tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-06-2018

  • Cập nhật : 01/06/2018

Ông Trump sẽ chiến tranh thương mại với Liên minh châu Âu?

Ông Trump ban đầu đã cho Liên minh châu Âu (EU) được hưởng quyền miễn áp thuế nhôm và thép, nhưng hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận mới.

Chính quyền Trump sẽ áp đặt thuế nhập khẩu thép và nhôm từ Liên minh châu Âu, theo một báo cáo mới, sau khi các cuộc đàm phán đã thất bại trong việc đưa ra một thỏa thuận thay thế. Tờ Wall Street Journal báo cáo rằng mức thuế có thể được công bố sớm nhất vào ngày 31.5. Và EU gần như chắc chắn đáp trả, đẩy Mỹ và châu Âu gần hơn với một cuộc chiến thương mại.

Mức thuế này là đỉnh điểm của một tháng đầy kịch tính kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố áp mức thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm. Trump ban đầu đã miễn trừ việc áp thuế lên EU và các đồng minh chủ chốt khác với thời hạn chót là ngày 1.5.

Sau khi các cuộc đàm phán với EU và một số ít các nước - như Canada và Mexico – không đạt được trên một giải pháp thay thế, Trump đã lật bài là nếu tới ngày ngày 1.6 mà các bên không đạt được thỏa thuận, thì ông sẽ áp thuế.

Bất chấp điều này, các nhà lãnh đạo EU và các nhà lãnh đạo từ các nước thành viên đã từ chối đàm phán nếu ông Trump thôi không hù dọa họ về việc áp thuế quan. Vì vậy, nhận thấy triển vọng không có gì sáng sửa, chính quyền Trump dường như sẽ thực hiện ý định áp thuế của mình.

Tại một sự kiện của khối OECD  (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) hôm 30.5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã công kích việc các nước EU vì không sẵn sàng đàm phán về các vấn đề thuế quan. Ross trích dẫn sự sẵn sàng của Trung Quốc nhằm thảo luận về một thỏa thuận trong khi vẫn chi trả các khoản thuế như là một ví dụ về cách đàm phán nên diễn ra.

"Trung Quốc là một trường hợp thú vị," Ross nói. "Họ đã và đang trả thuế, khi nó có hiệu lực vào tháng 3 và họ đã không sử dụng điều này như một cái cớ để không nói chuyện. Chỉ có EU khẳng định rằng chúng ta không thể đàm phán nếu họ bị áp thuế quan".

Quyết định gần như chắc chắn sẽ dẫn đến sự đáp trả từ phía EU. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, và Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra một tuyên bố chung trước khi thời hạn miễn trừ đầu tiên hết hạn. Họ nói : "Liên minh châu Âu sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình trong khuôn khổ các quy tắc thương mại đa phương".

Philip Hammond, Bộ trưởng Tài chính của Anh, nói với Business Insider sau các thông tin đến các quyết định của Mỹ về việc không gia hạn việc miễn trừ là không tốt. "Vâng, chúng tôi rõ ràng là thất vọng. Chúng tôi đã vận động hành lang để tiếp tục được miễn trừ, thực tế là một sự miễn trừ vĩnh viễn," Hammond nói.

Khi được hỏi về việc khối có xin được quyền miễn trừ dài hơn hay không, ông Hammond nói rằng chính quyền Trump đã luôn cởi mở với các cuộc đàm phán trong quá khứ.

Trước khi được miễn thuế, EU đe dọa sẽ phản ứng với việc áp thuế thép và nhôm của Mỹ bằng cách áp với thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ như xe máy, quần jean…

Theo Wall Street Journal, cuộc chiến vẫn có thể tránh được nếu các bên có thể đạt được một thỏa thuận thương mại vào phút chót. Nhưng một thỏa thuận như vậy là rất khó xảy ra.(NCĐT)
---------------------------

OECD: Rủi ro chiến tranh thương mại đe dọa triển vọng tăng trưởng toàn cầu

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 30/5 dự báo tăng trưởng toàn cầu lần lượt đạt 3,8% và 3,9% trong năm nay và năm tới.

Trong khi đó, nền kinh tế khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) dự kiến sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm nay và 2,8% trong năm 2019.

OECD cũng cho biết việc nới lỏng ngân sách từ gói kích thích của các ngân hàng trung ương chính là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo báo cáo này, tỷ lệ thất nghiệp trong khối OECD dự kiến sẽ giảm còn 5% vào cuối năm 2019, mức thấp nhất kể từ năm 1980 và tạo điều kiện tăng tiền lương cho người lao động.

“Bất chấp các tin tốt lành này, rủi ro ngày càng gia tăng đối với triển vọng toàn cầu. Đầu tiên và trên hết, căng thẳng thương mại leo thang phải được ngăn chặn”, quyền chuyên gia kinh tế trưởng Alvaro Pereira của OECD cho biết.

OECD đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh quyết định miễn trừ thuế nhôm, thép nhập khẩu cho Liên minh Châu Âu (EU) của Mỹ sẽ hết hạn vào ngày 1/6 và chính phủ các nước thành viên EU đang nỗ lực những phút chót để khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump thay đổi quyết định.

OECD là tổ chức kinh tế liên chính phủ, được thành lập vào năm 1961 với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Tổ chức này hiện có 35 thành viên, gồm những nền kinh tế phát triển nhất thế giới.(Vietnambiz)
-----------------------

Nợ đọng bảo hiểm xã hội hơn 10.450 tỷ đồng

Hiện nay, con số nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) đã ở mức 10.450 tỷ đồng, chiếm 4,7% số phải thu của BHXH. Đến hết tháng 5, ngành bảo hiểm mới thu được 36,7% kế hoạch cả năm.

Dù vậy, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, Đào Việt Ánh vẫn khẳng định con số thu bảo hiểm xã hội năm nay sẽ tốt hơn năm trước. Ngoài lý do triển vọng kinh tế năm 2018 khá hơn, ông Ánh còn cho rằng hiện nay công cụ khởi kiện doanh nghiệp chậm nộp BHXH đã có, cơ quan bảo hiểm cũng đẩy mạnh chức năng thanh tra thu để hỗ trợ cơ quan bảo hiểm thu tốt hơn.

Tuy nhiên, khi được hỏi rõ hơn về tình hình khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng ban thu BHXH Việt Nam lại cho biết trong 4 - 5 năm trước đây, BHXH có tổ chức kiện doanh nghiệp ra tòa. Song, đa số nợ đòi được không đáng kể lại còn gây khó khăn thêm cho cơ quan bảo hiểm.

Ông Thắng nhận định đây là một công cụ rất hiệu quả trong công tác thu nợ bảo hiểm nhưng không thể sử dụng liên tục được. Nếu xử lý hình sự, chủ doanh nghiệp bị bắt tạm giam đồng nghĩa với doanh nghiệp phải đóng cửa, người lao động mất việc làm và cơ quan bảo hiểm cũng không thu được tiền.

Ông Thắng cho rằng chỉ nên xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp đã qua quá trình thanh ra xử phạt nhiều lần hoặc các doanh nghiệp làm ăn có thu nhập cao nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Đến nay, cơ quan bảo hiểm đã làm thủ tục khởi tố hình sự 1 doanh nghiêp ở TP HCM và 3 doanh nghiệp ở Hà Nội. Khoản tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp bị khởi kiện sẽ chốt tại thời điểm xét xử.

Mặt khác, ông Thắng chia sẻ, cơ quan bảo hiểm đang tiến hành thanh tra nóng các doanh nghiệp có nợ đọng từ ba tháng trở lên. Đặc biệt các đơn vị có nợ đọng kéo dài trên 6 tháng sẽ tiến hành thanh tra đột xuất. Vừa qua, BHXH đã tiến hành thanh tra tại 4 doanh nghiệp tại Ninh Bình, ba doanh nghiệp đã nộp ngay nợ đọng bảo hiểm xã hội, một doanh nghiệp với lý do gặp khó khăn đang xây dựng lộ trình thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm.

Trước đó, trả lời trên Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Mai Đức Thắng cho biết có đến 8.000 doanh nghiệp "mất tích" với nợ BHXH khoảng 2.000 tỷ đồng.

BHXH Việt Nam đánh giá số nợ này rất khó đòi, thậm chí không có khả năng thu hồi. Trong đó, đến hết năm 2017 cả nước đã ghi nhận hơn 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn hoặc trong tình trạng “mất tích”.

Một trong những hậu quả của việc này là khoản nợ BHXH, BHYT và lương lên tới hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng nghìn người lao động. (NDH)
-----------------------

General Motor Hàn Quốc đóng cửa nhà máy tại Gunsan sau 22 năm hoạt động

Ngày 31/5, công ty General Motor (GM) Hàn Quốc đã chính thức đóng cửa nhà máy sản xuất ô tô tại thành phố Gunsan thuộc tỉnh Bắc Jeolla, chấm dứt hoạt động sản xuất sau 22 năm kể từ khi chiếc xe đầu tiên được xuất xưởng tại đây.

Biểu tượng của tập đoàn GM. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, ngay sau khi GM tuyên bố đóng cửa đã có 1.200 nhân viên tự nguyện xin rời khỏi công ty, chỉ còn lại khoảng 40 người phụ trách các công việc sắp xếp lại nhà máy, bảo dưỡng, bảo trì. 

Hồi tháng 2 vừa qua, GM đã công bố kế hoạch đóng cửa nhà máy ở Gunsan căn cứ theo kế hoạch tái cơ cấu công ty. Sau đó, chính giới Hàn Quốc và địa phương đã nỗ lực xúc tiến để GM khởi động lại nhà máy nhưng không thành công. Trong nội dung nhất trí với phía công đoàn lao động nhằm bình thường hóa hoạt động kinh doanh, GM không đề cập tới việc rút lại quyết định đóng cửa nhà máy, hoặc chuyển nhà máy sang một mục đích khác. 

GM Hàn Quốc đang lâm vào cảnh khó khăn nghiêm trọng và không thể vực dậy hoạt động kinh doanh sau khi đối mặt với khoản lỗ ròng hơn 353 tỷ won (khoảng 327 triệu USD) trong năm 2014 và hơn 631 tỷ won (khoảng 585 triệu USD) trong năm 2016. Riêng trong năm ngoái, GM Hàn Quốc đã gánh khoản lỗ 900 tỷ won (831,4 triệu USD), đánh dấu năm thua lỗ thứ tư liên tiếp. 

Các chuyên gia thị trường nhận định mức thua lỗ ngày càng tăng có thể liên quan đến quyết định tạm dừng xuất khẩu dòng ô tô Chevrolet sang thị trường châu Âu trong năm 2013 của GM. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của hãng ở Hàn Quốc.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục