tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-11-2017

  • Cập nhật : 15/11/2017

Sanofi xây dựng nhà máy công suất 90 triệu hộp/năm

vinapharm se tro thanh doi tac quan trong tai nha may moi duoc sanofi xay dung tai khu cong nghe cao sai gon (tp.hcm)

Vinapharm sẽ trở thành đối tác quan trọng tại nhà máy mới được Sanofi xây dựng tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn (TP.HCM)

Ngày 10 tháng 11, Sanofi Việt Nam và Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) ký kết hợp tác chiến lược bên lề Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC tại Đà Nẵng. Lễ ký kết đánh dấu việc hai bên hoàn thành hợp đồng hợp tác, với sự chứng kiến của Tiến sĩ Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam và ông Olivier Charmeil, Phó Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Sanofi.

Theo đó, Vinapharm sẽ trở thành đối tác quan trọng tại nhà máy mới được Sanofi xây dựng tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn (TP.HCM). Nhà máy mới này được xây dựng theo mô hình thiết kế hiện đại, đạt tiêu chuẩn Thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP) của Bộ Y tế Việt Nam và Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành của Úc (TGA). Nhà máy mới đạt công suất ban đầu 90 triệu hộp và sẽ đạt năng suất tối đa 150 triệu hộp mỗi năm, sản xuất đa dạng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

Sanofi là tập đoàn dược phẩm đa quốc gia duy nhất sở hữu ba nhà máy đạt tiêu chuẩn WHO-GMP (Thực Hành Sản Xuất Thuốc Tốt) tại Thành Phố Hồ Chí Minh, cung ứng 80% sản lượng của Sanofi tại Việt Nam. Sanofi đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Vinapharm từ năm 1993. Năm 2016, Sanofi Việt Nam là công ty dược dẫn đầu thị trường với khoảng 4% thị phần.(NCĐT)
----------------------------------

Hoàn thuế đối với một số mặt hàng thép hình chữ H nhập khẩu từ Trung Quốc

Trong công văn gửi Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương đề nghị hoàn thuế đối với một số mặt hàng thép hình chữ H xuất xứ từ Trung Quốc trong vụ việc AD03.

Bộ Công Thương ban hành công văn số 10400/BCT-PVTM gửi Tổng cục Hải quan về việc hoàn thuế đối với một số mặt hàng thép hình chữ H được loại trừ đã nộp thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời trong vụ việc điều tra chống bán phá giá mặt hàng thép hình chữ có xuất xứ từ Trung Quốc (mã vụ việc AD03).

Theo đó, các sản phẩm thép hình H thỏa mãn một trong các điều kiện:

Chiều cao lớn hơn 704mm hoặc chiều rộng lớn hơn 304mm; hoặc có kích thước: 100mmx55mm hoặc 120mmx64mm sẽ được hoàn lại thuế CBPG đã nộp theo Quyết định 957/QĐ-BCT ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương áp dụng biện pháp CBPG tạm thời đối với sản phẩm thép hình H nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc nếu sản phẩm thép hình chữ H đáp ứng được điều kiện nêu trên.

Đồng thời, không thu thuế CBPG tạm thời theo Quyết định 957/QĐ-BCT đối với các lô sản phẩm thép hình chữ H đáp ứng được điều kiện nêu trên nhưng chưa nộp thuế CBPG tạm thời.

Trước đó, ngày 21 và 24 tháng 8 năm 2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3283/QĐ-BCT và 3299/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số mặt hàng thép hình chữ H nhập khẩu vào Việt Nam, có xuất xừ Trung Quốc, có mã HS 7216.33.00, 7228.70.10, 7228.70.90.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn các cơ quan hải quan và các doanh nghiệp làm thủ tục cần thiết theo đúng quy định.(Baodautu)
------------------------------

Việt Nam là một trụ cột trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ

Ngày 14/11, Hội chợ thương mại quốc tế lần thứ 37 (IITF 37) đã khai mạc tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Pragati Maidan ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, với sự tham dự của khoảng 3.000 doanh nghiệp, trong đó có 222 công ty đến từ các quốc gia khác.

Việt Nam tham dự IITF 37 với tư cách quốc gia Đối tác.

Tham dự lễ khai mạc có Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind, Bộ trưởng Thương mại Suresh Prabhu, các quan chức chính phủ, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Ấn Độ và đông đảo các doanh nghiệp.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã cắt băng khai trương gian hàng Việt Nam.

Phát biểu tại Hội chợ, Tổng thống Kovind cho biết IITF 37 diễn ra vào thời điểm nền kinh tế Ấn Độ được công nhận là một điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu.

Giới thiệu Việt Nam là Quốc gia Đối tác tổ chức IITF, Tổng thống Kovind nhấn mạnh: “Việt Nam là một người bạn đáng quý và là một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là một trụ cột trong Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.

Chúng tôi đang củng cố quan hệ thương mại với Việt Nam và với Đông Nam Á, một trong những đối tác kinh doanh quan trọng nhất của Ấn Độ.”

Tổng thống Kovind bày tỏ tin tưởng rằng với việc Việt Nam tham gia Hội chợ lần này, mối quan hệ thương mại Việt Nam-Ấn Độ sẽ được củng cố hơn nữa.

Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind phát biểu khai mac IITF 37. (Ảnh: Huy Bình-Minh Luyến/Vietnam+)

Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Prabhu khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng và lâu đời của Ấn Độ.

Tại Lễ khai trương gian hàng Việt Nam, Đại sứ Tôn Sinh Thành đánh giá cao các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp liên doanh giữa Việt Nam và Ấn Độ tham gia hội chợ.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, do điều kiện không thể tham dự Hội chợ, đã gửi hàng sang trưng bày với sự hỗ trợ của các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Dự kiến, IITF 37 diễn ra từ ngày 14-27/11.

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, trong 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 6,26 tỷ USD, tăng 38,13% so với 4,53 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Nếu tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu này được duy trì đến cuối năm, thương mại song phương có thể đạt 10,73 tỷ USD.

Ấn Độ đang được biết đến với những tiến bộ vượt bậc trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và những thay đổi tích cực trong môi trường kinh doanh.

Hệ thống thuế Thương mại và Dịch vụ (GST) được áp dụng vào đầu tháng Bảy vừa qua đã giúp giảm các rào cản thuế giữa các bang của Ấn Độ, tạo ra một thị trường thuế chung và thúc đẩy phát triển sản xuất.

Trong 3 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ tăng trưởng mạnh, từ 36 tỷ USD vào năm 2013-2014 lên 60 tỷ USD năm 2016-2017 (Vietnam+)
----------------------------------

Tổng số nợ VAMC thu hồi từ đầu năm đến nay khoảng 16.000 tỷ đồng

Theo ông Đoàn Văn Thắng – Tổng Giám đốc VAMC, sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, việc thu giữ tài sản của VAMC tốt hơn rất nhiều.

Ngày 21/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42). Cùng với đó, ngày 19/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” (Đề án 1058).

Ngay sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 20/7/2017, NHNN đã ban hành Chỉ thị 06/CT-NHNN để triển khai thực hiện trong toàn ngành ngân hàng. Cũng trong ngày 20/7/2017, NHNN đã có Quyết định 1533/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án 1058. Ngày 21/7/2017, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến để triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 trong toàn ngành ngân hàng.

Đồng thời, NHNN đã có các văn bản hướng dẫn các TCTD (theo từng nhóm, loại hình TCTD) xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020. NHNN đã khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án và chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thuộc trách nhiệm của ngành Ngân hàng.

Theo NHNN, có thể thấy, sau khi có Nghị quyết 42, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD VN (VAMC) cũng thuận lợi hơn khi nhiều rào cản trong xử lý nợ xấu được dỡ bỏ.

Ông Đoàn Văn Thắng – Tổng Giám đốc VAMC cho biết, từ tháng 8/2017 đến nay, sau khi triển khai việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, VAMC thu hồi được khoảng 5.000 tỷ đồng, đưa tổng số nợ thu hồi từ đầu năm đến nay khoảng 16.000 tỷ đồng.

Tính từ khi thành lập vào năm 2013 đến nay, tổng số nợ xấu mà VAMC đã xử lý đạt 66.000 tỷ đồng, tương đương 3 tỷ USD. Dự kiến từ nay đến cuối năm, VAMC sẽ mua thêm ít nhất 2.000 tỷ đồng nợ xấu của các TCTD theo giá thị trường.

Tổng Giám đốc VAMC cho biết thêm, sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, việc thu giữ tài sản của VAMC tốt hơn rất nhiều. Trước đây TCTD cũng như VAMC thu giữ trên cơ sở Nghị định 163/2006/N Đ-CP về giao dịch bảo đảm, tuy nhiên tốc độ xử lý vẫn còn chưa được như mong muốn do quyền của chủ nợ vẫn yếu thế. Còn Nghị quyết 42 đã bảo vệ chủ nợ tốt hơn và một lần nữa khẳng định quyền thu giữ tài sản đảm bảo.

NHNN cho rằng mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với những nỗ lực và kết quả tích cực nói trên sẽ là bước đệm vững chắc để ngành ngân hàng hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2017 và các năm tiếp theo, góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục