tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 08-08-2018

  • Cập nhật : 08/08/2018

Không phải chiến tranh thương mại với Mỹ, đây mới là vấn đề Trung Quốc ưu tiên hàng đầu

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung xuất hiện tràn ngập trên các bản tin gần đây nhưng cuộc chiến thuế quan không phải mối lo ngại hàng đầu đối với Bắc Kinh.

Thay vào đó, ngày càng có thêm các lo ngại trong nước được ưu tiên, công ty tham vấn TS Lombard, trụ sở London, Anh, cho biết tuần trước.

“Với giới lãnh đạo Trung Quốc, ổn định kinh tế trong nước, theo đuổi chương trình hiện đại hóa ‘Made in China 2025’, bảo vệ cấu trúc quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo đuổi mục tiêu toàn cầu do đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra quan trọng hơn chiến tranh thương mại với Mỹ”, Jonathan Fenby, chủ tịch nghiên cứu Trung Quốc tại TS Lombard, viết.

Tuy vậy, tranh chấp thương mại đã có ảnh hưởng, khiến nhiều thị trường, cộng đồng kinh doanh trên thế giới bất an. Fenby cho biết luồng thông tin từ Nhà Trắng “đã làm gián đoạn kế hoạch của Trung Quốc và khiến Bắc Kinh phải miễn cưỡng tham gia thương lượng hồi mùa xuân” - tiến trình đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump làm “sụp đổ”.

Căng thẳng thương mại sau đó leo thang, dù hai bên đã có nỗ lực nhất định nhằm nối lại đàm phán. Ông Trump hồi đầu tháng 8 đã yêu cầu tăng thuế suất với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đang xem xét từ 10% lên 25%. Đồng nhân dân tệ đã mất giá 6,5% so với USD kể từ tháng 6.

Trung Quốc ngày 3/8 tuyên bố sẽ áp thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ, thuế suất 5 – 25% nếu Mỹ biến lời đe dọa trên thành hiện thực.

Giới phân tích nhận định Trung Quốc là bên khả năng cao không lùi bước do chính phủ nước này không chịu áp lực chính trị nhiều như chính quyền Mỹ.

Một lý do nữa là Trung Quốc cần thể hiện sức mạnh của đội ngũ lãnh đạo “… tránh lộ vẻ yếu thế bằng việc cúi đầu trước những yêu cầu từ Mỹ”, Fenby nói.

TS Lombard cho rằng Trung Quốc có thể quản lý được tác động từ cuộc chiến thương mại lên tăng trưởng.

Công ty này dự báo tăng trưởng Trung Quốc chậm lại, đạt 6,3% trong nửa sau năm 2018, trung bình cả năm là 6,5%. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc tháng 7 là 6,7%. Thị trường chứng khoán dự kiến vẫn chịu áp lực do tranh chấp thương mại tăng. Chỉ số Shanghai Composite đã giảm hơn 17% trong năm nay, tính đến cuối phiên 3/8. (NDH)
-------------------------

Tổng thống D. Trump: Trừng phạt mới của Mỹ với Iran là hà khắc nhất từ trước tới nay

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/8 tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ áp đặt với Iran là "các biện pháp hà khắc nhất từ trước đến nay".

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Trump nêu rõ đến tháng 11 tới các biện pháp này sẽ được nâng lên một mức khác, đồng thời nhấn mạnh "bất kỳ ai làm ăn với Iran sẽ không được làm ăn với Mỹ".

Trước đó, ngày 6/8, Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh hành pháp, theo đó áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký giữa Tehran và nhóm P5+1. Sắc lệnh nêu rõ chính sách của Washington là "gây sức ép tối đa về kinh tế" đối với Iran.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn để ngỏ khả năng đưa ra một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran đồng thời sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Iran "bất kỳ lúc nào".

Phản ứng về động thái trên của Mỹ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng ngày 6/8 tuyên bố Iran sẽ khiến Mỹ phải "hối tiếc" vì đã áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với nước cộng hòa Hồi giáo này.

Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước, nhà lãnh đạo Iran cho rằng đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump đàm phán trực tiếp với Tehran là một "chiêu trò" và chỉ nhằm gây chia rẽ ở Iran.

Ông Rouhani nhấn mạnh "đàm phán trong khi áp đặt trừng phạt không có ý nghĩa gì", đồng thời cho rằng chính quyền Mỹ "không đáng tin cậy để tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào".

Các biện pháp trừng phạt đợt đầu của Mỹ có hiệu lực từ 04h01' ngày 7/8 theo giờ GMT (11h01' theo giờ việt Nam), nhằm vào các giao dịch mua USD, vàng và các kim loại quý, cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của Iran.

Dự kiến đến ngày 5/11 Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đợt hai nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ và các thỏa thuận kinh doanh giữa các thể chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng trung ương Iran (TTXVN)
----------------------------

Ngân hàng Trung ương Australia tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục

Trong cuộc họp chính sách ngày 7/8, Ngân hàng Trung ương Australia, được gọi là Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA), quyết định vẫn giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1,5%.

RBA quyết định vẫn giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục giữa bối cảnh lương tăng yếu và nợ hộ gia đình cao kìm hãm chi tiêu, đồng thời tỏ ý sẽ tiếp tục duy trì chính sách này. 

Ngày 7/8 đánh dấu hai năm kể từ khi Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) thay đổi lãi suất lần gần đây nhất - quãng thời gian dừng tăng lâu nhất trong lịch sử hiện đại của ngân hàng này.

RBA trong thời gian từ tháng 11/2011 đến tháng 8/2016 giảm dần lãi suất xuống mức thấp 1,5% nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khi đất nước này chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình bớt dựa vào hoạt động đầu tư vào ngành khai khoáng. 

Thống đốc RBA Philip Lowe cho biết lãi suất thấp đang hỗ trợ nền kinh tế, với mức tăng trưởng trung bình dự kiến “nhỉnh” hơn 3% trong năm nay và năm 2019. 
Việc giữ nguyên chính sách tiền tệ tại cuộc họp được cho là phù hợp với đà tăng trưởng trong nền kinh tế Australia và hướng đến mục tiêu lạm phát đã đặt ra.

Nhà kinh tế trưởng tại Westpac, Bill Evans dự đoán lãi suất của Australia sẽ được duy trì ổn định trong ít nhất 12 tháng nữa. 

RBA dự đoán lạm phát của Australia, ở mức 2,1% trong năm ngoái, sẽ gia tăng trong hai năm tới mặc dù có thể giảm lần đầu tiên trong quý III/2018. RBA đặt mục tiêu giữ lạm phát ở mức 2-3%. 

Nền kinh tế Australia bất ngờ khởi sắc với mức tăng 3,1% trong tháng 3/2018 so với cùng kỳ năm ngoái. (Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục