tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 26-08-2016

  • Cập nhật : 26/08/2016

Xuất khẩu dăm gỗ Việt Nam đối mặt với khó khăn chồng chất

Thuế xuất khẩu 2%, phí vận tải tăng cao cộng với thị trường tiêu thụ giảm đang khiến cho ngành dăm gỗ Việt Nam phải đối mặt khó khăn chồng chất.

Mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn này đã kéo giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chưa bao giờ giảm mạnh như trong thời gian vừa qua.

Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng gần đây chỉ tăng khoảng 1% trong khi cùng kỳ các năm trước tăng từ 7-8%.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn gỗ dăm , nhưng trong 6 tháng đầu năm chỉ xuất khẩu được gần 1,8 triệu tấn.

Điển hình là thị trường chính Trung Quốc giảm mạnh, mỗi năm xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 4 triệu tấn nhưng trong 6 tháng đầu năm chỉ xuất được 1 triệu tấn.

Ngoài yếu tố lớn là thị trường Trung Quốc giảm mua, giá giảm, ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, dăm gỗ Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt.

Là một quốc gia xuất khẩu dăm gỗ đứng đầu thế giới nhưng chất lượng dăm của Việt Nam không đáp ứng yêu cầu của các nước.

Trước đây, nếu Nhật Bản nhập khẩu dăm gỗ của Việt Nam giờ lại quay sang nhập khẩu từ Australia .

“Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu. Bản thân doanh nghiệp phải nâng cao trình độ, trách nhiệm đưa sản phẩm tốt lên nhưng đồng thời cũng có vấn đề là chính sách quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay.

Ngoài chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, có hai yếu tố từ quản lý nhà nước tác động đến xuất khẩu dăm gỗ giảm.

Một là từ 1/1/2016, dăm gỗ xuất khẩu phải chịu thuế suất 2% và quan trọng hơn là Bộ Giao thông Vận tải đưa ra quy định yêu cầu khi vận chuyển đổi với đường bộ là ô tô không được cơi nới, trong khi sản phẩm dăm rất nhẹ.

Nếu vận chuyển bằng đường thủy thì chỉ được để hàng ở dưới hầm, không được đưa lên boong tàu. Như vậy, giá thành vận chuyển đã tăng lên 3 lần.

“Thuế và phí vận tải đã khiến dăm Việt Nam không thể cạnh tranh được với dăm gỗ từ Australia xuất sang Trung Quốc”. - ông Quyền nói.

Khó khăn trong xuất khẩu đã khiến lượng dăm tồn, không xuất khẩu được tại Việt Nam rất lớn.

Theo các doanh nghiệp, sự sụt giảm nghiêm trọng lượng dăm gỗ xuất khẩu đang và sẽ tiếp tục đem lại những tác động tiêu cực không phải chỉ riêng cho các doanh nghiệp mà còn tác động đến hàng trăm nghìn hộ gia đình tham gia các khâu của chuỗi cung ứng.

Ông Lưu Văn Chánh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH liên doanh Cát Phú Nha Trang cho rằng, mức thuế 2% đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng rừng.

Thực tế, từ sau khi chính sách thuế có hiệu lực, giá trị rừng trồng đã giảm, tâm huyết phát triển rừng của người dân có phần nao núng.

Đặc biệt, vấn đề là thuế thu được từ mặt hàng này nhỏ hơn so với sự hỗ trợ mà Chính phủ bỏ ra đề đầu tư trồng rừng.

Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, chi phí phát sinh từ việc áp thuế được doanh nghiệp xuất khẩu chia sẻ cho tất cả các khâu trên chuỗi cung, nhưng chủ yếu là dồn xuống các hộ trồng rừng.

2% thuế được “đẩy” hết cho người trồng rừng, trong khi đó hộ trồng rừng là các hộ nghèo, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Điều này có nghĩa rằng nguồn thu từ nguồn gỗ rừng trồng của các hộ bị suy giảm.

Theo ông Nguyễn Nị, Chủ tịch Hiệp hội dăm gỗ xuất khẩu Quảng Nam - Quảng Ngãi, các chính sách quản lý cần tạo đầu ra cho dăm gỗ, vì xuất khẩu dăm gỗ giống như “người đỡ đầu” cho các hộ trồng rừng.

Trước sự phát triển nóng, phát triển ngoài quy hoạch, chạy theo thị trường và không kiểm soát về chất lượng, đặc biệt sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở chế biến quy mô nhỏ ở vùng Bắc Trung bộ, nhằm hạn chế tình trạng này, thuế xuất khẩu 2% được áp dụng.

Tuy nhiên, áp dụng mức thuế này trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và cầu tiêu thụ co hẹp phần nào làm cho ngành chế biến dăm xuất khẩu của Việt Nam đã khó khăn lại càng trở lên khó khăn hơn.

Mức thuế xuất khẩu 2% tương đương với mức tăng 2,5-2,8 USD/tấn dăm trong cơ cấu giá thành dăm xuất khẩu đã khiến dăm Việt Nam khó cạnh tranh hơn so với của các nước như Australia, Braxin, New Zealand…

Mặc dù đánh giá cao đóng góp của xuất khẩu dăm gỗ trong việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu ngành lâm sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, chúng ta không nên tự hào với danh hiệu xuất khẩu dăm gỗ đứng đầu thế giới.

Việc trở thành nhà xuất khẩu dăm gỗ hàng đầu của thế giới nhưng vẫn còn nhiều điều phải suy ngẫm.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn so sánh, năm 2015, xuất khẩu dăm trên 8 triệu tấn, sử dụng khoảng 16 triệu m3 nguyên liệu gỗ, đạt kim ngạch gần 1,2 tỷ USD.

Trong khi đó, đồ mộc xuất khẩu chỉ sử dụng khoảng 10 triệu m2 gỗ nguyên liệu, nhưng đã tạo ra tổng giá trị xuất khẩu xấp xỉ 6 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, việc làm cần thiết hiện nay là phải tái cấu trúc ngành công nghiệp gỗ theo hướng chế biến chiều sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Vì vậy, cần thúc đẩy sản xuất dăm gỗ. Tuy nhiên, cần phải thống kê lượng gỗ chỉ sử dụng cho sản xuất dăm và sản phẩm bị khai thác non để chế biến dăm từ đó có chính sách hỗ trợ cho sản phẩm này./.(TTXVN)


Làm gì để dẹp phân bón giả?

Tại buổi tọa đàm “Tác hại phân bón giả đối với vựa lúa ĐBSCL” diễn ra ở TP Cần Thơ chiều 24-8, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải mạnh tay hơn với tình trạng kinh doanh phân bón giả nhằm bảo vệ nông dân, người trồng lúa.

Buổi tọa đàm do báo Tuổi Trẻ phối hợp với văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia và Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo - Đạm Phú Mỹ) tổ chức.

Nhiều hệ lụy từ 
phân bón trộn... đất sét

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Minh Toại - giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ - bức xúc cho biết một số đại lý phân bón làm ăn không chân chính đã mua đất sét viên tròn nhỏ có nhiều màu với giá 800-1.000 đồng/kg để trộn vô phân NPK rồi đem bán cho nông dân. Chỉ đến khi sử dụng không hiệu quả, nông dân mới biết mua nhầm hàng giả.

Trong khi đó, nhiều đại lý hám lợi, mua sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng với giá thấp về bán với giá cao để kiếm lợi, bất chấp thiệt hại của nông dân. “Trong các cuộc họp HĐND tp, nông dân kêu nhiều về chuyện này” - ông Toại nói.

Theo ông Trần Thanh Hiệp - phó chánh thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, có tình trạng giả nhãn hàng hóa phân bón. Sản phẩm được thông báo chấp nhận hợp quy nhưng trong thành phần có nhiều thông tin không đúng bản chất gây hiểu lầm làm giảm uy tín của công ty có thương hiệu đó.

Ông Trần Ngọc Thể, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hậu Giang, cho biết địa phương này cũng phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh phân bón giả, nhiều nhất là phân NPK do các công ty không tên tuổi sản xuất.

Để thu hút người mua, các đại lý thường tung chiêu khuyến mãi như mua 10 bao phân được đi tham quan Vũng Tàu, Đà Lạt...

Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng còn liên kết với các HTX nông nghiệp, hội nông dân, hội phụ nữ hoặc tổ chức hội thảo để bán sản phẩm cho nông dân với giá rất cao, thậm chí bán hàng theo kiểu đa cấp.

PGS.TS Mai Thành Phụng, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng việc sử dụng phân bón giả, kém chất lượng không những ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân (giảm năng suất, chất lượng nông sản, mất mùa...) mà còn ảnh hưởng lớn đến đất, nước và gây ô nhiễm môi trường vì các chất độc hại, kim loại nặng trong phân bón giả, chưa kể sức khỏe người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng do các chất độc hại còn tồn dư.

“Việc bón ximăng, muối cho đất không những làm giảm chất lượng đất trồng trọt mà quan trọng hơn, làm xói mòn lòng tin của người dân vào cơ quan quản lý do đã bất lực trong việc ngăn chặn phân bón giả, kém chất lượng” - ông Phụng cảnh báo.

Phải “diệt” phân bón giả từ gốc

Cũng theo ông Phụng, để giải quyết tình trạng trên trước hết phải quản lý tốt hệ thống đại lý (khâu lưu thông) bên cạnh quản lý từ gốc (từ các công ty sản xuất) bởi “mọi khuyến cáo kỹ thuật đều bị tắc ở đại lý”.

Trong thực tế, hầu hết nông dân thường mua chịu phân bón, trong khi theo ông Phụng, “khoảng 80% đại lý ham lời, chỉ bán cái có lời nhiều, bất chấp chất lượng”.

Với doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, ông Phụng cho rằng mức xử phạt hiện nay không đủ sức răn đe do lợi nhuận quá lớn.

“Sau khi bị phát hiện và xử phạt, các ông chủ này lại mở công ty khác để tiếp tục trục lợi. Vì vậy cần phạt sao cho doanh nghiệp làm phân bón giả không “tái sinh” được” - ông Phụng đề xuất.

PGS.TS Trần Kim Tính, ĐH Cần Thơ, cho rằng trong lúc chưa có quy định gì ngăn ngừa được tình trạng làm giả phân bón, phải tăng trách nhiệm của chính quyền địa phương và đặc biệt là các đại lý phân bón vì lực lượng này không thể không biết các sản phẩm phân bón giả.

“Sản xuất phân bón giả đâu phải làm trong cái nhà nho nhỏ mà làm ở nhà máy lớn, nên chính quyền địa phương không thể không biết” - ông Tính khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Toại, cái khó là cơ quan chức năng không phát hiện ngay sản phẩm giả mà phải lấy mẫu đi kiểm nghiệm rất mất thời gian. “Những doanh nghiệp nào có sản phẩm bị làm giả có thể phối hợp với cơ quan quản lý để xử lý nhanh hơn, hiệu quả hơn không chỉ với nông dân mà cả doanh nghiệp” - ông Toại đề xuất.

Ông Đỗ Thanh Lam, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cho biết trong tám tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã kiểm tra 1.800 hộ kinh doanh phân bón, phát hiện 421 hộ kinh doanh vi phạm (phạt 8 tỉ đồng). Đặc biệt, trong 786 mẫu phân bón được đưa đi kiểm nghiệm, có đến 31% mẫu không đạt chất lượng.

“Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra kiểm soát, đặc biệt là sẽ ngăn chặn tình trạng “bảo kê” như dư luận vẫn râm ran. Đề nghị các địa phương luân chuyển địa bàn, kiểm tra chéo lực lượng quản lý thị trường bởi đâu đó vẫn còn ý kiến cho rằng xử nhẹ, kiểm tra không hết” - ông Lam nói.

Cũng theo ông Lam, Chính phủ vừa ban hành nghị định có chế tài mạnh đối với cơ sở vi phạm trong sản xuất phân bón giả và đại lý kinh doanh, trong đó có tước giấy phép hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, cần có các hình thức khác giúp nông dân như trình chiếu các thủ đoạn, phương thức làm phân bón giả, cách phân biệt phân bón giả vào thời điểm “giờ vàng” để khi người dân mở tivi là có thể xem được.

Ông Nguyễn Hồng Vinh (ủy viên HĐQT PVFCCo):

Nông dân cần sản phẩm phân bón chất lượng

Chỉ riêng tại TP Cần Thơ chúng tôi có 27 đại lý cấp 1 và thông qua hệ thống này, sản phẩm Đạm Phú Mỹ được cung cấp cho toàn vùng ĐBSCL. Để đảm bảo sản phẩm không bị trộn, làm giả, chúng tôi luôn theo dõi, chấm điểm các đại lý, nếu phát hiện tình trạng gian lận, vi phạm sẽ sẵn sàng loại ra khỏi hệ thống phân phối.

Tuy nhiên, do sản phẩm đạm Phú Mỹ được nhiều người dân tin dùng nên đại lý không muốn bị loại ra khỏi hệ thống, vì thế đến nay chưa có hiện tượng này.

Ngoài nhà máy sản xuất đạm Phú Mỹ với công suất 800.000 tấn/năm, PVFCCo cũng đã đầu tư nhà máy NPK Phú Mỹ có công suất 250.000 tấn/năm được khởi công cuối năm 2015, dự kiến ra sản phẩm thương mại vào cuối năm 2017, thay thế cho các sản phẩm phải nhập khẩu hiện nay.

Mục đích của chúng tôi là đa dạng sản phẩm, nhưng giúp nông dân có thêm nhiều chọn lựa, qua đó giảm phần nào tình trạng phân bón kém chất lượng.(CafeF)


Donald Trump muốn chơi rắn trong thương mại với Trung Quốc

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa đe dọa áp thuế lên các sản phẩm của Trung Quốc để chứng tỏ Mỹ "không còn chơi đùa" trong vấn đề cân bằng thương mại.

Trong bài phát biểu ở Tampa (Florida, Mỹ) hôm qua, Trump cho biết nếu đắc cử, ông sẽ đề nghị quan chức thương mại Mỹ kiện Trung Quốc tại cả Mỹ và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thuế nhập khẩu là cần thiết trong nhiều trường hợp "do họ cần phải hiểu chúng ta không muốn chơi đùa nữa", ông cho biết. Trump trước đó từng cam kết đánh thuế 45% lên hàng hóa Trung Quốc.

donald trump tai buoi noi chuyen hom qua o florida. anh: reuters

Donald Trump tại buổi nói chuyện hôm qua ở Florida. Ảnh: Reuters

Ông cũng khẳng định thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã lên hơn 500 tỷ USD, dù số liệu chính thức của Chính phủ Mỹ là 367 tỷ USD năm ngoái. Mỹ đã kiện Trung Quốc tại WTO. Quan chức nước này cũng thường xuyên đánh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên hàng Trung Quốc, do quá nhiều doanh nghiệp Mỹ phàn nàn.   

Trump từng cam kết mang việc sản xuất quay về Mỹ, dù nhiều nhà kinh tế học cho rằng "cú sốc vì sản xuất chuyển sang Trung Quốc" đã qua từ lâu. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ước tính sau khi Trung Quốc vào WTO năm 2001, Mỹ đã mất khoảng 0,8-1 triệu việc làm. Tổng cộng, ngành sản xuất tại Mỹ đã mất 5 triệu nhân lực từ năm 2000.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào đầu tháng 11 tới. Trong các cuộc khảo sát thăm dò ý kiến gần đây, ứng cử viên đảng Dân chủ - bà Hillary Clinton đang dẫn trước ông Trump.(Vnexpress)


Nhà đầu tư Hàn Quốc mở rộng loại hình đầu tư ở Việt Nam

Tập đoàn quản lý đầu tư hàng đầu tại thị trường Việt Nam - VinaCapital cho biết vừa ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Tập đoàn tài chính Hàn Quốc - Shinhan BNP Paribas Asset Management (Shinhan) để cung cấp các sản phẩm đầu tư, giúp các nhà đầu tư của Shinhan tại Hàn Quốc tham gia vào nền kinh tế đang tăng trưởng của Việt Nam.

Shinhan là một trong những công ty hàng đầu tại Hàn Quốc về đầu tư với tổng giá trị tài sản quản lý đạt 34 tỉ USD.

Theo thỏa thuận, hai bên sẽ phát triển các quỹ dành cho nhà đầu tư Hàn Quốc để tham gia đầu tư vào nhiều loại hình tài sản tại Việt Nam cũng như kế hoạch giới thiệu các sản phẩm đầu tư của Shinhan đến thị trường Việt Nam trong tương lai. 

Bên cạnh đó, VinaCapital và Shinhan sẽ cùng hướng đến phát triển quỹ đầu tư cho phép tham gia đầu tư vào nhiều loại hình tài sản như cổ phần, trái phiếu, bất động sản... tại Việt Nam.

nhieu doanh nghiep lon cua han quoc dang dau tu tai viet nam.

Nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.

Chuyên gia đánh giá các công ty của Hàn Quốc thuộc nhóm những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, xây dựng, mở rộng và điều hành các dự án đầu tư với tổng vốn lên đến hàng chục tỉ USD, đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Hàn Quốc dẫn đầu về tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với gần 4.500 dự án đầu tư và hơn 39 tỉ USD vốn đăng ký.

Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc sử dụng khoảng 70.000 lao động và đóng góp trên 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 24 dự án đầu tư sang Hàn Quốc (tổng vốn đầu tư đăng ký phía Việt Nam chỉ hơn 10 triệu USD), các dự án có quy mô nhỏ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ...(PLO)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục