tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 18-06-2018

  • Cập nhật : 18/06/2018

Bắt cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty quản lý phát triển nhà Hà Nội

Ông Nguyễn Đức Sơn, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, vừa bị cơ quan điều tra bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

ong nguyen duc son tung bi ky luat vao nam 2013 do dung gay choi golf danh nhan vien phuc vu o san golf tam dao. anh hoang trang

Ông Nguyễn Đức Sơn từng bị kỷ luật vào năm 2013 do dùng gậy chơi golf đánh nhân viên phục vụ ở sân golf Tam Đảo. Ảnh Hoàng Trang

Theo đó, cơ quan điều tra sau khi bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Sơn đã khám xét phòng làm việc của ông này tại tầng 3 ở trụ sở Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) trên phố Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.Hà Nội, có chức năng chính là quản lý quỹ nhà tái định cư... Ngày 23.4 vừa qua, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định cho ông Nguyễn Đức Sơn (60 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) tạm thời thôi điều hành công ty, chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Trước đó, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam ông Lương Văn Hữu, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị, đơn vị trực thuộc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, để làm rõ vi phạm trong quản lý quỹ nhà tái định cư.

Tại văn bản gửi UBND TP.Hà Nội về kết quả kiểm tra công tác quản lý và bố trí tái định cư tại một số dự án, Thanh tra chuyên ngành Sở Xây dựng đã phát hiện hàng loạt sai phạm của đơn vị này.

Cụ thể, tại khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phải bàn giao nguyên trạng 18 toà chung cư với 2.204 căn hộ cho Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội để quản lý, vận hành theo quy định, nhưng Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chưa bàn giao đủ số căn hộ, còn giữ lại 321 căn hộ.

Bên cạnh đó, việc bố trí nhà tái định cư tại khu đô thị này đã xảy ra nhiều sai phạm. Cụ thể, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã bố trí cho người vào ở khi chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định đối với 321 căn hộ, trong đó có 259 căn có quyết định bán nhà nhưng chưa nộp tiền; 62 căn hộ chưa có quyết định bán nhà. Đây là nguyên nhân khiến Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chưa bàn giao đủ số căn hộ này cho Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội.

Tại Khu đô thị thành phố Giao Lưu thuộc quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nhận bàn giao 3 toà nhà tái định cư, gồm 556 căn hộ từ tháng 9.2014. Dù chưa hoàn tất thủ tục theo quy định, nhưng đơn vị này đã cho người vào ở tại 100 căn hộ. Nghiêm trọng hơn, trong số đó có 6 căn hộ chưa có quyết định bán nhà của UBND TP.Hà Nội.

Qua thu thập hồ sơ và kiểm tra thực tế tại 17 điểm kinh doanh dịch vụ do Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thấy, doanh nghiệp này đã tự ý cho các tổ chức, cá nhân vào sử dụng, kinh doanh dịch vụ và hầu hết đã cải tạo, sửa chữa, thay đổi nguyên trạng ban đầu. Nghiêm trọng hơn, nhiều tổ chức còn cho thuê lại, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước, gây thất thoát số tiền lớn.

Thanh tra chuyên ngành Sở Xây dựng Hà Nội chỉ rõ, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý, bố trí nhà tái định cư. Điển hình nhất là để tồn đọng 376 tỷ đồng tiền bán nhà tái định cư tại khu đô thị Nam Trung Yên, gây hậu quả lớn trong thời gian dài, thất thu ngân sách. Bên cạnh đó là bất bình đẳng khi giải quyết chế độ, chính sách đền bù, bố trí tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng của thành phố.

Nhiều căn hộ được Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đưa người vào ở nêu trên chưa đúng quy định, có sự thông đồng, thỏa thuận của Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác Khu đô thị; nhiều căn hộ đã mua bán, chuyển nhượng sai quy định...

Thanh tra chuyên ngành Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc để xảy ra tình trạng chủ sử dụng căn hộ không nộp tiền cho nhà nước, cố tình chây ì không trả lại căn hộ.(Thanhnien)
-------------------

Nga và Saudi Arabia đề xuất tăng sản lượng OPEC thêm 1,5 triệu thùng/ngày

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 16/6 cho biết Nga và Saudi Arabia sẽ đề nghị Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong quý III/2018.

Ông Alexander Novak nêu rõ thêm: "Chúng tôi chỉ đề nghị điều này trong quý III/2018. Vào tháng Chín tới, chúng tôi sẽ đánh giá lại tình hình thị trường và đưa ra quyết định cho giai đoạn tiếp theo".

Cuộc họp về chính sách sản lượng của OPEC dự kiến diễn ra tại Vienna (Áo) từ ngày 22 đến 23/6.

OPEC, Nga và một số nhà sản xuất khẩu dầu thô lớn ngoài OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác 1,8 triệu thùng/ngày tổng cộng kể từ tháng 1/2017 cho đến hết năm 2018 nhằm giải quyết nguồn cung dư thừa trên toàn cầu và vực dậy giá dầu, vốn lao dốc từ mức 110 USD/thùng hồi năm 2014 xuống chỉ còn 30 USD/thùng vào năm 2016.

Thỏa thuận đó cùng với một số yếu tố khác đã giúp giá dầu tăng 60% so với năm ngoái. Hồi cuối tháng Năm vừa qua, giá dầu Brent Biển Bắc và giá dầu ngọt nhẹ đã lần lượt tăng lên chạm mức 80 USD/thùng và 72,24 USD/thùng.

Việc Nga và Saudi Arabia thảo luận về vấn đề tăng sản lượng khai thác nhằm "hạ nhiệt giá vàng đen" đang cao hiện nay, tránh xảy ra cú sốc dầu mỏ như dự báo của nhiều chuyên gia do ảnh hưởng của tình hình chính trị tại một số nước xuất khẩu dầu như Iran, Venezuela. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng cảnh báo thị trường dầu mỏ có nguy cơ bị gián đoạn vào năm 2019 ngay cả khi giải quyết được việc nguồn cung có thể thiếu hụt, do việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran cũng như tình hình bất ổn tại Venezuela gây ra.

Theo nguồn tin từ OPEC, ít nhất ba nhà sản xuất trong khối này không đồng tình với Saudi Arabia và Nga về đề xuất tăng sản lượng khai thác. Một nguồn tin từ OPEC nhận định: "Việc thay đổi quyết định là rất phức tạp. Iran, Iraq, Venezuela và một số nhà sản xuất khác sẽ kêu gọi giữ nguyên mức trần sản lượng hiện nay của OPEC cho tới cuối năm 2018".

Một nguồn tin khác từ OPEC cho rằng cuối cùng các nhà sản xuất sẽ nhất trí bơm thêm dầu, song chắc sẽ chỉ ở mức tăng khiêm tốn.(Vietnam+)
---------------------------

Samsung Electronics bị yêu cầu nộp phạt 400 triệu USD vì vi phạm bằng sáng chế

Trường hợp này là minh chứng cho sự đối đầu giữa tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Hàn Quốc và một doanh nghiệp có vị thế vô cùng quan trọng với nền kinh tế Hàn Quốc.

Tập đoàn Samsung Electronics đã bị yêu cầu phải nộp phạt 400 triệu USD sau khi tòa án liên bang tại Texas phán quyết rằng Samsung vi phạm bằng sáng chế của một đại học Hàn Quốc, theo tin từ Bloomberg.

Công ty Qualcomm và GlobalFoundaries cũng bị quy là vi phạm bằng sáng chế nhưng không phải nộp phạt cho bộ phận cấp bằng sáng chế của Viện Khoa học và công nghệ cao cấp Hàn Quốc (KAIST), một trong những trường đại học nghiên cứu hàng đầu tại nước này.

Tâm điểm của các vụ tranh chấp chính là công nghệ FinFet - một loại thiết bị xử lý giúp tăng khả năng hoạt động và giảm tiêu thụ năng lượng cho các loại chip ngày một nhỏ. 

Bộ phận cấp bằng sáng chế của trường đại học KAIST cho biết ban đầu Samsung không quan tâm đến nghiên cứu của KAIST bởi tin rằng nó không phù hợp. Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi đối thủ Intel chấp nhận sử dụng sáng chế đó và phát triển sản phẩm riêng, theo KAIST IP.

Theo quan điểm của phía Samsung, hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới, Samsung đã làm việc với trường đại học để phát triển công nghệ và bác bỏ việc vi phạm bằng sáng chế. Đồng thời, Samsung cũng không chấp thuận tính pháp lý của bằng sáng chế.

Tuy nhiên quan điểm của phía Samsung bị coi là thiếu thiện chí, chính vì vậy mức phạt mà Samsung phải chịu theo thẩm phán có thể cao gấp ba lần mức phạt của bồi thẩm đoàn. 

Công nghệ là yếu tố then chốt của hoạt động sản xuất thiết bị xử lý sử dụng trong điện thoại di động. GlobalFoundries và Samsung đều sản xuất chip sử dụng công nghệ này. Qualcomm, hãng sản xuất chip sử dụng trong điện thoại lớn nhất, là khách hàng của cả hai công ty. Các công ty cùng bảo vệ lẫn nhau. 

Trường hợp này là minh chứng cho sự đối đầu giữa tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Hàn Quốc và một doanh nghiệp có vị thế vô cùng quan trọng với nền kinh tế Hàn Quốc. Luật sư của cả hai bên đã từ chối bình luận về vụ việc. (Bizlive)
--------------------------

Vua Thái Lan tiếp nhận tài sản 30 tỷ USD của hoàng gia

Vua Maha Vajiralongkorn nhận quyền sở hữu toàn bộ tài sản hoàng gia và phải đóng thuế thu nhập như công dân bình thường.

 

vua thai lan maha vajiralongkorn. anh: bbc.

Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn. Ảnh: BBC.

Cục Tài sản Hoàng gia (CPB) hôm 16/6 cho hay đã chuyển toàn bộ quyền sở hữu tài sản hoàng gia Thái Lan cho vua Maha Vajiralongkorn, đồng nghĩa với việc lần đầu tiên mọi tài sản hoàng gia sẽ phải đóng thuế, theo BBC.

"Nhà vua yêu cầu trả lại tài sản vì cho rằng các tài sản này cũng phải chịu 'nghĩa vụ và thuế như của bất kỳ công dân Thái Lan nào'", CPB thông báo.

Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, lên ngôi vua hồi tháng 12/2016, sau khi cha ông là vua Bhumibol Adulyadej qua đời vào tháng 10/2016. Từ khi thành lập vào năm 1938 tới nay, CPB thay mặt hoàng gia Thái Lan quản lý khối tài sản và các khoản đầu tư có giá trị ước tính 30-60 tỷ USD một cách "minh bạch và công khai để giám sát".

Trước khi lên ngôi, Maha Vajiralongkorn dành nhiều thời gian ở nước ngoài và phong cách sống của ông thỉnh thoảng lại lên trang nhất các phương tiện truyền thông nước ngoài. Giới quan sát nhận định trong những năm gần đây, ông đã nỗ lực cải thiện hình ảnh. Đây là điều rất quan trọng bởi theo truyền thống, quốc vương được coi là người dẫn dắt nền chính trị Thái Lan.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục