tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 02-11-2017

  • Cập nhật : 02/11/2017

Môi trường kinh doanh Việt Nam bật tăng 14 bậc

Việt Nam là một trong hai nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua với 39 cải cách. Trong năm 2017, Việt Nam đã tăng hạng, xếp thứ 68 trên 190 nước về điều kiện kinh doanh.

Đây là thông tin được đưa ra trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business 2018 report): Cải cách để tạo việc làm do World Bank công bố.

Theo đó, Việt Nam tiếp tục tăng hạng trong bảng xếp hạng này. Trước đó một năm, Việt Nam đứng vị trí thứ 82/190, với số điểm 63,83 trên thang 100 (tăng 9 bậc so với năm 2016) thì nay Việt Nam đã đạt 69,93 điểm, xếp thứ 68, tăng 14 bậc.

Hai nền kinh tế của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đứng trong số 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng của Môi trường kinh doanh, đó là Singapore (xếp thứ 2) và ĐKHC Hồng Kông của Trung Quốc (thứ 5).

Các nền kinh tế có thứ hạng thấp nhất của khu vực là Myanmar (thứ 171) và Timor-Leste (thứ 178).

Những nền kinh tế lớn khác trong khu vực và thứ hạng tương ứng gồm có Trung Quốc (thứ 78), Indonesia (thứ 72), Nhật Bản (thứ 34), Malaysia (thứ 24), Philippines (thứ 113), Thái Lan (thứ 26) và Việt Nam (thứ 68).

World Bank xếp hạng môi trường kinh doanh được dựa trên 10 tiêu chí gồm: Thành lập doanh nghiệp; xin cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản; vay vốn; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ; nộp thuế; giao thương quốc tế; thực thi hợp đồng; xử lý khi mất khả năng thanh toán.(cafeF)
--------------------------

Chỉ số PMI tháng 10 của Việt Nam giảm còn 51,6 điểm, thấp nhất trong 5 tháng

Lĩnh vực sản xuất cho đến nay vẫn là lĩnh vực phát triển mạnh của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay. Do đó, từ này đến cuối năm 2017, tăng trưởng cần gia tăng trở lại để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%, IHS Markit nhận xét.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam – một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất – trong tháng 10 giảm xuống 51,6 điểm từ mức 53,3 điểm trong tháng 9.

Điều này cho thấy mức cải thiện nhẹ về các điều kiện kinh doanh và là mức cải thiện kém nhất trong thời gian 5 tháng. Tuy vậy, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam liên tục cải thiện từ tháng 12/2015, báo cáo của Nikkei cho biết.

Nikkei chưa công bố chỉ số PMI cho khu vực ASEAN trong tháng 10. Với mức 53,3 điểm trong tháng 9, Việt Nam đứng đầu các nước ASEAN.

Theo báo cáo này, yếu tố chính làm các điều kiện hoạt động cải thiện chậm hơn trong tháng 10 là sản lượng đã tăng chậm hơn rất nhiều. Sản lượng tăng ở mức tăng yếu nhất trong thời kỳ tăng sản lượng kéo dài 12 tháng gần đây.

Báo cáo cho biết, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh trong tháng 10, mặc dù mức độ tăng là yếu hơn so với tháng 9. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng nhanh hơn, và đây là mức tăng mạnh nhất trong 6 tháng.

Khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh, các nhà sản xuất đã tăng hoạt động mua hàng với tốc độ nhanh hơn, mặc dù đây là mức tăng thấp hơn so với tháng trước.

Các công ty vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới, nhờ những dự báo về khả năng cải thiện nhu cầu thị trường và việc đạt mục tiêu kế hoạch của công ty. Mức độ lạc quan cao hơn so với tháng 9.

“Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã chững lại trong tháng 10 khi sản lượng chỉ tăng nhẹ trong tháng. Số lượng đơn đặt hàng mới cũng tăng chậm lại, nhưng vẫn còn mạnh khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng nhanh hơn”, Andrew Harker, Phó giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nhận xét.

Harker cũng cho rằng tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất, làm cho chi phí đầu vào tăng và thời gian giao hàng bị kéo dài.

“Lĩnh vực sản xuất cho đến nay vẫn là lĩnh vực phát triển mạnh của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay. Do đó, từ sau tháng 10 đến cuối năm 2017 tăng trưởng cần gia tăng trở lại để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%. IHS Markit hiện đang dự báo tăng trưởng là 6,5%”, Harker nói thêm.(Bizlive)
--------------------------

Xuất khẩu điều sẽ vượt xa mốc 3 tỷ USD

10 tháng đầu năm nay, giá trị XK nhân điều đã cao hơn cả năm ngoái. Đó là cơ sở để tin chắc rằng XK hạt điều năm nay sẽ lần đầu vượt qua và vượt xa mốc 3 tỷ USD.

xuat khau dieu se vuot xa moc 3 ty usd

Xuất khẩu điều sẽ vượt xa mốc 3 tỷ USD

Theo Bộ NN-PTNT, trong 10 tháng đầu năm nay, ước tính ngành điều đã XK được 289 ngàn tấn nhân điều, trị giá khoảng 2,87 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhân điều XK ước giảm 0,4%, nhưng giá trị XK lại tăng tới 23,1%. Giá trị XK nhân điều như trên đã vượt qua kỷ lục của cả năm ngoái là 2,84 tỷ USD.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, suốt từ tháng 5 đến nay, tháng nào giá trị XK nhân điều cũng đạt trên 300 triệu USD. Trong đó, XK nhân điều trong tháng 7 đạt kỷ lục 380,401 triệu USD. Nếu trong 2 tháng còn lại của năm (những tháng cuối năm, XK nhân điều thường rất tốt vì các nhà NK tăng mua để phục vụ các dịp lễ, tết), nhân điều XK vẫn duy trì được giá trị hàng tháng như trên, XK nhân điều cả năm nay không chỉ chắc chắn sẽ lần đầu tiên vượt mốc 3 tỷ USD, mà hoàn toàn có thể đạt khoảng 3,4 - 3,5 tỷ USD.

XK nhân điều tăng trưởng mạnh, có nguyên nhân quan trọng từ giá và nhu cầu thị trường. Do sản lượng điều thô giảm tại nhiều nước sản xuất quan trọng, sản lượng điều thô ở Việt Nam cũng giảm mạnh do mất mùa vụ 2016/2017 (chỉ đạt khoảng 250.000 tấn), nên giá điều XK năm nay luôn ở mức cao. Thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, giá XK nhân điều đạt bình quân 9.909 USD/tấn, tăng 25,1% so cùng kỳ 2016. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết, giá XK nhân điều trong năm nay đạt mức cao nhất trong lịch sử XK hạt điều.

Nhờ giá tăng cao mà giá trị XK hạt điều Việt Nam đều tăng trưởng ở hầu hết các thị trường quan trọng. Trong 9 tháng đầu năm nay, tại thị trường số 1 là Mỹ, giá trị XK của hạt điều Việt Nam tăng tới 34,7% so cùng kỳ năm ngoái; tại Hà Lan tăng 45,2%; Trung Quốc tăng 9,1%; Anh tăng 4,6%…

Điều quan trọng là tại những thị trường này, hạt điều Việt Nam vẫn đang chiếm phần lớn về thị phần. Ở Mỹ, hạt điều Việt Nam chiếm tới 73,7% giá trị hạt điều NK của nước này trong 8 tháng đầu năm nay, bỏ xa nguồn cung cấp thứ hai là Ấn Độ với 14,9%. Ở Hà Lan, hạt điều Việt Nam chiếm 65,2% thị phần trong 6 tháng đầu năm, bỏ xa Ấn Độ với 18,1%…

Mặc dù giá hạt điều tăng cao, nhưng nhu cầu NK hạt điều ở nhiều thị trường quan trọng vẫn có xu hướng tăng lên. Như ở thị trường Mỹ, theo thống kê của hải quan nước này, trong 8 tháng đầu năm nay, giá trị NK hạt điều đạt 1,01 tỷ USD, tăng 39,8% so với cùng kỳ 2016. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ hạt điều của người tiêu dùng Mỹ vẫn rất lớn.

Điều đáng chú ý là nhu cầu trên toàn cầu đang có sự tăng trưởng cao hơn so với sản lượng, hay có thể nói thị trường điều toàn cầu đang trong tình trạng cầu vượt cung. Theo INC Global Statistics Review, nhu cầu hạt điều trên thế giới đang tăng khoảng 6,1%/năm, trong khi sản lượng chỉ tăng khoảng 3,5%/năm. Hạt điều vẫn đang tiếp tục tăng trưởng về nhu cầu, trong khi đối thủ quan trọng là hạt hạnh nhân lại đang có dấu hiệu chững lại. Vì vậy, dù hiện tại, lượng hạt điều tiêu thụ trên toàn cầu thấp hơn so với hạt hạnh nhân, nhưng hạt điều đang có cơ hội để tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới để đứng ngang hàng cùng hạnh nhân trong số những loại hạt khô có lượng tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Cái kém của hạt điều Việt Nam hiện nay chỉ là chưa có thương hiệu quốc gia. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Việt Nam hiện chế biến hơn một nửa sản lượng điều toàn cầu, XK cũng chiếm hơn một nửa về lượng cũng như giá trị. Mỗi năm, Việt Nam XK khoảng 350 ngàn tấn nhân điều, trong khi Ấn Độ chỉ XK hơn 100 ngàn tấn. Thế nhưng, ở nhiều thị trường, khi nói tới hạt điều, các bà nội trợ vẫn cho rằng hạt điều đều có xuất xứ từ Ấn Độ.(NNVN)
-----------------------

Ngành đường lại kêu cứu

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, khi thị trường đường biến động bất lợi, chính nông dân sẽ gặp khó.

Theo lộ trình triển khai Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ năm 2018, mặt hàng mía đường sẽ phải xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế quan, đồng thời mức thuế suất nhập khẩu chỉ 5%. Tuy nhiên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết từ đầu tháng 10 -2017 đến nay, mặc dù giá đường tinh luyện đang thấp, chỉ hơn 12.000 đồng/kg nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn không bán được và đang tồn kho hàng trăm ngàn tấn. Nguyên nhân là do các DN bánh kẹo cố tình "neo" lại đến ngày 1-1-2018.

thu hoach mia duong bang may va canh tac mia tren canh dong mau lon de giam chi phi gia thanh

Thu hoạch mía đường bằng máy và canh tác mía trên cánh đồng mẫu lớn để giảm chi phí giá thành

Trước tình hình này, VSSA đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho lùi thời gian thực hiện cam kết trong khối ASEAN đến năm 2022, nếu sớm hơn là năm 2020. Thay vào đó, lượng nhập khẩu hạn ngạch sẽ tiếp tục được tăng lên 10% so với mức 5% của năm 2017. VSSA cũng kiến nghị thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan giảm 50% so với trước đây, chỉ còn 40% đối với đường thô và 45% đối với đường trắng.

Một chuyên gia có nhiều năm theo dõi ngành mía đường cho rằng việc giảm thuế xuống mức thấp đột ngột sẽ tạo cú sốc cho thị trường. Vì vậy, Chính phủ cần giảm dần chứ không nên từ 80% xuống 5% là bất ổn. Đặc biệt, lúc này đang vào vụ mía, nếu tình trạng nêu trên vẫn tiếp diễn, chắc chắn các nhà máy sẽ không thể thu mua giá cao cho nông dân; không đầu tư hạ tầng, hướng dẫn nông dân trồng mía, tăng năng suất nữa mà chỉ cần nhập đường thô và đầu tư máy đốt than đã có thể sản xuất được đường. Vì vậy, khi thị trường đường biến động bất lợi, chính nông dân sẽ gặp khó.

Quan trọng hơn, vị chuyên gia này cho rằng Chính phủ nên có cơ chế quản lý, điều tiết đường chứ không thể để ngành mía đường hoạt động tự do. Bởi lẽ, đường là nguồn nguyên liệu đầu vào của đa số nhu yếu phẩm, nếu không kiểm soát sẽ gây "nhiễu loạn". Cụ thể, khi đường Thái Lan làm chủ thị trường, họ sẽ nâng giá lên cao mà ta thì không thể kiểm soát được.

Chuyên gia nêu trên cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc, Nhật Bản kiểm soát ngành đường rất kỹ. Họ biết được những rủi ro khi giá đường biến động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các ngành khác của nền kinh tế.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký VSSA, cho biết nhiều người lầm tưởng thị trường đường là của DN đường, lợi ích của ngành đường là của các nhà máy sản xuất nhưng thực chất là của chính nông dân. Bởi lẽ, mỗi ký đường làm ra thì tỉ lệ giá thành là 75%-80% do giá mía tác động, chỉ 20%-25% còn lại là do tác động của nhà máy, của DN. Nếu không hiểu được vấn đề này thì nhà nước sẽ hoạch định chính sách sai, tác động lớn đến thị trường và nền kinh tế.

Thực tế, nếu đường Thái Lan tràn vào sẽ làm khó thêm ngành mía đường của Việt Nam. "Chúng ta rất khó đoán biết được chính sách trợ giá đường của Thái Lan như thế nào, bởi đường tiêu thụ nội địa của họ còn cao hơn cả hàng lậu tràn qua đường phi mậu dịch vào Việt Nam" - ông Hải lo ngại.

Theo ông Hải, từ năm 2018, nếu các nước trong khối ASEAN không còn bị hạn chế nhập khẩu đường vào Việt Nam và thuế suất nhập khẩu chỉ ở mức 5%, nhiều nhà máy sản xuất mía đường trong nước, nhất là các nhà máy có công suất nhỏ, sẽ có nguy cơ "đắp chiếu" bởi sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh nổi. Điều này có thể dẫn đến hàng ngàn lao động ngành mía đường có nguy cơ bị mất việc làm.

Ngay sau kiến nghị của VSSA, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan địa phương xem xét, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-10. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa hoàn thiện được báo cáo vì còn nhiều ý kiến khác nhau.(NLĐ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục