tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 09-01-2018

  • Cập nhật : 09/01/2018

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2018

Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức “khoảng 6,5%” trong năm nay, theo những người quen thuộc với vấn đề cho biết từ kết quả của cuộc họp kế hoạch cấp cao gần đây.

trung quoc dat muc tieu tang truong kinh te 6,5% nam 2018

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2018

Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Đảng được tổ chức vào tháng trước, các quan chức hàng đầu Trung Quốc đã quyết định duy trì cùng một mục tiêu tăng trưởng như năm 2017 cho năm nay, Bloomberg dẫn nguồn tin quen thuộc với vấn đề xin được giấu tên vì chi tiết cuộc họp vẫn chưa được công khai.

Hiện chưa rõ trong văn bản cuối cùng có đề ra mục tiêu tìm kiếm mức tăng trưởng nhanh hơn “nếu có thể” như cam kết trong năm 2017 hay không. Dự kiến mục tiêu tăng trưởng chính thức sẽ được công bố tại cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3.2018.

Mức tăng trưởng 6,5% cũng là kết quả được các chuyên gia tại Bloomberg dự đoán trước đó, mặc dù một số nhà quan sát bao gồm hãng dịch vụ tài chính JPMorgan Chase gần đây đã nâng triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhờ nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ.

Được biết, tại hội nghị vừa qua chính phủ trung ương Bắc Kinh đã chỉ trích các nhà quản lý và quan chức tài chính vì đã không nỗ lực để ngăn ngừa rối loạn trong các thị trường tài chính. Sau cuộc họp, một tuyên bố chính thức về chiến dịch ba năm chống lại rủi ro tài chính, ô nhiễm và nghèo đói đã được đưa ra, đòi hỏi cam kết phải hành động nhiều hơn từ phía các nhà cầm quyền.

Theo một khảo sát trước đây của Bloomberg, nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua mục tiêu tăng trưởng được đưa ra hồi năm ngoái một cách dễ dàng, thậm chí ngay cả khi Bắc Kinh đưa ra những quy định mạnh mẽ để ngăn ngừa rủi ro tài chính. Song, căn cứ theo dữ liệu dự kiến sẽ chính thức được công bố vào ngày 18.1 của Bloomberg, tăng trưởng trong quý 4/2017 của nước này đã giảm xuống còn 6,7%, thấp hơn so với mức 6,8% trong quý 3/2017.(Thanhnien)
----------------------------

Tôm trúng mùa, được giá

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng tôm nước lợ năm 2017 của ĐBSCL ước đạt hơn 700.000 tấn, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân do người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang các mô hình nuôi công nghệ cao giúp chất lượng, sản lượng tăng mạnh. Năm 2017, xuất khẩu tôm của nước ta tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái với kim ngạch hơn 3,85 tỷ USD. Với người nuôi tôm, năm 2017 là một năm trúng mùa, được giá.(VTV)
---------------------------------

Điều gì xảy ra khi hàng loạt Ngân hàng Trung ương lớn tại châu Á có thủ lĩnh mới?

Trong những tháng tới, ít nhất 6 nước châu Á sẽ thay đổi hoặc tái bổ nhiệm người đứng đầu các Ngân hàng Trung ương.

Điều gì xảy ra khi hàng loạt Ngân hàng Trung ương lớn tại châu Á có thủ lĩnh mới?

Ảnh: China Daily

Các nhà đầu tư châu Á thường phải nghiên cứu rất kỹ các số liệu, đồ thị và biến động của thị trường để có thể dự báo được về chính sách của Ngân hàng Trung ương các nước. Năm nay, họ sẽ phải tính đến cả yếu tố con người.

Trong những tháng tới, ít nhất 6 nước châu Á sẽ thay đổi hoặc tái bổ nhiệm người đứng đầu các Ngân hàng Trung ương bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Nhật, New Zealand, Hàn Quốc, hay lãnh thổ Đài Loan. Việc ngân hàng trung ương nhiều nước có những gương mặt lãnh đạo mới chắc chắn sẽ tạo ra không ít yếu tố khó đoán và bất ngờ đối với chính sách tiền tệ.

Vào tháng tới, tại Mỹ, ông Jerome Powell sẽ thay thế cho bà Janet Yellen để trở thành chủ tịch của Ngân hàng Trung ương quyền lực nhất thế giới. Tâm lý bất ổn hiện đang tăng lên khi mà thế giới đang phải dần thích nghi với môi trường lãi suất cao. 

Ngày 30/11/2017, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc là Ngân hàng Trung ương châu Á đầu tiên điều chỉnh chính sách tiền tệ. BMI dự báo sẽ có thêm Ngân hàng Trung ương thắt chặt chính sách trong năm nay bao gồm Malaysia, Philippines, Thái Lan…Chính Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách.

Chính sách tiền tệ của châu Á đã đến bước ngoặt. Khi mà Hàn Quốc nâng mạnh lãi suất cơ bản mới đây, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ vẫn giữ quan điểm kinh tế Ấn Độ chưa thể thích ứng được với mức lãi suất cao.

Trong những tháng tới, hãy chuẩn bị sẵn sàng cho việc lãi suất sẽ buộc phải điều chỉnh tăng. Một lý do: Lạm phát đang tăng quá thấp. Công ty tư vấn Korn Ferry dự báo mức lương người lao động tại Trung Quốc sẽ tăng thấp trong năm 2018, mức tăng chỉ đạt 5,4% từ mức 6,1% của năm ngoái. 

Korn Ferry khẳng định rằng người lao động tại nhiều nước, từ Nhật cho đến Singapore hay Việt Nam sẽ cẩn phải chuẩn bị tâm lý cho việc thu nhập tăng chậm lại và vì vậy lạm phát cũng khó có thể tăng nhanh. 

Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Sau khi tăng trưởng được 7% trong năm 2017, nền kinh tế lớn nhất châu Á nhiều khả năng chỉ tăng trưởng được tối đa 6,5% trong năm nay. Khả năng nhiều Ngân hàng Trung ương quyền lực nhất thế giới thắt chặt chính sách sẽ tác động tiêu cực đến châu Á.

Nhiều Ngân hàng Trung ương tại châu Á sẽ buộc phải nâng lãi suất để ngăn chặn dòng tiền chạy ra khỏi khu vực. Tuy nhiên vẫn còn nhiều rủi ro. Trong quá khứ, Fed từng nâng lãi suất rất mạnh tay khiến nhiều thị trường biến động và tăng trưởng toàn cầu đi xuống. 

Châu Á đang chú ý nhiều đến thay đổi nhân sự cấp cao tại Ngân hàng Trung ương Nhật và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Nhiều khả năng thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Haruhiko Kuroda sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 2 từ tháng 4/2018. Dù lạm phát Nhật vẫn chưa đạt mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương, tăng trưởng mức lương còn thấp, thế nhưng chính sách nới lỏng định lượng từ năm 2013 đến nay của ông Kuroda đã góp phần quan trọng giúp kinh tế Nhật phục hồi. 

Không ai có thể phủ nhận công lao của ông trong việc giúp chỉ số Nikkei tăng đến 89% trong những năm qua. Nếu ông được bổ nhiệm lại, hẳn đây là lần đầu tiên tính từ năm 1950, Nhật bổ nhiệm lại thống đốc Ngân hàng Trung ương. 

Mối lo lớn hơn nằm ở sự thay đổi nhân sự cao cấp ở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.  Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ông Chu Tiểu Xuyên, đã đảm nhiệm chức vụ này từ năm 2002 cho đến nay và ông trở thành thống đốc tại vị lâu nhất trong nhóm các nước thuộc G20.

Sự ra đi của ông trong thời gian tới khiến người ta không khỏi lo lắng. Ông Chu Tiểu Xuyên là học trò của Chu Dung Cơ, một trong những nhà cải cách quan trọng nhất tại Trung Quốc trong 20 năm qua. 

Trong thời gian tại vị, ông Chu Tiểu Xuyên đã làm được nhiều việc. Ông đã đưa được đồng nhân dân tệ vào nhóm các đồng tiền dự trữ thuộc giỏ tiền tệ của IMF, ông thay đổi chế độ neo tỷ giá vào đồng USD và bỏ mức trần lãi suất tiền gửi. 

Rủi ro từ việc Trung Quốc thay thống đốc ngân hàng trung ương, Fed thắt chặt chính sách tiền tệ và khả năng Tổng thống Trump gây ra chiến tranh thương mại là những rủi ro lớn nhất mà kinh tế châu Á phải đối mặt. 

Không còn nghi ngờ gì nữa, giới đầu tư tài chính châu Á phải sẵn sàng cho việc hàng loạt thay đổi sẽ đến khi các vị trí lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Á có lãnh đạo mới. Môi trường chính sách tiền tệ sẽ bị thắt chặt. Và không hẳn điều này đã là xấu.(Bizlive)
--------------------------------

Khối ngoại mua ròng gần 1.000 tỉ đồng trên sàn chứng khoán tuần đầu năm mới

Các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia giao dịch sôi động trong tuần đầu tiên của năm mới với giá trị mua ròng tổng cộng gần 1.000 tỉ đồng.

Sau 4 phiên giao dịch đầu năm 2018 trong tuần vừa rồi, chỉ số VN-Index đã tăng thêm 2,89% so với cuối năm 2017 và đạt 1.012,65 điểm; chỉ số HNX-Index cũng tăng thêm 1,76% lên 118,92 điểm. Thanh khoản trên sàn chứng khoán liên tục đứng ở mức cao với hơn 6.000 tỉ đồng/phiên.

Đóng góp vào giao dịch sôi động này có các nhà đầu tư ngoại đã mua vào tổng cộng 84,2 triệu chứng khoán (CK) có trị giá 3.787,5 tỉ đồng. Ngược lại khối ngoại cũng bán ra gần 69 triệu CK có trị giá 2.803 tỉ đồng. Như vậy tổng khối ngoại đã mua ròng đạt hơn 15,2 triệu CK với giá trị mua ròng đạt 984,3 tỉ đồng.

Tuy nhiên nếu xét riêng trên sàn TP.HCM, các nhà đầu tư ngoại đã mua ròng lên đến trị giá 1.205,8 tỉ đồng và đây là tuần thứ 3 liên tiếp khối ngoại mua ròng trên sàn này. Trong khi đó nhà đầu tư ngoại đã bán ròng 221,5 tỉ đồng trên sàn Hà Nội.

Cổ phiếu thu hút dòng vốn ngoại trong tuần qua là HDB vừa lên sàn của HD Bank. Các nhà đầu tư ngoại đã mua vào 5 triệu cổ phiếu HDB với trị gá 189,5 tỉ đồng.

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán VN, trong năm vừa qua cơ quan này đã cấp 3.277 mã số giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Trong đó có 2.856 nhà đầu tư cá nhân và 421 nhà đầu tư tổ chức. Tính chung đến hết năm 2017, có 23.506 NĐTNN được cấp mã số giao dịch chứng khoán, trong đó có 3.550 nhà đầu tư tổ chức.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục