tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 19-08-2018

  • Cập nhật : 19/08/2018

Goldman Sachs: Kiểm soát vốn tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến ‘đại dịch’ lan sang các thị trường mới nổi

Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt kiểm soát vốn có thể nhanh chóng làm trầm trọng thêm tổn thương của các nền kinh tế mới nổi, một chuyên gia của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nói với CNBC hôm 16/8.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực kiềm chế cuộc khủng hoảng tiền tệ tồi tệ nhất tại nước này kể từ năm 2001, khi đồng lira mất giá kỷ lục so với đồng USD ở mức 7,24 lira đổi 1 USD hồi đầu tuần. Đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ phục hồi lên mức 5,7890 lira đổi 1 USD vào ngày 16/8.

Đồng lira mất giá hơn 40% so với đồng bạc xanh kể từ đầu năm đến nay, làm dấy lên lo ngại cơn đại dịch và đợt bán tháo sẽ bùng phát tại các thị trường mới nổi, đặc biệt khi các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến đến việc kiểm soát vốn nhằm đẩy lùi cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện nay.

‘Cơ hội thành công thấp’

Đồng lira lao dốc không phanh một phần do Tổng thống Tayyip Erdogan kêu gọi hạ lãi suất vào thời điểm lạm phát trong nước tiếp tục tăng vọt. Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế mà Ankara đang đối mặt.

Quan hệ giữa hai nước xấu đi trầm trọng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Ông Brunson bị cáo buộc hỗ trợ cuộc đảo chính quân sự bất thành hai năm trước tại Thổ Nhĩ Kỳ và đang đối mặt với mức án 35 năm tù tại nước này.

“Tôi cho rằng việc kiểm soát vốn toàn diện mà nhiều người đang lo ngại có cơ hội thành công khá thấp, một phần là vì họ có nhu cầu cấp vốn từ bên ngoài… Vì thế, tôi không nghĩ kiểm soát vốn sẽ là giải pháp”, ông Kamakshya Trivedi, giám đốc phụ trách các thị trường mới nổi và nghiên cứu ngoại hối tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, cho biết trong chương trình "Squawk Box Europe" trên kênh CNBC vào ngày 16/8.

Thay vào đó, ông Trivedi cho rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nên ưu tiên tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ cũng như phát đi tuyên bố toàn diện về chính sách tài khóa để phục hồi sự tín nhiệm vào nền kinh tế nước này.

Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak, con rể của Tổng thống Erdogan, đã chủ trì họp báo với sự tham gia của hơn 1.000 nhà đầu tư vào ngày 16/8 nhằm trấn an tâm lý thị trường.

Rủi ro đại dịch

“Tôi cho rằng ông Kamakshya đã đúng, rằng kiểm soát vốn không phải là giải pháp, nhưng rủi ro lại đến từ việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng nó chính là giải pháp”, ông Jim McCaughan, giám đốc điều hành hãng Principal Global Investors tại London, nói với CNBC.

“Rủi ro ở chỗ, nếu họ đi theo con đường đó, nó sẽ tác động đến nhóm tài sản tại các thị trường mới nổi theo quan điểm được nhiều người công nhận. Vì thế tôi nghĩ đó là các kênh lây lan dịch bệnh mà người ta cần lo ngại hơn là các yếu tố nền tảng”, ông Trivedi cho biết.

Đợt biến động thị trường tuần qua khiến nhiều loại tài sản “chao đảo” trên toàn cầu, kéo giảm các chỉ số chứng khoán tại các thị trường phát triển và ảnh hưởng mạnh đến chỉ số thị trường mới nổi MSCI. (Vietnambiz)
------------------------

Người tiêu dùng Mỹ thiệt hại 4,6 tỷ USD/năm nếu FTA Mỹ-Hàn bị hủy bỏ

Theo Tổ chức quốc gia cho chính sách Mỹ (NFAP), từ bỏ Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Mỹ và Hàn Quốc (KORUS-FTA) sẽ làm người tiêu dùng Mỹ thiệt hại 4,6 tỷ USD/năm hay 22,8 tỷ USD trong 5 năm.

NFAP đưa ra báo cáo trên trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc vẫn chưa thống nhất để đi đến ký kết văn bản FTA mới được hai bên điều chỉnh. 

