tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-01-2018

  • Cập nhật : 17/01/2018

Hàn Quốc thắng kiện Mỹ về thuế chống bán phá giá sản phẩm ống thép

Sau hơn 3 năm khởi kiện, Hàn Quốc đã chính thức giành phần thắng trong vụ kiện về việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với ống thép Hàn Quốc.

Trước đó, vào tháng 7.2014, Bộ Thương mại Mỹ đã đơn phương áp thuế chống bán phá giá từ 9,9-15,8% đối với sản phẩm ống thép dẫn dầu (viết tắt là OCTG) nhập khẩu từ các công ty sản xuất thép của Hàn Quốc như Hyundai Steel... Phán quyết này của WTO đã được xác nhận vì phía Mỹ không kháng cáo trong vòng 60 ngày.

Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng ống thép dẫn dầu của nước này sang Mỹ lên đến 818 triệu USD trong năm 2013, thời điểm trước khi vị áp thuế và kim ngạch này đã giảm xuống mạnh tới 70% trong năm 2016.

Đầu năm 2018, Thép Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ khởi kiện Mỹ ra WTO. Hiệp hội Thép Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thép trong vụ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với thép tôn mạ và thép cán nguội của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, kết luận của Bộ Thương mại Mỹ chưa phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong trường hợp Mỹ không thay đổi quan điểm trong kết luận cuối cùng về vụ việc này, Hiệp hội Thép kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét khởi kiện Mỹ ra WTO.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với tôn mạ kẽm Việt Nam với lý do sản xuất từ thép cán nóng và cán nguội của Trung Quốc.

Như vậy, các doanh nghiệp thép Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm này sẽ phải đóng một khoản thuế rất lớn. Đồng thời, Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ mất hoàn toàn thị trường của 2 sản phẩm trên tại Mỹ.(NCĐT)
-----------------------

Airbus bất ngờ thắng Boeing trong cuộc đua doanh số năm 2017

Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Airbus đánh bại đối thủ Mỹ trong cuộc đua doanh số.

Theo CNN, hãng sản xuất máy bay Pháp hôm 15.1 thông báo họ có 1.109 đơn đặt hàng máy bay trong năm qua, nhiều hơn gần 200 chiếc so với Boeing. Airbus đa phần tuột sau Boeing trong cả năm 2017, song lại thắng khi kết thúc năm nhờ thỏa thuận khủng tại Dubai Air Show trong tháng 12.

Đơn hàng đặt 430 chiếc A320neo của Indigo Partners là lớn nhất trong lịch sử Airbus, lớn hơn nhiều so với đơn hàng đặt 175 chiếc 737 Max mà Boeing có được cũng tại Dubai Air Show.

Cuộc cạnh tranh giữa hai nhà sản xuất máy bay lớn đã và đang nóng lên trong những năm gần đây. Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Nga đều đang cố gắng làm khó Airbus, Boeing.

Dù Airbus chốt nhiều hợp đồng mua bán hơn trong năm 2017, Boeing lại dẫn đầu về số lượng tàu bay được giao. Airbus cho biết các đợt giao hàng máy bay thương mại của hãng đạt kỷ lục mới là 718 chiếc trong năm qua. Trong khi đó, Boeing giao 763 máy bay, phá kỷ lục giao hàng của chính hãng trong năm 2015.

Song bên cạnh tin vui về doanh số, Airbus cũng thừa nhận hôm 15.1 rằng họ có thể phải từ bỏ chương trình sản xuất Airbus A380. Tàu bay lớn A380 là nỗi thất vọng cho Airbus. Công ty chỉ giao hơn 200 chiếc máy bay loại này, với thêm 95 chiếc khác đang còn nằm trong sổ đặt hàng. Con số này thấp hơn hẳn dự báo giao 1.200 chiếc đặt ra vào năm 2005.(Thanhnien)
--------------------------

Standard Chartered thoái toàn bộ vốn khỏi ACB

Cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là Standard Chartered APR Limited và Standard Chartered Bank (Hong Kong) Limited đã bán tổng cộng 154 triệu cổ phiếu ACB và hoàn tất thoái vốn khỏi ngân hàng này.

Standard Chartered thoái toàn bộ vốn khỏi ACB - Ảnh 1.

Standard Chartered đã thoái toàn bộ vốn tại ACB sau 12 năm đầu tư. Trong ảnh: khách hàng giao dịch tại Ngân hàng ACB. Ảnh: HỮU KHOA.

Số cổ phiếu từ Standard Chartered APR Limited và Standard Chartered Bank (Hong Kong) Limited được bán cho 4 nhà đầu tư nước ngoài khác là Estes Investments Limited, Sather Gate Investments Limited, Boardwalk South Limited và Whistler Investments Limited.

Do 4 nhà đầu tư nhận chuyển nhượng trong thương vụ đều là các nhà đầu tư nước ngoài, nên cơ cấu sở hữu của khối ngoại tại ACB vẫn cơ bản được giữ nguyên.

Từ hơn hai năm trước, Standard Chartered Bank đã công bố kế hoạch thoái các khoản đầu tư ở thị trường Châu Á, trong đó có ACB. 

Tại đại hội cổ đông tổ chức vào tháng 4-2017, vấn đề này đã được đề cập. Trả lời cổ đông, đại diện Standard Chartered Bank và ACB đều cho rằng đến giai đoạn này sự hỗ trợ không còn cần thiết nữa và ACB tự thấy đủ khả năng điều hành.

Từ tháng 11-2017, ông Andrew Colin Vallis – đại diện phần vốn góp của Standard Chartered cũng đã rời vị trí thành viên HĐQT ACB. 

Năm 2005 khi Standard Chartered Bank bỏ ra 22 triệu USD để sở hữu 8,56% cổ phần ACB. Đến 2008, Standard Chartered Bank mua thêm 6,16% cổ phần và 7,1% trái phiếu chuyển đổi của ACB.(Tuoitre)
--------------------------

Chăn nuôi thua lỗ, vẫn chi 9.500 tỉ nhập trâu, bò...

Theo báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong năm 2017 ước tính Việt Nam đã nhập khẩu trên 6.500 tấn thịt heo. Giá trị thịt heo được nhập khẩu về lên tới 11,07 triệu USD.

Ngoài ra, hơn 81.000 tấn thịt gia cầm, giá trị trên 75,7 triệu USD cũng được nhập về trong năm.

Đặc biệt, cũng trong năm 2017 Việt Nam nhập tới 262.321 con trâu bò sống và gần 42.000 tấn thịt các loại (chủ yếu là thịt trâu bò có xương). Tổng số tiền chi để nhập khẩu thịt trâu bò trên 410 triệu USD (khoảng 9.500 tỉ đồng).

Theo Cục Chăn nuôi, ghi nhận trên thị trường, các mặt hàng thịt nhập ngoại được bày bán tràn nhiều với giá khá rẻ.

Ví dụ, thịt bò Mỹ, Úc giá bán chỉ dao động 100.000-500.000 đồng/kg tùy loại. Thịt trâu Ấn Độ giá 90.000-150.000 đồng/kg tùy loại. Thịt gà nhập khẩu giá dao động 35.000-60.000 đồng/kg tùy loại.

Trong khi đó, cũng năm 2017 Việt Nam đã xuất khẩu gần 40.720 tấn thịt heo (giá trị kim ngạch đạt 164 triệu USD), gần 22.600 tấn sữa tươi và các sản phẩm từ sữa (giá trị kim ngạch đạt 54,8 triệu USD), gần 37 triệu quả trứng vịt muối (giá trị kim ngạch đạt 5,27 triệu USD).(PLO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục