tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 08-08-2017

  • Cập nhật : 08/08/2017

Myanmar tranh cãi vụ mua xe buýt Trung Quốc

Người đứng đầu khu vực Yangon – Myanmar, ông Phyo Min Thein, đang làm bùng lên các cuộc tranh luận về thỏa thuận nhập khẩu 2.000 xe buýt từ Trung Quốc trị giá khoảng 100 triệu USD.

Ông Phyo Min Thein được xem là nhân vật thân cận của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. Hôm 7-8, Reuters cho biết Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã xảy ra lục đục nội bộ khi một số nhà lập pháp khu vực Yangon đặt vấn đề về giá trị của thỏa thuận mua 2.000 xe buýt từ Trung Quốc và cáo buộc ông Min Thein thiếu giải trình và minh bạch.

Mặc dù không có bằng chứng cho thấy thỏa thuận vi phạm luật pháp Myanmar nhưng Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Myanmar Roland Kobia phàn nàn trong một bức thư gửi Bộ trưởng Thương mại Than Myint rằng kế hoạch mua sắm nói trên dường như thiếu minh bạch.

Ông Kobia viết trong bức thư đề thời gian hồi tháng 6: "Hiện tại, nền kinh tế trong nước (của Myanmar) vẫn bị chi phối bởi một số ít các nhà đầu tư nội địa và khu vực vốn cản trở sự cạnh tranh công bằng".

Ngoài ra, người đứng đầu khu vực Yangon, ông Phyo Min Thein, cũng bị cho là lợi dụng mối quan hệ thân thiết với bà Suu Kyi để ký kết thỏa thuận và thiếu trách nhiệm giải trình các vấn đề liên quan cho chính phủ.

ong phyo min thein. anh: abs-cbn

Ông Phyo Min Thein. Ảnh: ABS-CBN

 

Xe buýt của Trung Quốc có giá bằng một nửa so với các thương hiệu quốc tế khác. Tuy nhiên, các kỹ sư kiểm tra xe buýt cho Myanmar chỉ ra rằng chúng sẽ bị hao mòn và phải thay thế sớm hơn so với các xe buýt cùng loại dựa trên tiêu chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, ông Phyo Min Thein nhấn mạnh thỏa thuận với Trung Quốc mang lại nhiều lợi ích bởi nhận được chiết khấu và giao hàng nhanh.

Các quan chức Yangon hồi năm ngoái không đạt được kết quả trong các cuộc đàm phán với một số nhà cung cấp tiềm năng đến từ Pháp và Hà Lan vì họ không thể giao xe buýt đúng tiến độ ông Min Thein yêu cầu. Thay vào đó, Công ty Quản lý xe buýt Yangon (YBPC) đã mua 1.000 xe buýt từ 2 nhà cung cấp Trung Quốc do Đại sứ Bắc Kinh tại Myanmar, ông Hong Liang, lựa chọn. 1.000 chiếc xe buýt còn lại được mua theo thỏa thuận tư nhân giữa một công ty Trung Quốc và doanh nhân Kyaw Ne Win, cháu trai của một cựu lãnh đạo chính quyền quân đội tên Ne Win.

Khi bà Suu Kyi nắm quyền lực sau vụ bầu cử năm 2015, giới phân tích dự đoán các công ty phương Tây sẽ đầu tư mạnh vào Myanmar. Song với thỏa thuận xe buýt của khu vực Yangon, những người ủng hộ bà Suu Kyi ở phương Tây có thể sẽ "vỡ mộng" vì Myanmar muốn đẩy mạnh giao dịch thương mại với Trung Quốc.(NLĐ)
----------------------------

Doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực thâm nhập Thái Lan

Dù dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp VN vẫn quyết tâm nỗ lực tiến vào Thái Lan, thị trường hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức.

Nếu kế hoạch diễn biến suôn sẻ thì đầu tháng 9.2017, Công ty Vietnam Cacao sẽ đưa lô hàng đầu tiên sang Thái Lan sau nhiều năm theo đuổi. Chủ tịch Vietnam Cacao Francisco Trần Văn Liêng cho biết công ty đã tích cực làm việc với những nhà phân phối tại nước bạn cũng như thực hiện chiến dịch quảng bá chuyên nghiệp nhằm đưa hình ảnh Vietnam Cacao đến với người tiêu dùng Thái Lan. Ông Liêng nhận định thêm thâm nhập thị trường Thái Lan là đều không hề dễ dàng vì tính cạnh tranh rất cao, không chỉ từ doanh nghiệp bản địa mà cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Công ty BSA kiêm Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, cho biết nhắc đến thị trường Thái Lan, nhiều doanh nghiệp trong nước đều e dè.

Hàng Thái được tiếng rẻ, đa dạng, phong phú và có chất lượng không thua kém bất kỳ đối thủ nào trong khu vực. “Nói như vậy không có nghĩa chúng ta không có doanh nghiệp nào cạnh tranh được với các nhà sản xuất Thái Lan. Vẫn có những lĩnh vực và khu vực thị trường ở Thái Lan là sân chơi tốt cho doanh nghiệp VN như thực phẩm, sản phẩm organic (hữu cơ - NV)…”, bà Hạnh phát biểu khi dẫn đoàn doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao sang tham dự hội chợ triển lãm ở Bangkok hồi tuần trước. “Thời kỳ hội nhập ASEAN, chúng ta không thể ngồi thụ động chờ họ đến để đối đầu mà phải ra ngoài chinh phục thị trường”, bà khẳng định và cho biết thêm có ít nhất 10 doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao lên kế hoạch thâm nhập hoặc muốn tìm hiểu thị trường Thái Lan.

Tổng thư ký Hội đồng doanh nghiệp Việt Thái Rakesh Singh nhận định: “Nhiều người sai lầm khi nghĩ hàng VN khó tiếp cận người tiêu dùng Thái Lan. Thực tế, giới trẻ ở đây rất thích và sẵn sàng thử những sản phẩm mới. Nếu chứng minh chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh, không có lý do gì hàng VN không thể vào Thái Lan”. Con đường xâm nhập tốt nhất để vào thị trường Thái Lan, theo ông, là thông qua các nhà phân phối toàn cầu đang có mặt tại VN.(Thanhnien)
-------------------------

Phó Chủ tịch Samsung bị đề nghị 12 năm tù

Các công tố viên Hàn Quốc ngày 7/8 đề nghị mức án 12 năm tù giam đối với ông Lee Jae-Yong, Phó Chủ tịch, đồng thời là người kế thừa chức Chủ tịch Tập đoàn điện tử Samsung, đang bị xét xử vì tội hối lộ có liên quan vụ bê bối tham nhũng làm chấn động ở Hàn Quốc khiến Tổng thống tiền nhiệm Park Geun Hye bị phế truất.

 

ong lee jae-yong. anh: reuters

Ông Lee Jae-yong. Ảnh: Reuters

 

Tại phiên cuối cùng trong phiên tòa xét xử ông Lee, các công tố viên cáo buộc ông  Lee Jae-Yong là "người hưởng lợi cuối cùng" trong vụ bê bối tham nhũng trên và yêu cầu tòa kết án 12 năm tù.
 
Hồi tháng 1 năm nay, ông Lee bị truy tố cùng với 4 bị cáo khác về tội đưa hối lộ 43,3 tỷ won (38 triệu USD) để đổi lấy việc Chính phủ Hàn Quốc hậu thuẫn vụ sáp nhập 2 chi nhánh của Tập đoàn Samsung năm 2015, tham nhũng, khai man và một số vi phạm khác có liên quan tới vụ bê bối chính trị làm rúng động Hàn Quốc hồi năm 2016. Vụ việc xoay quanh bà Choi Soon-sil, một người bạn thân cận của bà Park Geun Hye. Bà Choi bị cáo buộc lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Park khi đó để ép các công ty trong nước "quyên góp" gần 70 triệu USD vào 2 quỹ mờ ám do bà này thành lập, sử dụng một phần quỹ vào mục đích cá nhân. Vụ bê bối này chính là lý do khiến bà Park Geun Hye bị phế truất.

Dự kiến, tòa án sẽ ra phán quyết về vụ việc liên quan ông Lee Jae-Yong vào cuối tháng này và phán quyết có thể ảnh hưởng đến vụ xét xử bà Park và bà Choi đang diễn ra.
    
Samsung, hãng điện tử lớn nhất Hàn Quốc với doanh thu tương đương 1/5 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, là "mạnh thường quân" chính của các quỹ mờ ám kể trên. Việc Phó Chủ tịch Lee Jae-Yong bị bắt giữ đã gây chấn động lớn trong nội bộ Tập đoàn Samsung, đồng thời buộc tập đoàn này phải cải tổ phương thức quản lý. Vụ việc cũng khiến Samsung phải hứng chịu nhiều chỉ trích về cách thức quản lý khi ưu tiên bổ nhiệm những thành viên trong gia đình bất chấp việc những người này có thể đã có những việc làm ảnh hưởng tới hình ảnh của tập đoàn.(TTXVN)
------------------------

Việt Nam sẽ không xuất khẩu cát nhiễm mặn nữa

Khi 2 giấy phép xuất khẩu cát nhiễm mặn cuối cùng hết hạn vào tháng 9 tới, Việt Nam sẽ không còn xuất khẩu cát nữa mà chỉ dùng cho xây dựng trong nước.

tau bom hut cat nhiem man tai dao phu quoc de xuat khau sang singapore - anh: v.tr

Tàu bơm hút cát nhiễm mặn tại đảo Phú Quốc để xuất khẩu sang Singapore - Ảnh: V.TR

Ông Phạm Văn Bắc - vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng của Bộ Xây dựng, vừa cho biết Bộ Xây dựng đã dừng gia hạn hướng dẫn xuất khẩu cát nhiễm mặn cho các doanh nghiệp nạo vét luồng, tận thu cát.

“Hiện nay chỉ còn 2 doanh nghiệp xuất khẩu cát nhiễm mặn, nhưng đến tháng 9 tới hai giấy phép này cũng sẽ hết hạn. Kể từ thời gian đó trở đi, Việt Nan sẽ không còn xuất khẩu cát nhiễm mặn nữa mà ưu tiên phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước” - ông Bắc khẳng định.

Bộ Xây dựng cũng đã giao Viện Vật liệu xây dựng xây dựng nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên.

Viện này cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu chế tạo bêtông không cốt thép có sử dụng cát nhiễm mặn dùng trong thi công đê kè, tường chắn sóng, chống sụt lún, sạt lở các công trình ven biển.

Thực ra đến nay đã có một số đề tài nghiên cứu sản xuất bêtông từ cát biển, nước biển và phụ gia, ứng dụng thành công ở một số địa phương, mở ra hướng mới sử dụng cát nhiễm mặn cho các công trình ở biển, đảo Việt Nam.(Tuoitre)
------------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục