tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 16-11-2017

  • Cập nhật : 16/11/2017

Ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á gọi Bitcoin là "trò lừa đa cấp"

Ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á gọi Bitcoin là "trò lừa đa cấp"

Chi phí giao dịch tiền ảo Bitcoin "đắt đến khó tin" và "tất cả các chi phí này được giấu nhẹm thông qua hệ thống mã hóa"...

Theo CNBC, ngân hàng này nhìn nhận Bitcoin giống với trò lừa đa cấp Ponzi - hứa hẹn đem lại nhiều lợi nhuận mà rủi ro thấp cho nhà đầu tư.

"Chúng tôi thấy Bitcoin giống với mô hình lừa đảo Ponzi", David Gledhill, trưởng nhóm thông tin, công nghệ và vận hành tại ngân hàng DBS của Singapore cho biết.

Ponzi là mô hình lừa đảo từ thế kỷ trước, hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn mà ít rủi ro cho nhà đầu tư. Mô hình Ponzi tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư cũ bằng cách tìm thêm nhà đầu tư mới. Cụ thể, nhà đầu tư cũ được trả lãi bằng số tiền của các nhà đầu tư mới. Mô hình này cuối cùng sụp đổ khi không còn đủ tiền trả lãi toàn hệ thống.

Giao dịch Bitcoin có chi phí "đắt đến khó tin" và "tất cả các chi phí này được giấu nhẹm thông qua hệ thống mã hóa", Gledhill nói tại Lễ hội Công nghệ tài chính Singapore (Singapore Fintech Festival).

"Chúng tôi cho rằng tham gia vào cuộc chơi đó thời điểm này không đem lại lợi thế cạnh tranh cho chúng tôi". Thay vào đó, Gledhill cho rằng nên tập trung vào các giao dịch điện tử đối với các loại tiền tệ chính thống.

Theo CNBC, DBS hiện là nhà băng lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á và là một trong những ngân hàng theo đuổi xu hướng công nghệ mới. Đầu năm 2017, ngân hàng này cho biết đã phát triển hệ thống quản lý học tập trực tuyến trên nền tảng đám mây ứng dụng trí tuệ nhân tạo dành cho nhân viên của mình.

Bitcoin sẽ không giúp DBS có thêm khách hàng, tiền gửi hay tài sản quản lý, do đó, trước mắt sẽ chúng tôi sẽ chỉ "quan sát và học hỏi", Gledhill nói.

Đáp lại phát biểu của đại diện DBS, Matthew Roszak - đồng sáng lập, chủ tịch công ty phần mềm blockchain doanh nghiệp Bloq, đưa ra quan điểm bảo vệ Bitcoin.

"Khi nghe những bình luận như vậy, tôi cho rằng họ không thực sự hiểu được sức mạnh của công nghệ này", Roszak nói.

Tuy nhiên, không chỉ có DBS, hồi tháng 9, CEO của ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase & Co - Jamie Dimon cũng dự báo Bitcoin sẽ sụp đổ và gọi đây là một "trò lừa bịp". Ông cũng cho biết sẽ sa thải bất kỳ nhân viên nào bị phát hiện mua bán tiền ảo bởi "vi phạm quy định công ty và ngu ngốc - cả hai đều nguy hiểm".

Tiền ảo Bitcoin vừa trải qua một tuần biến động mạnh khi tụt xuống mức 5.507 USD hôm 13/11 sau khi đạt kỷ lục 7.879 USD tuần trước.

Tổng giá trị vốn hóa của Bitcoin hiện gần đạt mốc 100 tỷ USD, lớn hơn giá trị vốn hóa của ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley, từ mức chỉ 15 tỷ USD vào đầu năm 2017.(Vneconomy)
-----------------------------

Bộ Công thương công bố phương án và lộ trình thoái vốn cho Sabeco

Bộ Công thương công bố phương án và lộ trình thoái vốn cho Sabeco

Tương tự như việc SCIC bán cổ phần Nhà nước tại Vinamilk, phương thức bán là Chào giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia mua cổ phần theo quy định tại Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco.

Ngày 9/11, Chính phủ đã chính thức đồng ý việc thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - nước giải khát Sài Gòn - Sabeco.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và các Phó Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu – Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco), Bộ Công Thương đã tiếp thu và xây dựng phương án chuyển nhượng vốn Nhà nước tại Sabeco để lấy ý kiến các bộ ngành có liên quan.

Về phương án và lộ trình thoái vốn, Bộ Công thương cho biết tương tự như việc SCIC bán cổ phần Nhà nước tại Vinamilk, phương thức bán là Chào giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia mua cổ phần theo quy định tại Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco.

Theo đó, mọi tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và theo Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco. Số lượng cổ phần chào bán cụ thể sẽ được thông báo vào ngày công bố thông tin.

Cũng theo phương án dự kiến thì mức giá khởi điểm, giá chào bán, tỷ lệ Nhà đầu tư nước ngoài được phép mua… sẽ được tuân thủ theo đúng quy định của Pháp luật Việt Nam.

Hiện tại, các công đoạn chuẩn bị cho kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại Sabeco đang được Bộ Công Thương gấp rút chuẩn bị để có thể hoàn tất trong tháng 12/2017.

Tuy nhiên, để việc bán vốn nhà nước tại Sabeco mang lại hiệu quả cao nhất, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Công An, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng như Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM thực hiện việc giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình giao dịch mã cổ phiếu SBA trên thị trường chứng khoán để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các giao dịch bất thường, đảm bảo thị trường vận hành minh bạch ổn định đến ngày 31/12/2017. (CafeF)
----------------------------

Home Credit bổ nhiệm tổng giám đốc mới

Home Credit bổ nhiệm tổng giám đốc mới

Ông Dmitry Mosolov có 23 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính và ngân hàng bán lẻ tại Nga với 15 năm kinh qua nhiều vị trí quản lý cấp cao tại Home Credit.

Được sự chấp thuận từ Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam vào ngày 30/10/2017, Tập đoàn Home Credit chính thức bổ nhiệm ông Dmitry Mosolov vào vị trí Tổng Giám Đốc Công ty tài chính Home Credit Việt Nam.

Ông Dmitry Mosolov có 23 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính và ngân hàng bán lẻ tại Nga với 15 năm kinh qua nhiều vị trí quản lý cấp cao tại Home Credit. Ông đã làm việc tại Home Credit từ những ngày đầu tiên tập đoàn này đi vào hoạt động tại Nga vào năm 2002.

Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam, ông Dmitry giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Home Credit tại Nga, phụ trách kinh doanh và hỗ trợ kinh doanh toàn quốc. Ông đồng thời cũng đảm nhiệm nhiều vị trí khác như Giám đốc Khối cho vay doanh nghiệp, Giám đốc Hoạch định & Kiểm soát tài chính và Phó Tổng giám đốc Tài chính, góp phần quan trọng trong sự phát triển bền vững của Home Credit tại Nga.

Trước khi gia nhập Home Credit, ông Dmitry đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các ngân hàng Gazprombank, ngân hàng MENATEP và ngân hàng FABA của Nga.

Ông Dmitry tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế và Ngân hàng, Viện Kinh tế và thống kê Maxcova và có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) do Học viện Công nghệ Rochester cấp.(NSKT)
------------------------

Venezuela chính thức vỡ nợ, chìm sâu vào khủng hoảng

Venezuela chính thức vỡ nợ, chìm sâu vào khủng hoảng

Đầu tuần này, một trong những dấu vết cuối cùng nhằm chứng tỏ sự ổn định của Venezuela đã bị xóa sổ khi công ty xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor (S&P) cho biết nước này đã vỡ nợ. Hiện tổng cộng Venezuela cần phải thanh toán các khoản nợ và lãi vay lên đến 150 tỷ USD.

Bất chấp những nỗ lực của chính phủ, Venezuela đang tiền gần hơn đến khủng hoảng khi bỏ lỡ nhiều lần thanh toán lãi vay của khoản nợ hơn 60 tỷ USD quốc tế.

Vào ngày 13/11 vừa qua, chính phủ Venezuela lỡ hạn trả lãi vay trị giá 200 triệu USD từ 2 khoản trái phiếu chính phủ, qua đó bị S&P tuyên bố chính thức vỡ nợ với 2 khoản trái phiếu này. Trước đó, nước này đã lỡ khoản thanh toán lãi vay 420 triệu USD từ khoản nợ của công ty dầu khí quốc doanh PDVSA.

Sau cuộc khủng hoảng giá dầu năm 2014, Venezuela đã gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ nần lâu hơn so với dự đoán của các nhà đầu tư. Cách đây 2 tuần, Tổng thống Nicolas Maduro cuối cùng đã phải thừa nhận thất bại trong việc thanh toán các khoản vay quốc tế và tuyên bố đất nước cần tái cơ cấu lại các khoản tín dụng này.

 Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro

Hiện tổng cộng Venezuela cần phải thanh toán các khoản nợ và lãi vay lên đến 150 tỷ USD và đây sẽ là một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử. Năm 2012, Hy Lạp đã từng vỡ nợ và phải tái cơ cấu các khoản tín dụng trị giá hơn 200 tỷ Euro.

Trước thông tin Venezuela vỡ nợ, trái phiếu của nước này đang rớt giá thảm hại và chỉ được tính bằng cent. Giá trái phiếu đáo hạn vào tháng 10 năm 2018 với tổng trị giá 2,5 tỷ USD của nước này, vốn đã mất khả năng thanh toán do chính phủ lỡ hẹn thanh toán lãi, đã mất 1/5 giá trị và giao dịch ở mức 25,7 cent.

Áp lực đang ngày một gia tăng lên chính phủ Venezuela trước những thách thức về tài chính cũng như lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU) vì cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Thậm chí, một số nước Châu Mỹ Latinh đã kêu gọi quốc tế gia tăng những biện pháp trừng phạt như cấm du lịch hay đóng băng tài sản hoặc cấm nhập khẩu dầu mỏ nhằm lên Venezuela nhưng dường như chính phủ nước này không quan tâm lắm đến dư luận quốc tế.

Tổng thống Maduro gọi lệnh cấm vận của EU với nước này là “ngu ngốc”. Trong khi đó, Phó tổng thống Tareck El Aissami, người chủ trì cuộc họp với các chủ nợ hôm 13/11 vừa qua không hề đề cập chi tiết gì đến việc tái cơ cấu nợ cũng như làm thế nào để thanh toán cho nhà đầu tư. Nhiều chủ nợ mặc dù đã được thông báo về buổi họp này nhưng từ chối đến vì đã dự đoán trước được tình hình.

Tuy nhiên, tuyên bố chính thức sau hội nghị lại cho rằng cuộc đàm phán với chủ nợ ngày 13/11 đã “thành công vang dội”.

Hiện chính quyền Caracas đang kỳ vọng vào những khoản cứu trợ của Nga sau khi 2 nước có thỏa thuận tái cơ cấu nợ (đảo nợ) trị giá 3 tỷ USD vào ngày 15/11.

Dẫu vậy, Giám đốc tài chính Pavel Federov của Rosneft, công ty đã từng cho Venezuela vay 6 tỷ USD, cho biết tại thời điểm hiện nay, hãng không có kế hoạch cho vay thêm bất kỳ khoản tiền nào với Venezuela.

 Phó tổng thống Tareck El Aissami trong cuộc họp với các chủ nợ ngày 13/11

Phó tổng thống Tareck El Aissami trong cuộc họp với các chủ nợ ngày 13/11

Giải pháp từ phe đối lập

Hiện nhiều chủ nợ đang hy vọng chính phủ và phe đối lập có thể đạt được thỏa thuận chính trị nhằm giải quyết tình hình nợ nần của đất nước.

Trước đó, phe đối lập đã rút khỏi các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào ngày 15/11 tại Cộng hòa Dominican với chính quyền Caracas do thiếu các chủ nợ nước ngoài tham dự, nhưng nhiều khả năng những cuộc đàm phán như vậy sẽ còn được tổ chức trong tương lai.

Mặc dù yếu thế hơn nhưng phe đối lập lại đang nắm trong tay thẻ bài tài chính. Bất kỳ việc tái cấu trúc nợ (đảo nợ) nào cũng cần được quốc tế công nhận và điều kiện tiên quyết để các chủ nợ nước ngoài chấp nhận là kế hoạch này cần được Quốc hội, chiếm đa số bởi phe đối lập, thông qua.

Hiện Tổng thống Maduro đang nắm quyền lực đất nước thông qua một Hội đồng lập hiến đầy quyền lực.

Chuyên gia kinh tế Francisco Rodriguez của tờ El Universal nhận định chính phủ và phe đối lập nên ngồi vào bàn đàm phán nhằm thực hiện tái cơ cấu nợ cho Venezuela thay vì tiếp tục mâu thuẫn như hiện nay.

Tuần trước, Mỹ cho biết sẽ xem xét cho phép các ngân hàng và tổ chức tài chính giải quyết những khoản nợ của Venezuela nếu Quốc hội nước này thông qua được một kế hoạch đảo nợ hợp lý.

Đồng quan điểm trên, EU và những nước Châu Mỹ Latinh lớn đều bày tỏ chỉ chấp nhận những quyết định của Quốc hội Venezuela, bao gồm việc tái cơ cấu nợ.

Theo lý thuyết, việc tuyên bố vỡ nợ có thể giúp Tổng thống Maduro không phải trả khoản thanh toán 1,6 tỷ USD trong năm nay nhưng chúng khiến các hàng hóa, dầu mỏ của nước này khó xuất khẩu do bị các chủ nợ thu giữ. Điều này chỉ khiến tình hình kinh tế, xã hội ở đây tồi tệ hơn do người dân đang phải chịu tình cảnh suy dinh dưỡng và bệnh tật do không tìm thấy nguồn cung lương thực hay thuốc men.

Trước tình hình khó khăn như vậy, Nga và Trung Quốc được dự đoán sẽ giúp đỡ phần nào cho Venezuela. Ngày 15/11 vừa qua, cả Nga và Trung Quốc cùng nhiều đồng minh khác đã tẩy chay một cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc mà trong đó, Mỹ gọi Venezuela là một quốc gia bạo lực đe dọa thế giới.(Thoidai)

Trở về

Bài cùng chuyên mục