tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 25-10-2017

  • Cập nhật : 25/10/2017

“Siêu dự án” Happyland bị cưỡng chế, kê biên tài sản

Việc cưỡng chế dự án Happyland được tiếp tục sau 3 lần chủ đầu tư xin tạm hoãn nhưng vẫn không giải quyết được khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng.

 

cong vao du an happyland. anh: hoang nam

Cổng vào dự án Happyland. Ảnh: Hoàng Nam

 

Trao đổi với PV ngày 24/10, lãnh đạo Chi cục thi hành án dân sự Long An cho biết, đang tiếp tục cưỡng chế kê biên xử lý tài sản đảm bảo thi hành án đối với dự án Happyland (Bến Lức, Long An,) do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An (thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông) đầu tư, để thi hành theo bản án.

Tài sản phải kê biên gồm toàn bộ tài sản sẽ hình thành trong tương lai của hơn 86,4ha đất trong khu công nghiệp tại xã Thạnh Đức (Bến Lức, Long An) và quyền sử dụng đất, nhà ở cùng tài sản khác gắn liền với đất tổng cộng hơn 74 ha.

Năm 2011, khu phức hợp giải trí Happyland khởi công, lộ trình 3 năm sẽ hoạt động, quy mô số một Đông Nam Á với kinh phí 2,2 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay nhiều hạng mục tại dự án này vẫn còn bỏ dở.

Từ năm 2016, Cục Thi hành án dân sự Long An cũng đã nhận nhiều quyết định ủy thác từ Cục Thi hành án dân sự TP HCM đối với việc thi hành theo các bản án của công ty với số tiền 1.800 tỷ đồng nợ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Tháng 5/2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An đã thông qua kế hoạch cưỡng chế thi hành án để kê biên tài sản đối với Công ty Phú An. Sau đó, doanh nghiệp này xin tạm dời lại 2 tháng với lý do đang xúc tiến việc chuyển nhượng cổ phần của công ty.

Đến đầu tháng 8, công ty lại tiếp tục xin gia hạn đến cuối tháng 8 để giải quyết nợ nần vì cho rằng đã ký được hợp đồng với một đối tác từ nước ngoài.

Đầu tháng 9, công ty này lại tiếp tục gia hạn lần nữa, Cục thi hành án nhận thấy công ty không có khả năng giải quyết nợ nên báo cáo tỉnh Long An tiếp tục kế hoạch cưỡng chế thi hành án.(Vnexpress)
---------------------------

Doanh nghiệp Việt bị “chơi xấu” ở nước ngoài xử lý thế nào?

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh lần này sẽ khắc phục hạn chế trong việc thiếu cơ sở để kiểm soát các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng như sẽ giúp kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Trong chương trình làm việc kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh lần này sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Cạnh tranh 2004 cũng như những hạn chế trong việc thiếu cơ sở để kiểm soát các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tới môi trường cạnh tranh tại Việt Nam.

“Với xu thế toàn cầu hóa kinh tế và mở cửa thị trường, phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng mở rộng trên phạm vi lãnh thổ của nhiều quốc gia khác nhau. Khi đó, thực tiễn sẽ phát sinh các hành vi phản cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ quốc gia, nhưng có tác động tới môi trường cạnh tranh trong nước. Để đối phó với thực trạng này, nhiều quốc gia đã mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Cạnh tranh trên nguyên tắc tác động ảnh hưởng của hành vi để kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh xuyên biên giới và bảo vệ thị trường trong nước”- ông Trần Tuấn Anh phân tích.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi gồm có 121 điều, được bố cục thành 9 chương. So với Luật Cạnh tranh năm 2004, dự thảo luật giữ nguyên 6 điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều và bãi bỏ 49 điều.

Dự thảo luật cũng thay đổi cách tiếp cận kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, tương tự như kiểm soát thoả thuận hạn chế cạnh tranh, các quy định về kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền trong dự thảo Luật cũng được thay đổi theo hướng kết hợp tư duy kinh tế và tư duy pháp lý.

Dự thảo luật cũng thay đổi cách thức tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế theo hướng trao quyền cho cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động cạnh tranh của việc tập trung kinh tế và tăng cường sự chủ động của doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan cạnh tranh và mở rộng các yếu tố đánh giá một vụ việc tập trung kinh tế.

Dự thảo Luật cũng bãi bỏ quy định về hành vi “bán hàng đa cấp bất chính” và hành vi “phân biệt đối xử của hiệp hội”, do các hành vi này không phản ánh đúng bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh đồng thời bổ sung thêm hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính” có xu hướng xảy ra ngày càng phổ biến. (Tienphong)
----------------------------

Giá vật liệu xây dựng “giảm tốc”

Tại TP.HCM, quý 2 và 3/2017, một số vật liệu xây dựng như sắt thép liên tục tăng với mức gần 2 triệu đồng/tấn và đang đứng ở mức từ 15 - 16 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu. 

 

chon mua gach op lat

Chọn mua gạch ốp lát

 

Hay giá cát dao động từ 450.000 - 480.000 đồng/m3, dù giảm nhẹ so với lúc cao điểm khi tăng giá lên gần 600.000 đồng/m3 nhưng vẫn gấp 3 - 4 lần so với đầu năm. Riêng giá cát tăng là do khan hiếm nguồn cung vì nhiều địa phương hạn chế việc khai thác cát do gây sạt lở nghiêm trọng. Theo dự báo của Hiệp hội Thép VN, sau khi đã tăng lên giá khá cao thì từ nay đến cuối năm, giá nguyên vật liệu thế giới sẽ khó tăng mạnh nên giá thép xây dựng trong nước dự báo cũng sẽ không biến động nhiều.

Trong khi đó, các loại vật liệu xây dựng khác vẫn khá ổn định về giá. Ví dụ xi măng vẫn ở mức 88.000 - 90.000 đồng/bao (bán lẻ), gạch xây dựng tuynel (Bình Dương) khoảng 1.000 - 1.100 đồng/viên, gạch ống xi măng 2.000 đồng/viên, ngói chính 13.000 - 13.500 đồng/viên…

Mặc dù có sự biến động mạnh của thép và cát nhưng tổng quan thị trường vật liệu xây dựng từ đầu năm đến hết quý 3/2017 đều tăng trưởng về lượng. Như sản lượng thép xây dựng tiêu thụ tăng hơn 14% so cùng kỳ năm trước, lượng xi măng bán ra của các doanh nghiệp cũng tăng 4%. Sản xuất gạch ốp lát cũng đạt 416 triệu m2, tăng 4% so cùng kỳ 2016 và sứ vệ sinh sản xuất đạt 9,9 triệu sản phẩm, cũng tăng 4%...

Giám đốc một công ty xây dựng tại TP.HCM cho biết, từ nay đến cuối năm, các công trình chủ yếu bước vào giai đoạn hoàn thiện nên gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, dây cáp điện, sơn tường… sẽ bước vào giai đoạn cao điểm bán hàng. Nhưng do thị trường hiện nay có rất nhiều thương hiệu trong và ngoài nước cạnh tranh gay gắt nên các nhà cung cấp cũng không thể tăng giá.

Chẳng hạn như gạch ốp lát của các doanh nghiệp nội địa như Đồng Tâm, Viglacera, Taicera, Bạch Mã… đang phải đối đầu gay gắt với sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc và Ấn Độ. “Sản phẩm Trung Quốc thì giá thấp hơn hẳn nên cũng có nhiều khách hàng lựa chọn do túi tiền ít. Trong khi đó nhiều thương hiệu gạch ốp lát của Ấn Độ dù giá cao hơn nhưng do mẫu mã đẹp nên được nhiều người lựa chọn so với thương hiệu trong nước. Hay như thị trường sơn tường thì các thương hiệu nội cũng bị lép vế.(Thanhnien)
------------------------

Trung Quốc xuất khẩu hơn 2,5 tỷ USD sang Triều Tiên trong 3 quý đầu năm

Kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang Triều Tiên trong 9 tháng đầu năm nay tăng 20,9% so với cùng kỳ 2016.

 

lanh dao trieu tien kim jong un

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

 

Đến hết tháng 9/2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất châu Á sang Triều Tiên đạt 2,55 tỷ USD, theo Reuters. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu của Triều Tiên trong 9 tháng đầu năm giảm 16,7% nên tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ tăng 3,7%.

Kim ngạch xuất khẩu sang Triều Tiên giảm từ 315,97 triệu USD xuống 266,35 triệu USD và nhập khẩu từ Triều Tiên giảm từ 288,29 triệu USD xuống 145,82 triệu USD.

Sự sụt giảm này là do tác động của nhiều quốc gia, bao gồm cả Liên hợp quốc kêu gọi thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Triều Tiên. Chính quyền Bình Nhưỡng đang chi tiền cho một chương trình phát triển nhanh chóng vũ khí hạt nhân. Đồng thời, Triều Tiên đã đe doạ tấn công một vài quốc gia khác.

Tháng trước, Bắc Kinh thông báo ý định hạn chế giao dịch với Bình Nhưỡng trên một số lĩnh vực chủ chốt, bao gồm hàng dệt may, hải sản và các sản phẩm dầu mỏ theo quyết định của Liên hợp quốc. Đồng thời, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cấm các ngân hàng Trung Quốc cho các khách hàng Triều Tiên vay.

Các áp lực gia tăng với Bình Nhưỡng trong bối cảnh một cuộc khẩu chiến giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên lo ngại về các hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Tuần trước, một tàu sân bay chạy năng lượng hạt nhân của Mỹ đã tập trận với hải quân Hàn Quốc nhằm thực hiện các biện pháp phòng thủ của Washington.

Thủ tướng Trump được cho là sẽ yêu cầu ông Tập hành động nhiều hơn để kiềm chế Triều Tiên khi hai nhà lãnh đạo này gặp nhau tại Bắc Kinh vào tháng tới.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc không muốn gây bất ổn cho đất nước láng giềng. "Đòn bẩy vật chất to lớn của Trung Quốc với Triều Tiên là một con dao hai lưỡi. Việc cấm vận có thể dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước và xã hội Triều Tiên. Nó có thể gây bất ổn với biên giới Trung Quốc, khủng hoảng tị nạn hoặc tệ hơn", báo cáo của Viện Mỹ - Hàn Quốc tại trường Johns Hopkins School of Advanced International Studies cho biết. (Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục