tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 02-07-2018

  • Cập nhật : 02/07/2018

Thuế nhập khẩu về 0%, giá ôtô vẫn tăng từng ngày

Trong tháng 8-2018, nhiều dòng xe nhập khẩu sẽ có mặt tại các đai lý trên toàn quốc. Tuy nhiên, giá xe các hãng vẫn khá cao dù thuế nhập khẩu đã về 0% từ đầu năm 2018

Đã qua 6 tháng thực hiện quy định mới về nhập khẩu ôtô theo Nghị định 116 nhưng đến nay, lượng xe nhập khẩu chỉ về nhỏ giọt, không đủ cung cấp cho thị trường. Do nguồn cung thiếu hụt nên giá xe nhập khẩu liên tục tăng dù thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN đã về 0% từ đầu năm 2018.

Theo thông tin từ Honda Việt Nam, giá bán của CR-V 2018 sẽ được điều chỉnh tăng từ ngày 1-7. Toàn bộ phiên bản của dòng xe này đều tăng giá đề xuất 10 triệu đồng so với trước đó. CR-V 1.5E giá thấp nhất 973 triệu đồng, phiên bản L cao nhất có giá 1,083 tỉ đồng.

Từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 3 dòng xe Honda CR-V được điều chỉnh giá. Gần đây nhất là hồi tháng 4, hãng đã điều chỉnh tăng 5 triệu đồng. Như vậy, giá bán dòng xe này đã tăng 15 triệu đồng so với hồi tháng 3, khi công bố giá cho lô xe hưởng thuế nhập khẩu 0%.

Khảo sát các đại lý kinh doanh ôtô Honda tại TP HCM, phóng viên nhận thấy dòng xe Honda CR-V chỉ trưng bày chứ không còn để bán cho khách. Một đại lý ở quận 7 thông báo còn một chiếc CR-V nhưng thuộc dòng thấp với giá "chốt" 963 triệu đồng.

Các đại lý Honda cho biết trong tháng 6, khách hàng đặt cọc mua xe CR-V được hưởng lợi với giá như cũ, tức giá bán CR-V dòng 1.5E vẫn là 963 triệu đồng, 1.5G là 1,003 tỉ đồng và 1.5L là 1,73 tỉ đồng. Nếu đặt xe từ đầu tháng 7, mỗi dòng xe trên sẽ bị tăng thêm 10 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, dù đặt trong tháng 6 hay 7, khách hàng vẫn chưa thể nhận xe ngay mà vẫn phải chờ trong vài ba tháng mới đến lượt.

Mới đây, Toyota Việt Nam công bố giá các dòng xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia như Fortuner 2.4G máy dầu số sàn 1,026 tỉ đồng, máy dầu số tự động 1,094 tỉ đồng, Fortuner 2.7V máy xăng số tự động 1,150 tỉ đồng, Fortuner 2.8V máy dầu số tự động 1,354 tỉ đồng. Như vậy, mỗi dòng xe này có mức giá tăng từ 45-113 triệu đồng/chiếc so với giá công bố hồi tháng 12-2017.

Hãng này cũng công bố giá bán mới cho dòng xe bán tải Hilux từ 693-878 triệu đồng/chiếc, tức tăng 22-103 triệu đồng/chiếc so với giá công bố hồi cuối năm 2017.

Theo hãng xe Nhật, việc công bố giá mới cho hai dòng xe trên là để cho khách hàng đăng ký mua chứ chứ có xe giao. Dự kiến dòng Hilux phải đợi đến tháng 8 hoặc tháng 9 mới có xe giao cho khách, còn dòng xe Fortuner phải đợi đến tháng 10.

ford ranger cho du khong tang gia ban nhung kem goi phu kien hang tram trieu dong

Ford Ranger cho dù không tăng giá bán nhưng kèm gói phụ kiện hàng trăm triệu đồng

Còn tại showroom xe sang hiệu Lexus trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM, khách muốn mua xe cũng phải đặt cọc trước cả trăm triệu đồng để giữ chỗ, khi nào xe về mới có mức giá cụ thể.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi khi nào thì có xe, nhân viên showroom cho biết có thể phải đợi đến cuối năm mới có khả năng giao.

Thuế nhập khẩu về 0%, giá ôtô vẫn tăng từng ngày - Ảnh 2.

Lexus phải đợi đến cuối năm mới có khả năng có xe về Việt Nam

Tại các showroom xe Ford, giá xe bán tải Ranger mới thuộc dòng nhập khẩu từ Thái Lan vẫn khá cao, từ 952 triệu cho đến 1,185 tỉ đồng/chiếc. Từ đầu tháng 7, khách muốn có được dòng xe này phải mua thêm gói phụ kiện tổng cộng lên đến hơn 200 triệu đồng. Những người đang quan tâm đến dòng xe này cho rằng hãng quy định như thế chẳng khác nào tăng giá bán. 

Việc các dòng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN liên tục tăng giá từ đầu năm dù thuế nhập khẩu đã về 0% khiến không ít người nghi ngờ liệu các hãng ôtô đang cố tình tạo ra tình trạng khan hàng, "làm giá" để hưởng lợi?

Giải tỏa thắc mắc của người tiêu dùng, đại diện Honda Việt Nam cho biết giá CR-V tăng là do các công đoạn thủ tục xe theo quy định mới cũng như kiểm tra từng lô xe đã đẩy chi phí tăng cao, chưa kể thời gian bị kéo dài do thủ tục quá nhiêu khê cũng làm chi phí lưu kho tăng nên buộc phải tăng giá bán.

Còn theo đại diện hãng Toyota, sở dĩ giá xe đợt này tăng là do có nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là xe được nâng cấp thêm nhiều túi khí, hệ thống ổn định thân xe, khởi hành ngang dốc, hệ thống phanh an toàn hơn. Đại diện hãng này cho biết thêm trong tháng 8, 3 dòng xe nhập khẩu là Fortuner, Hilux, Hiace sẽ được cung cấp cho các đại lý trên toàn quốc với số lượng có khả năng đáp ứng nhu cầu.

Nói về việc xe nhập khẩu nhiều lần tăng giá, ông Ngô Thanh Triết - chủ cửa hàng ôtô trên đường An Dương Vương, quận 5, TP HCM - cho rằng việc giá xe ngoại nhập không giảm mà chỉ có tăng là do các hãng "đủng đỉnh" nhập xe với số lượng nhỏ giọt để tạo khan hiếm. Sự khan hiếm này giúp cho họ tiêu thụ xe lắp ráp trong nước tốt hơn, giá bán cũng có lợi hơn. Khi đó, chỉ có khách hàng là người chịu thiệt.

Việc giá xe cao và khan hiếm cũng tạo điều kiện cho các của hàng buôn bán ôtô cũ được hưởng lợi "lây". Ông Nguyễn Minh Hiền, chủ salon ôtô cũ ở quận 1, cho biết vài tháng qua, thị trường xe cũ không chỉ tiêu thụ tốt mà còn được giá.(NLĐ)
------------------------

Đại gia thép Trung Quốc bị điều tra vi phạm bảo vệ môi trường

Jiangsu Shagang Group, nhà sản xuất thép lớn thứ ba Trung Quốc, nhận lệnh phải tự tiến hành một cuộc điều tra chính thức các hoạt động bị chính phủ nước này cáo buộc vi phạm quy định về môi trường.

Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến đã yêu cầu tập đoàn Shagang xem xét các báo cáo bảo vệ môi trường của hãng và công bố đầy đủ các vi phạm của tập đoàn cùng các công ty con.

Trung Quốc đã hoàn tất một cuộc điều tra hàng nghìn công ty vi phạm quy định môi trường trên 31 tỉnh thành trong năm ngoái. Những tuần gần đây, chính quyền nước này đang xem xét việc khắc phục sai phạm.

Ngành thép khổng lồ của Trung Quốc là một trong những nguồn xả khói và chất thải rắn lớn nhất nước này. Mặc dù Trung Quốc đặt ra những tiêu chuẩn ngành thuộc hàng cao nhất thế giới, các nhà quản lý vẫn phải vật lộn để áp dụng vào thực tế.

Cuộc điều tra đã phát hiện ra hàng chục ví dụ về các sửa chữa vi phạm mang tính “chiếu lệ”, “bề ngoài” hay “gian lận”. Chính quyền cũng bị cáo buộc đã phản ứng quá chậm trước các đơn khiếu nại và chọn những “lối tắt” có hại để giải quyết vấn đề.

Năm ngoái, Shagang, nhà sản xuất thép tư nhân lớn nhất Trung Quốc, đã bị phát hiện thải hàng triệu tấn chất thải công nghiệp chưa qua xử lý, bao gồm xỉ từ sản xuất thép, ra các bãi rác gần bờ sông Trường Giang, gây ô nhiễm đất và nước gần đó.

Tập đoàn này cũng bị phạt do các vi phạm về tiêu chuẩn khí thải tại các nồi hơi và lò sản xuất than mỡ luyện cốc.

Dù đã nhận được yêu cầu sữa chữa vi phạm từ các cơ quan chức năng và chịu phạt, Shagang vẫn chưa giải quyết được vấn đề, Bộ Sinh thái và Môi trường cho biết hôm 28/6.

“Tập đoàn Shagang là một công ty được niêm yết với…doanh số bán hàng hàng năm trên 200 tỷ NDT (30,14 tỷ USD), nhưng lại không thực hiện đủ các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường”, Bộ này cho hay.

Theo Bộ Sinh thái và Môi trường, xỉ thải của Shagang và một công ty thép khác thuộc thành phố Tô Châu, tỉnh Thâm Quyến đã vượt mức 2,3 triệu tấn. Bộ này sẽ tiến hành các cuộc điều tra tiếp theo về sự yếu kém trong năng lực quản lý của các quan chức địa phương.

Sở giao dịch Thâm Quyến đã yêu cầu Shagang làm rõ việc liệu các vi phạm này có ảnh hưởng đến các đơn vị được niêm yết của tập đoàn hay không, và tập đoàn này có vi phạm quy định về công bố thông tin hay không.

Trong một thông báo gửi đến tờ báo chính thức của Trung Quốc China Daily, Shagang đã hứa sẽ đầu tư 2,14 tỷ NDT để điều chỉnh các thất bại trong kiểm soát xả thải, và sẽ giảm lượng xỉ xuống còn một nửa vào cuối năm nay.(NDH)
---------------------

Bộ Công Thương thông qua khung giá bán buôn điện mới

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định phê duyệt khung giá bán buôn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho các tổng công ty điện lực năm 2018.

Theo đó, mức giá bán buôn điện của EVN dành cho Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc tối thiểu 1.185 đồng/kWh và tối đa là 1.255 đồng/kWh; với Tổng Công ty Điện lực Miền Nam từ 1.389 – 1.433 đồng/kWh; với Tổng Công ty Điện lực Miền Trung từ 1.183 – 1.282 đồng/kWh.

Với hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM, giá bán buôn điện được thông qua khá cao. Cụ thể, mức giá bán cho Tổng Công ty Điện lực Hà Nội là 1.437 – 1.516 đồng/kWh và với Tổng Công ty Điện lực TP HCM là 1.593 -  1.658 đồng/kWh. 

Bộ Công Thương thông qua khung giá bán buôn điện mới - Ảnh 1.

Khung giá bán buôn điện của EVN được áp dụng từ ngày 1-1 đến 31-12-2018

Căn cứ vào khung giá này, EVN quyết định giá bán điện cụ thể cho từng đơn vị không thấp hơn mức giá tối thiểu và không cao hơn mức giá tối đa. 

Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh khung giá bán buôn điện bình quân phù hợp với biến động chi phí sản xuất - kinh doanh điện, chi phí mua điện từ thị trường, doanh thu và lợi nhuận định mức của các tổng công ty điện lực, EVN có trách nhiệm tính toán, báo cáo Bộ Công Thương xem xét và quyết định. 

Bộ Công Thương thông qua khung giá bán buôn điện mới - Ảnh 2.

Khung giá bán buôn điện của EVN

Nhìn chung, mức giá bán buôn điện của EVN dành cho các tổng công ty điện đều tăng, với mức tăng thấp nhất là 44 đồng/kWh và tăng cao nhất hơn 107 đồng/kWh. (NLĐ)
-------------------

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục