở Nhật Bản.

australia thuoc chau a thai binh duong, dang co thi truong dau tu bat dong san hoi phuc manh me. anh: australia.com

Australia thuộc châu Á Thái Bình Dương, đang có thị trường đầu tư bất động sản hồi phục mạnh mẽ. Ảnh: Australia.com

Tuy nhiên, những thị trường đang phát triển mới là nơi có tiềm năng tăng trưởng nhiều nhất với nhiều yếu tố tác động. Trong đó, sự thiếu hụt về minh bạch là động lực thúc đẩy phát triển lớn nhất. Ông Sethuraman đánh giá, những thị trường có sự đa dạng về nhân khẩu học như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc là nền tảng cho sự phát triển bền vững của khu vực trong tương lai.

Điểm sáng hội tụ đầy đủ các yếu tố tích cực cho sự tăng trưởng ổn định của bất động sản khu vực năng động này phải kể đến các thị trường trẻ trung như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ. 3 quốc gia này có tổng dân số lần lượt là 93 triệu - 261 triệu người và 1,3 tỷ người. 3 nước đều có tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, dân số trẻ và đều có sự cải thiện đáng kể tính minh bạch của thị trường bất động sản.

Tổng giám đốc JLL Việt Nam, Stephen Wyatt cho biết, Việt Nam đang tiếp tục thể hiện mức tăng trưởng tốt nhằm thu hút lượng đầu từ từ nước ngoài ở tất cả các danh mục bất động sản. Thị trường rất triển vọng do sự gia tăng sức mua, tăng trưởng chi tiêu bán lẻ của người tiêu dùng và dân số đô thị được mở rộng, nhân khẩu học trẻ.

Đơn vị này cũng vừa công bố báo cáo chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu tại Đông Nam Á, trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng, đã quá độ lên nhóm "bán minh bạch" và hội đủ điều kiện tiềm năng cho sự phát triền bền vững trong tương lai.

Đơn vị này dự báo thêm, với các tín hiệu tích cực tại châu Á Thái Bình Dương, khu vực này đang có triển vọng tăng trưởng tốt nhất toàn cầu và thu hút lượng đầu tư nhiều hơn.(Vnexpress)
-------------------

Điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020 như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể: Bổ sung khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp với diện tích 200 ha vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020 (không bao gồm phần diện tích 50 ha dự kiến phát triển cảng sông nội địa). 

Các khu công nghiệp khác nằm trong quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình được thực hiện theo văn bản số 1816/TTg-KTN ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ. 

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Bình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan, tổ chức thực hiện quy hoạch đã được duyệt; chỉ đạo các cơ quan liên quan và chủ đầu tư xây dựng quy hoạch phân khu xây dựng, thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập khu công nghiệp theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng thu hút đầu tư và trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các điều kiện và trình tự theo quy định hiện hành. 

UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các cơ quan liên quan của tỉnh giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về môi trường của chủ đầu tư, thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp và các quy định của pháp luật khác có liên quan; xây dựng phương án bồi thường và hỗ trợ các hộ dân bị thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp, đảm bảo phù hợp với khả năng thu hút đầu tư và trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các điều kiện và trình tự theo quy định.; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của người lao động (Bnews)
-----------------------

Cẩn trọng rủi ro liên hoàn biến động tỷ giá - thương mại

Những tác động liên hoàn từ biến động tỷ giá tới thương mại đang là vấn đề làm đau đầu khối doanh nghiệp, nhất là khi đồng tiền của nhiều quốc gia khác đang giảm giá mạnh so với USD, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang rất lo ngại trước biến động tỷ giá VND/USD và xu hướng phá giá nội tệ ngày càng mạnh của các quốc gia cùng khu vực. Bởi các yếu tố này khiến doanh nghiệp Việt mất đi lợi thế cạnh tranh về giá thành.

“Các đồng tiền khác trong khu vực đã giảm giá mạnh so với USD, trung bình từ 5 - 7%, trong khi VND chỉ giảm giá khoảng 2 - 3% từ đầu năm tới nay. Điều này khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam thiệt đơn thiệt kép.

Một mặt, giá thủy sản xuất khẩu của chúng ta cao hơn các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, khiến doanh nghiệp nội địa bị mất khách hàng, nhất là tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Thái Lan.

Mặt khác, các nhà nhập khẩu từ Thái Lan và Trung Quốc đang tận dụng cơ hội này để ép doanh nghiệp Việt phải hạ giá sản phẩm”, đại diện VASEP cho biết.

Nên có chính sách điều chỉnh giá VND so với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của nhân dân tệ so với USD để hưởng lợi và cải thiện tình trạng sản xuất trong nước. Ví dụ, Việt Nam giảm giá tiền đồng 2 - 3% là có thể chấp nhận được

PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR)

 

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp, VASEP kiến nghị Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ để kịp thời xem xét điều chỉnh VND với tỷ lệ hợp lý trong tương quan điều chỉnh tỷ giá của các nước trong khu vực.

Không riêng thủy sản, tại lĩnh vực dệt may, nỗi lo tỷ giá cũng đang đeo bám nhiều doanh nghiệp trong ngành, dù tác động cho đến nay được đánh giá là chưa quá lớn.

Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ nhận định, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ chịu tác động từ sự biến động của tỷ giá, chính sách lãi suất, từ đó ảnh hưởng tới giá thành và sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu.

Hiện tại, đồng nhân dân tệ đang giảm giá mạnh so với USD, khiến hàng may mặc xuất khẩu của doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng sức cạnh tranh so với hàng hóa Việt Nam tại các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU).

Chưa kể, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, vấn đề nguồn gốc, xuất xứ cũng khiến các doanh nghiệp ngành dệt may lo ngại.

“Nếu tiếp tục nhập khẩu vải, nguyên phụ liệu ngành may từ Trung Quốc nhiều như hiện nay, Việt Nam cũng như một số quốc gia khác sẽ bị Hoa Kỳ đưa vào tầm ngắm, đối mặt với nguy cơ chịu thuế cao hơn vì xuất khẩu hộ”, ông Hòa khuyến cáo.

Theo dự báo của PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), trong thời gian tới, tỷ giá sẽ vẫn chịu sức ép tăng mạnh bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Hiện tại, nhân dân tệ giảm mạnh, trong khi USD tăng giá khiến hàng hóa Trung Quốc tràn vào nhiều hơn.

Do đó, ông Thành cho rằng, nên có chính sách điều chỉnh giá VND so với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của nhân dân tệ so với USD để hưởng lợi và cải thiện tình trạng sản xuất trong nước. Ví dụ, Việt Nam giảm giá tiền đồng 2 - 3% là có thể chấp nhận được.

“Với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu Việt Nam vừa hưởng lợi từ thị trường Trung Quốc, vừa hưởng lợi từ việc xuất khẩu sang Mỹ.

Việc tận dụng hai thị trường lớn này có thể cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại. Đây là “tương kế tựu kế” đón cơ hội trong khó khăn để lật ngược tình thế, giảm bớt các tác động tiêu cực và tận dụng lợi thế để hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong nước”, ông Thành lý giải.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, còn nhiều dư địa và nguồn lực để điều chỉnh tỷ giá nếu thị trường xuất hiện biến động mới.

Cụ thể, Việt Nam đang sở hữu nguồn lực dự trữ ngoại hối khoảng 64 tỷ USD và mới sử dụng khoảng hơn 1 tỷ USD để điều tiết thị trường tiền tệ trong đợt điều hành tỷ giá vừa qua. Chưa kể, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn duy trì ở mức cao, chứng khoán tuy có giảm điểm nhưng không đáng lo ngại. Do đó dư địa và nguồn lực vẫn còn nhiều.

Tuy nhiên, ông Hồ cảnh báo, trong dài hạn, xung đột thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền, tác động trực tiếp tới thương mại, sau đó lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác như đầu tư, chứng khoán, công nghệ, cũng như tâm lý xã hội. Do đó, mọi sự điều chỉnh cẩn được tính toán một cách cẩn trọng.

“Tỷ giá sẽ trở nên hết sức nhạy cảm nên cần được điều hành một cách linh hoạt và phù hợp để cân bằng lợi ích giữa xuất khẩu, nhập khẩu, trả nợ nước ngoài, đảm bảo ổn định thị trường trong nước”, ông Hồ lưu ý.(ĐTCK)

Trở về

Bài cùng chuyên mục