Anh sẽ mất hàng ngàn việc làm ngành tài chính ngân hàng
Người giàu nhất châu Âu mất 6 tỷ USD một ngày vì Brexit
Indonesia ngưng xuất khẩu than tới Philippines sau vụ bắt cóc thủy thủ
Tương lai bất định của trung tâm tài chính London
400 người giàu nhất thế giới mất 127 tỉ USD vì nước Anh ra đi
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 25-06-2016
- Cập nhật : 25/06/2016
Chứng khoán Việt mất hơn một tỷ USD trong ngày Anh rời EU
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), giá trị vốn hóa của các cổ phiếu trên sàn đã giảm xuống còn hơn 1,247 triệu tỷ đồng sau phiên giao dịch hôm nay, giảm khoảng 22.000 tỷ đồng so với trước. Với con số tương tự hơn 3.000 tỷ đồng trên sàn Hà Nội, tổng cộng đã có 25.000 tỷ đồng vốn hóa "bốc hơi" khỏi 2 sàn (tương đương hơn một tỷ USD) vì hiệu ứng Anh rời EU.
Trong phiên, có thời điểm Vn-Index đã giảm gần 35 điểm, tương đương toàn thị trường mất hơn 73.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch trên 2 sàn trong phiên đạt gần 6.400 tỷ đồng, cao nhất từ đầu năm 2015 trở lại đây. Dòng tiền bắt đáy ồ ạt đổ vào thị trường cuối phiên song Vn-Index vẫn giảm gần 12 điểm, xuống 620 điểm. Khối ngoại cũng trở lại bán ròng 47 tỷ đồng trong phiên hôm nay sau thời gian dài ở vị thế mua trên thị trường Việt Nam.
Dù chưa có đánh giá chính thức nào về việc Anh rời EU sẽ có tác động như thế nào tới kinh tế Việt Nam song hiệu ứng tâm lý, đám đông đã khiến thị trường thiệt hại nặng. Diễn biến này cũng chấm dứt tham vọng tạo đỉnh của Vn-Index trong những ngày qua. Tuy vậy, vẫn có một số cổ phiểu hưởng lợi từ sự kiện này khi đồng euro giảm giá giúp làm vơi bớt nghĩa vụ vay nợ của những doanh nghiệp như HT1, NT2…
Thị trường vàng ngưng trệ trước tin Anh rời khỏi EU
Giá vàng trong nước ngày hôm nay liên tục trồi sụt. Mở cửa ngày ở mức quanh 34 triệu đồng nhưng đến cuối giờ sáng, có lúc mỗi lượng vàng miếng SJC bán ra chạm mức 35,9 triệu đồng, tức tăng gần 1,9 triệu đồng sau vài tiếng giao dịch. Mua vào cũng đạt 35,5 triệu đồng một lượng. Lúc 14h50 chiều nay, giá đã hạ nhiệt và lui về quanh 35,2 triệu đồng bán ra, còn mua vào là 34,7 triệu đồng.Diễn biến tăng giảm hàng triệu đồng của vàng miếng trong nước chủ yếu do tác động mạnh từ thị trường thế giới. Người Anh hôm qua đã đi bỏ phiếu quyết định nên ở lại hay rời Liên minh châu Âu (EU). Theo kết quả kiểm phiếu từng khu vực được công bố sáng nay, người dân nước này chọn rời khỏi EU với tỷ lệ 51,9% ủng hộ, 48,1% phản đối trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, là nguyên nhân khiến giá vàng tăng vọt.
Mở cửa tại 1.256 USD một ounce, giá sau đó tăng nhanh cả trăm USD (hơn 2,7 triệu đồng) lên 1.360 USD trong vài tiếng giao dịch - mức cao nhất từ tháng 7/2014. Trong giờ giao dịch tại thị trường châu Âu chiều nay, giá tạm thời hạ nhiệt. Lúc 14h50, giờ Hà Nội, mỗi ounce xuống quanh 1.310 USD, tức giảm gần 50 USD so với đỉnh cao lập được trước đó, nhưng so với mở cửa, giá này vẫn cao hơn 55 USD.
Sự tăng giảm với biên độ hàng chục USD của thị trường thế giới đã khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước không chỉ tăng giá theo mà còn mạnh tay giãn biên độ mua bán lên đến 700.000 đồng mỗi lượng. "Vì diễn biến giá trên thế giới tăng giảm quá nhanh, chúng tôi phải nới biên độ lớn như vậy để hạn chế những giao dịch lớn và cũng là nhằm phòng ngừa rủi ro", đại diện DOJI lý giải.
Vị này cũng cho biết, sáng nay, không khí mua bán ở hệ thống DOJI gần như ngưng trệ hoàn toàn khi giá liên tiếp nhảy vọt, lúc lên 35,8 triệu đồng rồi rơi xuống cả triệu đồng. "Người bán hàng tại nhiều điểm kinh doanh của chúng tôi mệt nhoài vì phải liên tiếp thay đổi giá niêm yết, trong khi đó, khách hàng chủ yếu gọi điện hoặc đến hỏi thăm giá chứ không dám tham gia mua bán", bà thông tin.
Đại diện PNJ cũng cho hay, sáng nay giá vàng diễn biến quá phức tạp do bị ảnh hưởng từ thị trường thế giới nên giao dịch khá yếu. "Khác như trước kia, những lúc giá tăng cao hay biến động mạnh thì người dân sẽ ồ ạt mua vào. Giờ thì cả khách lẻ lẫn nhà đầu tư lớn đều đứng ngoài quan sát thị trường là chính", PNJ nói.
Tại các hiệu vàng bán lẻ trên địa bàn TP HCM, theo ghi nhận củaVnExpress, trong ngày hôm nay, mãi lực cũng khá yếu, ngoại trừ sự sôi động về giá. Chủ tiệm vàng trên đường Lê Lợi, quận I cho biết, trong buổi sáng, cả chủ lẫn nhân viên hầu như chỉ có một việc là thay đổi bảng giá không ngớt tay, chứ mua bán không nhiều. "Vừa niêm yết giá 34,5 triệu, chưa đầy 10 phút sau giá đã nhảy lên 35 triệu đồng. Giá thay đổi từng phút thì mua bán gì được", chủ hiệu vàng bộc bạch.
Giá vàng tăng chóng mặt, điều chỉnh liên tục với biên độ lớn cũng là nguyên nhân khiến không ít hiệu vàng phải thất bại trong việc thoả thuận giá. Chủ hiệu vàng gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh còn cho biết, cuối buổi sáng có một khách hàng đến mua một lượng vàng. Mới vừa báo giá 35 triệu đồng, bạn hàng lại gọi điện cho biết giá vàng đã lên sát 35,4 triệu đồng. "Tôi thoả thuận lại với khách nâng giá lên chứ bán mức này thì lỗ nhưng họ không chịu và vụ giao dịch bất thành", chủ tiệm vàng nói.
Bản thân chị Mai, một khách hàng dự định đi bán vàng nhưng sáng nay sau nửa tiếng đồng hồ đứng loay hoay tại hiệu Mi Hồng (Bình Thạnh), đã quyết định mang về vì giá càng về sau càng tăng. "Tôi thấy giá tăng cả triệu đồng định bán nhưng khi đến nơi thì cứ nấn ná vì nghĩ sẽ còn tăng nên không nỡ bán và quyết định mang về cất vậy", chị nói.
Tài chính thế giới hỗn loạn vì trưng cầu dân ý Anh
Người Anh hôm qua đã đi bỏ phiếu quyết định nên ở lại hay rời Liên minh châu Âu (EU). Theo kết quả kiểm phiếu từng khu vực được công bố sáng nay, tỷ lệ "ở lại" và "ra đi" liên tục bám đuổi sát, khiến tài chính thế giới cũng biến động mạnh.
Bảng Anh sáng nay có lúc lên đỉnh năm 2016 với 1,5 USD một bảng. Nhưng sau một số kết quả ban đầu cho thấy phe “ra đi” đang thắng thế, bảng bắt đầu sụt giá, xuống dưới 1,4 USD. Đến 10h30 (giờ Hà Nội), đồng tiền này đã xuống thấp nhất so với USD kể từ năm 1985, còn chưa đầy 1,35 USD đổi một bảng.
Từ đầu ngày, bảng Anh đã mất 9,5% - hơn gấp đôi mức giảm 4,1% ngày thứ Tư đen tối năm 1992, khiến đồng tiền này phải ra khỏi Cơ chế Tỷ giá Hối đoái Cố định châu Âu (ERM). Bảng Anh được dự báo có ngày mất giá mạnh nhất lịch sử trong hôm nay.
Rất nhiều tổ chức tài chính được cho là đã thực hiện exit poll (thăm dò cử tri sau bỏ phiếu để dự báo kết quả) để phục vụ việc giao dịch. Vì vậy, giới quan sát lo ngại việc đồng bảng mất giá là tín hiệu cho thấy Anh có khả năng rời EU.Nhà đầu tư cũng đang dần chuyển sang các công cụ trú ẩn. Một đôla Mỹ sáng nay chỉ đổi được 103 yen Nhật, thấp hơn so với 106,8 yen trước đó. Giới phân tích cho rằng thị trường sẽ còn nhiều biến động trong suốt hôm nay.
Giá vàng sáng nay liên tục trồi sụt. Mở cửa tại 1.256 USD một ounce, giá tăng nhanh lên 1.280 USD trong vài tiếng đầu. Thị trường sau đó hạ nhiệt, nhưng đến 10h40 (giờ Hà Nội), giá lại lên 1.324 USD - cao nhất từ tháng 7/2014.
Dầu thô trong phiên châu Á sáng nay cũng lao dốc. Đến 10h50 (giờ Hà Nội), dầu Brent tại London mất 5,11%, xuống 48,31 USD một thùng. Trong khi đó, dầu thô Mỹ - WTI giảm nhẹ hơn, với hơn 1%, xuống 48,85 USD.
Nhiều thị trường chứng khoán châu Á sáng nay mở cửa tăng, nhưng sau đó bắt đầu đi xuống. Đến 10h40 (giờ Hà Nội), đà giảm tại hầu hết chỉ số lớn trong khu vực đều tăng tốc.
Shanghai Composite Index (Trung Quốc) hiện giảm 1,2%. Hang Seng Index (Hong Kong, Trung Quốc) mất 3,7%. Mức giảm này của Nikkei 225 (Nhật Bản) và Kospi (Hàn Quốc) lần lượt là 3,05% và 3,6%.
Trước đó, giới chuyên gia từng cảnh báo Anh rời EU có thể châm ngòi cho biến động chứng khoán toàn cầu, làm bốc hơi hàng nghìn tỷ USD vốn hóa, thậm chí đẩy cả thế giới vào một cuộc suy thoái mới.
Cuộc trưng cầu dân ý xuất phát từ cam kết của Thủ tướng Anh - David Cameron khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015. Theo đó, ông sẽ tổ chức để người dân Anh biểu quyết có nên rời EU hay không. Động thái này để đáp lại lời kêu gọi từ chính các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ của ông, và Đảng Độc lập Anh (UKIP). UKIP. Họ cho rằng Anh đã không có tiếng nói của riêng mình từ năm 1975 - khi bỏ phiếu ở lại EU trong một cuộc trưng cầu dân ý tương tự.
Quan điểm này cho rằng EU đã thay đổi rất nhiều từ thời điểm đó và ngày càng kiểm soát cuộc sống của người Anh. Vì vậy, ngày 20/2 năm nay, ông Cameron đã công bố quyết định và thời điểm tổ chức trưng cầu dân ý một lần nữa.
Gần 500 cổ phiếu Việt mất giá khi Anh rời EU
Dòng tiền đổ vào bắt đáy đã thu hẹp mức giảm của các chỉ số sau những giây phút hoảng loạn. Tính đến 14h30, Vn-Index chỉ còn giảm 12 điểm, xuống 620 điểm. HNX-Index giảm 2 điểm xuống 83 điểm và sàn UPCoM cũng giảm 2 điểm. Tuy vậy, toàn thị trường vẫn có khoảng hơn 500 mã giảm điểm. Khối lượng giao dịch tăng kỷ lục lên mức gần 6.000 tỷ đồng.
Trên thị trường chỉ một vài mã lội ngược dòng, MWG tăng tới 7.000 đồng lên 122.000 đồng một cổ phiếu. Ngoài ra KBC, CAV, DHA… bắt đầu lấy lại sắc xanh.
Chốt phiên, Vn-Index giảm 12 điểm xuống còn 620 điểm. HNX cũng giảm gần 2 điểm xuống 83.5 điểm. UPCoM-Index cũng giảm nhẹ xuống 56,8 điểm. Mức giảm đã được thu hẹp nhờ dòng tiền lớn đổ vào bắt đáy. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường lên tới 6.350 tỷ đồng – mức cao nhất từ năm 2015 trở lại đây.
Đặc biệt, dòng tiền đổ mạnh vào các cổ phiếu có lượng vay nợ lớn bằng đồng euro như HT1, NT1… Một số cổ phiếu lớn như VNM, VCB, MBB, VIC, SSI, HPG, HSG, GAS, FPT, BVH… hồi phục dần. Tuy vậy, sắc đỏ vẫn lấn át khi có tới gần 500 mã giảm, trong đó có 67 mã giảm sàn.
Trước đó, quyết định của người Anh về việc rời EU được công bố cuối buổi sáng nay (theo giờ Hà Nội) khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán trong nước cũng như thế giới lo sợ. Nối gót nhiều thị trường trong khu vực, các lệnh bán cổ phiếu ồ ạt được tung ra.
Chỉ số trên 2 sàn Hà Nội và TP HCM cùng lao dốc từ cuối phiên sáng khi hàng loạt cổ phiếu trụ cột đồng loạt bị bán và giảm giá như VNM, VCB, BVH... Không còn trụ đỡ, Vn-Index giảm tới 34,5 điểm ngay đầu phiên chiều, mạnh nhất từ đầu năm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng sau tin người Anh lựa chọn rời EU.
Sắc đỏ bao trùm hai sàn với hơn 450 mã giảm điểm. Không một cổ phiếu nào trong rổ VN30 còn trụ vững. Điển hình như VNM giảm 5.000 đồng, BVH giảm 3.500 đồng, VCB giảm 1.900 đồng, VIC và GAS giảm 2.500 đồng, MWG giảm 2.000 đồng, HPG giảm 1.800 đồng, HSG giảm 2.400 đồng… Hơn 100 mã khác giảm sàn như HAG, HNG, CTG, BCG, BGM...
Các lệnh bán diễn ra ở hầu hết các dòng cổ phiếu: từ ngân hàng, dầu khí đến chứng khoán… Chỉ còn một vài mã nhỏ, thanh khoản thấp còn giữ được sắc xanh. Trước đó, khép lại phiên giao dịch sáng, Vn-Index giảm 21,63 điểm xuống 610,64 điểm.
Một môi giới tại Công ty Chứng khoán Sài gòn (SSI) cho biết thị trường đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi thông tin Anh rời EU, đã “thổi bay” nỗ lực tăng điểm trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, việc Vn-Index rơi mạnh chủ yếu do tác động tâm lý và cuộc bán tháo của chứng khoán toàn châu Á. “Dòng tiền lớn không có xu hướng thoát khỏi thị trường, vẫn đang lựa chọn các cổ phiếu tốt. Những thời điểm giảm sâu có thể là cơ hội mua vào những cổ phiếu này sau thời gian giá ở đỉnh”.
Ông Nguyễn Thế Minh – Trưởng phòng Phân tích (Công ty Chứng khoán Bản Việt) nhận định tâm lý nhà đầu tư đang rất tiêu cực, sẵn sàng bán tháo theo xu hướng các thị trường chứng khoán thế giới và việc này chưa thể dừng lại ngay.
Vị này cho rằng thực tế mối quan hệ kinh tế Việt Nam – Anh mới ở giai đoạn đầu của phát triển nên mức độ tác động trực tiếp không quá nhiều. Tuy nhiên, việc Anh rời EU lại tác động lớn đến khối liên minh - vốn có mối quan hệ chặt chẽ. Việc này ảnh hưởng rủi ro đến toàn bộ thị trường chứng khoán trên thế giới, từ đó ảnh hưởng đến việc mua bán của quỹ ngoại tại Việt Nam để đầu tư vào những kênh an toàn hơn.
“Chưa có một báo cáo trực tiếp nào nói về ảnh hưởng kinh tế của Việt Nam khi Anh rời EU, việc bán tháo chủ yếu do tác động tâm lý từ bên ngoài, tâm lý đám đông. Họ lo sợ Anh rời EU có thể sẽ khởi đầu cho xu hướng bán ròng của khối ngoại sau thời gian dài ở thế mua ròng ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ bị tác động nhưng không quá tiêu cực so với các nước”, ông Minh nói. Ở những thời điểm giảm sâu, có nhiều ý kiến cho rằng nên tận dụng mua vào, song ông Minh khuyến cáo nên cẩn trọng bởi sự kiện Anh rời EU có thể có tác động lâu dài.
Không chỉ Việt Nam, các thị trường tài chính châu Á cũng diễn ra cảnh tháo chạy khi tin tức tại Anh dần được công bố. Đến 1h40 chiều nay (giờ Hà Nội), đà giảm tại tất cả chỉ số lớn trong khu vực đều tăng tốc. Shanghai Composite Index (Trung Quốc) hiện giảm 1,1%. Hang Seng Index (Hong Kong, Trung Quốc) mất 4,3%. Mức giảm này của Nikkei 225 (Nhật Bản) và Kospi (Hàn Quốc) lần lượt là 9,4% và 3%.
Trước đó, giới chuyên gia từng cảnh báo Anh rời EU có thể châm ngòi cho biến động chứng khoán toàn cầu, khiến kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng mới.
Tuy vậy, trao đổi với báo chí sáng nay, bà Đỗ Thị Ngọc - Phó vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tồng cục Thống kê) đánh giá qua các số liệu về quan hệ kinh tế song phương, việc Anh ra đi hay ở lại EU gần như không tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam.
Bà Ngọc cho rằng, Việt Nam mặc dù tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (trong đó có cả FTA với Liên minh châu Âu) song vẫn ở giai đoạn chuẩn bị, chưa hội nhập sâu rộng nên chưa ảnh hưởng nhiều. Vị này cho rằng hưởng nhiều nhất là châu Âu, Mỹ. Riên châu Á thì các thị trường Hong Kong, Singapore, Nhật sẽ bị tác động lớn.
Ngân hàng Trung ương Anh trấn an thị trường
Cơ quan này cam kết "sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp cần thiết". Ông Carney cũng tiết lộ sẽ thực thi các kế hoạch như đã bàn bạc với Bộ Tài chính.Chỉ trong một ngày, vì cuộc trưng cầu dân ý có nên rời Liên minh châu Âu (EU), bảng Anh đã xuống đáy 30 năm, Thủ tướng Anh - David Cameron tuyên bố từ chức, hai hãng xếp hạng tín nhiệm cho biết sẽ hạ bậc Anh, còn thị trường chứng khoán nước này mất vài trăm điểm.
Dù vậy, ông Carney tuyên bố rất rõ rằng ông chỉ có thể hạn chế thiệt hại, chứ không giải quyết được vấn đề. "Anh sẽ phải trải qua một thời kỳ bất ổn nữa sau khi kết quả được công bố. Và trong dài hạn, kinh tế Anh sẽ chịu ảnh hưởng, do phải điều chỉnh theo các mối quan hệ thương mại mới", ông cho biết.
Thống đốc cũng nhận định các ngân hàng đã vững mạnh hơn so với năm 2008. Họ có đủ vốn dự trữ để đề phòng thua lỗ, và đủ tài sản thanh khoản để thuyết phục khách hàng không rút tiền hàng loạt.
Thêm vào đó, BOE sẽ bơm thêm 250 tỷ bảng thông qua các nghiệp vụ của cơ quan này, và cho các nhà băng vay ngoại tệ nếu thiếu USD, euro hay yen.
Trong vài tuần tới, cơ quan này sẽ đánh giá điều kiện kinh tế của Anh và sẽ cân nhắc có thêm chính sách. Đây là dấu hiệu cho thấy BOE có thể hạ lãi suất trong phiên họp tháng 8 tới, hoặc thậm chí sớm hơn.
Đồng bảng mất giá có thể làm tăng giá hàng nhập khẩu, khiến nỗ lực kiềm chế lạm phát của BOE gặp khó. Dù vậy, ông Carney vẫn khẳng định: "Chúng tôi đã đi mọi bước đi có thể để chuẩn bị cho các sự kiện hôm nay".