tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 05-06-2018

  • Cập nhật : 05/06/2018

EC yêu cầu xét nghiệm 100% thanh long Việt Nam xuất sang châu Âu

 Từ trung tuần tháng 6, các biện pháp tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu của EC đối với thanh long Việt Nam dự kiến sẽ được thực thi.

Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Bộ Ngoại giao cho biết Hội đồng châu Âu (EC) dự định tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trong quả thanh long Việt Nam xuất sang thị trường EU sau khi phát hiện có lạm dụng thuốc trừ sâu tại các vùng trồng thanh long ở Việt Nam.

Trước mắt, EC sẽ tham khảo các nước thành viên để đưa ra một số biện pháp tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu đối với quả thanh long Việt Nam.

Cụ thể, EC sẽ yêu cầu Việt Nam xét nghiệm dư lượng thuốc trừ sâu đối với 100% thanh long xuất khẩu sang EU, thay vì chỉ 10% như hiện nay.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Cùng với đó, mỗi lô hàng thanh long Việt Nam xuất sang EU đều phải có “Giấy chứng nhận” (do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp) đảm bảo dư lượng tạp chất không vượt mức MRLs theo Quy định của EC, kèm theo kết quả xét nghiệm của các phòng xét nghiệm được ủy quyền.

Cơ quan an toàn thực phẩm của các nước thành viên EU sẽ phối hợp với hải quan tái kiểm tra 10% lô hàng thanh long tại cảng đến, trước khi cho phép thông quan nếu đạt yêu cầu.

Các biện pháp kiểm tra dự kiến có hiệu lực từ trung tuần tháng 6/2018.

Theo EC, việc lạm dụng thuốc trừ sâu khiến một số lượng đáng kể thanh long Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng MRLs quy định tại EC Regulation 669/20019 ngày 24/7/2009.(NDH)
-----------------------

Ngành công nghiệp thịt lợn Mỹ ước tính mất 2,2 tỷ USD/năm vì Trung Quốc

Hội đồng sản xuất thịt lợn quốc gia Mỹ (NPPC) đã kêu gọi chấm dứt tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, cho rằng việc Trung Quốc áp thuế nhập khẩu 25% đối với thịt lợn của Mỹ có thể khiến ngành công nghiệp này mất 2,2 tỷ USD/năm.

Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp trừng phạt để đáp trả việc Mỹ áp thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Một nghiên cứu được tiến hành bởi nhà kinh tế Dermot Hayes, đại học Iowa, cho biết giá thịt lợn đã giảm đáng kể, chủ yếu là do thuế của Trung Quốc.

"Kể từ ngày 1/3, khi Trung Quốc bắt đầu đáp trả Mỹ bằng áp thuế với thịt lợn của Mỹ, giá lợn kỳ hạn đã giảm 18 USD/con, thiệt hại 2,2 tỷ USD mỗi năm", Hayes nói. "Không phải toàn bộ thiệt hại này là do căng thẳng thương mại với Trung Quốc, nhưng đó chắc chắn là nhân tố chính".

Một tuyên bố từ NPPC cho biết sản lượng thịt lợn của Mỹ ở mức kỷ lục và xuất khẩu thịt lợn của Mỹ có thể tăng nếu được dỡ bỏ thuế. Tổ chức này đã kêu gọi chính phủ Mỹ giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc.

Jim Heimerl, chủ tịch của NPPC nói thêm: “Ngành thịt lợn Mỹ đã đầu tư đáng kể vào sản xuất để tận dụng các cơ hội tăng trưởng trên toàn thế giới, bao gồm Trung Quốc và các thị trường khác trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

“Chúng tôi hoan nghênh chính quyền coi mở rộng xuất khẩu nông nghiệp như một nền tảng trong các cuộc thảo luận với Trung Quốc”, theo Heimerl. “Chúng tôi hy vọng vòng đàm phán thương mại tiếp theo với Trung Quốc sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu thịt lợn quan trọng này và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ.

Hermerl cho biết ngành thịt lợn phụ thuộc vào xuất khẩu và là một trong số ít các ngành của nền kinh tế Mỹ có thể giúp giảm ngay lập tức thâm hụt thương mại với Trung Quốc, nơi thịt lợn chiếm khoảng 10% chỉ số giá tiêu dùng. (NDH)
---------------------

Trung Quốc phản ứng trước quyết định của EU tại WTO

Theo hãng tin AFP của Pháp, Trung Quốc đã bày tỏ "tiếc nuối" sau khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về quyền sở hữu trí tuệ.

Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất nhôm ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuyên bố đưa ra ngày 3/6, Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ nước này rất lấy làm tiếc về việc EU gửi đơn khiếu nại nói trên và sẽ xử lý vấn đề này phù hợp với các thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO. 

Tuyên bố cũng khẳng định: “Chính phủ Trung Quốc luôn coi trọng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh để bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích của những người nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước". 

Hôm 1/6, EU đã gửi đơn khiếu nại lên WTO cáo buộc Bắc Kinh đưa ra yêu cầu bất hợp lý, theo đó các công ty nước ngoài muốn hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ cho các công ty nước này. 

Trước đó ngày 23/3, Chính phủ Mỹ cũng khiếu nại Trung Quốc lên WTO với cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành một loạt cuộc đàm phán nhằm tránh cuộc chiến thương mại nổ ra giữa 2 nước. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cuối tuần qua đã có cuộc hội đàm tại Bắc Kinh. 

Phía Trung Quốc cảnh báo bất kỳ thỏa thuận nào đạt được trong cuộc đàm phán này sẽ không còn hiệu lực nếu Mỹ thực hiện các biện pháp trừng phạt thương mại, bao gồm áp đặt các mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. 

Các quy định hành chính và cấp phép của Trung Quốc đều buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải chia sẻ công nghệ nếu muốn thực hiện hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Đây cũng chính là lý do khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Trung Quốc đã “đánh cắp” nhiều ý tưởng công nghệ của Mỹ.(TTXVN)
-----------------------

Nhật Bản chỉ trích chính sách thuế của Mỹ gây rối loạn thị trường toàn cầu

Ngày 4/6, Chính phủ Nhật Bản cảnh báo các mức thuế quan mới mà Mỹ áp đặt đối với các đồng minh thân cận có khả năng gây "tác động lớn" tới các mối quan hệ và hệ thống thương mại thế giới, đồng thời mô tả tình hình này là "cực kỳ tồi tệ".

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Phát biểu trước báo giới, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói: "Điều cực kỳ tồi tệ là tình hình này không cải thiện kể cả sau khi Tokyo đã bày tỏ quan ngại ở các cấp độ với Washington". 

Ông nhấn mạnh các biện pháp thuế quan của Chính phủ Mỹ, viện cớ an ninh, có nguy cơ sẽ gây rối loạn thị trường toàn cầu, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự hợp tác kinh tế giữa 2 đồng minh Nhật-Mỹ và toàn hệ thống thương mại đa phương theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

Tokyo và Washington đang tranh cãi gay gắt về chính sách thương mại sau khi Mỹ từ chối miễn trừ áp mức thuế mới đối với các sản phẩm thép và nhôm, vốn có hiệu lực từ ngày 1/6, nhập khẩu từ Nhật Bản. Tranh cãi thương mại đã phủ bóng đen lên quan hệ giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Hồi tháng trước, Nhật Bản đã thông báo tới WTO rằng Tokyo có quyền áp thuế đối với 50 tỷ yên (tương đương 456 triệu USD) hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ - tương đương với mức tác động của mức thuế do Mỹ áp đặt đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Nhật Bản.  

Theo số liệu mới nhất, trong tháng 4 vừa qua, thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ đạt 615,7 tỷ yên (5,6 tỷ USD), tăng 4,7% do nhu cầu ô tô và máy móc xây dựng tăng cao.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục