tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 18-01-2018

  • Cập nhật : 18/01/2018

Xuất khẩu xác nhận kỷ lục mới, hơn 214 tỷ USD

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 đạt hơn 214 tỷ USD, một mức cao kỷ lục và cao gấp 4,4 lần kim ngạch xuất khẩu của năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO. Đáng chú ý có tới 30 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Cụ thể, trong tháng 12 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 19,65 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 214,02 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Điều đó có nghĩa kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đã vượt mục tiêu đề ra tới hơn 26 tỷ USD và cao gấp 4,4 lần so với kim ngạch xuất khẩu năm 2007 – là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO.

Đáng chú ý, năm nay có 30 nhóm hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, trong đó cao nhất là điện thoại các loại và linh kiện (45,27 tỷ USD); kế đó là dệt may (26,04 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (25,94 tỷ USD)...

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước cũng đạt gần 19,89 tỷ USD trong tháng 12, tăng 2,5% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2017, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 211,10 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2016.

Như vậy, trong tháng 12, nền kinh tế nhập siêu khoảng 240 triệu USD, tuy nhiên tính chung cả năm vẫn xuất siêu tới 2,92 tỷ USD.

Thế nhưng đóng góp chính trong thành công xuất khẩu và xuất siêu năm qua vẫn là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt những nhóm hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn như điện thoại, dệt may… phần lớn đều thuộc khu vực này.

Theo đó, trong tháng 12 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khối DN FDI đạt hơn 13,68 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước; tính chung cả năm đạt gần 152,19 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm 2016. Như vậy xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tới 71,11% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12 của khối này đạt hơn 11,7 tỷ USD, tăng 0,7% so với tháng trước; lũy kế cả năm đạt hơn 126,37 tỷ USD, tăng 23,4% so với năm 2016.

Như vậy, trong tháng 12 khu vực FDI vẫn duy trì xuất siêu 1,98 tỷ USD, nâng con số xuất siêu từ đầu năm lên 25,82 tỷ USD. Điều đó cũng có nghĩa khu vực kinh tế 100% vốn trong nước nhập siêu 2,22 tỷ USD trong tháng 12 và nhập siêu 22,9 tỷ USD từ đầu năm.(TBNH)
------------------------------

Vì sao Trung Quốc muốn xuất khẩu công nghệ động cơ phản lực cho Đức

Trung Quốc đang đàm phán để xuất khẩu công nghệ động cơ phản lực sang Đức. Tuy nhiên, giới phân tích đặt câu hỏi về mục đích thực sự sau việc xuất khẩu này.

Vì sao Trung Quốc muốn xuất khẩu công nghệ động cơ phản lực cho Đức

Loại động cơ phản lực sử dụng trên tiêm kích J-10 và J-11 của Trung Quốc trưng bày tại một cuộc triển lãm. Ảnh: SCMP.

SCMP dẫn lời một nhà khoa học cao cấp của chính phủ Trung Quốc, tiết lộ rằng việc xuất khẩu công nghệ động cơ phản lực sang Đức sẽ cải thiện hình ảnh về chất lượng của công nghiệp hàng không Trung Quốc. Lĩnh vực mà Trung Quốc đang đàm phán với Đức là công nghệ chế tạo lưỡi tuabin trong máy nén của động cơ.

Lưỡi tuabin sẽ chuyển đổi nhiệt sinh ra từ việc đốt cháy nhiên liệu thành năng lượng đẩy cho máy bay. Nó là một trong những thành phần quan trọng nhất trong động cơ phản lực hiện đại dùng cho dân sự và quân sự. Chất lượng của lưỡi tuabin quyết định đến độ an toàn, sức mạnh và độ bền của động cơ phản lực.

Nhà khoa học giấu tên này cho rằng đây có thể là một bước tiến rất quan trọng đối với động cơ phản lực sản xuất tại Trung Quốc. Bắc Kinh hiện là thị trường máy bay thương mại lớn nhất thế giới. Hàng nghìn máy bay đã được đặt hàng từ Airbus và Boeing. Trung Quốc cũng đang phát triển máy bay chở khách C919 trong nước.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tạo ra bước đột phá trong công nghệ lưỡi tuabin. Đó là sự kết hợp trong tiến bộ về đúc hợp kim và thiết kế khí động học, cho phép Trung Quốc chế tạo động cơ phản lực mạnh mẽ hơn. Đáng chú ý nhất là động cơ phản lực WS-15 được thiết kế để sử dụng trên máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc.

Động cơ WS-15 từng gặp vấn đề về độ tin cậy nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi nó ngang ngửa với Pratt & Whitney F119, động cơ phản lực tiên tiến nhất thế giới đang sử dụng trên tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ.

“Chúng tôi đã sẵn sàng chia sẻ với đối tác Đức về phần cứng và công nghệ mới nhất của chúng tôi. Đại diện 2 bên đã hoàn thành vòng đàm phán đầu tiên”, nhà khoa học giấu tên nói. Một phái đoàn từ Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, nơi có cơ sở sản xuất động cơ phản lực chính của Trung Quốc sẽ đến thăm Berlin vào đầu năm nay.

Phái đoàn Trung Quốc sẽ đàm phán với các đối tác Đức để hoàn tất thỏa thuận xuất khẩu công nghệ động cơ phản lực sang Đức. Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức không bình luận về sự việc.

Công nghệ Trung Quốc thực sự vượt Đức?

Giáo sư Chen Jiang, Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh, người tham gia phát triển động cơ phản lực cho Không quân Trung Quốc, cho biết ông sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc cung cấp công nghệ động cơ phản lực cho Đức. “Điều đó hoàn toàn là có thể. Công nghệ sản xuất của Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ ở nhiều lĩnh vực chiến lược trong những năm gần đây”, giáo sư Chen nói.

Tuy nhiên, một nhà khoa học về công nghệ phản lực ở Bắc Kinh, người làm việc nhiều năm tại Đức, cho biết thỏa thuận này không thể xảy ra. “Đức là đồng minh của Mỹ. Berlin phải đối mặt với nhiều hạn chế để hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm”, nhà khoa học giấu tên nói.

Ngoài ra, chính phủ và các tập đoàn của Đức đã lên tiếng lo ngại về việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc thiết kế lại hoặc sao chép trực tiếp. Công nghệ mà Trung Quốc đang thảo luận với Đức là thiết bị laser dùng để khoét những lỗ siêu nhỏ trên lưỡi tuabin, cho phép không khí chảy qua và lấy đi nhiệt có hại.

Các nhà khoa học ở Tây An nói rằng công nghệ laser được sử dụng rộng rãi trong chế tạo động cơ phản lực. Trung Quốc đang sử dụng một giải pháp kỹ thuật mới khác với phương pháp truyền thống được áp dụng tại phương Tây.

Tuy nhiên, giới phân tích rất hoài nghi về việc Trung Quốc xuất khẩu công nghệ động cơ phản lực sang Đức. Thông tin được cung cấp từ một người giấu tên. Phía Đức không có bất kỳ phát ngôn nào về vấn đề này. Trung Quốc đang nhập khẩu động cơ phản lực AL-31F từ Nga để phục vụ cho việc sản xuất tiêm kích J-11, J-10 và tiêm kích trên hạm J-15.

Theo một báo cáo của Tổng công ty Hàng không Trung Quốc (AVIC) đăng trên Nhân dân nhật báo, vào tháng 7/2016, Trung Quốc đã sản xuất được phần lớn linh kiện của động cơ AL-31F nhưng tuabin và máy nén vẫn phải nhập khẩu từ Nga.

Diễn đàn các nhà khoa học Trung Quốc thừa nhận động cơ dòng Taihang được phát triển dựa trên công nghệ Mỹ và Liên Xô cùng với một số phát triển độc lập. Một số nhà khoa học nhận định có thể Trung Quốc đã tạo ra bước đột phá trong việc sử dụng công nghệ laser để khoét lỗ siêu nhỏ trên kim loại.

Tuy nhiên, công nghệ này không phải là “cốt lõi” để sản xuất được động cơ phản lực chất lượng. Điều mà giới phân tích quan tâm là Trung Quốc sẽ nhận lại gì từ Đức nếu việc hợp tác thành công. Các nước trên thế giới đều giữ bí mật công nghệ động cơ phản lực của họ. Việc Trung Quốc muốn xuất khẩu công nghệ cho quốc gia có nền khoa học kỹ thuật phát triển hàng đầu thế giới là điều “đáng ngạc nhiên”.

“Chúng tôi sẽ mua cái gì đó khác từ họ để đổi lại. Nó có thể là phần cứng, hoặc công nghệ. Người Đức rất giỏi trong việc thiết kế và chế tạo máy nén cho động cơ phản lực”, một nhà khoa học tham gia đàm phán nói. (Zing News)
----------------------------

VEPR chỉ ra các lực cản nền kinh tế năm 2018

Động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Năng suất lao động của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/14 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan.

Sáng ngày 16/1, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý IV - 2017.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết năm 2017 có thể nói là một năm thành công của kinh tế Việt Nam khi là năm đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra. Trong đó, GDP cả nước ước tăng 6,81%, cao hơn mục tiêu 6,7%, dù từ đầu năm các chuyên gia cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế không đưa ra nhiều kỳ vọng lạc quan.

Xuất siêu lớn của khu vực FDI một mặt góp phần quan trọng mang lại một năm thặng dư thương mại cao, mặt khác đặt ra câu hỏi về tính bền vững của nền kinh tế nội địa khi phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trái với những dự đoán về gia tăng lạm phát trong quý cuối năm do sự điều chỉnh giá các mặt hàng như y tế, giáo dục và xăng dầu, lạm phát Quý 4 đã diễn biến ổn định.

Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư (3,4% GDP) đã giúp NHNN bổ sung lượng dự trữ ngoại hối lớn. Dự trữ ngoại hối cao giúp NHNN có thêm không gian để tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, điều này tiếp tục đặt ra thách thức cho NHNN trong việc kiểm soát và trung hòa lượng ngoại tệ này nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô trong thời gian tới.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh cùng xu hướng chung của thế giới. Chỉ số VNIndex tiệm cận mức điểm kỷ lục 1000 điểm vào những ngày cuối năm, nằm trong nhóm 5 thị trường chứng khoán tăng trưởng cao nhất thế giới. Thị trường khởi sắc tạo điều kiện thuận lợi cho cổ phần hoá và thoái vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước.

Quá trình cổ phần hoá đã diễn ra mạnh mẽ trong năm 2017 tại các DNNN lớn, và được kỳ vọng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2018. Chỉ số xếp hạng mức độ thuận lợi trong kinh doanh (EDBI) của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố được cải thiện mạnh mẽ.

Sau khi tăng 8 bậc từ năm 2016 sang năm 2017, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam 2017-2018 tiếp tục nhảy 14 bậc, phản ánh kết quả tích cực của ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cải cách hành chính và môi trường đầu tư. Điều đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực FDI, góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Việc tổ chức thành công sự kiện APEC cũng như đạt được thỏa thuận CPTPP mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho nền kinh tế trong tương lai. Hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ sẽ giúp hàng hoá Việt Nam dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường các nước.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hàng hoá các nước cũng sẽ đổ vào Việt Nam, đặt ra thách thức lớn hơn trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nước. Kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với những cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư được Chính phủ quyết tâm theo đuổi được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2018.

Lực cản nền kinh tế

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để sẽ vẫn là lực cản đối với nền kinh tế.

Động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Năng suất lao động của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/14 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan. Nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay. Bên cạnh đó,
lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chuyên gia kinh tế bà Phạm Chi Lan nhận định "Tắc nghẽn về năng suất lao động do không chuyển dịch cơ cấu nội ngành".

Nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc tăng năng suất lao động, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng một trong những cách rút ngắn khoảng cách giữa các nước là nâng cao năng suất lao động.

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản nhận định sự tăng trưởng của Việt Nam trong quá khứ là do số lượng (nguồn vốn và lao động) chứ không dựa trên chất lượng (năng suất lao động). Chất lượng chính sách của Việt Nam vẫn thấp so với các nền kinh tế có năng suất cao ở Đông Á.

Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn.

Thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao vẫn tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng cản trở nền kinh tế. Trong khi nguồn vốn chi đầu tư công vẫn còn hạn chế, chi thường xuyên vẫn ở mức cao tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp vốn vay ODA, các nhà tài trợ nước ngoài sẽ lần lượt rút dần và chỉ cho vay với các mức lãi suất kém ưu đãi hơn, Việt Nam sẽ cần sử dụng nhiều hơn nguồn nội lực của mình làm động lực cho tăng trưởng. Chính phủ cũng cần thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi các DNNN đang thực hiện trong thời gian qua.

Việc phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn liên quan đến địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại của một số nước lớn cũng như sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới.

Tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 6,68%

Tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XIV đã thông qua Nghị quyết số 48/2017/QH14 về các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội cho năm 2018. Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 6,5-6,7%, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7-8%, tỷ lệ nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu thấp hơn 3%.

Trong khi đó theo tính toán của VEPR tăng trưởng kinh tế cả năm 2018 sẽ đạt 6,65%. Trong đó quý 4 đạt ngưỡng tăng trưởng cao nhất đạt 7,27% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp nhất là quý 1 đạt 6,02%.(NDH)
------------------------------

Bộ Kế hoạch Đầu tư bãi bỏ 1.930 giấy phép con

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đổi mới, cải cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính, qua đó đã bãi bỏ 1.930 điều kiện kinh doanh được cho là các giấy phép con, cản trở doanh nghiệp phát triển lâu nay.

Bộ Kế hoạch Đầu tư bãi bỏ 1.930 giấy phép con

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: PV

Đó là thông tin được Bộ KHĐT công bố tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2017 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2018 hôm 15/1.

Theo đó, Bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm đáng kể các điều kiện kinh doanh, tạo động lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tập trung vào nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tham mưu xây dựng và thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam theo hướng chiến lược và hiệu quả…

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận Bộ KHĐT đã thể hiện sự năng động, có đổi mới, cải cách trong nội bộ, trong từng công việc, nhiệm vụ được giao. Đồng thời yêu cầu trong năm 2018, Bộ KHĐT cần phải làm rõ hơn nữa vai trò của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong công tác kế hoạch hóa, vai trò của công tác kế hoạch và chống bao cấp, xin-cho, công tác kế hoạch và xã hội hóa nguồn lực… phải phát triển bền vững, không để lạm phát phá vỡ kinh tế vĩ mô.

Phải thực hiện tam giác phát triển gồm kinh tế, xã hội và môi trường để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai nghèo cùng cực, làm sao đất nước hạnh phúc, dân tộc phồn vinh chứ không chỉ là giới chủ phồn vinh. Làm sao giải phóng sức sản xuất, đặc biệt là từ nguồn lực tư nhân và từ nước ngoài có chọn lọc.

Đồng thời, Bộ KHĐT cũng đã bãi bỏ 1.930 điều kiện kinh doanh được cho là các giấy phép con, cản trở doanh nghiệp phát triển lâu nay. Bộ đã tham mưu, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật quy hoạch, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, là những văn bản luật quan trọng, khắc phục tình trạng chồng chéo, lợi ích nhóm trong công tác quy hoạch, trong bối cảnh cả nước có tới 19.000 quy hoạch.(Laodong)

Trở về

Bài cùng chuyên mục