tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-10-2017

  • Cập nhật : 24/10/2017

Thành lập Hiệp hội xúc tiến đầu tư Hokuriku và Việt Nam

Hiệp hội dự kiến sẽ tổ chức 1 đoàn doanh nghiệp đi thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vào giữa năm 2018.

ong mitani mitsuru, chu tich hiep hoi kiem chu tich tap doan cong nghiep mitani tuyen bo chinh thuc thanh lap hiep hoi.

Ông Mitani Mitsuru, Chủ tịch Hiệp hội kiêm Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Mitani tuyên bố chính thức thành lập Hiệp hội.

Ngày 20/10, tại thành phố Kanagawa, Nhật Bản diễn ra Lễ công bố thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư giữa khu vực Hokuriku và Việt Nam.

Tham dự lễ ra mắt có Chủ tịch Liên đoàn Kinh tế Hokuriku, các tổ chức kinh tế khu vực như Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Cục Kinh tế Công thương (METI), các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, và ông Trần Đức Bình, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka.

Hiệp hội các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư giữa khu vực Hokuriku và Việt Nam được thành lập với mục đích: Thúc đẩy xúc tiến đầu tư giữa các doanh nghiệp, tăng cường quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản, thông qua các hoạt động trao đổi nhân lực và giao lưu kinh tế trên cơ sở phát huy các thế mạnh kinh tế của vùng Hokuriku và Việt Nam.

Ngoài sự tham gia của đại diện các Văn phòng JETRO khu vực, Liên đoàn Kinh tế Hokuriku, Đại học Công nghiệp Kanagawa, và một số Nghị sĩ Quốc hội của khu vực trong vai trò cố vấn, Hiệp hội sẽ có hội viên là các doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh hoặc quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam.

Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Mitani là Chủ tịch Hiệp hội. Ông Trần Đức Bình, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, được mời tham gia với tư cách hội viên danh dự và cố vấn của Hiệp hội.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Hiệp hội sẽ triển khai các hoạt động khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp vùng Hokuriku đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, điều phối và tiếp nhận các chương trình giao lưu kinh tế, thương mại, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam, điều phối và tiếp nhận du học sinh, thực tập sinh… Trước mắt, Hiệp hội dự kiến sẽ tổ chức một đoàn doanh nghiệp đi thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vào giữa năm 2018.

Vùng Hokuriku của Nhật Bản gồm 3 tỉnh Fukui, Ishikawa và Toyama, tiếp giáp Biển Nhật Bản. Đây là khu vực có nhiều doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ tiên tiến, cơ khí, chế tạo, công nghiệp dệt may, công nghệ thông tin, sản xuất và chế biến nông nghiệp, và một số trường Đại học, viện nghiên cứu lớn.

Hiện nay đã có 72 doanh nghiệp thuộc khu vực Hokuriku đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có 3 doanh nghiệp hàng đầu hiện đang đầu tư tại Việt Nam đã đóng vai trò nòng cốt quan trọng trong việc thúc đẩy thành lập và triển khai hoạt động của Hiệp hội là Tập đoàn Công nghiệp Mitani (tỉnh Isikawa), Tập đoàn hóa chất Nikka (tỉnh Fukui), Tập đoàn Công ty Hoa Nhật Bản (JFC) (Tỉnh Toyama).

Nhân dịp lễ ra mắt, Hiệp hội các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư giữa khu vực Hokurikuvà Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao lưu kinh tế Việt-Nhật với sự tham dự của đoàn cán bộ cao cấp của Việt Nam tham gia chương trình đào tạo lãnh đạo tại Nhật Bản theo Đề án 165, hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản trong các lĩnh vực ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, và các viện nghiên cứu và trường đại học ở khu vực Hokuriku.(Baohaiquan)
----------------------------

Sản lượng thép toàn cầu rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2

Dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) hôm qua cho thấy, sản lượng thép thô toàn cầu tháng trước đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2.

Nguyên nhân chính do các nhà máy sản xuất hàng đầu của Trung Quốc phải thực hiện cắt giảm sản xuất theo chiến dịch làm trong sạch bầu trời của Bắc Kinh đưa ra.

Sản lượng thép thô trên toàn thế giới của 66 quốc gia báo cáo đã đạt 141,4 triệu tấn trong tháng 9, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 2,3% so với tháng 8 và là mức sản lượng thấp nhất kể từ tháng 2 năm nay.

Sản xuất thép thô của Trung Quốc chiếm khoảng một nửa sản lượng thép thế giới, đứng ở mức 71,8 triệu tấn trong tháng 9, tăng 5,3% so với năm trước, nhưng giảm 3,7% so với tháng 8.

Dự kiến mùa đông năm nay, sản lượng của Trung Quốc sẽ còn giảm ít nhất 30 triệu tấn trở lên do Bắc Kinh tăng cường cuộc chiến chống sương mù đang gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Các số liệu chính thức từ Trung Quốc cho biết họ đã cắt giảm 110 triệu tấn năng lực sản xuất thép hợp pháp và 120 triệu tấn năng lực bất hợp pháp kể từ đầu năm ngoái, nhưng những cắt giảm thực sự lúc này mới bắt đầu chuyển vào giai đoạn sản xuất thấp hơn.

Kể từ tháng 12/2015 đến nay, giá thép toàn cầu trung bình đã tăng 50% kể từ mức thấp nhất trong vòng 12 năm, nguyên nhân do cắt giảm cung từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, năm tới, Hiệp hội thép đánh giá nhu cầu thép tại Trung Quốc sẽ không tăng thêm do chi tiêu cho cơ sở hạ tầng ở Bắc Kinh giảm và chính phủ đang tiếp tục nỗ lực cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Ngành công nghiệp thép toàn cầu trị giá khoảng 900 tỷ đô la một năm, được xem như một thước đo về sức khoẻ cho cả nền kinh tế thế giới.(NDH)
----------------------

Đến 2040, Đông Nam Á sẽ phải chi 300 tỷ USD nhập khẩu năng lượng

Từ nay đến năm 2040, nhu cầu năng lượng khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng gần 60%, đặc biệt là than và dầu thô sẽ dẫn đầu tăng trưởng trong số các loại năng lượng, theo Cơ quan Năng lượng Quốc IEA hôm thư 3 cho biết.

Đông Nam Á sẽ trở thành động lực chính cho nhu cầu năng lượng trên toàn cầu do dân số tăng khoảng 20% và quy mô nền kinh tế tăng gấp 3, IEA nhận định trong bản báo cáo. Tuy nhiên, do vấn đề an ninh năng lượng nên sản lượng dầu mỏ khu vực này sẽ giảm dẫn đến nhập khẩu năng lượng tăng.

Theo IEA, đến năm 2040, Đông Nam Á sẽ phải chi hơn 300 tỷ USD để nhập khẩu năng lượng, tương đương 4% tổng GDP của khu vực. Trong đó, lượng nhập khẩu dầu thô năm 2040 đạt 6,9 triệu thùng và số tiền chi cho nhập khẩu dầu thô hàng năm từ nay đến năm 2040 là 280 tỷ USD.

IEA cho biết "Bên cạnh việc chi nhiều hơn cho nhập khẩu năng lượng, Đông Năng Á sẽ ngày càng lệ thuộc vào nguồn cung ứng năng lượng này do nỗi lo về an ninh năng lượng".

Các nhà máy điện có lẽ là đối tượng tiêu thụ nhiều năng lượng nhất do thu nhập người dân khu vực tăng dẫn đến nhu cầu mua các thiết bị điện trong đó có điều hòa không khí tăng.

Công suất điện lắp đặt khu vực Đông Nam Á sẽ tăng lên trên 565 GW so với mức 240 GW hiện tại. Trong đó, năng lượng điện tái tạo và điện than chiếm 70% công suất mới.

Nhu cầu dầu mỏ tăng lên khoảng 6,6 triệu thùng/ngày tính đến năm 2040 so với mức 4,7 triệu thùng/ngày ở thời điểm hiện tại. Số lượng các phương tiện tăng khoảng 65% lên 62 triệu xe.(NDH)
--------------------

Đề xuất hàng loạt ưu đãi cho đặc khu

Hai tỉnh Kiên Giang và Quảng Ninh vừa chính thức có đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) gửi đến đại biểu Quốc hội.

Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là tài liệu phục vụ cho việc xem xét dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 đang diễn ra.

Đủ tầm thu hút đầu tư quốc tế

Theo đề án của tỉnh Kiên Giang, đặc khu Phú Quốc có diện tích hơn 57.532 ha, 9 khu hành chính, tổng vốn đầu tư đến năm 2030 cần 890.867 tỉ đồng. Đặc khu Phú Quốc được xây dựng dựa trên 3 mũi nhọn du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp có casino; thương mại, hội nghị quốc tế; nghiên cứu và phát triển đa dạng sinh học. Trong đó riêng dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp có nhu cầu đầu tư 3.000 tỉ đồng trong giai đoạn đầu. Quan điểm của Kiên Giang là ưu đãi phải đủ tầm để cạnh tranh thu hút đầu tư quốc tế nhưng cũng không được quá lớn để gây thâm hụt ngân sách và quan trọng là phải có khát vọng để xây dựng đặc khu.

Để xây tổ đón phượng hoàng", Kiên Giang đề xuất hàng loạt ưu đãi chưa có tiền lệ, đặc biệt là nhóm chính sách liên quan đến tài chính, bao gồm ưu đãi thuế, tài chính tiền tệ, hàng hóa xuất nhập khẩu, chính sách về đất đai và xúc tiến đầu tư. Cụ thể, cho phép người nước ngoài vào làm việc tại đặc khu Phú Quốc hợp đồng 3 tháng trở lên được tự do mua, bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà trong đặc khu. Ưu đãi này gồm nhà chung cư, nhà ở có sân vườn hoặc nhà liên kề với thời hạn vĩnh viễn (đối với nhà ở riêng lẻ, biệt thự) hoặc 99 năm đối với nhà chung cư. Cá nhân là người nước ngoài được hưởng lương theo thỏa thuận, được miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm đầu, đến năm thứ 6 được miễn 50%, được miễn cấp giấy phép lao động khi làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trong đặc khu Phú Quốc.

Về chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư, tập đoàn lớn (thuộc nhóm 200 tập đoàn hàng đầu thế giới) đặt trụ sở, chi nhánh tại đặc khu được miễn tiền thuê mặt bằng hoặc tiền thuê đất xây dựng trụ sở; được áp thuế thu nhập DN 10% trong 15 năm.

Sân bay Vân Đồn đang được xây dựng Ảnh: Thế Dũng

Đối với chính sách tiền tệ, Kiên Giang đề xuất thành lập Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Phú Quốc thực hiện chức năng quản lý tiền tệ, giám sát hoạt động ngân hàng và được NHNN Việt Nam ủy quyền xác nhận đăng ký các khoản giao dịch vốn cho người cư trú và người không cư trú theo quy định pháp luật về quản lý ngoại hối tại đặc khu. Bên cạnh tiền đồng Việt Nam lưu hành chủ yếu trong đặc khu, cho phép đồng USD được lưu hành tự do trong đặc khu, các đồng tiền khác được phép chuyển đổi tự do sang USD.

Kiên Giang cũng mong muốn được phép mở sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán tại đặc khu để tạo điều kiện cho DN huy động vốn. Đặc biệt, người chơi bài tại casino Phú Quốc được phép mang số tiền thắng bài ra nước ngoài hoặc ra khỏi đặc khu, sau khi nộp các khoản thuế theo quy định mà không cần giấy phép của NHNN nhưng phải khai báo hải quan.

Cần trao quyền mạnh mẽ cho trưởng đặc khu

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết đặc khu Vân Đồn được xây dựng dựa trên 3 mũi nhọn là du lịch - văn hóa cao cấp, dịch vụ hiện đại và công nghệ cao, nhu cầu vốn đầu tư cần 270.000 tỉ đồng trên tổng diện tích 2.200 km2. Trong thời gian chờ thông qua luật đặc khu, Quảng Ninh đã thu hút được 36.000 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông như cao tốc, sân bay, hệ thống bến cảng đón tàu du lịch cỡ lớn.

Theo đề án của Quảng Ninh, cần trao quyền mạnh mẽ cho trưởng đặc khu, hướng theo mô hình quản trị DN, tức là một cá nhân phải chịu trách nhiệm đến tận cùng để khắc phục những bất cập trong hệ thống hiện nay. Bên cạnh đó, phải xây dựng được thể chế hiện đại, bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và đề cao được trách nhiệm người đứng đầu, tương thích với các mô hình đang hoạt động hiệu quả của các đặc khu trên thế giới cùng với chính sách về kinh tế vượt trội, cạnh tranh toàn cầu để bảo đảm thu hút được nguồn lực của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới. Nếu không trao quyền đủ mạnh cho trưởng đặc khu, sẽ không có đột phá và những ưu đãi đối với đặc khu chỉ đặc biệt trên giấy tờ.(NLĐ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục