tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 27-06-2017

  • Cập nhật : 27/06/2017

Mỹ 'ép' EU đẩy Nga ra khỏi thị trường khí đốt

Washington đang cố gắng đẩy Nga ra khỏi thị trường khí đốt châu Âu băng cách gây áp lực lên các thành viên Liên minh châu Âu (EU).

cac duong ong dau tien cho viec xay dung nord stream 2 duoc van chuyen bang duong sat toi dao rugen (duc) anh: reuters

Các đường ống đầu tiên cho việc xây dựng Nord Stream 2 được vận chuyển bằng đường sắt tới đảo Rugen (Đức) ẢNH: REUTERS

Theo hãng thông tấn Sputnik, Mỹ đang đặt áp lực ngoại giao lên các nước thành viên EU với mục đích ngăn chặn việc Nga thực hiện dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 và qua đó có thể loại bỏ Gazprom, tập đoàn khí đốt lớn nhất của Nga, ra khỏi thị trường năng lượng EU.

“Mỹ đang tìm cách chôn vùi dự án Nord Stream 2. Vì nếu dự án này được xây dựng thành công, Mỹ sẽ phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh lớn do Gazprom đại diện trong việc bán khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho các nước EU”, một nguồn tin ngoại giao nói với Sputnik.

Dự án Nord Stream 2 dự kiến sẽ xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt có công suất hằng năm tổng cộng là 55 tỉ mét khối. Tuyến đường ống này sẽ được đặt dọc với tuyến đường ống Nord Stream đầu tiên, bắt đầu từ bờ biển Nga, sau đó qua biển Baltic để đến một trung tâm tại Đức. Do đường ống dẫn khí không đi qua phần đất liền của EU, nên nó sẽ không phải tuân theo tất cả các quy định của thị trường nội bộ EU dưới khuôn khổ Gói Năng lượng Thứ Ba.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu đã thực hiện một vài bước để khiến dự án phải tuân thủ các quy định của EU, bao gồm cả yêu cầu đàm phán và việc xây dựng đường ống phải được các nước thành viên EU phê duyệt. Hôm 22.6, ông Maros Sefcovic, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu về Liên minh Năng lượng, cho biết Brussels vẫn hi vọng nhận được nhiệm vụ đàm phán từ các nước thành viên EU về nguyên tắc hoạt động chính của dự án đường ống Nord Streams 2 với Nga.

Tuần trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua một biện pháp nhằm mở rộng các lệnh cấm vận kinh tế áp đặt lên Nga, đồng thời ngăn chặn khả năng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước đó. Dự luật này hiện vẫn phải thông qua Hạ viện trước khi nó được đưa đến bàn của Tổng thống Trump. Nếu dự luật được thông qua, Mỹ sẽ có thể đưa ra những hạn chế mới đối với những doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư vào các đường ống dẫn khí đốt xuất khẩu của Nga, đặc biệt là dự án đường ống Nord Stream 2.(Thanhnien)
--------------------------

Mỹ cấm nhập khẩu thịt bò Brazil

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết Mỹ đã ngừng nhập khẩu thịt bò tươi của Brazil vào hôm 22.6, sau khi một tỷ lệ lớn lượng hàng thịt bò không vượt qua được vòng kiểm tra an toàn thực phẩm.

Theo CNN, USDA đã “thường xuyên quan tâm về sự an toàn của các sản phẩm được nhập khẩu vào thị trường Mỹ”, cũng như tăng cường kiểm tra, xét nghiệm các sản phẩm thịt bò của Brazil như một biện pháp phòng ngừa sau khi vụ bê bối thịt bẩn tại đất nước Nam Mỹ bị phanh phui.

“Các lô hàng thịt bò đang trên đường vận chuyển đến Mỹ nhưng chắc chắn sẽ không được phép vào Mỹ”, Altin Kalo, nhà phân tích của Steiner Consulting Group, nói về các chuyến hàng thịt bò Brazil đang được chở tới Mỹ bằng tàu.

Được biết, Brazil là nhà cung cấp thịt bò lớn thứ năm của Mỹ, chỉ đứng sau Canada, Úc, New Zealand và Mexico. Nhưng kể từ khi cuộc điều tra vụ thịt bẩn được đưa ra hồi tháng 3 năm nay, USDA đã hủy bỏ 11% các sản phẩm thịt bò tươi của Brazil, một con số “cao hơn đáng kể” so với tỷ lệ từ chối các lô hàng từ phần còn lại của thế giới, khoảng 1%.

“Mặc dù thương mại quốc tế là một phần quan trọng và Brazil từ lâu cũng đã là một trong những đối tác lớn của chúng tôi, nhưng ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vẫn là bảo vệ người tiêu dùng Mỹ. Việc đình chỉ của Mỹ sẽ được áp dụng cho đến khi Bộ Nông nghiệp Brazil có hành động khắc phục mà USDA thấy thỏa đáng”, theo một tuyên bố của USDA.

Song đối với Brazil, hành động của USDA đang đe dọa đến danh tiếng đồng thời làm mất uy tín của nước xuất khẩu thịt bò và gia cầm hàng đầu thế giới. Động thái này được đánh giá giống như sự “quay lưng” của Mỹ dành cho Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil, ông Sonny Perdue, người đã cảnh báo trước đó vào tháng 3.2017 rằng Brazil có thể sẽ trả đũa nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới ngừng nhập khẩu thịt bò.

Ông José Augusto de Castro, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại nước ngoài của Brazil, cũng cho rằng lệnh cấm này là một tin xấu cho ngành công nghiệp thịt bò vì “phải mất rất nhiều năm các nhà xuất khẩu thịt bò Brazil mới mở được cửa để vào thị trường Mỹ”, ông Castro nói với tờ O Globo.

Thị trường thịt bò Brazil đã bị xáo trộn trong nhiều tháng, sau khi xuất hiện một số nhà sản xuất thịt lớn bị buộc tội hối lộ cơ quan kiểm tra để xác nhận an toàn cho những lô hàng thịt bị thối rữa hoặc nhiễm khuẩn salmonella. Trung Quốc, Mexico, Chile, Nhật Bản, Hồng Kông và Liên minh châu Âu đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu thịt ngay sau đó.(Thanhnien)
----------------------------

170 nhà máy dược phẩm đạt thực hành tốt sản xuất thuốc

Tại hội thảo về chiến lược truyền thông trong ngành dược VN diễn ra sáng 24.6, PGS-TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho hay tốc độ tăng trưởng ngành dược của VN đạt 10 - 17% mỗi năm.

 Hiện có 170 nhà máy đạt thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), trong số này có 10 nhà máy đạt GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tương đương.

Cũng theo ông Truyền, 5 năm qua, mức tiêu thụ thuốc bình quân đầu người tại VN ước đã tăng gấp đôi, trong khi đó, theo đánh giá của WHO, bình quân chung thế giới, mức tiêu thụ tăng gấp đôi phải sau 10 năm. Đáng chú ý là hiện bình quân tiền thuốc trên đầu người của thế giới là 100 USD/người/năm thì ở VN chỉ khoảng 50 USD/người/năm. Thuốc nội hiện mới chiếm 50% thị trường, phấn đấu đến 2020 sẽ chiếm 70% thị trường.

Ông Nguyễn Hưng Củng, nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền (Bộ Y tế), cho rằng dược phẩm sản xuất trong nước nên chú trọng phát triển thuốc từ dược liệu để đáp ứng các yêu cầu cho điều trị với mô hình bệnh tật đang thay đổi.(Thanhnien)
----------------------------

Vingroup sẽ chi 5 tỷ USD làm đường sắt tư nhân đầu tiên tại Hà Nội

TP. Hà Nội đã trao bản ghi nhớ về việc Tập đoàn Vingroup sẽ đầu tư 100.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 5 tỷ USD) làm đường sắt đô thị.

Sáng 25/6, tại Hội nghị "Hà Nội 2017- Hợp tác đầu tư và Phát triển", thành phố đã trao bản ghi nhớ với các doanh nghiệp để thực hiện một số dự án lớn trên địa bàn.

Trong đó, đáng chú ý việc Vingroup rót khoảng 100.000 tỷ đồng xây dựng một tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, bên cạnh những tuyến đang xây dựng bằng vốn ngân sách.

Việc trao ghi nhớ được thực hiện với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Theo đó, dự án mà Vingroup định triển khai là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn vốn tư nhân. Tuy nhiên, cụ thể là đoạn đường nào thì chưa được công bố cụ thể.

Đây là lần thứ 2 Vingroup tham gia vào một dự án về giao thông tại Hà Nội. Trước đó, tháng 8/2015, UBND TP. Hà Nội thống nhất chủ trương cho phép Vingroup ứng trước kinh phí 1.000 tỷ đồng (không tính lãi) để phục vụ dự án đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Mai Động.

Dự án đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng do Sở Giao thông Vận tải là chủ đầu tư có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, được phê duyệt từ năm 2012. Khi dự án được hoàn thành sẽ kết nối toàn bộ trục đường Vành đai 2 theo quy hoạch, góp phần giải tỏa ách tắc giao thông trong khu vực trung tâm.

Trước đó,  Tập đoàn Vingroup đã có văn bản đề nghị ứng trước cho Hà Nội số tiền 1.000 tỷ đồng trong năm 2015 để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động (đường dưới đất).

UBND. TP. Hà Nội cho biết việc triển khai, giải ngân số tiền 1.000 tỷ sẽ theo tiến độ công tác giải phóng mặt bằng. Khoản ứng trước này sẽ được hoàn trả từ các khoản nghĩa vụ tài chính mà tập đoàn này phải nộp cho thành phố Hà Nội nếu còn nợ hiện nay hoặc phát sinh sau này từ các dự án mới. (Zing)

Trở về

Bài cùng chuyên mục