FTA giữa Mỹ và Hàn Quốc, văn bản có hiệu lực từ năm 2012, được tái đàm phán vào tháng 3/2018 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ rút lui với lý do FTA này "đánh cắp" việc làm ở Mỹ và làm gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc. 

Mặc dù FTA sửa đổi có bổ sung điều khoản mở cửa hơn nữa thị trường ô tô Hàn Quốc cho Mỹ, song FTA giữa hai nước vẫn đang ở tình trạng “treo” trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump muốn tăng thuế đối với các loại ô tô nhập khẩu vào Mỹ.

Tuy nhiên, Hàn Quốc, một nước xuất khẩu ô tô và phụ tùng ô tô chủ chốt, cho rằng việc tăng thuế đối với ô tô nhập khẩu sẽ làm FTA sửa đổi giữa hai bên trở nên “vô nghĩa”. 

Theo nghiên cứu của NFAP, tổn thất cho người tiêu dùng Mỹ sẽ lớn hơn rất nhiều so với lợi ích đem lại cho nhà sản xuất nước này nếu Mỹ vẫn quyết định từ bỏ FTA với Hàn Quốc.

Ngoài ra, thiệt hại cho các hộ gia đình Mỹsẽ lớn hơn nếu chính quyền Tổng thống Trump tiến hành áp thuế 25% đối với lượng hàng hóa Hàn Quốc trị giá 73 tỷ USD mà nước này nhập khẩu. 

Gần đây, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, song Hàn Quốc được miễn trừ do hai bên tiến hành đàm phán lại FTA. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á phải đối mặt với hạn ngạch nhập khẩu 2,68 triệu tấn thép hàng năm, tương đương với 70% lượng thép xuất khẩu trung bình vào Mỹ trong 3 năm qua.(Bnews)
-----------------------

Sự khiêm nhường của Trung Quốc sau đòn thương mại từ ông Trump

Cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến Trung Quốc yêu cầu quan chức và truyền thông tiết chế việc ca tụng sức mạnh của mình.

Sự khiêm nhường của Trung Quốc sau đòn thương mại từ ông Trump

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một lễ ký kết ở Bắc Kinh ngày 19/6. Ảnh: Reuters.

Trong con mắt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc giống như một kẻ khổng lồ muốn phá hoại Mỹ. Ông cáo buộc Bắc Kinh "cưỡng hiếp" nền kinh tế Mỹ và có "hành vi trộm cắp lớn nhất trong lịch sử thế giới".

Trong khi đó, Trung Quốc gần đây lại phát đi thông điệp khác với Mỹ: Chúng tôi không ghê gớm đến như vậy, theo Washington Post.

Trong vài tháng qua, Bắc Kinh đã kêu gọi các quan chức và các cơ quan truyền thông giảm ca tụng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Thay vì thể hiện mình như "gã khổng lồ nhiều sức mạnh", Bắc Kinh tỏ ra mình là một bên khiêm nhường muốn hỗ trợ cho các nước cần giúp đỡ.

Các biên tập viên của People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, giờ thận trọng, không mô tả các thành tựu của Trung Quốc là "đứng đầu thế giới" hay "lần đầu tiên trên thế giới". Tờ báo thậm chí còn đăng bài xã luận chỉ trích các học giả, chuyên gia đưa ra những nhận định tương tự về sức mạnh của nước này.

Một nhóm cựu sinh viên đại học Thanh Hoa gần đây ký vào bản kiến nghị đòi sa thải Hồ An Cương (Hu Angang), chuyên gia kinh tế nổi tiếng của trường đại học danh giá này. Họ cho rằng Hồ An Cương đã gây nhầm lẫn cho các lãnh đạo cấp cao bằng những bài viết hồi năm ngoái tung hô vị thế vượt mặt Mỹ của "siêu cường kinh tế và công nghệ" Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước được yêu cầu giảm nhắc đến Made in China 2025 - sáng kiến tham vọng biến Trung Quốc trở thành nước đứng đầu toàn cầu trong 10 ngành công nghiệp trọng điểm, bao gồm trí thông minh nhân tạo, phát triển hãng hàng không thương mại và dược phẩm.

"Cuộc chiến thương mại đã làm cho Trung Quốc trở nên khiêm nhường hơn", Wang Yiwei, giáo sư Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói. "Chúng ta nên giấu mình".

Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế 25% với 50 tỷ USD hàng hóa của đối phương. Mỹ dọa áp thuế 10% với thêm 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trump ngày 1/8 còn dọa nâng mức thuế dự kiến này lên 25%. Đáp lại, Bắc Kinh cho biết họ sẵn sàng áp thuế 10-25% với 60 tỷ USD hàng Mỹ, trong đó có khí hóa lỏng. Trump tung các đòn áp thuế vì muốn giảm mức thâm hụt thương mại của Bắc Kinh với Washington và gây sức ép để Trung Quốc bỏ những quy định mà ông coi là thiếu công bằng với doanh nghiệp Mỹ muốn thâm nhập thị trường nước này.

Tại Washington, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho biết mục tiêu của Bắc Kinh là phát triển chính mình chứ không phải cạnh tranh với các quốc gia khác. "Trung Quốc không có ý định thách thức vị thế và lợi ích quốc tế của bất kỳ quốc gia khác hay hệ thống và trật tự quốc tế hiện tại", ông nói.

Bình luận viên Amanda Erickson của Washington Post nhận xét đây là sự thay đổi kỳ lạ vì ông Tập Cận Bình vốn muốn từ bỏ chính sách đối ngoại "giấu mình chờ thời" lâu nay để đến với cách tiếp cận quyết liệt hơn, nhằm chiếm được thế áp đảo so với các nước khác. Giới chuyên gia nói rằng Trung Quốc đang nỗ lực xoa dịu chính quyền Trump và các lãnh đạo nước ngoài khác.

"Họ đang nỗ lực giảm nhẹ mối đe dọa tiềm tàng của Trung Quốc đối với Mỹ", Bonnie S. Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, viết.

Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 của Trump đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng "những hình phạt và biện pháp cưỡng chế, các hoạt động gây ảnh hưởng và ẩn ý đe dọa quân sự" để thuyết phục các quốc gia khác ủng hộ chương trình nghị sự và an ninh của họ. Vào thời điểm bản chiến lược được công bố, một quan chức cấp cao Mỹ gọi là Trung Quốc "đối thủ chiến lược".

Glaser đánh giá "chiến dịch khiêm nhường" mới của Trung Quốc có thể được thúc đẩy bởi đánh giá này của Mỹ. Richard McGregor, tác giả một cuốn sách về đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi thay đổi này là "mang tính chiến thuật và hơn thế nữa".

"Trung Quốc nhận ra rằng họ dễ bị phương Tây chỉ trích khi công khai thể hiện tham vọng của mình", ông viết trong một email. "Ngoài kinh tế, Trung Quốc cũng đang cố bắt kịp và thách thức phương Tây, đặc biệt là Mỹ, về uy thế công nghệ và địa chính trị".

Nỗ lực hạ thấp tham vọng của Trung Quốc hiện tại cũng có thể nhằm phục vụ cho mục đích khác. Trong vài tháng qua, một loạt vấn đề đã làm lung lay lòng tin của người dân vào các lãnh đạo, trong đó có vụ bê bối vắcxin rởm ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn trẻ em.

Đầu tháng này, một số nạn nhân của các trang mạng cho vay ngang hàng bị đóng cửa đã tổ chức một cuộc biểu tình ở Bắc Kinh, kêu gọi giới chức quản lý nghiêm ngặt hơn và đền bù cho người bị mất tiền. Cuộc biểu tình nhanh chóng bị cảnh sát giải tán.

Ngoài ra, người dân cũng thất vọng trước cách phản ứng của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các đòn áp thuế và đe doạ của Trump. Sự khiêm nhường của Bắc Kinh có thể là nỗ lực để giảm bớt những kỳ vọng trong nước và thúc giục người dân Trung Quốc kiên nhẫn.

Kể từ khi cuộc chiến thương mại với Mỹ nổ ra, "Trung Quốc cố gắng cẩn thận hơn trong những gì họ nói với thế giới bên ngoài", Stanzel nhận định. "Nhưng điều đó không chắn chắn có nghĩa là Trung Quốc thực sự muốn khiêm nhường".(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục