tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 09-08-2018

  • Cập nhật : 09/08/2018

FAO: Giá đường, sữa giảm mạnh kéo chỉ số giá lương thực toàn cầu xuống đáy 6 tháng

Tháng 7, chỉ số giá lương thực thế giới ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2017 và xuống thấp nhất kể từ đầu năm nay do giá tất cả mặt hàng đều giảm.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết Chỉ số giá lương thực tháng 7 giảm 3,7% so với tháng trước xuống 168,8 điểm. Trong đó, giảm mạnh nhất là chỉ số giá sữa và đường, với mức giảm lần lượt là 6,6% và 6%.

Đối với sữa, giá của tất cả sản phẩm đều giảm, với bơ và phô mai bị mất giá mạnh nhất. Giá bột sữa nguyên kem và tách kem cũng ở mức thấp. Thị trường sữa đang chịu áp lực giảm lớn do nguồn cung tại các nước xuất khẩu như New Zealand rất dồi dào.

Đối với đường, nguyên nhân chính khiến giá giảm mạnh trong tháng 7 là đồn đoán sản lượng tại các nước sản xuất đường lớn, đặc biệt là Ấn Độ và Thái Lan, sẽ cải thiện. Tuy nhiên, đà lao dốc được hạn chế một phần nhờ dự báo sản lượng của Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, giảm vì hạn hán kéo dài và tỷ lệ dùng đường để sản xuất ethanol tăng.

Đối với ngũ cốc, giá xuất khẩu của lúa mì, ngô và gạo đồng loạt giảm.

Trong đó, giá lúa mì thế giới nhìn chung giữ xu hướng giảm trong nửa đầu năm 2018. Đến cuối tháng 6, giá bắt đầu phục hồi trước lo ngại sản lượng tại Liên minh châu Âu và Nga giảm.

Thị trường ngô chịu áp lực giảm chủ yếu do nhu cầu yếu và triển vọng nguồn cung dồi dào tại Mỹ. Tuy nhiên, tương tự như lúa mì, giá ngô về cuối tháng 7 khởi sắc hơn trước tâm lý lo ngại về thời tiết và tăng trưởng xuất khẩu cải thiện.

Ngoài ra, giá gạo thế giới giảm do ảnh hưởng từ những biến động tiền tệ tại một số nước xuất khẩu lớn.

Đối với thịt, giá giảm khi hoạt động xuất khẩu tại Brazil trở lại bình thường sau một thời gian dài bị đình trệ vì cuộc đình công của giới lái xe tải. Cả thịt heo, trâu bò và gà đều giảm trong tháng 7.(NDH)
-----------------

Đức và Trung Quốc bảo vệ quan hệ làm ăn với Iran

Trung Quốc và Đức lên tiếng bảo vệ quan hệ kinh doanh của hai nước này với Iran cho dù Tổng thống Mỹ cảnh báo rằng bất cứ công ty hay doanh nghiệp nào giao dịch với Iran sẽ bị "cấm cửa" tại Mỹ.

Hãng tin Reuters dẫn lời của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh từ trước đến nay luôn phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương; hợp tác thương mại của Trung Quốc với Iran là cởi mở và minh bạch, công bằng và hợp pháp, không vi phạm bất cứ nghị định nào của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bộ này khẳng định các quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc cần được bảo vệ. 

Về phần mình, Chính phủ Đức cho rằng các trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran vi phạm luật quốc tế, và Berlin kỳ vọng Washington cân nhắc các quyền lợi của châu Âu khi đưa ra các biện pháp trừng phạt như vậy. 

Trước đó, trả lời phỏng vấn nhật báo Passauer Neue Presse, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói: "Chúng tôi vẫn cho rằng quyết định (của Mỹ) từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran là một sai lầm. Chúng tôi đang đấu tranh cho thỏa thuận vì văn kiện này cũng phục vụ chính lợi ích của chúng tôi, bằng cách mang lại sự ổn định và minh bạch trong khu vực".

Nhấn mạnh Iran có vị trí địa lý gần với châu Âu, Ngoại trưởng Đức cảnh báo "bất kỳ ai hy vọng thay đổi chính quyền không được quên rằng những gì xảy ra tiếp theo có thể gây ra nhiều vấn đề lớn hơn rất nhiều cho chúng ta".

Ông Maas nhận định "cô lập Iran có thể thúc đẩy các lực lượng cực đoan", đồng thời nhấn mạnh "sự hỗn loạn ở Iran, như những gì mới trải qua ở Iraq hay Libya, sẽ gây bất ổn hơn nữa cho khu vực vốn đã đầy bất ổn". 

Quyết định tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran được Mỹ đưa ra sau khi Tổng thống Trump hồi đầu năm nay rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, được biết đến với tên gọi Kế hoạch Hành Động Chung Toàn diện (JCPOA), được các cường quốc ký với Tehran vào tháng 7/2015, theo đó Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. 

Các biện pháp trừng phạt Mỹ đưa ra ngày 7/8 nhằm vào hoạt động mua đồng USD, giao dịch kim loại, than, phần mềm công nghiệp và lĩnh vực ô tô của Iran.(Bnews)
----------------------

Điện mặt trời chưa sáng vì đâu?: Đầu tư tràn lan sẽ lãng phí tài nguyên

“Nên tạm ngưng cấp phép những dự án (DA) chưa triển khai để đánh giá lại nhu cầu thực tế, tránh đầu tư dàn trải, tràn lan vừa không hiệu quả, vừa lãng phí tài nguyên, đất đai”

Các tấm pin điện mặt trời được lắp đặp thí điểm tại H.Tuy Phong  /// Ảnh: Thịnh Bùi

Các tấm pin điện mặt trời được lắp đặp thí điểm tại H.Tuy Phong  - ẢNH: THỊNH BÙI

Đó là ý kiến của ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm năng lượng và tăng trưởng xanh (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) khi trả lời PV Thanh Niên về chính sách phát triển điện mặt trời.

Theo ông Hà Đăng Sơn, quyết định số 11 của Chính phủ đã có tác động mạnh để các DA điện mặt trời đang triển khai. Tuy nhiên với khung thời gian mà thông tư 16 của Bộ Công thương quy định thời gian để vận hành thương mại để được hưởng theo Quyết định 11 chỉ 2 năm là rất ngắn. Đây là một trong các nguyên nhân để các DA điện mặt trời “đua nhau” triển khai vì sợ gặp rủi ro về tiến độ. Tuy nhiên rủi ro nhất hiện nay là việc đàm phán đấu nối với lưới điện quốc gia do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) quản lý.

“Vấn đề khó khăn tiếp theo của điện mặt trời là nguồn vốn. Hiện nay, hợp đồng điện mẫu (theo Thông tư 16) còn nhiều điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế nên khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn nước ngoài do vậy chủ yếu vẫn từ nguồn vốn trong nước. Để tháo gỡ khó khăn này, Chính phủ cần công khai danh mục các DA đã được phê duyệt. Tập đoàn EVN cần công khai những vị trí đấu nối đã hết khả năng tiếp nhận để giúp nhà đầu tư biết, tránh rủi ro khi làm DA”, ông Sơn phân tích.

Cũng theo ông Sơn, đầu tư năng lượng sạch nói chung, điện mặt trời nói riêng ở nước ta có nhiều tiềm năng và lợi thế, tuy nhiên do suất đầu tư khá cao so với các nguồn điện truyền thống nên chưa được quan tâm. Gần đây nhờ công nghệ mới, đầu tư năng lượng sạch đã giảm giá mạnh và có thể cạnh tranh với các nguồn truyền thống. Điều này đã tạo sự “bùng nổ” về đầu tư, đặc biệt với điện mặt trời.

Đối với Bình Thuận, các DA điện chủ yếu phục vụ các tỉnh khác (đến năm 2020, tổng công suất Pmax của tỉnh chỉ hơn 800 MW). Trong khi đó, các DA năng lượng (kể cả nhiệt điện than) đang làm phát sinh các hệ lụy về môi trường. Cho nên cần xem xét tạm ngưng cấp phép các DA điện chưa triển khai để đánh giá lại nhu cầu thực tế bài toán phát triển điện lực toàn vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên và Nam Trung bộ. Mặt khác, để dồn nguồn lực cho năng lượng sạch. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận được các nhược điểm của nguồn điện gió và điện mặt trời, tránh đầu tư tràn lan sẽ kém hiệu quả, khiến tài nguyên lãng phí trong khi lưới điện chưa đáp ứng được việc truyền tải liên vùng.

Điện gió cũng… “án binh bất động”

Theo Sở Công thương Bình Thuận, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 19 DA điện gió với tổng công suất đăng ký đầu tư là 1.192,5 MW. Trong 19 DA này có 12 DA đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư với công suất 507,3 MW; 7 DA còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ để cấp Quyết định chủ trương đầu tư. Trong số 12 DA đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì có 3 DA đã đi vào hoạt động. Đó là DA Phong Điện và DA Phú Lạc (đều ở H. Tuy Phong) và một DA trên đảo Phú Quý. Trong 3 năm nay, ngoài 3 DA vừa nêu trên, không có DA nào được triển khai trên địa bàn Bình Thuận. Theo Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận Bùi Văn Thịnh, việc giá bán điện gió hiện nay Chính phủ quy định (7,8 cent Mỹ) là quá thấp. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư “chùn bước”.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như thiết bị siêu trường, siêu trọng, việc lắp đặt phức tạp dẫn đến chậm tiến độ, công tác giải tỏa, đền bù phức tạp và vướng vào khu vực chồng lấn có khoáng sản titan.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục