tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 13-08-2018

  • Cập nhật : 13/08/2018

Thị trường bất động sản 15 năm tới ra sao?

Nhiều nhận định cho rằng, bất động sản thời gian tới sẽ xuất hiện thêm nhiều loại hình, sản phẩm mới.

Thị trường bất động sản 15 năm tới ra sao?

TP.HCM với định hướng phát triển đô thị thông minh ở quận 2, quận 9, Thủ Đức - Ảnh: Huyền Trâm.

Hội thảo Phát triển bất động sản Việt Nam - Tầm nhìn và triển vọng do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức hôm nay (11/8) tại TP.HCM thu hút nhiều ý kiến, nhận định xoay quanh xu hướng phát triển thị trường bất động sản tầm nhìn 10-15 năm tới.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nêu, thị trường bất động sản đang đứng trước nhiều nhận định khác nhau. Có ý kiến cho rằng, 10 năm tới là bức tranh sáng tối, cũng có nhận định thị trường phát triển bùng nổ và cũng có nhận định thị trường phát triển ổn định.

Ông Lộc cho rằng, chắc chắn thị trường sẽ thay đổi, xuất hiện nhiều loại hình bất động sản mới, thông minh hơn, khác hơn thị trường truyền thống. Thị trường cũng chịu tác động nhiều bởi yếu tố về kinh tế, nhân khẩu học, biến đổi khí hậu…

Nói về những thách thức, tác động tới các thị trường, trong đó có bất động sản, ông Ngô Đông Hải, Phó Ban kinh tế Trung ương lưu ý 4 vấn đề. Thứ nhất, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong những năm gần đây và hiện nay kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Theo đó, tạo môi trường quan trọng nhằm kêu gọi đầu tư, là yếu tố quan trọng hàng đầu, tác động lớn tới các thị trường, nhất là bất động sản.

Thứ hai, chúng ta có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu mô hình kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng toàn diện trong cả nền kinh tế, lĩnh vực bất động sản cũng không loại trừ. Thứ ba, Đảng có Nghị quyết TW 5 tiếp tục hoàn thiện thể chế, về đất đai, sở hữu tài sản, giao dịch trao đổi bất động sản... Cuối cùng là tiếp tục kiên định hội nhập kinh tế quốc tế, làm thế nào để chọn lọc hơn, có tiếng nói mạnh mẽ hơn, biết vai biết sức của chúng ta hơn.

 Các diễn giả trao đổi tại hội thảo - Ảnh: Huyền Trâm.

Vốn FDI, kiều hối đổ vào bất động sản tăng trưởng

Đề cập vấn đề vốn cho bất động sản, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN CN TP.HCM cho biết, tính đến cuối tháng 7/2018, ngành ngân hàng thành phố huy động 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 7,21% so với đầu năm. Dư nợ toàn ngành là 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 18% cùng kỳ. Trong tổng dư nợ tín dụng 10,8% dành cho bất động sản, tức khoảng 208 nghìn tỷ đồng dành cho bất động sản.

Bình quân 5 năm trở lại đây, tín dụng cho bất động sản hằng năm tăng trưởng hơn 11%. Tín dụng bất động sản bao giờ cũng tăng chậm hơn tín dụng chung, góp phần tích cực thị trường phát triển đúng hướng, đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư, nhà quản lý. Vốn dành cho bất động sản nhu cầu rất lớn. Bên cạnh vốn từ ngân hàng còn có vốn FDI, từ kiều hối khá quan trọng, từ đó giảm áp lực cho ngân hàng cung ứng vốn cho bất động sản. Bình quân 3 năm qua, kiều hối đổ về thành phố đạt 5 đến 5,5 tỷ USD mỗi năm, trong đó 20% đổ vào bất động sản, tức khoảng 1 tỷ USD. Đây là hỗ trợ lớn cho các doanh nghiệp, cho thị trường.

Hiện nay, qua những bài học giai đoạn 2007-2010, ngành ngân hàng có những cơ chế cính sách, công tác quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn. Đầu tư với chủ đầu tư có năng lực triển khai dự án. Căn cứ Luật Đất đai, Luật kinh doanh bất động sản ngành ngân hàng còn yêu cầu việc bảo lãnh cho người mua nhà. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng hiện nay đi đúng hướng, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển ổn định.

Ông Phan Trường Sơn, Trưởng Phòng Quản lý bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng,  liên quan nguồn vốn FDI vào bất động sản, 5 năm gần đây đầu tư FDI rất lớn. Theo ông Sơn thì nguồn vốn mang tính gián tiếp nhiều hơn, vốn từ các tập đoàn, quỹ đầu tư nước ngoài phải phối hợp với công ty trong nước nhằm thuận lợi trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Bởi thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng có đặc thù riêng, đó là có vấn đề hồi hoàn giải phóng mặt bằng, nên các doanh nghiệp nước ngoài phải hợp tác với nhà đầu tư trong nước.

Xu hướng thị trường bất động sản sẽ thế nào?

Một trong những vấn đề tác động tới xu hướng phát triển bất động sản trong tương lai được đề cập đó là xu hướng cách mạng 4.0.

Theo ông Ngô Đông Hải, nếu nói đến nền kinh tế số, xu hướng phát triển thành phố thông minh đang trở thành trào lưu thực sự trên thế giới. Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra nhanh, nhưng phần lớn đô thị là trẻ, theo nghĩa về quy mô, trình độ phát triển. Việc chúng ta bắt tay vào tiếp cận kinh tế số, thành phố thông minh là đúng, bắt nhịp nhằm không bị bỏ rơi.

Ông Hải đồng tình với đề cập của ông Vũ Tiến Lộc nêu về việc đến lúc chúng ta phải có những sản phẩm ngày càng đổi mới hơn, đặc thù hơn, không chỉ còn đơn thuần là sản phẩm bất động sản truyền thống. Bởi cùng với đời sống nâng cao, cùng với phát triển xã hội, nhu cầu đa dạng của người dân trong việc ăn mặc ở ngày càng nâng cao hơn. Theo đó, các nhà phát triển bất động sản cần bắt kịp được xu hướng này.

Tầm nhìn thời gian tới, riêng với TP.HCM ông Phan Trường Sơn cho rằng thị trường bất động sản phát triển căn cứ theo quy hoạch phát triển đô thị của thành phố. Hiện nay phát triển đô thị thông minh nhận được nhiều sự quan tâm, khai thác tối đa công nghệ thông tin.

Thành phố phát triển bất động sản theo phát triển vùng và đa trung tâm. 10 -15 năm tới, thành phố phát triển công trình bất động sản theo hướng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí cậu. Thành phố có một kết cấu hạ tầng đô thị tương đối hiện đại, hiện thành phố đang tiếp tục triển khai các tuyến metro đáp ứng giao thông đô thị.

Sắp tới, thành phố phát triển đa dạng các loại hình bất động sản. 10-15 năm nữa, vấn đề phát triển chung cư cao tầng là xu hướng tất yếu và phát triển mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu về nhà ở.(Bizlive)
---------------------

Xuất 92.000 tấn vải sang 27 quốc gia, vùng lãnh thổ

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong niên vụ 2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 92.000 tấn vải, gồm cả vải tươi và vải sấy khô, với trị giá đạt hơn 40,8 triệu USD. Trong đó, vải tươi đạt hơn 75.000 tấn, trị giá đạt 30,9 triệu USD; vải sấy khô đạt hơn 17.000 tấn, với trị giá hơn 9,9 triệu USD.

Như vậy, lượng vải xuất khẩu trong năm 2018 tăng 172% về lượng và 126% về trị giá so với năm 2017.

Năm 2018, quả vải của Việt Nam đã có mặt tại 27 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhiều hơn so với năm ngoái (19 quốc gia, vùng lãnh thổ).

Các thị trường xuất khẩu chính của quả vải là: Trung Quốc, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Australia, Canada, Lào, Anh, Bahrain, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan, Bỉ, Hoa Kỳ, Na Uy, Đức, Pháp, Nga… Trong đó, Trung Quốc chiếm thị phần áp đảo với hơn 83.500 tấn, trị giá hơn 33,9 triệu USD, tăng mạnh 151% về lượng và tăng 91% về trị giá so với năm trước.

Báo Hải quan cũng dẫn nguồn thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu quả vải cũng tăng đáng kể: Năm 2018 có 97 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong khi đó năm 2017 chỉ là 44 doanh nghiệp.

Trong niên vụ vừa qua, xuất khẩu quả vải của Việt Nam được đăng kí tờ khai chủ yếu ở khu vực cửa khẩu của Lạng Sơn, Lào Cai và Hà Giang. Vải được xuất khẩu theo phương thức vận tải đường bộ và chỉ có một lượng ít xuất khẩu qua đường hàng không.(Chinhphu)
----------------------------

Tp. Hồ Chí Minh công bố điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020

Ngày 11/8, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết 80/NQQ-CP ngày 19/6/2018 (gọi tắt là Nghị quyết 80) của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020...

Ký biên bản bàn giao Nghị quyết 80 của Chính phủ cho các sở ngành và các quận huyện trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Ngày 11/8, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết 80/NQQ-CP ngày 19/6/2018 (gọi tắt là Nghị quyết 80) của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Nghị quyết 80 của Chính phủ, chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010 là 118.052 ha, đến năm 2020 giảm xuống 88.005ha; đất phi nông nghiệp tăng từ 90.868ha (năm 2010) lên 118.890 ha (năm 2020), đất đô thị tăng từ 53.841 ha (năm 2010) lên 62.704ha (năm 2020). Đất chưa sử dụng năm 2010 là 635ha, đến năm 2020 giảm xuống còn 309ha.

Một trong những chỉ đạo nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ tại Nghị quyết 80 đối với Thành phố Hồ Chí Minh là quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị, đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và cho thuê đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích.

Đánh giá ý nghĩa quan trọng của Nghị quyết 80, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất lần này đáp ứng sự phát triển của ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng như nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội và hạ tầng đô thị. Với thành phố, đất đai không chỉ là tài nguyên mà còn là nguồn lực, nguồn ngân sách, vì thế thành phố sẽ phải có kế hoạch sử dụng hiệu quả diện tích đất canh tác, trong đó có việc nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015) tại thành phố đã đạt được kết quả nhất định nhưng một số chỉ tiêu về sử dụng đất không thực hiện được theo quy hoạch được duyệt, làm hạn chế đến hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ tài nguyên môi trường.

Tại hội nghị, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tiên phong trong việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, vốn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, không phải đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch là có thể thực hiện được ngay.

Thành phố cần lấy quy hoạch sử dụng đất làm nền tảng để quy hoạch phát triển các ngành nghề khác, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Cùng với đó, chỉ đạo các quận huyện lập quy hoạch điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cho từng địa bàn theo từng năm, đồng thời huy động nguồn lực thực hiện đảm bảo quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất đi vào thực tiễn gắn với công tác thanh tra, kiểm tra.

Để thực hiện Nghị quyết 80 của Chính phủ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp về đầu tư phát triển, chú trọng đầu tư các đô thị vệ tinh theo hướng đồng bộ hạ tầng, hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phân bổ đất đai cho các ngành dịch vụ, tài chính, công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị tăng cao.

Hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong khu trung tâm, thu phí hạ tầng đối với các trường hợp xây dựng nhà cao tầng ở vùng trung tâm, đặc biệt quy hoạc sử dụng đất không gian ngầm theo các tuyến metro để tăng quỹ đất.

Đối với trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu công khai rộng rãi Nghị quyết 80 của Chính phủ cũng như kế hoạch sử dụng đất hằng năm và các dự án cụ thể để nhân dân giám sát việc thực hiện.

Công khai minh bạch các dự án có sử dụng đất trong giai đoạn 2016 – 2020 cũng như phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án có bồi thường đất tại trụ sở UBND cáp phường xã, điểm sinh hoạt cộng đồng.

Đối với doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định: Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án, đảm bảo quyền lợi người sử dụng đất cũng như giúp cơ quan quản lý theo theo dõi, ngăn chặn các sai phạm như chuyển quyền sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích.

Thực tế thời gian qua, tại thành phố có rất nhiều trường hợp vi phạm, trong đó có một số trường khi giao đất cho dự án lại được chuyển nhượng qua nhiều người để ăn tiền chênh lệch. Thành phố sẽ kiên quyết xử lý và đã chuyển qua Cơ quan Cảnh sát điều tra một số trường hợp vi phạm.

“Thành phố không chấp nhận kiểu doanh nghiệp làm ăn trái pháp luật, lợi dụng đất Nhà nước để ăn chênh lệch giá. Nếu không triển khai dự án thì phải trả lại đất. Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá hiệu quả thực hiện đối với 3.444 dự án được giao hơn 26.000 đất từ năm 2016 – 2020, dự án nào không triển khai thì phải thu hồi. Đơn cử huyện Nhà Bè có 87 dự án được giao đất nhưng không triển khai. UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lập tổ công tác rà soát đối với huyện Nhà Bè, sau đó mở rộng ra các quận huyện khác", người đứng đầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh nói.

Về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, dự án được giao đất mà sử dụng không đúng mục đích thì căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất thực hiện thu hồi, đấu giá công khai minh bạch.

Ngoài ra, căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hằng năm, thành phố giao Công ty Đầu tư Tài chính thành phố và Trung tâm phát triển quỹ đất lập kế hoạch vốn để tổ chức bồi thường, tạo quỹ đất sạch, trên cơ sở đó tổ chức bán đấu giá nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Nếu thực hiện đấu giá tốt thì sẽ thu về cho ngân sách thành phố nguồn tiền rất lớn và sẽ không làm thất thoát tài sản Nhà nước (đất công)(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục