tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-05-2016

  • Cập nhật : 16/05/2016

Ngành dệt may sẽ có thêm 4 - 5 nhà máy sợi lớn

Dự án Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định vừa chính thức được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa vào vận hành. Nhà máy đi vào hoạt động chỉ sau đúng 1 năm xây dựng, bước đầu giúp Vinatex có thêm nguồn cung sợi chất lượng cao cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định được Vinatex đầu tư xây dựng với quy mô 3 vạn cọc sợi, có tổng mức đầu tư 465 tỷ đồng, được trang bị dây chuyền hiện đại nhất thế giới hiện nay để sản xuất các loại sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp dệt may.

Đây là dự án điểm của Vinatex trong lộ trình hoàn thiện chuỗi cung ứng, đón đầu các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết.

nganh det may khong chi lam gia cong, ma con tu chu trong san xuat va da xuat khau duoc luong nguyen lieu ngay cang gia tang

Ngành dệt may không chỉ làm gia công, mà còn tự chủ trong sản xuất và đã xuất khẩu được lượng nguyên liệu ngày càng gia tăng

Sợi Vinatex Nam Định không phải là dự án sợi duy nhất đưa vào vận hành trong năm nay. Theo thông tin từ Vinatex, từ nay đến cuối năm, có thêm 4 - 5 dự án sợi lớn do Vinatex đầu tư hoặc của các công ty thành viên của Tập đoàn đầu tư sẽ được đưa vào vận hành.

Một trong những dự án được chờ đợi là Dự án Nhà máy Sợi Phú Cường (Đồng Nai), được khởi công xây dựng năm 2015, quy mô 3 vạn cọc sợi. Dự án đã hoàn thành xây dựng để đưa vào chạy thử.

Nhà máy Sợi Phú Cường được khởi công xây dựng tháng 2/2015 tại Cụm công nghiệp Phú Cường (xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), với tổng vốn đầu tư gần 465 tỷ đồng. Nhà máy hoàn thành, khi chạy đủ 100% công suất sẽ cung cấp khoảng 5.000 tấn sợi cao cấp cho các nhà máy dệt chất lượng cao trong Tập đoàn để đảm bảo nguồn vải may xuất khẩu.

Một dự án khác là Nhà máy Sợi Đồng Văn 1 (Hà Nam) do Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) làm chủ đầu tư, với tổng vốn 500 tỷ đồng. Với quy mô hơn 3 vạn cọc sợi, công suất 5.500 tấn sản phẩm/năm, dự án này đang được gấp rút thi công để về đích đúng hẹn.

Ông Nguyễn Song Hải, Tổng giám đốc Hanosimex cho hay, Dự án đang trong quá trình thi công xưởng sợi, kho sợi, kho bông cùng hệ thống hạ tầng để kịp hoàn thành chậm nhất vào tháng 12/2016.

Một trong những điểm chung dễ thấy từ các dự án đầu tư sợi mà Vinatex và cácdoanh nghiệp thành viên thực hiện thời gian gần đây là thời gian thi công chỉ khoảng 1 năm, tiết kiệm được nhiều chi phí tài chính và nguồn lực.

Tính đến cuối năm 2015, ngành dệt may Việt Nam đã có 5 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Ngoài nhóm sản phẩm chủ lực luôn dẫn đầu là may mặc, với giá trị xuất khẩu 22 tỷ USD năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu sợi các loại với giá trị trên 3 tỷ USD/năm. Như vậy, ngành dệt may không chỉ làm gia công, mà còn tự chủ trong sản xuất và xuất khẩu được lượng nguyên liệu ngày càng gia tăng.

Đặc biệt, với một loạt nhà máy sợi đang được các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) triển khai, nguồn cung sợi sẽ tăng nhanh nữa, đáp ứng nhu cầu tại chỗ và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu.

Quan trọng hơn, khi đi vào hoạt động, các dự án sẽ giúp hoàn chỉnh chuỗi liên kết sợi - dệt - nhuộm - may cho từng vùng, miền, nhằm tăng giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu cầu cũng như tận dụng cơ hội từ các FTA.(BĐT)


Đừng ngại khi doanh nghiệp báo lỗ

Sau mùa Đại hội cổ đông, nhiều DN hoặc là báo lỗ hoặc là tỏ ra thận trọng khi đặt ra kế hoạch tăng trưởng kinh doanh trong năm 2016. Điều này có thể hiện sức khỏe của DN Việt Nam đang dần yếu đi?
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp gặp khó

Theo báo cáo kết quả kinh doanh trong năm 2015, nhiều DN cả lớn và nhỏ báo lỗ lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhất là trong quý IV-2015. Tiêu biểu như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) báo lỗ lên tới 589 tỷ đồng vào quý IV-2015, kéo sụt lợi nhuận của HAGL trong cả năm 2015 xuống chỉ bằng 46,6% so với kết quả đạt được trong năm 2014, ở mức 678,6 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do giá vốn hàng hóa tăng mạnh lên tới 4.227 tỷ đồng cùng với chi phí tài chính tăng gần gấp đôi lên 1.303 tỷ đồng, khiến tổng nợ phải trả của HAGL lên mức 32.641 tỷ đồng, tăng hơn 11.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2015.

Cũng vào cuối năm 2015, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) báo lỗ lên tới 588 tỷ đồng, khiến lũy kế cả năm 2015, Eximbank ghi nhận 89 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và âm 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Điều đáng nói, trong 3 năm trở lại đây, Eximbank đều báo lỗ lớn vào quý cuối năm, khiến cổ đông e ngại về hoạt động kinh doanh của ngân hàng này.

Bên cạnh không ít DN báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ, nhiều DN còn đặt ra các chỉ tiêu về lợi nhuận trong năm 2016 không quá cao so với năm 2015, chỉ tăng từ 10-20% so với năm trước đó. Thậm chí, có DN còn đưa ra những chỉ tiêu dự kiến trong năm 2016 thấp hơn so với chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2015. Chỉ tiêu phát triển kinh doanh của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) có nhiều chỉ số thấp hơn, ví dụ như tổng tài sản phải đạt 70.000 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch 71.104 tỷ đồng của năm 2015, chỉ tiêu vốn huy động cũng thấp hơn khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm trước.

Trên thực tế, nguyên nhân để kết quả kinh doanh suy giảm có thể do bản thân DN, nhưng cũng có thể do những tác động từ các yếu tố kinh tế bên ngoài.

Nói về sự khó khăn của DN mình, ông Trần Bình Phú, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu Vietfracht chia sẻ, những năm qua ngành đóng tàu và vận tải biển trong nước gặp nhiều khó khăn do thiếu năng lực để phát triển, chịu sự cạnh tranh lớn của các DN nước ngoài.

Với các ngân hàng thương mại, nguyên nhân để các ngân hàng thua lỗ hoặc thận trọng trong kế hoạch tăng trưởng kinh doanh còn do các ngân hàng phải dành nhiều nguồn vốn hơn để trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Quỹ này đã được quy định tăng thêm 20%/năm, trong khi các ngân hàng vẫn bán nợ xấu cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Chính vì thế, trong quý IV-2015, Eximbank lỗ 588 tỷ đồng vì phải trích lập dự phòng rủi ro lên tới 935 tỷ đồng.

Vượt khó

Theo Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, trong giai đoạn 2012-2015, tốc độ tăng trưởng về nguồn vốn, doanh thu của DN giảm mạnh, chỉ đạt mức 10%/năm, trong khi giai đoạn 2007-2011 tăng trưởng bình quân gần 34%/năm. Nguyên nhân do 4 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam phục hồi chậm chạp và đang trong giai đoạn tái cấu trúc. Tuy nhiên, trong năm 2015, thị trường đã ghi nhận sự tăng trưởng trở lại của các DN, cho thấy các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh hỗ trợ DN trong thời gian qua đã đi đúng hướng.

Chính vì thế, các DN đều đang phải cố gắng tận dụng mọi cơ hội để vượt qua khó khăn. Ông Trần Bình Phú cho hay, Vietfracht đã lên kế hoạch đảm bảo về mặt tài chính và kinh doanh cho DN với việc tái cơ cấu đội tàu, cắt giảm tàu và chuyến tàu không cần thiết hoặc ít nguồn hàng để không tốn quá nhiều tài chính vào mảng kinh doanh chưa có nhiều khởi sắc này. Công ty sẽ dành nhiều nguồn lực hơn để xoay sang mảng logistics. Mảng này đang được đánh giá sẽ rất phát triển khi Việt Nam mở cửa thị trường, hơn nữa, chi phí đầu tư không nhiều mà thu hồi vốn nhanh.

Về phía các ngân hàng thương mại, khảo sát của Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, 92% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể của năm 2016 sẽ tốt hơn so với năm 2015. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm nhẹ kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng huy động vốn và dư nợ tín dụng trong năm 2016 về mức hợp lý hơn. Dù vậy, mức điều chỉnh không đáng kể và vẫn cao hơn các mức kỳ vọng và tăng trưởng thực tế của năm 2015.

Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay, từ nay đến cuối năm, BIDV sẽ nỗ lực tiết giảm 500-600 tỷ đồng chi phí hoạt động, tăng thu dịch vụ ròng, cải tiến quy trình nghiệp vụ. Đồng thời, BIDV sẽ tập trung đẩy mạnh cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng kiểm soát chặt chẽ quy mô cho vay bất động sản, các dự án BOT, kinh doanh chứng khoán và các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao để tập trung tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp, được hưởng lợi từ chính sách hội nhập…

Nhìn chung, bên cạnh không ít DN báo lỗ hay tăng trưởng chậm thì vẫn còn nhiều DN báo lãi lớn với kết quả kinh doanh đầy khả quan. Vì thế, những con số lỗ trên không thể hiện rõ sức khỏe của DN Việt Nam đang khỏe hay yếu, mà chỉ cho thấy chuyển biến của nền kinh tế trong nước và thế giới đã tác động nhiều đến DN, buộc các DN phải ứng phó và có những thay đổi để tiến lên trong thời gian tới.(HQ)


Quỹ Harbinger Capital của tỷ phú Philip Falcone sẽ đầu tư xây sân bay tại Bà Rịa-Vũng Tàu

Tỷ phú Philip Falcone nói rằng quỹ Harbinger Capital do ông làmchủ tịch cùng với công ty Asia Coast Development Ltd đang xem xét các giải pháp phát triển và các công trình có thể hỗ trợ dự án sân bay quốc tế Long Thành, đồng thời hi vọng sẽ phát triển và xây dựng một sân bay riêng giúp kết nối Bà Rịa-Vũng Tàu với các địa phương khác.
ong philip falcone, chu tich quy harbinger capital

Ông Philip Falcone, Chủ tịch quỹ Harbinger Capital

Thông tin trên được ông chia sẻ tại buổi lễ khai trương văn phòng đại diện của Công ty Dự án Hồ Tràm tại Hà Nội vào tuần trước. Công ty Dự án Hồ Tràm, công ty con của Asia Coast Development Ltd, là chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng kết hợp casino và sân gôn nổi tiếng The Grand Hồ Tràm thuộc tổ hợp Hồ Tràm Strip tại Bà Rịa-Vũng Tàu, và quỹ Harbinger Capital cũng là một trong những nhà đầu tư đã rót hàng trăm triệu USD vào dự án này cho tới nay.

“Tôi đang làm việc chặt chẽ với các nhà đầu tư lớn của Hoa Kỳ để xác định và hỗ trợ các dự án phát triển sân bay. Tôi vui mừng khi nhận thấy các dự án phát triển sân bay nằm trong danh mục phát triển ưu tiên của Việt Nam,” ông Falcone nói.

Dự án sân bay trong tương lai ở Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là một sân bay nhỏ chuyên phục vụ các đường bay “charter”, có nghĩa là phục vụ những máy bay được thuê riêng cho từng chuyến, theo ông Falcone. Vị trí dự án sân bay được đề xuất chỉ cách The Grand Hồ Tràm 15 km.

Theo vị tỷ phú người Mỹ này, Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng phát triển ngành du lịch rất lớn, nhưng sự yếu kém về hạ tầng giao thông lại là một trong những cản trở chính đối với sự phát triển của các dự án du lịch như The Grand Hồ Tràm.

“Đó là cách giải quyết vấn đề của chúng tôi,” ông nhấn mạnh khi đề cập đến kế hoạch đầu tư vào dự án sân bay gần với khu nghỉ dưỡng The Grand Hồ Tràm.

“Chúng tôi sẵn sàng bỏ thêm vốn đầu tư để triển khai. Điều này chắc chắn mang đến lợi ích cho dự án chúng tôi, nhưng rõ ràng, nó cũng mang đến lợi ích cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mở ra cơ hội tiếp cận mới cho toàn khu vực,” ông Falcone nói và cho biết thêm rằng quỹ Harbinger Capital cùng Asia Coast Development Ltd có thể hoàn thành dự án sân án này trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, ông không quên nhắc lại rằng dự án sân bay quốc tế luôn Long Thành luôn giữ vai trò then chốt.

Ông Michael E Kelly, Chủ tịch cao cấp của Asia Coast Development Ltd, tiết lộ rằng các nhà đầu tư đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về dự án này và nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương.

“Việc đầu tư sân bay không nằm trong các hạng mục giấy phép đầu tư hiện tại. Điều này chưa bao giờ nằm trong dự tính của chúng tôi khi xin giấy phép đầu tư. Ông Falcone từng nói “sẽ làm mọi thứ có thể để giúp dự án này thành công”, do đó chúng tôi cam kết đầu tư thêm vốn, ngoài số vốn đã thể hiện trên giấy phép.” Ông Kelly nói.

Ông cũng cho biết thêm hiện phía nhà đầu tư đang ở trong giai đoạn thực hiện thiết kế kỹ thuật và lấy mẫu đất cho việc phát triển dự án. “Ngay sau khi việc này hoàn thành, cùng việc đắp bê tông cho đường băng, chúng tôi sẽ biết thêm về những yêu cầu đầu tư khác.”

Hiện tại, Asian Coast Development Ltd đã giải ngân gần 1 tỷ USD vào tổ hợp Hồ Tràm Strip. Khu nghỉ dưỡng The Grand Hồ Tràm là dự án đầu tiên được hoàn thành trong tổ hợp này. Với 541 phòng nghỉ dưỡng sang trọng, The Grand sở hữu hệ thống mười nhà hàng và bar giải trí, trung tâm spa đạt được giải thưởng uy tín, bốn hồ bơi và trung tâm casino chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam.

Giai đoạn một dự án mở cửa hoạt động từ năm 2013, công trình tòa khách sạn thứ hai hiện đang trong quá trình xây dựng đúng tiến độ, bổ sung thêm 559 phòng và các tiện ích giải trí khác khi xây dựng hoàn tất. Khu nghỉ dưỡng The Grand còn bao gồm sân golf tốt nhất Việt Nam, The Bluffs. Ngoài ra, dự án nghỉ dưỡng này hiện đang xây dựng khu biệt thự condotel sát biển và cụm 60 biệt thự villa sân gôn siêu sang hướng biển

Sau khi đã ghi dấu ấn với du khách ở trong khu vực phía nam, động thái khai trương văn phòng đại diện của Công ty Dự án Hồ Tràm tuần trước tại Hà Nội cho thấy công ty này đang nhắm vào thu hút khách du lịch từ miền bắc.

“Hà Nội là thị trường quan trọng đối với chúng tôi. Không chỉ là thị trường khách hàng dồi dào cũng như giúp tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng tìm mua các bất động sản nghỉ dưỡng ven biển, mà Hà Nội còn là thủ phủ văn hóa chính trị của cả nước. Chúng tôi rất tự hào khai trương văn phòng mới tại đây”, ông Kelly nói.

Ông nhấn mạnh rằng việc mở văn phòng mới đánh dấu cột mốc phát triển mới, khẳng định lần nữa cam kết lâu dài của công ty trong việc xây dựng điểm đến giải trí quy mô quốc tế đúng nghĩa tại Việt Nam.


Nhà đầu tư và giới phân tích bất đồng về giá vàng tuần này

Ngoài ra, thị trường sẽ chú ý đến diễn biến của USD sau khi đồng bạc xanh lấy lại đà tăng và có thể thử thách ngưỡng kháng cự mới.

Trong khi nhà đầu tư cho rằng giá vàng tuần tới, giới phân tích trong khảo sát Wall Street lại dự đoán giá vàng sẽ giảm.

Theo kết quả khảo sát trực tuyến Kitco (Main Street), trong số 663 người tham gia, 458 người (chiếm 69%) nhận định giá vàng tuần tới tăng, 124 người (19%) cho rằng giá giảm và 81 nhà đầu tư (12%) có ý kiến trung lập hoặc dự đoán giá đi ngang.

Trong khi đó, kết quả khảo sát Wall Street cho thấy, trong số 26 nhà phân tích và chuyên gia thị trường, 13 người (50%) dự đoán giá vàng tuần tới giảm, 9 chuyên gia (35%) cho rằng giá tăng và 4 nhà phân tích (15%) nhận định giá đi ngang hoặc có ý kiến trung lập.

Ngay trước 11h sáng ngày 13/5 giờ New York, giá vàng giao tháng 6/2016 trên sàn Comex giảm 1,6% trong cả tuần, không thể duy trì được đà tăng sau báo cáo việc làm phi nông nghiệp đáng thất vọng của Mỹ.

Nhà nhà phân tích thị trường cho rằng giá vàng tuần tới giảm chủ yếu do USD mạnh lên.

Adam Button tại Forexlive.com cho rằng, USD được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới.

Ken Morrison, biên tập Bản tin Morrison on the Markets, nhận định, các chỉ số kỹ thuật cho thấy giá vàng sẽ hướng đến mục tiêu 1.250 USD/ounce và không có khả năng đạt ngưỡng kháng cự 1.300 USD/ounce. Gần 90% các quỹ quản lý tiền tệ đặt cược USD tăng giá cũng như đà tăng của đồng bạc xanh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá vàng.

Chris Beauchamp, chiến lược gia thị trường cao cấp tại IG, đồng ý rằng USD sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến giá vàng trong ngắn hạn, tuy nhiên, ông dự đoán USD có thể đảo chiều giảm.

Beauchamp cũng cho rằng giá vàng cần phá vỡ ngưỡng 1.300 USD để tái tạo đà tăng nhưng ông dự đoán giá vàng trong ngắn hạn sẽ chỉ đạt đến mốc 1.285 USD/ounce.

Jessica Fung, nhà phân tích thị trường tại BMO Capital Markets, cũng đang theo dõi diễn biến của USD, nhưng cho rằng đồng bạc xanh sẽ không tác động nhiều đến giá vàng và dự đoán giá vàng sẽ xoay quanh mốc 1.270 USD/ounce trong ngắn hạn.

Adrian Day, chủ tịch kiêm CEO Quỹ Adrian Day Asset Management, cho biết, giá vàng sẽ giảm vì thị trường đang bước vào thời kỳ suy yếu theo mùa. Hơn nữa, giá vàng đã cho thấy “ngưỡng kháng cự đáng kể”.

Trong khi đó, Kevin Grady, chủ tịch Phoenix Futures and Options LLC, lại cho rằng giá vàng sẽ tăng nhờ nhu cầu đầu tư của các quỹ ETF. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư vẫn có xu hướng đặt cược giá vàng tăng.

George Gero, giám đốc điều hành RBC Wealth Management, cũng dự đoán giá vàng sẽ tăng và nhận định dòng tiền từ chứng khoán sẽ tiếp tục đổ vào tài sản trú ẩn an toàn.

Tuần tới, bên cạnh Biên bản họp Fed và số liệu lạm phát, thị trường sẽ đón nhận các số liệu kinh tế quan trọng khác như khảo sát sản xuất khu vực và số liệu về thị trường nhà ở.


Dầu ăn lại sắp “sôi”

Từ ngày 8/5/2016, thuế nhập khẩu tự vệ mặt hàng dầu thực vật (dầu nành và dầu cọ tinh luyện) vào Việt Nam chỉ còn 2%.

Mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã chính thức công bố, tính từ ngày 8-5-2016 đến 7-5-2017, thuế NK tự vệ mặt hàng dầu thực vật (dầu nành và dầu cọ tinh luyện) vào Việt Nam chỉ còn 2%.

Nếu sau năm 2017, Bộ Công Thương không xem xét gia hạn thuế, đây sẽ là cột mốc thuế cuối cùng cho biện pháp tự vệ đối với mặt hàng nói trên. Điều này cũng đồng nghĩa, ngành sản xuất dầu ăn trong nước sẽ kết thúc những tháng ngày được bảo vệ và sự cạnh tranh thị trường của mặt hàng này lại sắp sửa đến hồi sục sôi, gay gắt.

Trên thực tế, từ năm 2012, thuế NK đối với dầu thực vật đã giảm về 0% theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Khi đó, sản phẩm dầu ăn từ các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan tràn vào Việt Nam khiến các DN nội rơi vào cảnh sụt giảm cả doanh thu lẫn thị phần. Nhằm bảo vệ ngành dầu ăn trong nước, ngay tháng 8-2013, Bộ Công Thương đã phải ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu thực vật NK, có hiệu lực kéo dài trong bốn năm.

Dễ thấy, từ nhiều năm trước, điểm yếu nổi cộm của ngành dầu ăn Việt Nam chính là DN phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu NK, thậm chí NK tới 90%. Thời hạn bốn năm áp thuế tự vệ mà Bộ Công Thương áp dụng như trên chính là độ giãn để các DN nội dần khắc phục điểm yếu, nâng cao năng lực cho mình.

Quả thực, vài năm gần đây có những DN nỗ lực tận dụng khoảng thời gian quý giá đó. Điển hình như, Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) đã chủ động liên kết với Công ty Hùng Cá (Đồng Tháp) xây dựng vùng nguyên liệu đậu nành quy mô 10.000 ha tại Đồng Tháp. Ngoài ra, Tập đoàn Sao Mai (Sao Mai Group) đã mở thêm hướng khai thác,  tận dụng được nguồn mỡ cá tra ước khoảng 140.000 tấn/năm từ các tỉnh khu vực ĐBSCL để phát triển dòng sản phẩm mới là dầu cá.

Trong câu chuyện này, vấn đề đáng bàn hiện nay là, ngoài các DN mạnh dạn và chủ động như trên, không ít DN, nhất là những DN quy mô nhỏ hơn vẫn khá e ngại trước việc ngành sản xuất dầu ăn trong nước sẽ không còn được bảo vệ. Đương nhiên, điều mà hầu hết DN kỳ vọng là Bộ Công Thương có thể tiếp tục xem xét việc gia hạn thuế NK tự vệ đối với mặt hàng dầu ăn thêm một thời gian nữa.

Sòng phẳng mà nói, việc áp thuế tự vệ trong thời gian dù ngắn hay dài đều chỉ là giải pháp tình thế. Bởi vậy, các DN không nên trông chờ quá nhiều vào điều này. Yếu tố quan trọng là DN phải thực sự nghiên cứu giải pháp phù hợp để nâng cao năng lực cho mình. Nếu riêng lẻ từng DN không thể chủ động lo nguồn nguyên liệu hay phát triển các dòng sản phẩm mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường thì bắt tay hợp tác với nhau cũng là một “con tính” đáng suy nghĩ. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục