tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-06-2018

  • Cập nhật : 18/06/2018

Mỹ, Trung tuyên bố áp thuế nặng 25% với hàng hóa của nhau

Tổng thống Trump chính thức công bố kế hoạch áp thuế nặng với 50 tỉ hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, Bắc Kinh lập tức tuyên bố động thái đáp trả tương ứng.

 

tong thong my donald trump - anh: reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Reuters, ngày 15-6 chính quyền của ông Trump công bố danh sách gồm hơn 800 mặt hàng nhập khẩu chiến lược của Trung Quốc vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 25% kể từ ngày 6-7, trong đó có xe hơi.

Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả với những mức thuế "với quy mô và độ mạnh" tương đương, đồng thời cho biết mọi thỏa thuận thương mại trước đó với chính quyền ông Trump "không còn hiệu lực".

Hãng thông tấn Tân Hoa xã nói Trung Quốc sẽ áp thuế 25% lên 659 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm từ đậu nành cho tới ô tô, hải sản.

Danh sách hàng áp thuế trả đũa của Trung Quốc đã được tăng hơn 6 lần so với danh sách công bố hồi tháng 4, nhưng tổng giá trị hàng hóa bị áp thuế vẫn ở mức 50 tỉ USD vì những loại hàng hóa giá trị cao như máy bay thương mại đã bị đưa ra.

Cổ phiếu của Boeing Co, nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc giảm 1,3% khi đóng cửa giao dịch. Caterpillar, một nhà xuất khẩu lớn khác cũng mất 2% giá trị cổ phiếu.

Trước đó ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ còn tăng thêm thuế nếu Trung Quốc có động thái đáp trả.

Washington và Bắc Kinh rõ ràng đang tiến tới một cuộc chiến thương mại căng thẳng sau nhiều vòng đàm phán bất thành thời gian qua, trong khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 375 tỉ USD.

"Những khoản thuế này về cơ bản sẽ giúp ngăn ngừa việc chuyển giao bất hợp lý công nghệ và các tài sản trí tuệ của Mỹ cho Trung Quốc, giúp bảo vệ việc làm cho người Mỹ", ông Trump nói.(Tuoitre)
----------------------

Vốn ngàn tỉ, giá cổ phiếu không mua nổi ly trà đá

Đó là tình trạng của nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán hiện nay. 

Vốn lớn nhưng giá cổ phiếu Công ty địa ốc Hoàng Quân chỉ có 2.000 đồng /// Đình Sơn

Vốn lớn nhưng giá cổ phiếu Công ty địa ốc Hoàng Quân chỉ có 2.000 đồng - ĐÌNH SƠN

Có thể kể đến như HQC của Công ty cổ phần tư vấn - thương mại - dịch vụ địa ốc Hoàng Quân chỉ có giá xoay quanh 2.000 đồng/cổ phiếu trong khi vốn điều lệ là 4.000 tỉ đồng. Giá cổ phiếu HQC đã trượt dài liên tục trong những năm qua và có vẻ vẫn chưa có đường ra khi kết quả kinh doanh không khả quan. Kết thúc quý 1/2018, doanh thu của HQC chỉ đạt 24,24 tỉ đồng, giảm đến 91% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 10,5 tỉ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước.

Một cái tên cũng khá đình đám trước đây là ITA của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tân Tạo hiện chỉ có 2.510 đồng/cổ phiếu dù vốn điều lệ lên đến 9.384 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh quý 1/2018 cũng không khả quan khi doanh thu giảm mạnh 71% về 43,3 tỉ đồng và bị lỗ ròng 5,5 tỉ đồng. Cách nay hơn 10 năm, giá cổ phiếu của ITA ở đỉnh cao trên 150.000 đồng trước khi công ty liên tục phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn nhằm cấn trừ nợ.

Hay Tập đoàn FLC giá mỗi cổ phiếu hiện chỉ còn 4.950 đồng trong khi đỉnh cao trước đó gần 45.000 đồng. Vốn điều lệ của FLC lên đến 6.827 tỉ đồng nhưng lợi nhuận công ty khá khiêm tốn. Quý 1 năm nay FLC đạt lợi nhuận sau thuế 99,3 tỉ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. FLC gắn liền với tên tuổi của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị và cũng nằm trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Còn PVX - cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, nơi ông Trịnh Xuân Thanh nhiều năm làm lãnh đạo cao nhất - hiện chỉ còn 1.500 đồng/cổ phiếu. PVX có vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng nhưng với giá hiện nay thì vốn hóa thị trường chỉ còn 560 tỉ đồng. Giá cổ phiếu lao dốc do hoạt động công ty khá thê thảm. Năm 2017, công ty báo lỗ hơn 416,3 tỉ đồng. Thời vàng son của PVX diễn ra trong hai năm 2009 - 2010 khi giá cổ phiếu dao động trên 30.000 đồng với giao dịch hàng triệu đơn vị mỗi ngày.

Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Sacombank (SBS) cũng rơi vào tình cảnh giá cổ phiếu liên tục lao dốc và chỉ còn 2.000 đồng nhưng hầu như không có giao dịch. Vốn điều lệ của SBS hiện hơn 1.266,6 tỉ đồng và là một trong những công ty chứng khoán có vốn lớn trên thị trường. Công ty này đã qua thời vàng son cùng với việc thay tên đổi chủ tại Ngân hàng Sacombank với cha con doanh nhân Đặng Văn Thành. SBS lên niêm yết trên sàn TP.HCM nhưng cuối năm 2012 bị lỗ cao hơn vốn nên từ tháng 3.2013 bị hủy niêm yết bắt buộc. Từ đó SBS bắt đầu hành trình lao dốc không phanh về giá và chỉ còn 900 đồng/cổ phiếu khi rời sàn TP.HCM dù trước đó đã lập đỉnh trên 40.000 đồng.

Có thể kể thêm những tên tuổi khác như VOS - Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam, giá cổ phiếu hiện là 1.660 đồng trong khi có vốn điều lệ 1.400 tỉ đồng; AGR - Công ty chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có vốn 2.210 tỉ đồng nhưng giá cổ phiếu còn 3.500 đồng; HHS của Công ty cổ phần đầu tư - dịch vụ Hoàng Huy có giá 4.080 đồng trong khi vốn điều lệ là 2.747 tỉ đồng...

So với vốn, giá cổ phiếu của các công ty nói trên tưởng rằng nghịch lý nhưng thực tế điều này phản ánh kết quả kinh doanh yếu kém, thụt lùi của các doanh nghiệp này trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay. (Thanhnien)
-----------------------------

Trung Quốc bắt tổng giám đốc tập đoàn đóng tàu sân bay

Tổng giám đốc tập đoàn đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc đang bị cáo buộc “vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng”.

Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) Tôn Ba /// Ảnh chụp màn hình South China Morning Post

Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) Tôn Ba - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SOUTH CHINA MORNING POST

Tờ South China Morning Post ngày 17.6 dẫn thông báo từ  Ủy ban Giám sát nhà nước Trung Quốc, cơ quan chức năng nước này vừa tạm giữ ông Tôn Ba, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) do nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật, cụm từ thường dùng để chỉ tham nhũng.

CSIC là một trong 2 tập đoàn đóng tàu lớn nhất nước, có vai trò hàng đầu trong việc phát triển tàu hải quân, trong đó có tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay.

Nhà máy đóng tàu của tập đoàn nằm tại cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh hiện đang đóng tàu sân bay Type 001A, tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc bên cạnh tàu Liêu Ninh và là tàu sân bay nội địa đầu tiên.

Ông Tôn khởi đầu sự nghiệp tại Đại Liên với vai trò thiết kế và sản xuất trước khi trở thành Chủ tịch Tập đoàn đóng tàu Đại Liên, trực thuộc CSIC. Năm 2015, ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc CSIC, nhân vật thứ 2 sau chủ tịch Hồ Vấn Minh.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục