tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 16-05-2016

  • Cập nhật : 16/05/2016

Dư cung dầu mỏ sẽ giảm vào cuối năm

Ngày 12/5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết tình trạng dư thừa sản lượng dầu mỏ trên thế giới, nguyên nhân khiến giá dầu lao dốc thời gian qua, sẽ “giảm đáng kể” vào cuối năm nay do nhu cầu tăng mạnh ở Ấn Độ và vụ cháy rừng ở Canada đã làm giảm sản lượng của nước này.

Theo IEA, nhu cầu dầu mỏ trên thế giới dự kiến tăng với tốc độ “ổn định” trong năm 2016, nhất là Ấn Độ, chiếm tới gần 30% lượng tăng toàn cầu trong quý I/2016. Trong báo cáo hàng tháng, IEA viết: “Điều này càng củng cố hơn nữa ý kiến cho rằng Ấn Độ đang dần vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường tăng trưởng dầu mỏ chính”.
 
Thị trường trong nhiều tháng qua phải chịu áp lực lớn vì dư cung dầu mỏ quá cao, tác động tiêu cực tới các nhà sản xuất, song lại kích thích người tiêu dùng. Tuần qua, giá dầu thô đã tăng lên mức kỷ lục trong 6 tháng trở lại đây, lên 46 USD/thùng, sau khi giảm xuống dưới 30 USD/thùng hồi đầu năm 2016. Tuy nhiên, những con số này vẫn còn rất thấp so với thời điểm giữa năm 2014, khi giá dầu ở mức 100 USD/thùng. IEA cho rằng giá dầu khó có thể tiếp tục tăng trước khi thặng dư sản lượng dầu mỏ bắt đầu giảm dần vào cuối năm nay.
mot tram xang tai tinh ho bac, trung quoc.

Một trạm xăng tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

 

Các vụ cháy rừng gần thị trấn Fort McMurray hồi đầu tháng 5 này đã buộc Canada phải ngừng sản xuất 1,2 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, IEA cho rằng các vụ cháy rừng ở Canada không đẩy giá dầu tăng mạnh, như những gì họ đã dự đoán nhiều năm trước. Theo IEA, chính Iran mới là nhân tố gây bất ngờ. Sản lượng và xuất khẩu của Iran đã tăng cao hơn một chút so với những dự đoán được đưa ra sau khi Iran trở lại thị trường nhờ việc Mỹ và phương Tây gỡ bỏ trừng phạt hồi tháng 1/2016. Theo IEA, sản lượng dầu của Iran trong tháng 4/2016 đã đạt gần 3,6 triệu thùng/ngày, gần bằng mức mà nước này đã đạt được vào tháng 11/2011 trước khi phương Tây thắt chặt các lệnh trừng phạt. Cơ quan này cho biết thêm: “Một điều còn quan trọng hơn đối với thị trường thế giới là xuất khẩu dầu mỏ (của Iran) đã đạt 2 triệu thùng/ngày, tăng mạnh so với con số 1,4 triệu thùng/ngày ghi nhận hồi tháng 3/2016”. Sự nổi lên của Iran đã khiến sản lượng của OPEC tăng 330.000 thùng/ngày trong tháng 4/2016, mức cao nhất của tổ chức này trong hơn 7 năm qua.

 
Trong cuộc gặp của OPEC vào ngày 2/6, mọi sự chú ý sẽ dồn vào nhân vật chủ chốt là Saudi Arabia để tìm kiếm các tín hiệu phản ánh những thay đổi trong chính sách dầu mỏ của nước này, sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Ali al - Naimi kết thúc hai thập kỷ tại nhiệm. IEA cho rằng Riyadh sẽ giữ sản lượng ổn định.
 
Đối với các nước ngoài OPEC, IEA cho rằng sẽ có một đợt giảm sản lượng lớn hơn, giảm 800.000 thùng/ngày, so với con số dự đoán ban đầu là giảm 700.000 thùng/ngày. Cơ quan này cho biết những con số thống kê mới nhất cho thấy “thị trường dầu mỏ đang dần hướng đến sự cân bằng”. Dự trữ dầu thế giới hiện được dự đoán sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm 2016, và sẽ “giảm mạnh” trong hai quý còn lại, xuống còn 200.000 thùng/ngày.
 
Theo IEA, đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng dự trữ dầu của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính ở mức chậm nhất kể từ quý IV/2014. Con số này thậm chí còn giảm trong tháng 2/2016. IEA cho biết: “Điều này giúp củng cố quan điểm của chúng tôi về tình trạng dư thừa nguồn cung trên thế giới sẽ giảm mạnh trong giai đoạn cuối năm nay”. Chuyên gia phân tích Kash Kamal, thuộc Nhóm Tài chính Sucden, cho rằng báo cáo của IEA tạo “động lực tích cực” thúc đẩy thị trường dầu mỏ.

Đồ uống hoa quả của cô gái Việt chinh phục thị trường Mỹ

Ý tưởng tạo ra một trong những sản phẩm chăm sóc sức khỏe và được làm từ thiên nhiên xuất hiện từ khi An còn là sinh viên Đại học Ngoại Thương.

Hàng Việt ở thị trường Mỹ luôn là thách thức không nhỏ với thế hệ trẻ, nhưng với tư duy kinh tế nhạy bén, khả năng tiếng Anh thành thạo và tầm nhìn quốc tế đã giúp Nguyễn Thị Thanh An (sinh năm 1981) bước đầu thành công khi đưa ra sản phẩm đồ uống làm từ quả gấc sang thị trường này. 

Sau 8 tháng, đến nay công ty của An đã ra mắt một loạt sản phẩm đồ uống cao cấp làm từ gấc, rau má, chanh, lạc tiên, xoài, lá hồng và các nguyên liệu tự nhiên khác.... Những loại đồ uống trên đã có mặt trên kệ hàng của Vitality Bowls, một hệ thống gồm 21 cửa hàng bán các sản phẩm đồ uống cao cấp từ hoa quả tại California. 

"Chúng tôi muốn tăng số cửa hàng phân phối sản phẩm lên gấp đôi vào năm nay”, An chia sẻ.

Ý tưởng về việc tạo ra một trong những sản phẩm chăm sóc sức khỏe và được làm từ thiên nhiên xuất hiện từ khi An còn là sinh viên Đại học Ngoại Thương (Hà Nội). Khi đó, nghe các phương tiện truyền thông đài báo nói nhiều về nguy cơ thực phẩm bẩn tại Việt Nam, cộng với sở thích kinh doanh, cô đã viết dự án “sản xuất và phân phối thực phẩm sạch” và đoạt giải “Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ” năm 2003. 

Sau khi ra trường với tấm bằng loại giỏi và 10 năm làm việc tại những vị trí lãnh đạo khác nhau ở các tập đoàn đa quốc gia như Asia Pacific Breweries, Unilever, Heineken, Danone Group... An luôn giữ vai trò chủ chốt trong việc đưa sản phẩm của các doanh nghiệp ngoại vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, khi tới Mỹ vào giữa năm ngoái, An phải làm điều ngược lại khi mang sản phẩm thiên nhiên từ Việt Nam sang thị trường này. 

An cho biết mục tiêu là sẽ không dừng lại ở thị trường California. Cô và các đồng nghiệp đang làm việc với các nhà phân phối lớn nhất Mỹ để nhanh chóng đưa sản phẩm lên kệ của các cửa hàng chuyên bán các sản phẩm thiên nhiên cao cấp như Wholesfoods, Sprouts... Công ty còn muốn mở rộng thị trường tới Bắc Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Tuy nhiên, phía sau bước đầu thành công ấy, An cho biết còn có vô vàn khó khăn mà khi ở Việt Nam chị không thể lường trước. 

“Khi ở Việt Nam làm cho các tập đoàn lớn lúc nào cũng có xe đưa xe đón, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu. Vậy mà khi tới San Francisco, để lựa chọn văn phòng cho công ty, tôi phải đi bộ khắp nơi để tìm kiếm. Tuần đầu tiên ở Mỹ, ngày nào tôi cũng đi bộ từ sáng đến tối giải quyết đủ loại công việc, đến mức có hôm gót chân rớm máu mà chẳng hay. Về sau tôi mới biết, San Francisco là thành phố trên đồi nên khi đi bộ cần chọn giày thể thao chứ không phải giày da như ở Việt Nam", chị kể lại.  

An cho biết, đó chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng đã giúp khiến chị cảm thấy thấm thía về sự khác biệt giữa lúc làm việc trong môi trường một công ty đa quốc gia - nơi có một hệ thống đã sẵn sàng và khi khởi đầu ở một doanh nghiệp mới… 

Thách thức lớn hơn nữa theo An là mức độ cạnh tranh ở thị trường Mỹ. Tuy là một thị trường tiềm năng nhưng đây cũng là nơi của những khách hàng "khó tính" nhất. 

"Công ty chúng tôi muốn thay đổi quan niệm rằng hàng Việt Nam là rẻ và kém chất lượng nên chỉ tập trung vào nhóm sản phẩm cao cấp. Người dân Mỹ có thu nhập cao nên cũng sẵn sàng đầu tư thích đáng cho những sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn sản phẩm tại đây rất nhiều và chặt chẽ nên chúng tôi phải mất nhiều thời gian để hoàn tất các thủ tục đưa sản phẩm ra thị trường", chị An chia sẻ. 

Năm 2007, Nguyễn Thị Thanh An được Chính phủ Australia trao tặng giải thưởng Nhà lãnh đạo tiêu biểu và  giải thưởng Fulbright của Mỹ năm 2009. An hiện cũng được chọn là đại sứ cho tuần lễ Tăng Trưởng Xanh tại Việt Nam do Viện Sinh thái môi trường tổ chức.


TPBank bị tấn công thông qua hệ thống SWIFT

Trong quý IV/2015, TPBank đã nhận diện được các yêu cầu đáng ngờ thông qua tin nhắn SWIFT nhằm chuyển đi hơn 1 triệu euro (tương đương 1,1 triệu USD).

Thông tin từ Reuters cho hay, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã ngăn chặn được một vụ tấn công mạng có liên quan đến những tin nhắn lừa đảo bằng hệ thống SWIFT, tương tự thủ thuật lừa đảo trong vụ đột nhập vào ngân hàng trung ương Bangladesh hồi tháng Hai năm nay.

Thông tin này được TPBank đưa ra vào ngày 15/5 vừa qua, Reuters cho biết.

Trả lời Reuters, ngân hàng này cho biết, trong quý IV năm ngoái, TPBank đã nhận diện được các yêu cầu đáng ngờ thông qua tin nhắn SWIFT nhằm chuyển đi hơn 1 triệu euro (tương đương 1,1 triệu USD).

TPBank đã sớm nắm được các nỗ lực chuyển tiền của tội phạm mạng bằng cách ngay lập tức liên hệ với các bên liên quan.

Cuộc tấn công "không gây ra bất kỳ thiệt thiệt hại nào, không tác động đến hệ thống SWIFT nói riêng và hệ thống giao dịch giữa các ngân hàng và khách hàng nói chung", thông báo của TPBank nêu rõ.

TPBank cho biết việc chuyển tiền đã được thực hiện bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng thuê ngoài từ một nhà cung cấp để kết nối với hệ thống tin nhắn ngân hàng SWIFT. Mặc dù TPBank không nêu tên cụ thể nhà cung cấp dịch vụ nhưng ngân hàng cho biết sẽ không tiếp tục làm việc với nhà cung cấp này, và sẽ chuyển sang sử dụng một hệ thống mới có mức bảo mật cao hơn và cho phép kết nối trực tiếp với SWIFT.

SWIFT, vốn là xương sống của các giao dịch tài chính toàn cầu, từ chối bình luận về thông báo của TPBank. Hôm thứ năm (12/5), SWIFT cho biết một ngân hàng thương mại không rõ tên đã là mục tiêu của một cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại tương tự như vụ ở Bangladesh.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ SWIFT nhận biết vụ tấn công tại TPBank khi nào và liệu tổ chức này có động thái gì nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự hoặc cảnh báo đến các khách hàng khác.

Trong tháng Hai, một vụ tấn công mạng quy mô nhất thế giới nhắm vào Ngân hàng trung ương Bangladesh. Bằng một tài khoản tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các tin tặc đã cố gắng chuyển gần 1 tỷ USD thông qua hệ thống SWIFT. Hầu hết các lệnh chuyển tiền đều bị chặn, tuy nhiên 81 triệu USD đã bị chuyển vào tài khoản ngân hàng ở Philippines. Số tiền này đã bị chuyển đến các sòng bạc và các đại lý casino và gần như bị mất dấu.

TPBank được thành lập từ ngày 5/5/2008. Ngân hàng được đầu tư bởi 5 cổ đông lớn là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji, Công ty cổ phần FPT, Công ty thông tin di động VMS (MobiFone), Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare) và Tập đoàn tài chính SBI Ven Holding Pte.Ltd Singapore. Trong đó, DOJI  và các cổ đông liên quan nắm giữ 20% cổ phần. FPT là cổ đông sáng lập Ngân hàng. Theo Reuters, tập đoàn này đã thoái bớt vốn và hiện nắm khoảng 9% cổ phần.


Nhân dân tệ đang ngày một suy yếu

Sau khi tăng giá hồi đầu năm nay, đồng nội tệ Trung Quốc lại đang suy yếu.

Nhân dân tệ (NDT), giao dịch tại thị trường hải ngoại nơi nhà đầu tư có thể mua bán tự do, đã xuống mức thấp nhất hơn 3 tháng qua trong phiên cuối tuần 13/5 khi 1 USD đổi được 6,55742 NDT, tăng 1% trong phiên này.

Từ đầu năm đến nay NDT đều đặn giảm giá. Tính từ thời điểm NDT chạm đáy hồi tháng 3, USD đã tăng 1,8% nhưng vẫn thấp hơn so với thời điểm cuối năm 2015.

Tháng 8/2015, việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ phá giá NDT đã khiến thị trường hoảng loạn và chính đà lao dốc của NDT hồi đầu năm nay là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo.

Tuy việc tăng cường tín dụng đã giúp kinh tế Trung Quốc dần ổn định trong năm nay, song cũng khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này dễ tổn thương trước những cú sốc, các nhà kinh tế học cảnh báo. Đà suy yếu của NDT đang phản ánh mối lo ngại về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc và khối nợ khổng lồ của nước này, theo nhận định của các nhà quản lý và chiến lược gia tiền tệ.

Paresh Upadhyaya, nhà quản lý quỹ tai Pioneer Investments, cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy thị trường ngày càng lo ngại hơn về vấn đề tín dụng của Trung Quốc.

Giống như nhiều đồng tiền khác, NDT tăng giá hồi đầu năm nay so với USD khi Fed có thái độ chủ hòa. Nhưng một số quan chức Fed đã cảnh báo giới đầu tư về thái độ thỏa mãn liên quan đến chính sách của Fed.

Chủ tịch Fed Boston Eric Rosengren hôm thứ Năm 12/5 lại cảnh báo rằng Ngân hàng trung ương Mỹ có thể nâng lãi suất với tốc độ nhanh hơn so với dự tính của giới đầu tư. Chủ tịch Fed Kansas Esther George cũng hôm thứ Năm 12/5 cho rằng, việc nâng lãi suất hiện nay là quá chạm khi nền kinh tế đang tiến dần đến trạng thái toàn dụng lao động và lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu 2%.

Phiên cuối tuần 13/5, Chỉ số Đôla ICE, theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, tăng 0,7% lên 94,765 điểm. Chỉ số này đang hồi phục sau khi chạm đáy năm 2016 hôm 3/5 ở 91,919 điểm. Đầu tháng 5, tỷ lệ đặt cược USD giảm giá của giới đầu cơ đã lên mức cao nhất kể từ năm 2013.

Đến nay, PBOC đang tập trung vào chiến lược NDT nhằm né tránh những diễn biến lớn. Theo đó, PBOC đang điều chỉnh chiến lược, cho phép NDT tăng nhẹ so với USD nhưng vẫn duy trì sự ổn định nói chung.

Nhưng nhiều nhà kinh tế học cho rằng, động thái này chỉ giúp nhất thời xoa dịu áp lực dòng vốn ồ ạt tháo chạy khỏi Trung Quốc vì áp lực NDT giảm giá vẫn rất cao.

Dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc đã chậm lại trong những tháng gần đây. Dự trữ ngoại hối của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong tháng 4 tăng nhẹ, ghi nhận tháng tăng thứ 2 liên tiếp trong 6 tháng qua, nhưng chủ yếu do USD suy yếu.

Các doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc sẽ tiếp tục chuyển tiền ra nước ngoài trong bối cảnh kinh tế giảm tốc kéo dài. Tốc độ chuyển tiền ra nước ngoài trong những tháng gần đây chậm lại là nhờ PBOC nỗ lực thắt chặt kiểm soát chuyển tiền qua biên giới và giữ cho NDT ổn định.(NCĐT)


Để đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu

Để có thể giúp các DN xuất nhập khẩu gia tăng kim ngạch thương mại, cần nhanh chóng thay đổi, tạo ra cơ chế chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc tài chính Công ty TNHH JS Plastic Packaging chuyên về lĩnh vực sản xuất các loại bao bì, nhựa đóng gói thực phẩm cho biết, từ trước đến nay để thanh toán cho các đơn hàng xuất nhập khẩu, công ty chủ yếu sử dụng các hình thức thanh toán như tín dụng chứng từ trả ngay (L/C), thanh toán trả trước (TTR) hoặc nhờ thu trả ngay (D/P).

Thời gian tới, công ty sẽ mở rộng thị trường sang nhiều quốc gia và tăng thêm các chính sách ưu đãi cho khách hàng nhằm nâng thị phần, kích thích sức mua. Trong đó, JS Plastic Packaging sẽ chú trọng đến bán hàng trả chậm cho các đối tác từ 60 - 80 ngày thông qua phương thức thanh toán ghi sổ (trả sau).

“Mặc dù khi sử dụng hình thức giao dịch thanh toán trả sau, công ty sẽ phải chấp nhận một số vấn đề bất lợi có thể xảy ra như người mua không thanh toán đúng hạn, thậm chí có thể đối mặt với rủi ro không thu hồi được tiền. Tuy nhiên, áp dụng hình thức này sẽ tạo cơ hội tăng sự thu hút, gia tăng sức cầu, mở rộng thị trường, đẩy mạnh doanh số xuất khẩu cho DN” – ông Sơn nói.

Hình thức giao dịch mua bán hàng hóa thanh toán trả sau đang được không ít nhà xuất khẩu áp dụng như một “chiêu thức” gia tăng khả năng cạnh tranh, và họ dùng công cụ kiểm soát rủi ro thông qua hình thức bao thanh toán để tạo đòn bẩy.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, bao thanh toán đơn giản là gói dịch vụ được thiết kế để tạo thuận lợi tối đa cho thương mại quốc tế nhờ sử dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro và tạo thanh khoản, nhằm hỗ trợ tăng trưởng thương mại giữa các nhà nhập khẩu và xuất khẩu.

Đây đang là phương thức được ưa chuộng trong thương mại quốc tế trên khắp thế giới bởi rõ ràng, nếu muốn tăng kim ngạch, DN cần phải có những điều khoản hấp dẫn người mua mà không ảnh hưởng đến dòng tiền.

Theo số liệu thống kê của IFC, tổng giá trị giao dịch thông qua dịch vụ bao thanh toán của các thành viên IFC trên toàn thế giới đạt gần 2.373 tỷ Euro. Trong khi đó, giá trị giao dịch bao thanh toán tại Việt Nam  mới chỉ chiếm một phần nhỏ, khoảng 100 triệu Euro.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC cho rằng, các DNNVV của Việt Nam cần được làm quen với những công cụ tài trợ thương mại mới như bao thanh toán để nâng khả năng cạnh tranh cũng như thu hút được các đối tác nước ngoài, nhằm tăng doanh thu và mở rộng thị trường.

Hiện trong nước mới chỉ có 31/109 TCTD ban hành quy trình thực hiện hoạt động bao thanh toán, và 18/31 tổ chức phát sinh nghiệp vụ này. Sở dĩ như vậy là do vướng mắc trong các quy định hiện hành về vấn đề này như sự không thống nhất giữa khái niệm bao thanh toán của Việt Nam với thông lệ quốc tế.

Đơn cử như, trong khi các nước cho đây là một dịch vụ tài chính trọn gói với những chức năng như cấp tín dụng dựa trên khoản thu, quản lý theo dõi sổ sách, thu nợ và quản lý rủi ro tín dụng, phòng ngừa rủi ro nợ xấu, thì tại Việt Nam được hiểu đơn giản là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hoặc bên mua thông qua việc mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu hoặc các khoản trả phát sinh.

Ngay cả vấn đề cấp phép để thực hiện hoạt động bao thanh toán cũng gặp phải không ít vướng mắc trong các quy định hiện hành, không thống nhất giữa quy định cũ, quy định mới...

Chính vì vậy, để có thể giúp các DN xuất nhập khẩu gia tăng kim ngạch thương mại, cần nhanh chóng thay đổi, tạo ra cơ chế chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục