tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 03-08-2017

  • Cập nhật : 03/08/2017

Ấn Độ giải thích lý do hàng hóa Trung Quốc siêu rẻ

 Làn sóng kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc tại Ấn Độ ngày một tăng giữa bối cảnh các căng thẳng ngày một xấu đi không phanh giữa Bắc Kinh và New Delhi.

Theo Times of India, ngày 31-7 khi được hỏi tại sao hàng hóa trong nước lại có giá cao so với các sản phẩm nhập từ Trung Quốc, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Haribhai Parthibhai Chaudhary nói rằng hàng Trung Quốc rẻ hơn hàng hóa Ấn Độ là bởi chính sách hỗ trợ không minh bạch thắng thế tại Trung Quốc.

“Các hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc được báo cáo nằm ở mức giá thấp hơn là nhờ vào chính sách hỗ trợ mơ hồ của họ và việc bóp méo chi phí của các yếu tố sản xuất” – ông Chaudhary cho biết.

Vị bộ trưởng Ấn Độ nói rằng sự tồn tại và phát triển của các công ty vừa và nhỏ lệ thuộc vào nhiều yếu tố như cải tiến công nghệ, cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận thị trường, chất lượng sản phẩm…Tuy nhiên, sự cạnh tranh từ các nguồn lực ngoài nước cũng là một trong các nguyên nhân gây chèn ép hàng hóa trong nước.

mot cua hang ban do trung quoc o an do. anh: daily mail

Một cửa hàng bán đồ Trung Quốc ở Ấn Độ. Ảnh: DAILY MAIL

Trang Quora dẫn lý giải của một số nhà quan sát cho biết Trung Quốc hạ giá thành của các hàng hóa nước này nhằm thâu tóm thị trường tại Ấn Độ. Hình thức bán phá giá được áp dụng cho vô số sản phẩm từ đồ chơi, hàng điện tử, điện thoại…

Tuyên bố của ông Chaudhary được đưa ra giữa bối cảnh căng thẳng Trung-Ấn ở khu vực biên giới Dokalam tăng nhiệt đột ngột trong hơn một tháng qua. Người dân Ấn Độ đã kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc để ngăn chặn những động thái hung hăng của Bắc Kinh.

Tờ International Business Times (IBT) ngày 1-8 cho biết tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) mới đây còn tung lời đe dọa rằng việc người dân Ấn Độ tẩy chay hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ giáng đòn ngược lại vào nền kinh tế Ấn Độ.

“Chế độ bảo hộ chống lại hàng hóa Trung Quốc sẽ chỉ khiến gậy ông đập lưng ông nhằm vào nền công nghiệp Ấn Độ” – Thời báo Hoàn Cầu viết.

IBT nhận định việc cấm cửa ồ ạt sẽ có thể không mang lợi cho Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu New Delhi chỉ cho phép một số loại hàng hóa nhất định của Trung Quốc được lọt vào thị trường nước này thì đó sẽ là một cách có lợi. Đồng thời, việc giám sát chặt chẽ cũng giúp ngăn những mặt hàng kém chất lượng tuồn vào nước này.(PLO)
--------------------------------

Ngừng bay, Air Mekong và Indochina Airlines vẫn nợ đầm đìa

Các chủ nợ của Air Mekong và Indochina Airlines không còn cách nào để thu hồi công nợ, buộc phải đưa 2 hãng hàng không này vào danh sách khách hàng có nợ xấu.

 

quay ve cua indochina airlines tai san bay quoc te tan son nhat khi hang con hoat dong - anh minh hoa

Quầy vé của Indochina Airlines tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khi hãng còn hoạt động - Ảnh minh hoạ

 

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec), cho biết hiện nay, hãng hàng không đã phá sản Indochina Airlines do nhạc sĩ Hà Dũng làm Tổng giám đốc điều hành vẫn còn nợ Skypec 30 tỉ đồng tiền nhiên liệu bay.

Công nợ phát sinh từ năm 2009, chỉ một thời gian ngắn sau khi Indochina Airlines cất cánh nhưng Skypec (khi đó là Công ty Xăng dầu hàng không Việt Nam (Vinapco) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) không đòi được nợ, cũng không thể ngừng cung cấp xăng dầu vì lo bị quy vào lỗi làm gián đoạn hoạt động vận tải hàng không. 

Trước nguy cơ mất vốn nhà nước, cuối năm 2010, Vinapco đã khởi kiện Indochina Airlines ra Tòa án kinh tế Hà Nội. Ngày 28-2-2011, Toà án kinh tế Hà Nội đã mở phiên xét xử đầu tiên nhưng nhạc sĩ Hà Dũng vắng mặt, cũng không uỷ quyền cho người đại diện tham dự. Không triệu tập được ông Hà Dũng ở toà kinh tế Hà Nội, Vinapco tiếp tục chuyển hồ sơ vào toà án phía Nam nhưng vẫn không thu hồi được công nợ. 

Indochina Airlines là hãng hàng không tư nhân thứ 2 ở Việt Nam được cấp phép (sau Vietjet Air) nhưng lại là hãng tư nhân đầu tiên cất cánh. Hãng nhận giấy cấp phép kinh doanh vận tải hàng không tháng 5-2008 với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Hàng không Tăng Tốc (AirSpeedUp), vốn điều lệ 200 tỉ đồng. Tháng 10-2008, đổi tên thành Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương (Indochina Airlines) và chọn ngày cất cánh trùng với ngày sinh nhật của nhạc sĩ Hà Dũng, ngày 25-11-2008. Năm 2009, hãng hàng không này ngừng bay vì thua lỗ và sau đó phá sản, bị thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không. Đến nay, Vinapco đã 3 lần đổi lãnh đạo song vẫn không thể đòi được khoản nợ 30 tỉ đồng của Indochina Airlines.

quay lam thu tuc cua air mekong tai san bay tan son nhat khi hang con hoat dong - anh: to ha

Quầy làm thủ tục của Air Mekong tại sân bay Tân Sơn Nhất khi hãng còn hoạt động - Ảnh: Tô Hà

 

Trong khi đó, thông tin từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết công ty CP Hàng không Mekong (Air Mekong) vẫn chưa thanh toán khoản nợ gần 26 tỉ đồng. Số nợ này phát sinh từ hợp đồng cung cấp dịch vụ cất/hạ cánh, bãi đỗ… được ký kết giữa hai doanh nghiệp.

Trong bảng nợ xấu của ACV có tổng cộng 19 khách nợ thì trong đó có 3 hãng hàng không. Tổng nợ xấu của ACV đối với 19 khách nợ nói trên là 30,2 tỉ đồng thì riêng Air Mekong chiếm 25,907 tỉ đồng. Các khách nợ là hãng hàng không khác gồm có Transaero Airlines (hãng hàng không có trụ sở tại sân bay Domodedovo – Moscow, Nga) nợ 2,6 tỉ đồng và hãng hàng không SW Italia (hãng hàng không chở hàng của Italia) nợ 634 triệu đồng.

Air Mekong được cấp phép kinh doanh vận tải hàng không ngày 30-10-2008 và khai trương chuyến bay đầu tiên ngày 9-10-2010. Ban đầu, những người sáng lập Air Mekong dự định cất cánh đúng ngày 10-10-2010 nhưng sau đó lại thay đổi, và chuyến bay đầu tiên từ sân bay quốc tế Nội Bài bị trục trặc kỹ thuật, buộc phải quay lại sân bay xuất phát. Cuối năm 2013, Air Mekong ngừng bay vì thua lỗ và đến đầu năm 2015 bị thu hồi giấy phép do không thể tái cơ cấu. Điểm khác biệt trong chiến lược kinh doanh của Air Mekong là chọn dòng máy bay thân hẹp Bombardier CRJ900 có dưới 90 chỗ ngồi, khai thác các tuyến du lịch biển và đặt căn cứ tại sân bay Phú Quốc.

Đại diện ACV và Skypec đều cho biết số nợ của Air Mekong và Indochina Airlines tuy không lớn so với quy mô doanh nghiệp nhưng đây là nợ phải thu để đảm bảo tài sản, vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.(NLĐ)
--------------------------

Hơn 200 container biến mất: Xử lý nghiêm hải quan vi phạm

Tổng cục Hải quan cho biết: Từ việc chủ động thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Hải quan đã phát hiện vào giữa năm 2015 có 213 container của 56 doanh nghiệp vận chuyển quá cảnh qua cảng Cát Lái – Tp. HCM (cửa khẩu nơi đi) để trung chuyển bằng đường bộ, sau đó xuất đi Campuchia (cửa khẩu nơi đến), tuy nhiên, số container trên đã được doanh nghiệp vận chuyển khỏi cảng Cát Lái nhưng không được đưa đến cửa khẩu xuất theo quy định.

Liên quan đến vụ việc này, Tổng cục Hải quan xác định có nguyên nhân một số công chức thừa hành tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I - Cục Hải quan TP.HCM chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ (cập nhật thông tin, theo dõi tình trạng vận chuyển hàng hoá; truy tìm hàng khi đã quá thời hạn đăng ký mà chưa có thông tin xác nhận hàng đã đến đích...).

Ngoài ra, có những nguyên nhân rất quan trọng khác là: Đối tượng đã lợi dụng các yếu tố thuận lợi trong khâu cấp phép đăng ký kinh doanh và quản lý sau cấp phép để hoạt động buôn lậu (qua xác minh của cơ quan Hải quan thì 56 doanh nghiệp có 213 container nêu trên đều đã không còn hoạt động hoặc không có trụ sở tại địa chỉ đã đăng ký).

“Hiện tại Tổng cục Hải quan đang phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra, các đơn vị thuộc Tổng cục An ninh – Bộ Công an và Công an Tp. HCM khám xét, điều tra các container và doanh nghiệp vi phạm”, Tổng cục Hải quan cho biết.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM xem xét, xử lý nghiêm những công chức có hành vi sai phạm, đồng thời kiến nghị cần phải chấn chỉnh khâu cấp phép và tăng cường công tác quản lý sau cấp phép đối với doanh nghiệp của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại theo chủ trương của Chính phủ, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan, phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra nội bộ và kiên quyết xử lý nghiêm minh công chức có hành vi vi phạm.(VietnamNet)
-----------------------------

Bắt 1 nguyên giám đốc chi nhánh ngân hàng Agribank

Trưa 2-8, Cơ quan CSĐT tội phạm kinh tế và tham nhũng Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành bắt giữ ông Ngô Quốc Vinh (SN 1961, nguyên Giám đốc Chi nhánh ngân hàng Agribank huyện Krông Bông (Đắk Lắk). Cơ quan điều tra cũng đã khám xét nơi ở của ông Vinh để điều tra làm rõ hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

 Chi nhánh Agribank Krông Bông

Chi nhánh Agribank Krông Bông

Trước đó, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Chu Ngọc Hải (SN 1984, cán bộ tín dụng Chi nhánh Agribank Krông Bông).

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2015 đến khi bị bắt, ông Hải đã tiếp nhận, xử lý hơn 500 bộ hồ sơ vay vốn với tổng số tiền hơn 100 tỉ đồng. Trong đó có hàng trăm bộ hồ sơ bị ông Hải làm giả, để rút tiền của Chi nhánh Agribank Krông Bông rồi chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân. Ngoài ra, ông Hải còn lừa một số khách hàng trả tiền cho ngân hàng nhưng rồi chiếm đoạt.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định trên cương vị là giám đốc, ông Vinh đã cố ý làm trái các quy định để ông Hải có cơ hội lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của ngân hàng.(NLĐ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục