tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 14-08-2018

  • Cập nhật : 14/08/2018

Xuất khẩu sang Algeria sụt giảm khi chính phủ siết chặt các biện pháp nhập khẩu

Việc Bộ Thương mại Algerina đưa ra danh sách những mặt hàng tạm ngừng nhập khẩu từ tháng 1/2018 nhằm giảm thâm hụt thương mại và thay thế hàng nhập khẩu bằng các sản phẩm trong nước đã khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm.

Thương vụ Việt Nam tại Algeria cho biết, Bộ Thương mại Algeria đã đưa ra danh sách 851 sản phẩm tạm ngừng nhập khẩu kể từ tháng 1/2018 nhằm giảm thâm hụt thương mại và thay thế hàng nhập khẩu bằng các sản phẩm trong nước.

Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Algeria - Mohamed Benmerradi đã thông báo sẽ có danh mục gần 900 mặt hàng phải tạm ngừng nhập khẩu ngay từ tháng 1/2018 trong khuôn khổ các biện pháp quản lý ngoại thương. Không những thế, Thủ tướng Ahmed Ouyahia còn cho biết danh sách này sẽ được mở rộng lên đến 1000 sản phẩm.

Theo Bộ Thương mại Algeria, việc ngừng nhập khẩu này sẽ giúp tiết kiệm được 1,5 tỷ USD. Chính phủ Algeria đặt mục tiêu đến hết năm 2018 sẽ giảm tổng giá trị nhập khẩu xuống còn 30 tỷ USD. Hóa đơn nhập khẩu của Algeria đã giảm từ 46,7 tỷ USD năm 2016 xuống còn 45 tỷ USD năm 2017.

Trong số những mặt hàng tạm ngừng nhập khẩu có trái cây khô, pho mát thành phẩm, trái cây tươi (trừ chuối), rau tươi (trừ tỏi), thịt (trừ thịt bò), cá ngừ, các sản phẩm từ ngô, các sản phẩm từ thịt, kẹo cao su, kẹo và sôcôla, bột thực phẩm (như mì, miến), bánh kiểu thành Viên, các sản phẩm từ ngủ cốc, rau đóng hộp, cà chua chế biến hoặc đóng hộp, mứt, nước quả đông, thạch, trái cây đóng hộp, thức ăn, nguyên liệu làm canh, cháo và nước khoáng…

Ngoài ra, danh sách tạm ngừng nhập khẩu còn có những mặt hàng sử dụng trong nhà và vật liệu xây dựng như xi măng, chất tẩy, đồ nhựa thành phẩm và bán thành phẩm, sản phẩm vệ sinh, đá hoa cương, đá granit, giấy vệ sinh, thảm, sứ thành phẩm, thủy tinh, máy gặt đập, vòi nước (robinet), sợi cáp, đồ gỗ, đèn chùm, đồ điện gia dụng và điện thoại di động.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria, Chính phủ nước này lý giải rằng việc áp dụng biện pháp trên là do kim ngạch nhập khẩu những mặt hàng này quá lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ mở rộng danh sách các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ nội địa ở mức 30% đối với 10 nhóm hàng thành phẩm cũng như tăng thuế hải quan có thể lên tới 60% đối với 32 nhóm hàng thành phẩm khác.

Những biện pháp này sẽ cho phép không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm địa phương so với hàng nhập khẩu mà còn tăng thu ngân sách từ hoạt động nhập khẩu một số xa xỉ phẩm. Do đó, việc áp dụng biện pháp này chủ yếu nhằm cân bằng cán cân thanh toán bị thâm hụt 11,06 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2017.

Bộ Thương mại Algeria dự kiến năm 2018 sẽ bãi bỏ hệ thống giấy phép nhập khẩu sau hai năm áp dụng đối với 21 sản phẩm vì “không những cho thấy những hạn chế mà còn là một hệ thống quan liêu, thiếu minh bạch, chưa kể đôi khi tạo ra những vấn đề về cung ứng hàng hóa”.Chỉ có xe du lịch hoặc xe bus mới tiếp tục bị chi phối bởi giấy phép nhập khẩu.

Kể từ khi Chính phủ Algeria siết chặt các biện pháp nhập khẩu như ban hành giấy phép đối với 21 mặt hàng kể từ tháng 6/2017 (trong đó có điện thoại di động), cấm nhập khẩu đối với gạch men các loại và gỗ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này bắt đầu giảm sút.

Riêng 3 tháng 8, 9 và 10, Việt Nam không xuất được điện thoại di động và linh kiện sang Algeria. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang Algeria trong tháng 11/2017 chỉ đạt 12,63 triệu USD, giảm rất mạnh so với 38,8 triệu USD vào tháng 5/2017 và 36,5 triệu USD vào tháng 6/2017.

Sang năm 2018, Algerina chỉ nhập chủ yếu từ Việt Nam hai mặt hàng cà phê và gạo. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7/2018 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 122,6 triệu USD, giảm 41,25% so với cùng kỳ, tính riêng tháng 7/2018 kim ngạch giảm 14,86% so với tháng 6/2018 và giảm 21,28% so với tháng 7/2017.

Nếu tính riêng tháng 7/2018, hàng hóa xuất sang thị trường Algerina đều suy giảm.

Cụ thể: Mặt hàng cà phê đạt 5,2 nghìn tấn, trị giá 9,5 triệu USD, giảm 10,17% về lượng và giảm 10,63% trị giá. Giá xuất bình quân 1810,41 USD/tấn.

Mặt hàng gạo giảm 92,25% về lượng và 91,33% trị giá, chỉ đạt 250 tấn, 131,1 triệu USD. Giá xuất bình quân 524,79 USD/tấn.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2018, cà phê xuất sang Algerina đạt 45,8 nghìn tấn, trị giá 84,6 triệu USD, tăng 29,75% về lượng và 10,06% trị giá. Giá xuất bình quân 1845,51 USD/tấn.

Đối với mặt hàng gạo, 7 tháng đã xuất 10,5 nghìn tấn, trị giá 4,7 triệu USD, giảm 61,15% về lượng và 55,66% trị giá, giá xuất bình quân 446,47 USD/tấn.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Algerina 7 tháng đầu năm 2018

 

Nguồn: Vitic tổng hợp/bnews.vn
------------------------------

6 tháng đầu năm, doanh thu bán vốn của SCIC đạt 2.669 tỷ đồng

Thông tin từ Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu bán vốn của SCIC đạt 2.669 tỷ đồng, chiếm gần 48% tổng thu thoái vốn của cả nước là 5.598 tỷ đồng. Trong những tháng cuối năm, SCIC sẽ triển khai các đợt bán vốn lớn tại các doanh nghiệp lớn như: Domesco, Vinaconex, Sa Giang và Vinacontrol.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm, doanh thu bán vốn của SCIC đạt 2.669 tỷ đồng, chiếm gần 48% tổng thu thoái vốn của cả nước là 5.598 tỷ đồng. SCIC đã nộp Quỹ hỗ trợ sắp xếp phát triển doanh nghiệp tiền bán vốn tại CTCP Nhựa Bình Minh 2.182 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc các bộ/UBND tỉnh chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước tại 62 doanh nghiệp tại 6 bộ và 16 địa phương với tổng số vốn nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng (chiếm 65,3% vốn điều lệ các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao).

Lũy kế từ khi ban hành Quyết định 1232/QĐ-TTg đến hết tháng 6 năm 2018, SCIC đã tiếp nhận 25/62 doanh nghiệp theo danh sách chuyển giao với tổng vốn nhà nước là 862,48 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.068 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2018, SCIC tiếp nhận 5/45 doanh nghiệp theo kế hoạch tiếp nhận năm 2018. Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 37 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 10.113 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 14.721 tỷ đồng tại 5 bộ và 8 UBND tỉnh,

Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm, SCIC đạt 2.266 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.923 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm, SCIC sẽ triển khai các đợt bán vốn lớn tại Domesco, Vinaconex, Sa Giang và Vinacontrol, bên cạnh các hoạt động thoái vốn theo kế hoạch tại các doanh nghiệp quy mô nhỏ khác.

Trong các đợt bán vốn, SCIC và đơn vị tư vấn sẽ đưa ra các phương thức bán linh hoạt phù hợp với tính đặc thù của từng doanh nghiệp, đồng thời dựa trên sức cầu thực tế trên thị trường. (TCTC)
----------------

Hà Nội phê duyệt dự án gần 200ha khu vực Yên Sở

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký quyết định số 4091/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu đô thị ven hồ Yên Sở và khu Công viên Yên Sở (khu B công viên Yên Sở), tỷ lệ 1/500.

Theo đó, địa bàn triển khai dự án thuộc các phường Thịnh Liệt, Yên Sở và Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Tổng diện tích 191,67ha, trong đó diện tích xây dựng công viên Yên Sở là 149,61ha (bao gồm cả diện tích mặt nước hồ 95ha); phần đất xây dựng là 29.95ha, còn lại là đất giao thông, đô thị; quy mô dân số của khu đô thị khoảng 12.800 người.

Phía Bắc và phía Tây dự án giáp với nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và các khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt, Ao Sào, Đồng Tầu và Khu trung tâm hành chính quận Hoàng Mai; phía Nam giáp đường vành đai 3 và khu dân cư hiện hữu; phía Đông giáp đường Nguyễn Tam Trinh và khu dân cư hiện hữu.

Mục tiêu xây dựng dự án đô thị ven hồ Yên Sở để hình thành một trung tâm mới của TP có chức năng: Công viên cây xanh, nghỉ ngơi giải trí và công cộng đô thị. Bên cạnh đó, dự án góp phần hoàn chỉnh khu đô thị mới ở phía đông nam khu B công viên Yên Sở, tạo lực cho phát triển kinh tế - xã hội và tạo cảnh quan kiến trúc cho của ngõ phía Nam của TP.

Trên cơ sở quyết định được phê duyệt, UBND TP yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc chịu trách nhiệm thẩm định, thành phần hồ sơ của đồ án quy hoạch chi tiết theo quy định hiện hành, trình UBND TP phê duyệt.

UBND quận Hoàng Mai và các phường có địa bàn thuộc dự án phối hợp cung cấp tài liệu, số liệu về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất đai, công trình và các dự án trong khu vực. Tạo điều kiện để đơn vị tổ chức thi công lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan đến đồ án quy hoạch chi tiết.

Để thực hiện việc quy hoạch, Hà Nội giao Công ty cổ phần đầu tư T&M Việt Nam tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo đúng nhiệm vụ quy hoạch được UBND Thành phố phê duyệt. Thời gian lập kế hoạch không quá 06 tháng, kể từ ngày 9/8/2018.(CafeF)
------------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục