tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-11-2017

  • Cập nhật : 01/11/2017

Tiền điện tử do ngân hàng phát hành sẽ "đánh bật" bitcoin và các loại tiền điện tử khác

Đồng tiền điện tử được phát hành bởi ngân hàng trung ương sẽ giúp các giao dịch trở nên hiệu quả hơn trong khi các đồng tiền điện tử khác lại là phương tiện cho các hoạt hành vi bất hợp pháp, chuyên gia kinh tế Barry Eichengreen nhận định.

chuyen gia kinh te barry eichengreen

Chuyên gia kinh tế Barry Eichengreen

Trả lời câu hỏi liệu rằng các loại tiền điện tử như bitcoin và ether có thể đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hay không, ông Eichengree cho rằng "Không hẳn".

"Tôi nghĩ rằng loại đồng tiền điện tử do ngân hàng phát hành khác hẳn so với các loại tiền điện tử khác- loại tiền ẩn danh. Thứ nhất, loại tiền điện tử do ngân hàng phát hành sẽ giúp giao dịch trở nên hiệu quả hơn. Thứ 2, các loại tiền điện tử khác là công cụ của rửa tiền, tránh thuế và các vấn đề tương tự".

Trong thời gian gần đây, tiền điện tử là đề tài gây tranh cãi trong giới chuyên gia, nhà nghiên cứu, các ngân hàng và giới chức.

Chuyên gia kinh tế Harvard Kenneth Rogoff cho rằng giá đồng bitcoin sẽ "đổ vỡ" dưới sức ép của chính phủ.

Tháng trước, giới chức Trung Quốc chính thức cấm việc huy động vốn bằng cách phát hành tiền điện tử. Cùng lúc, nhiều sàn giao dịch tiền điện tử ở quốc gia này phải đóng cửa hoặc tuyên bố sẽ đóng cửa vào cuối tháng 9. Ngay sau đó, giá hàng loạt các loại tiền điện tử lao dốc. Trái lại, chính phủ Nhật Bản lại hợp pháp hóa loại tiền này như một hình thức thanh toán. Sau hàng loạt những động thái thắt chặt tiền điện tử, khối lượng giao dịch bitcoin ở Nhật Bản tăng vọt, dẫn đầu thế giới.

CEO của JPMorgan ông Jamie Dimon gọi bitcoin là trò "lừa đảo" và cuối cùng sẽ tan vỡ. Đầu tháng này, ông tuyên bố sẽ không đưa ra bất cứ bình luận nào về bitcoin do phải hứng chịu quá nhiều chỉ trích từ những người ủng hộ loại tiền điện tử này. Trong khi đó, nhiều chuyên ra tỏ ra lạc quan trước tương lai đồng tiền điện tử này khi dự đoán giá bitcoin có thể tăng lên 10.000 USD.

Tính đến hôm thứ 2 (30/10) đồng bitcoin giao dịch ở mức 6.081 USD/bitcoin, giảm 65,1 USD, tương đương 1,06% sau khi đạt ngưỡng kỷ lục 6.345 USD/bitcoin.(CafeF)
-------------------------

Chứng khoán Trung Quốc giảm sâu vì chịu ảnh hưởng từ cơn bán tháo trên thị trường trái phiếu

Phiên giao dịch sáng 30/10, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu tháng 8, phá vỡ sự yên bình được duy trì suốt trong thời kỳ diễn ra đại hội Đảng lần thứ 19.

Lúc 11h27 theo giờ địa phương, chỉ số Shanghai Composite Index giảm 0,8% sau khi có lúc đã giảm tới 1,7%. Các cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ (small-cap) là nhóm bị bán tháo nhiều nhất, với chỉ số ChiNext mất 2,5%.

Thị trường cổ phiếu đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng bán tháo đã kéo dài được khoảng 1 tháng trên thị trường trái phiếu do lo ngại Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh nỗ lực giảm tỷ lệ đòn bẩy trong khu vực tài chính. Trong khi các chỉ số chứng khoán đi ngang suốt từ đầu tháng đến nay, lợi suất trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên. Phiên hôm nay lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm do Chính phủ Trung Quốc phát hành tăng 5 điểm cơ bản, lên 3,9% - cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Theo Hao Hong, chiến lược gia trưởng tại Bocom International Holdings, nỗi bi quan trên thị trường trái phiếu đã lây lan sang thị trường cổ phiếu. Lợi suất tăng là kết quả của trạng thái tâm lý xấu đi và chi phí đi vay của các doanh nghiệp tăng lên. Những doanh nghiệp nhỏ sẽ bị tác động nhiều nhất vì họ phải phụ thuộc vào thị trường trái phiếu nhiều hơn là vào hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó Ken Chen, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán KGI Securities, nhận định vì sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm nay của Trung Quốc đã kết thúc, số liệu kinh tế tháng 10 được dự báo sẽ xấu hơn so với tháng 9 và đây chính là điều khiến nhà đầu tư lo lắng.(CafeF)
-----------------------

Tài sản 8 tỷ phú giàu nhất thế giới bằng của cải của 3,6 tỷ người

Tài sản 8 tỷ phú giàu nhất thế giới bằng của cải của 3,6 tỷ người

Theo một báo cáo do tổ chức Oxfam International vừa công bố, sự cách biệt giàu – nghèo trên thế giới hiện gia tăng đến mức khủng khiếp.

Tài sản của 8 doanh nhân giàu nhất thế giới đang bằng với tài sản của 3,6 tỷ người đang sống trong những nước nghèo, chiếm 50% nhân loại. Những người đó là:

(1) Bill Gates - người sáng lập Tập đoàn Microsoft (Mỹ), tài sản trị giá 75 tỷ USD;

(2) Amancio Ortega - người sáng lập Tập đoàn Inditex của Tây Ban Nha, chủ chuỗi cửa hàng thời trang Zara, tài sản trị giá 67 tỷ USD;

(3) Warren Buffett - giám đốc điều hành và cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Bershire Hathaway (Mỹ), tài sản trị giá 60,8 tỷ USD;

(4) Carlos Slim Helu - chủ nhân Tập đoàn Grupo Carso của Mexico, tài sản trị giá 50 tỷ USD;

(5) Jeff Bezos - nhà sáng lập, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Tập đoàn Amazon (Mỹ), tài sản trị giá 45,2 tỷ USD;

(6) Mark Zuckerberg - chủ tịch, giám đốc điều hành, đồng sáng lập mạng xã hội Facebook (Mỹ), tài sản trị giá 44,6 tỷ USD;

(7) Larry Ellison - sáng lập viên và giám đốc điều hành Tập đoàn Oracle (Mỹ), tài sản trị giá 43,6 tỷ USD;

(8) Michael Bloomberg - sáng lập viên, chủ nhân và giám đốc điều hành Tập đoàn Bloomberg LP (Mỹ), tài sản trị giá 40 tỷ USD.

Bản báo cáo nhấn mạnh đến ba yếu tố giúp cho những người này ngày càng vững chân trên những khối tài sản khổng lồ, đó là né thuế, hạ thấp lương người lao động và dùng sức mạnh tiền của gây ảnh hưởng lên các nhà cầm quyền.

Đề cập vấn đề này, giám đốc điều hành của Oxfam International là Winnie Byanyima đã nhận định rằng thật tồi tệ khi phần lớn tài sản nằm trong tay một thiểu số người, trong khi cứ 100 người trên trái đất này thì có 10 người đang sống mỗi ngày với không tới 2 USD!

Trên khắp thế giới, đồng lương của người lao động cứ trụ lại một chỗ, trong khi các chủ doanh nghiệp mang về nhà họ hàng triệu USD lợi nhuận. Các dịch vụ y tế và giáo dục dành cho công nhân bị cắt giảm, trong khi các tập đoàn và những người siêu giàu thường xuyên dựa dẫm vào chính quyền để né thuế.

Theo Oxfam, tiền trốn thuế của các đại doanh nghiệp hằng năm ít nhất là 100 tỷ USD, đủ để cung ứng giáo dục cho 124 triệu trẻ không được đến trường và tài trợ cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đủ để ngăn ngừa cái chết của ít nhất 6 triệu trẻ mỗi năm. Chưa kể nhiều người siêu giàu không phải từ tay của họ làm ra của cải, mà do dựa vào chủ nghĩa thân quen và mạng lưới tham nhũng dày đặc ở nhiều nước đang phát triển.

Để ngăn chặn tình trạng tiêu cực của các doanh nghiệp, từng bước thu ngắn cách biệt giàu – nghèo trong xã hội, Oxfam đề xuất một loạt biện pháp bao gồm việc tăng thuế với người có thu nhập cao để có tiền đầu tư vào các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tạo công ăn việc làm.

Để thực hiện biện pháp này, cần đảm bảo cho người lao động có tiền lương thỏa đáng, ngăn chặn nạn trốn thuế của doanh nghiệp, hỗ trợ những công ty hoạt động có lợi cho công nhân của họ thay vì chỉ chú ý đến quyền lợi cổ đông. (DNSG)
--------------------------

Thương mại điện tử đã tăng trưởng 20% mỗi năm nhưng kỷ nguyên của Amazon và Alibaba mới chỉ bắt đầu!

Tháng 11 tới, người tiêu dùng trên khắp thế giới sẽ thỏa sức mua sắm trực tuyến với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn từ hai sự kiện lớn - ở Trung Quốc là ngày Singles Day (11/11) trên các trang web của Alibaba, ở Mỹ là Black Friday với Amazon.com là trang web nhất định phải ghé qua. Sau đó thế giới sẽ bước vào thời kỳ mua sắm chuẩn bị cho lễ Giáng sinh.

Trong thập kỷ vừa qua, thương mại điện tử đã tăng trưởng như vũ bão với tốc độ trung bình 20% mỗi năm, đe dọa tất cả các ngành từ vận tải giao nhận đến hàng hóa tiêu dùng. Và không có nơi nào trên thế giới chứng kiến sự trỗi dậy của thương mại điện tử mạnh mẽ hơn ở Mỹ, nơi hàng nghìn cửa hàng vật lý đã phải đóng cửa kể từ đầu năm đến nay trong khi cứ 9 việc làm ở đây thì có 1 việc làm là trong ngành bán lẻ.

Điều đáng ngạc nhiên là tất cả chỉ mới bắt đầu, bởi năm ngoái mua sắm trực tuyến chỉ chiếm 8,5% tổng chi tiêu cho bán lẻ trên toàn thế giới. Ở Mỹ tỷ lệ cao hơn một chút, vào khoảng 10%. Những tác động của thương mại điện tử về cả khía cạnh kinh tế và xã hội sẽ là rất lớn, không chỉ bởi vì bán lẻ là lĩnh vực tạo ra quá nhiều việc làm cho nền kinh tế mà còn bởi vì hai thành tố lớn nhất của bức tranh – Jack Ma và Jeff Bezos, ông chủ của Alibaba và Amazon - đang tạo ra một loại hình tập đoàn đa quốc gia hoàn toàn mới.

Trong 2 thập kỷ vừa qua, Alibaba và Amazon đã bổ sung thêm nhiều mảng dịch vụ, từ điện toán đám mây đến video trực tuyến. Các mảng kinh doanh sẽ củng cố lẫn nhau vì chúng tạo thành 1 hệ sinh thái cung cấp mọi thứ cho khách hàng (cả cá nhân và doanh nghiệp), do đó có thể giữ chân họ rất lâu. Sau đó nguồn doanh thu đa dạng và lượng dữ liệu khổng lồ thu thập được lại cho phép Alibaba và Amazon đầu tư mở rộng tăng trưởng. Cuối cùng, hai “ông lớn” này sẽ ngồi ở trung tâm của mọi hoạt động.

Ở Mỹ, Amazon đang chứng minh sức mạnh hủy diệt của mình, cho thấy một công ty thương mại điện tử sáng tạo không ngừng nghỉ có thể xới tung một thị trường đã bão hòa như thế nào. Ở Trung Quốc, Alibaba lại là minh chứng cho câu chuyện chỉ 1 công ty có thể định hình lại toàn bộ hoạt động kinh doanh ở một nền kinh tế đang tăng trưởng nóng như thế nào.

Nhờ có những trang web mua sắm trực tuyến của Amazon và Alibaba, các nhà sản xuất nhỏ lẻ có thể dễ dàng phân phối hàng hóa và tìm kiếm người mua hàng tiềm năng với chi phí thấp hơn nhiều so với trước đây. Các doanh nghiệp nội địa nhờ đó mà đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia. Người tiêu dùng cũng được lợi vì có nhiều lựa chọn phong phú.

Các nền tảng thương mại điện tử càng lớn mạnh, nỗi lo lắng về sức mạnh của Alibaba và Amazon càng tăng lên. Có khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ và bền vững, Amazon có thể thực hiện những khoản đầu tư lớn vào những thứ như nhà kho, trí tuệ nhân tạo hay các vụ M&A quy mô. Các khoản đầu tư này cùng với lượng dữ liệu khổng lồ thu thập được từ hệ sinh thái giúp Amazon có được lợi thế cạnh tranh rất lớn, khiến các đối thủ khó lòng đuổi kịp.

Tuy nhiên, họ có thể học tập nhiều điều từ Trung Quốc – nơi các đối thủ của Alibaba đang liên kết với nhau. Tencent khởi đầu là 1 công ty về game và ứng dụng nhắn tin nhưng hiện nay đã có mảng thanh toán trực tuyến khá mạnh và là cổ đông lớn nhất của JD.com – đối thủ gần nhất của Alibaba. JD cũng đang làm việc với các nhà bán lẻ và công ty công nghệ khác. Tháng 8 vừa qua, hãng thông báo khách hàng có thể mua hàng qua Baidu – cỗ máy tìm kiếm lớn nhất ở Trung Quốc.

Có vẻ như Walmart đang bắt đầu áp dụng chiến luật của JD khi cung cấp hàng hóa thông qua trợ lý ảo của Google, cạnh tranh với Alexa của Amazon. Facebook cũng muốn giúp khách hàng có thể mua hàng hóa xuất hiện trong các quảng cáo trên mạng xã hội lớn nhất thế giới dễ dàng hơn.

Cuộc cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Sự kết hợp giữa các nhà bán lẻ và công ty công nghệ sẽ khiến câu chuyện trở nên phức tạp hơn và nhiệm vụ của các nhà quản lý là can thiệp để chống độc quyền. Ở Mỹ, vốn đầu tư mạo hiểm rót vào các doanh nghiệp thương mại điện tử đang giảm xuống một phần là bởi các nhà đầu tư nghĩ rằng vị thế thống trị của Amazon khó có thể bị lung lay. Các nhà quản lý nên tính đến yếu tố kiểm soát dữ liệu thay vì chỉ tính đến thị phần khi xem xét các vụ M&A như hiện nay. Trong thời đại của Amazon và Alibaba, luật chống độc quyền cũng cần được nâng cấp.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục