tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 31-05-2018

  • Cập nhật : 31/05/2018

Mumuso chưa được cấp phép nhượng quyền thương mại vào Việt Nam

Trả lời Thanh Niên ngày 29.5 liên quan việc lãnh đạo Mumuso tuyên bố doanh nghiệp (DN) này vào VN theo con đường nhượng quyền thương mại, Bộ Công thương khẳng định chưa hề cấp phép cho đơn vị này.

cua hang mumuso tai tp.hcm ban san pham san xuat tai trung quoc theo phong cach han quoc - anh: ngoc duong

Cửa hàng Mumuso tại TP.HCM bán sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc theo phong cách Hàn Quốc - ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tính đến giữa tháng 5, trong số hơn 200 công ty vào theo con đường nhượng quyền thương mại thì có 12 DN đến từ Hàn Quốc nhưng không có tên Mumuso.

TIN LIÊN QUAN

  • Mumuso không có ở Hàn Quốc
  • Hàng hóa phong cách Nhật, Hàn giá rẻ thu hút giới trẻ
  • Diễn đàn cấp cao về hợp tác chiến lược toàn cầu MUMUSO tại Việt Nam

Tổng hợp báo cáo của Cục Quản lý thị trường phát hiện nhiều sai phạm của DN này. Cụ thể, tại TP.HCM, từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 8 chi nhánh và 4 địa điểm kinh doanh của Mumuso, phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh hàng tiêu dùng, mỹ phẩm. Cơ quan này đã xử phạt vi phạm hành chính 322,5 triệu đồng, tịch thu và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Ngoài ra là vi phạm về ghi nhãn hàng hóa với trị giá hàng hóa vi phạm trên 5,6 tỉ đồng.

Tại Hà Nội, trong nửa tháng qua, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 1 chi nhánh và 4 đại lý của Mumuso, phát hiện một số dấu hiệu vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn phụ ghi không đủ nội dung bắt buộc (tên, địa chỉ nơi sản xuất) với trị giá hàng hóa vi phạm 140 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 219 sản phẩm mỹ phẩm chưa công bố chất lượng. Bộ Công thương cho biết đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiếp tục xác minh, làm rõ.(Thanhnien)
----------------------------------

Trung Quốc xuất cá tra vào Mỹ giá gấp đôi Việt Nam

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết giá nhập khẩu cá tra, basa trung bình của Mỹ từ Trung Quốc rất cao, đạt 6,77 USD/kg trong khi giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ khoảng 3,42 USD/kg.

Giá cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chỉ bằng một nửa giá của Trung Quốc bán vào thị trường này /// Ảnh: Công Hân

Giá cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chỉ bằng một nửa giá của Trung Quốc bán vào thị trường này - ẢNH: CÔNG HÂN

Việt Nam và Trung Quốc là hai nguồn cung duy nhất sản phẩm cá tra sang thị trường Mỹ. Trong đó, Việt Nam chiếm đến 90% tổng nhập khẩu cá tra của Mỹ.

Các năm trước, Trung Quốc chủ yếu chỉ xuất khẩu sản phẩm cá tra, basa tươi, ướp lạnh (HS 030432) sang thị trường Mỹ nhưng năm 2017 nước này đã bắt đầu tăng sản lượng sản phẩm cá tra phile đông lạnh (HS 030462) sang thị trường Mỹ với tổng giá trị khoảng 37,2 triệu USD.

Tính đến nửa đầu tháng 4.2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt gần 92 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Mỹ hiện chỉ chiếm 17,7% giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Giá xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ vẫn tăng do giá nguyên liệu trong nước tăng từ 5.000 - 6.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Đây là một yếu tố khiến giá xuất khẩu cá tra sang tất cả các thị trường, trong đó có thị trường Mỹ tăng. Tuy nhiên, rào cản thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn vẫn được cho là hai khó khăn chính khiến rất ít doanh nghiệp cá tra bám trụ lại được thị trường này.

Cùng thời gian trên, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 123 triệu USD, chiếm 24% và tăng 43,6% so với cùng kỳ năm 2017. Với kết quả xuất khẩu này, Trung Quốc vẫn được coi là tâm điểm của con cá tra Việt Nam trong năm 2018 (Thanhnien)
-------------------

Qatar cấm bán sản phẩm của Ả Rập Xê Út

Qatar mới đây ra lệnh cho các nhà bán lẻ trong nước ngừng bán sản phẩm từ Ả Rập Xê Út và các quốc gia đã cắt đứt quan hệ với họ gần một năm trước.

Một cửa hàng thực phẩm ở Qatar /// Ảnh chụp màn hình CNN

Một cửa hàng thực phẩm ở Qatar - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CNN

Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập và Bahrain đã phát động một cuộc tẩy chay chính trị và thương mại đối với Qatar hồi tháng 6.2017, cáo buộc quốc gia vùng Vịnh hỗ trợ khủng bố.

Qatar sau đó nhanh chóng quay sang các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm nguồn cung cấp thực phẩm thay thế và những mặt hàng nhập khẩu quan trọng khác đột nhiên bị cắt đứt. Tuy nhiên, các bên thứ ba vẫn đang gửi một số sản phẩm từ các nước Ả Rập nêu trên đến Qatar “thông qua những kênh bất hợp pháp”, một nguồn tin quen thuộc với vấn đề nói với CNN hôm 27.5.

Chính phủ Qatar trong một tuyên bố cuối tuần qua đã chỉ thị cho các nhà bán lẻ trong nước ngừng bán sản phẩm vốn được chỉ định để bảo vệ người tiêu dùng và chống buôn lậu, bao gồm thực phẩm, sữa và thịt. Thực tế, lệnh cấm bán hàng hóa từ các nước tẩy chay Qatar đã được thực thi từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, nhưng tình trạng buôn lậu vẫn gia tăng.

Cho đến nay, dù đã gần một năm nhưng mâu thuẫn giữa Qatar với các nước láng giềng Ả Rập vẫn không có dấu hiệu kết thúc. Qatar kiên quyết bác bỏ cáo buộc hỗ trợ khủng bố. Sau khi vượt qua cú sốc ban đầu, chính phủ Doha cho biết họ đã thích nghi với hoàn cảnh mới.

Trước đây Qatar tập trung vào hội nhập kinh tế trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), một khối thương mại gồm sáu thành viên với một thị trường chung. Tuy nhiên, kể từ khi bị khối này cô lập, Qatar đã nhanh chóng đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại. Nguồn cung năng lượng dồi dào của Qatar cũng đã giúp nước này vượt qua sự gián đoạn kinh tế. Qatar là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% nhu cầu toàn cầu. Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ là một trong những khách hàng lớn nhất của Qatar.(Thanhnien)
-------------------------

Trung Quốc cấp phép 7 thương hiệu mới cho con gái ông Trump

Ivanka Trump đã được cấp phép một loạt các thương hiệu mới tại Trung Quốc khi cha cô, Tổng thống Mỹ Donald Trump, tiếp tục đàm phán thương mại với Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và ái nữ Ivanka Trump /// Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump và ái nữ Ivanka Trump - ẢNH: REUTERS

Theo CNN, Cơ quan Quản lý nhà nước về Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc đã chính thức cấp phép cho 7 thương hiệu của Ivanka Trump trong tháng này. Các thương hiệu này bao gồm đồ dùng nhà bếp, đồ nội thất, sản phẩm giấy và mỹ phẩm. Việc phê chuẩn giấy phép được đưa ra khi ông Trump tuyên bố sẽ cứu ZTE, hãng viễn thông Trung Quốc đã bị tê liệt hoạt động kinh doanh bởi lệnh cấm giao dịch của Mỹ hồi tháng trước.

Các chuyên gia cho rằng động thái này sẽ làm tăng mối quan tâm về xung đột lợi ích kể từ khi Ivanka và chồng, Jared Kushner, tham gia vào công việc tại Nhà Trắng trong vai trò cố vấn cấp cao cho Tổng thống.

“Họ cấp phép cho các thương hiệu của Ivanka vào thời điểm ông Trump và chính quyền của ông đang đưa ra những quyết định rất lớn đối với Trung Quốc. Mâu thuẫn xảy ra bởi vì chúng tôi không biết liệu ông Trump đang hành động với mục đích đem lại lợi ích cho nước Mỹ hay vì lợi ích cá nhân của gia đình ông”, Norm Eisen, cựu cố vấn đạo đức của Tổng thống Barack Obama, nói với CNN.

Kể từ cuộc bầu cử của cha cô diễn ra, Ivanka đã bước ra khỏi việc quản lý kinh doanh, nhưng vẫn giữ lại một số cổ phần sở hữu. Ivanka không bị buộc phải bán tất cả tài sản của mình để làm việc tại Nhà Trắng, mặc dù theo quy tắc dành cho nhân viên liên bang, ái nữ của ông Trump sẽ không được tham gia vào những vấn đề mà cô có lợi ích tài chính.

Các thương hiệu của Ivanka đã nhận được phê duyệt sơ bộ hồi tháng 2.2018, trước khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt đầu leo thang vào tháng 3.2018. Ở Trung Quốc, một thương hiệu thường mất khoảng ba tháng để chuyển từ phê duyệt sơ bộ sang bước phê duyệt cuối cùng.

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới gần đây đã cam kết tạm hoãn chiến tranh thương mại với những đe dọa về thuế quan có thể lên đến hàng chục tỉ USD. Các nhà đàm phán hai bên cho biết Trung Quốc sẽ “tăng đáng kể” việc mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ để giảm tình trạng mất cân bằng thương mại, mối quan tâm thương mại hàng đầu của ông Trump.

Tuy nhiên, cam kết này vẫn còn rất bấp bênh. Bắc Kinh đã không nói cụ thể giá trị hàng hóa Mỹ mà họ sẽ mua và không thực hiện bất kỳ nhượng bộ nào về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dự kiến sẽ đến Trung Quốc từ ngày 2 - 4.6 để tiếp tục đàm phán, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trước sự phản đối gay gắt từ các thượng nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, hiện ông Trump vẫn đang tìm cách để “làm gì đó” với ZTE, sau khi nỗ lực giải cứu hãng này theo đề nghị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục