tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-05-2018

  • Cập nhật : 31/05/2018

Nhà đầu tư Hàn Quốc bạo chi rót hơn 1 tỉ USD vào Việt Nam

 Hoạt động kinh doanh bất động sản xếp thứ ba về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hơn 623 triệu USD.

Theo báo cáo mới nhất (ngày 29-5) của Tổng cục Thống kê, tổng số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong năm tháng đầu năm 2018 đạt gần 7,2 tỉ USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2017.

Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với hơn 1 tỉ USD, chiếm 22% tổng vốn đăng ký cấp mới; xếp sau lần lượt là Nhật Bản Thái Lan, Singapore…

Nhà đầu tư Hàn Quốc bạo chi rót hơn 1 tỉ USD vào Việt Nam - ảnh 1
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất. (Trong hình: Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của Samsung) Hình: Internet

Cả nước có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong năm tháng đầu năm, trong đó TP.HCM có số vốn đăng ký lớn nhất với hơn 540 triệu USD, chiếm 12% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.

Trong năm tháng qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 2,3 tỉ USD, chiếm 49% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Đứng thứ hai là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 898 triệu USD, chiếm 19%. Hoạt động kinh doanh bất động sản xếp thứ ba về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hơn 623 triệu USD, chiếm 13%.

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, năm tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư gần 185 triệu USD ra nước ngoài chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Lào vẫn là nơi các nhà đầu tư Việt Nam rót vốn đầu tư chiếm 43% tổng vốn đầu tư; Campuchia chiếm 17,5%; Cuba chiếm 11%.(PLO)
---------------------------

‘Gã khổng lồ’ Thái nắm trọn tổ hợp hóa dầu 5,4 tỉ USD ở VN

Ban đầu dự án có vốn khoảng 3,7 tỉ USD sau đó đã được điều chỉnh lên tới hơn 4 tỉ USD và hiện là 5,4 tỉ USD. Long Sơn là tổ hợp hóa dầu thứ ba tại Việt Nam, sau các nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn.

ong kan trakulhoon – chu tich kiem giam doc dieu hanh scg.

Ông Kan Trakulhoon – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SCG.

Tập đoàn SCG của Thái Lan vừa thông báo đã ký hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để mua lại 29% cổ phần tại Nhà máy Hóa dầu Long Sơn. Giá trị của hợp đồng là 2.052 tỷ đồng.

Sau giao dịch, SCG đã nâng tỷ lệ nắm giữ Hóa dầu Long Sơn từ 71% lên 100%.

Thực ra, việc mua lại cổ phần từ tay PVN đã được SCG đề nghị vào đầu tháng 1-2018. Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn được cấp phép đầu tư năm 2008 với vốn đầu tư 3,7 tỷ USD với sự tham gia của 3 tập đoàn: Petro Vietnam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn SCG của Thái Lan.

Sau nhiều khó khăn Vinachem rút vốn và thế chỗ vị trí này là Tập đoàn Qatar Petroleum International (QPI). Đầu tháng 4-2017, QPI cũng quyết định rút toàn bộ vốn tại Tổ hợp hóa dầu Long Sơn và chuyển nhượng phần vốn này cho SCG. Nhờ đó, vốn của SCG tại tổ hợp này nâng từ 46% lên 71%.

Ban đầu dự án có vốn khoảng 3,7 tỉ USD sau đó đã được điều chỉnh lên tới hơn 4 tỉ USD và hiện là 5,4 tỉ USD. Long Sơn là tổ hợp hóa dầu thứ ba tại Việt Nam, sau các nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn.

Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng trong bốn năm rưỡi và bắt đầu hoạt động thương mại vào khoảng nửa đầu năm 2022.

Với tổng diện tích 464 ha, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, dự án sẽ tạo ra khoảng 15.000-20.000 việc làm trong quá trình xây dựng và hơn 1.000 việc làm khi đi vào vận hành thương mại.

Tổ hợp này dự kiến sẽ đóng góp cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ngân sách quốc gia ước khoảng 115 triệu đôla mỗi năm  trong suốt 30 năm từ khi đi vào hoạt động.

Thời gian qua thị trường chứng kiến thêm nhiều doanh nghiệp Việt hoạt động trong các lĩnh vực như xi măng, vật liệu xây dựng, giấy, nhựa, hóa chất bị "gã khổng lồ" SCG thâu tóm.(PLO)
---------------------------

Gần hết thời hạn, NAFTA vẫn bế tắc

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiêu hao gần hết thời gian để có thể hoàn thành việc sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà ông Trump hứa sẽ hoàn tất trong năm nay.

Những người tham gia vào các chương trình nghị sự liên quan nói rằng chính quyền Trump đã gây ra phần lớn các cuộc khủng hoảng trong các chương trình đối thoại.

Các nhà đàm phán, chuyên gia vận động hành lang ngành công nghiệp, chuyên gia thương mại và các nhà lập pháp đã thảo luận về những gì đã làm được trong những tháng vừa qua trước khi trình bày các đề xuất của họ. Đội ngũ chuyên gia này cũng trình bày nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán bị đình trệ mà theo họ phần lớn là vì các yêu cầu của Mỹ vượt xa những gì Canada và Mexico có thể chấp nhận, trong khi Washington không có dấu hiệu thỏa hiệp.

Gần hết thời hạn, NAFTA vẫn bế tắc - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump còn ít thời gian để điều chỉnh NAFTA. Ảnh: TIME

Kết quả là trong một giới hạn thời gian rất khắc nghiệt và không gian hạn chế, việc thu hẹp sự khác biệt trong quan điểm giữa các nhà đàm phán của các bên về các vấn đề lợi ích cốt lõi vô cùng khó khăn. Chẳng hạn, các yêu cầu của Mỹ về ngành công nghiệp ô tô không được các bên thỏa hiệp vì cho rằng Mỹ đã chèn ép quá mức với các nước.

Các cuộc thảo luận giữa Mỹ và các nước thuộc NAFTA bắt đầu vào tháng 8 năm ngoái với mục tiêu kết thúc chỉ trong bốn tháng. Tuy nhiên, Mỹ đã gia hạn thời gian để đạt được thỏa thuận giữa các bên cho đến hết năm 2018. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cảnh báo rằng đường đến thỏa thuận không phải dễ dàng.(PLO)
-------------------------

Mỹ-Trung cãi nhau dữ dội chuyện ‘bản quyền công nghệ’ tại WTO

Các đại sứ Mỹ và Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 28-5 cãi nhau dữ dội quanh chuyện bản quyền công nghệ và về phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Trung Quốc ăn cắp ý tưởng công nghệ của Mỹ.

Đại sứ Mỹ Dennis Shea chỉ trích chuyện Trung Quốc có luật bất thành văn rằng các công ty Mỹ muốn vào làm ăn ở thị trường Trung Quốc phải chia sẻ công nghệ cho nước này.

 “Đây không phải là luật. Sự thực đây là luật chính Trung Quốc tạo ra để cưỡng ép” – ông Shea nói với cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO.

Theo ông Shea, đây là điểm bất lợi với các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ Mỹ. Tất cả các nước đều cảm thấy bị giảm sức cạnh tranh nếu các chính sách của Trung Quốc không được kiểm soát.

Tổng thống Mỹ Donald Trump giới thiệu biên bản nội bộ về tăng thuế nhập khẩu lên hàng công nghệ cao Trung Quốc, tại Nhà Trắng ngày 22-3-2018. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Donald Trump giới thiệu biên bản nội bộ về tăng thuế nhập khẩu lên hàng công nghệ cao Trung Quốc, tại Nhà Trắng ngày 22-3-2018. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, Trung Quốc cực lực bác bỏ chỉ trích trên. “Không có chuyện cưỡng ép chuyển giao công nghệ ở Trung Quốc. Không có điểm nào trong các nguyên tắc này yêu cầu các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ”- đại sứ Trung Quốc tại WTO Zhang Xiangchen khẳng định. Ông này cho rằng các cáo buộc của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ chỉ là đồn đoán, không có chứng cứ.

Theo ông Zhang, thành tựu của Trung Quốc có được là nhờ sự siêng năng của người dân Trung Quốc, nhờ sự đầu tư của chính phủ Trung Quốc vào giáo dục và nghiên cứu, và nhờ vào nỗ lực bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Hơn nữa chuyển giao công nghệ là một hoạt động thương mại bình thường và cũng có lợi cho Mỹ.

Tranh chấp quanh chuyện bản quyền công nghệ hai bên căng thẳng từ cả năm qua và chính sách thương mại Mỹ-Trung trở thành vấn đề thường xuyên được bàn đến trong các cuộc gặp song phương cấp cao.

Mỹ là bên đứng đơn kiện, đệ đơn lên WTO ngày 23-3. Theo các chuyên gia luật pháp, Mỹ cần WTO ủng hộ quan điểm của mình trong chuyện này để áp thuế nhập khẩu lên hàng công nghệ Trung Quốc. Về phía mình, Trung Quốc phản đối kế hoạch tăng thuế nhập khẩu của Mỹ với hàng công nghệ của mình và nhờ đến WTO để ngăn chặn.

Theo quy tắc của WTO, nếu bất đồng không được hai bên dàn xếp sau 60 ngày, bên nguyên đơn thưa kiện có thể yêu cầu một ban chuyên gia phân xử. Khi đó vụ tranh chấp leo thang hơn, có thể trở thành một vụ việc pháp lý sẽ phải mất hàng năm trời để giải quyết.(PLO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục