tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-10-2017

  • Cập nhật : 31/10/2017

Tập đoàn lớn của Hàn Quốc sẽ mất hàng nghìn tỷ won vì thua kiện nhân viên?

Lợi nhuận doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ có thể giảm tổng số 8,36 nghìn tỷ won nếu các công ty tiếp tục thua kiện về lương thưởng với người lao động tại tòa.

anh: bloomberg

Ảnh: Bloomberg

 

Trong quý gần nhất kết thúc vào cuối tháng Chín, hãng xe Kia Motors của Hàn Quốc chịu lỗ, doanh thu và lợi nhuận của hãng bị tác động tiêu cực bởi phán quyết của tòa án liên quan đến việc hãng nợ nhân viên tiền làm thêm giờ.

Ở thời điểm mà hàng chục công ty Hàn Quốc khác cũng đang vướng vào những vụ kiện tụng tương tự, nếu tòa án Hàn Quốc đưa ra thêm các quyết định có lợi cho người lao động sẽ khiến hoạt động kinh doanh và lợi nhuận của các doanh nghiệp này chịu tổn thất nặng nề. Ước tính lợi nhuận của ngành có thể giảm đến hơn 8 nghìn tỷ won tương đương 7,1 tỷ USD.

Trong ngày thứ Sáu, Kia công bố doanh thu quý ba năm nay ước sẽ khoảng 14,1 nghìn tỷ won, tuy nhiên hãng thu lỗ 427 tỷ won trong khi cùng kỳ năm trước lãi 525 tỷ won. Lần gần nhất hãng thua lỗ là từ năm 2007. Kia vẫn hy vọng công việc kinh doanh sẽ hồi phục trong khoảng thời gian còn lại của năm. 

Doanh số bán ô tô của Kia đã tăng chậm lại từ mùa xuân năm nay, doanh số bán xe tại thị trường Trung Quốc và Mỹ giảm sâu kéo theo tổng doanh số bán xe trên toàn cầu giảm 4% xuống chưa đầy 700 nghìn xe.

Trong tuyên bố mới nhất, tòa án phán quyết rằng mức thưởng của nhân viên Kia nên được tính toán như một phần trong mức lương cơ bản. Trước đó, nhân viên và nghiệp đoàn từng kiện Kia với lý do họ đã tính thưởng ra ngoài lương cơ bản. Và để tuân thủ theo phán quyết của tòa, Kia đã phải dành ra 977,7 tỷ won để trả thêm lương thưởng cũng như tiền phúc lợi khác cho nhân viên. 

Nếu không phải vì khoản tiền trên, Kia hẵn đã lãi được 437,1 tỷ won. Và sau những diễn biến mới nhất, Kia đang phải tính tới giảm bớt giờ làm thêm cho nhân viên và những ca làm việc vào ngày nghỉ. 

Thế nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc sản lượng xe sản xuất ra tại các nhà máy sẽ thấp hơn, thời gian khách hàng phải chờ để được giao xe cũng sẽ dài hơn. Vấn đề lương thưởng nhân viên sẽ không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận mà cả tính cạnh tranh của hãng so với các đối thủ khác trên thị trường. 

Cùng lúc đó, nhiều hãng xe khác của Hàn Quốc ví như Hyundai cũng đang đối diện với những vấn đề tương tự. Người lao động tại cả hai hãng xe này năm nào cũng đình công đòi tăng lương, vấn đề năng suất lao động giảm vì vậy không thể tránh khỏi.

Và cũng trong năm nay, các hãng xe Hàn Quốc khó bán hàng tại Trung Quốc khi mà căng thẳng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc tăng cao bởi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc. 

Thông tin khác không mấy có lợi cho các hãng xe Hàn Quốc là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc thương thảo lại về thỏa thuận thương mại tự do hai chiều giữa Mỹ và Hàn Quốc. 

Theo giới bình luận chính trị, đằng sau các phán quyết liên quan đến lương thưởng người lao động tại các hãng xe Hàn Quốc mà tòa án đưa ra gần đây, người ta nhìn thấy “bàn tay” của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In.

Việc Tổng thống Hàn Quốc ủng hộ việc tăng thuế doanh nghiệp và giảm sự quan tâm đến năng lượng hạt nhân đang khiến sức cạnh tranh của nhiều công ty Hàn Quốc sụt giảm mạnh. Ngoài ra, quan điểm chính sách của ông có thể khiến một số doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài.

Ước tính củ Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc cho thấy hiện nay có khoảng 35 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đối đầu với các vụ kiện tụng liên quan đến vấn đề lương thưởng. 

Viện ước tính lợi nhuận doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ có thể giảm tổng số 8,36 nghìn tỷ won nếu các công ty tiếp tục thua kiện tại tòa. Những tên tuổi lớn chịu ảnh hưởng tiêu cực bao gồm Korean Airlines, Doosan Heavy Industries & Construction và ngân hàng Woori.

Giới quản lý doanh nghiệp Hàn Quốc tuyên bố rằng thưởng là những khoản biến động và có thể thay đổi dựa trên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi đó người lao động kiên quyết giữ quan điểm rằng thưởng phải được tính trong mức lương cơ bản.(Bizlive)
------------------------------------------

Subaru viết tiếp khủng hoảng của các thương hiệu Nhật

Tháng khủng hoảng của các thương hiệu công nghiệp chế tạo Nhật vẫn chưa kết thúc khi đến lượt Subaru nhận trách nhiệm về bê bối kiểm định chất lượng.

subaru thua nhan da de nhan vien chua du chung nhan kiem dinh chat luong xe.

Subaru thừa nhận đã để nhân viên chưa đủ chứng nhận kiểm định chất lượng xe.

 

Nhà sản xuất ôtô Subaru của Nhật Bản đang dự kiến triệu hồi 255.000 xe sau khi thừa nhận đã cho phép những lao động chưa được cấp chứng nhận đủ trình độ để kiểm định chất lượng của xe. Công ty cho biết công nhân tại nhà máy lớn nhất ở Nhật Bản đã tham gia kiểm định chất lượng xe dù còn đang trong quá trình tham gia đào tạo để được cấp chứng nhận.

Giám đốc điều hành Yasuyuki Yoshinaga nói với phóng viên rằng tình trạng này đã kéo dài 30 năm qua nhưng công ty không biết đó là trái với quy định của chính phủ.

Vụ việc tại Subaru bị phanh phui sau khi Nissan dính vào bê bối tương tự, liên quan đến kiểm định chất lượng xe. Ngay sau đó, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu các nhà sản xuất ôtô khác phải rà soát lại quy trình sản xuất của mình.

Subaru dự kiến sẽ tốn 4 tỷ yên, tương đương 44 triệu USD cho kế hoạch triệu hồi này.

Ông Yoshinaga chưa nêu rõ các thị trường nào ngoài Nhật sẽ ảnh hưởng bởi lệnh triệu hồi. Hiện chỉ có khoảng 15% xe Subaru được bán ngay tại nước này. Trong khi đó, Mỹ là thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng.

Cổ phiếu Subaru có lúc đã giảm 3,3% trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu vừa qua. Khép phiên ngày 27/10, cổ phiếu hãng này giảm 2,6%.

Bê bối của Subaru diễn ra liền sau vụ việc tại Nissan. Tuần trước, hãng này tuyên bố tạm ngừng sản xuất xe tại Nhật Bản sau khi phát hiện các bài kiểm tra an toàn đã không được thực hiện nghiêm túc tại một số nhà máy. Công ty đã công bố triệu hồi hơn 1,2 triệu xe do không vượt qua bài kiểm tra an toàn trước khi được đăng ký và bán ra.

Thông tin của Bloomberg cho hay, việc cho phép các nhân viên không đủ thẩm quyền tiến hành các bài kiểm tra an toàn đã diễn ra tại Nissan từ năm 1979. Công ty từ chối bình luận về báo cáo này và cho biết đang chờ đợi kết quả từ các cuộc điều tra bên ngoài. Giám đốc điều hành Nissan Hiroto Saikawa nói rằng việc để các nhân viên không đủ thẩm quyền kiểm tra sản phẩm đã là một thói quen ăn sâu vào văn hóa công ty.

Sự thừa nhận của Subaru đã viết tiếp một tháng xấu cho ngành công nghiệp chế tạo Nhật Bản. Đầu tháng 10, Kobe Steel thừa nhận đã bán các sản phẩm không đáp ứng được những quy cách về kỹ thuật mà khách hàng đưa ra. Công ty này đã giả mạo các số liệu chất lượng sản phẩm nhôm và đồng, được bán cho một số nhà sản xuất lớn, bao gồm cả Toyota và Boeing.

Trước đó, một số thương hiệu khác của Nhật cũng là thế giới không khỏi bất ngờ vì hàng loạt bê bối. Ví dụ như lỗi túi khí gây chết người của Takata, vụ gian lận kiểm tra tiết kiệm nhiên liệu của Mitsubishi Motors, vụ gian lận kế toán 1,2 tỷ USD trong mảng kinh doanh điện hạt nhân của Toshiba.(Bizlive)
--------------------------

Singapore sẽ khó tăng trưởng kinh tế vì thiếu… cát?

Có quá nhiều công trình quan trọng của Singapore được xây dựng dựa trên khu vực do lấn biển mà có. Nếu thiếu cát nhập khẩu, Singapore khó lòng đảm bảo được tăng trưởng. 

anh: wanderworld

Ảnh: WanderWorld

 

Ở Singapore, cát cũng quý như dầu hay nước vậy. Tuy nhiên, chính phủ Singapore đang gặp khó trong việc đảm bảo nguồn cung cát cho đất nước. 

Từ năm 1960 đến nay, diện tích của quốc đảo nhỏ bé này đã tăng thêm đến 24%, theo số liệu từ Cục quản lý đất đai Singapore.

Với tổng diện tích chỉ 278 dặm vuông, diện tích của Singapore thậm chí còn nhỏ hơn New York. Một số những công trình quan trọng vốn được coi như tài sản của Singapore bao gồm cảng biển – một trong những khu cảng đông đúc nhất thế giới, sân bay – một trong những sân bay tốt nhất thế giới lại nằm ở trên những khu đất lấn biển chứ trước đây không hề tồn tại. 

Nhiều công trình tòa nhà chọc trời khác cũng như vậy, có thể kể đến khu tổ hợp khách sạn và sòng bạc Marina Bay Sands.

Việc Singapore cần liên tục mở rộng diện tích để phát triển liên tiếp gặp nhiều khó khăn qua các năm. Trong quá khứ, những nước cung cấp cát lớn nhất cho Singapore bao gồm Indonesia và Việt Nam. 

Đến hiện tại, cả chính phủ Indonesia và Việt Nam đều đã cấm xuất khẩu cát bởi những quan ngại về tác động tiêu cực đến môi trường cũng như nhiều mối lo chính trị khác. 

Tháng 7 năm nay, chính phủ Campuchia cũng đã chính thức cấm xuất khẩu cát sang Singapore bởi chịu nhiều áp lực từ các nhà hoạt động chính trị liên quan đến tình trạng môi trường ngày một xấu đi tại nước này.

Theo số liệu công bố bởi Liên hợp quốc, trong năm ngoái, Singapore nhập khẩu 38,6 triệu tấn cát, hơn một nửa trong đó đến từ Malaysia. Giới chức Malaysia mới đây đã cân nhắc cấm xuất khẩu cát. 

Lệnh cấm xuất khẩu này sẽ được điều chỉnh tùy theo từng đề nghị từ phía doanh nghiệp, theo khẳng định của Bộ quản lý Tài nguyên và Môi trường Malaysia. 

Chính phủ Singapore khẳng định họ đã dự phòng một số biện pháp cần thiết để chuẩn bị cho việc khó nhập khẩu cát trong thời gian tới, họ đang tiến hành bàn thảo với thêm nhiều nước khác cũng như tìm cách khác để lấn biển. 

Trong tuyên bố gửi đến giới truyền thông, đại diện Bộ phát triển Singapore tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm thêm nhiều cách mới để giảm sự phụ thuộc của Singapore vào cát”. Ví như chính phủ Singapore đã cố gắng tái sử dụng vật liệu từ các công trình xây dựng để dùng cho một số dự án. 

Trong bản kế hoạch phát triển công bố năm 2013, chính phủ Singapore khẳng định sẽ cố gắng tăng diện tích đất lên 296 dặm vuông trước năm 2030 để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và dân số. (Bizlive)
-----------------

Vụ Khaisilk: Hải quan đang rà soát số liệu nhập khẩu khăn lụa Trung Quốc

Ông Trần Đức Hùng, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã chủ động rà soát số liệu đối với mặt hàng khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam thời gian vừa qua.

Vụ Khaisilk: Hải quan đang rà soát số liệu nhập khẩu khăn lụa Trung Quốc

Khăn lụa Khaisilk cắt mác "made in China" gán mác "made in Vietnam"

Tại cuộc họp báo diễn ra sáng 31/10 tại Tổng cục Hải quan, trước câu hỏi của phóng viên liên quan đến vụ việc Khaisilk thừa nhận nhập khẩu khăn Trung Quốc dán mác “made in Vietnam” ông Trần Đức Hùng, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hảin quan đã chủ động rà soát số liệu đối với mặt hàng khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Chánh văn phòng Tổng cục Hải quan cho biết, thông tin cụ thể hơn chưa cung cấp. Khi có kết luận của cơ quan điều tra sẽ chủ động cung cấp cho phóng viên.

Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, số liệu thuế, lượng nhập khẩu mặt hàng khăn lụa từ Trung Quốc của các doanh nghiệp đều có tại hệ thống hải quan các địa phương, không phải khi sự việc xảy ra Tổng cục Hải quan mới tổng hợp số liệu.

Liên quan đến vụ việc này, hôm qua (30/10), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường chỉ đạo đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội đối với cơ sở kinh doanh hàng dệt may do bà Nguyễn Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, địa chỉ số 113 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện các cơ quan liên quan: công an, hải quan, thuế, khoa học công nghệ, Hiệp hội dệt may, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng và các đơn vị trong Bộ để tiến hành kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.

Đồng thời, đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ dấu hiệu vi phạm của Tập đoàn Khaisilk, Công ty TNHH Khải Đức và chi nhánh của Công ty TNHH Khải Đức tại 113 Hàng Gai.

Phía cơ quan thuế ngày 27/10 cũng cho biết, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục thuế TP. Hà Nội triển khai việc kiểm tra, giám sát ngay việc chấp hành pháp luật thuế đối với trường hợp thương hiệu Khaisilk.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục