tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 11-08-2017

  • Cập nhật : 11/08/2017

Đặc khu sẽ không hội đồng nhân dân và có đặc quyền casino

Ba đặc khu kinh tế Việt Nam (Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc) sẽ không còn hội đồng nhân dân, được kinh doanh casino và đặc biệt thời hạn thuê đất có thể lên tới 99 năm.

bo truong bo ke hoach - dau tu nguyen chi dung dang trao doi voi cac nha dau tu tai dien dan m&a chieu 8-8 - anh: nhu binh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đang trao đổi với các nhà đầu tư tại Diễn đàn M&A chiều 8-8 - Ảnh: NHƯ BÌNH

Chia sẻ với các nhà đầu tư quốc tế tại Diễn đàn M&A 2017 chiều 10-8, do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề cập đến 3 đặc khu kinh tế được thành lập thời gian tới như là một mô hình thu hút đầu tư mới tạo cú hích tăng trưởng.

Theo ông Dũng, trong thời gian qua, nhiều bộ luật quan trọng mang tính đột phá đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng, thông qua.

Trong số đó, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để hình thành ba đơn vị hành chính, kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) với những thể chế vượt trội, tiên tiến so với trong nước và cạnh tranh so với quốc tế.

Mục tiêu của luật mới là tạo cơ chế hình thành nên các khu vực tăng trưởng cao làm động lực và tạo sức lan tỏa góp phần vào sự phát triển của đất nước, tạo nên một sân chơi mới với các luật chơi mới thông thoáng, để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thỏa sức sáng tạo, thỏa sức phát triển.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là về quản lý chính quyền, các đặc khu này chỉ có Ủy ban Hành chính mà không có Hội đồng nhân dân.

Chức năng của Hội đồng nhân liên quan đến lập pháp hay kiểm tra sẽ đơn vị cấp tỉnh đảm nhiệm.

Việc bỏ bớt một cấp này tạo ra cơ chế vượt trội về chính quyền, thu hút nhà đầu tư quốc tế, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương.

"Vận hành tối ưu các khu này cần phải bỏ đi những cấp không cần thiết và không phù hợp với các đặc khu kinh tế", ông Dũng nói.

Một vấn đề khác liên quan đến đặc khu kinh tế mà nhà đầu tư rất quan tâm là thời hạn giao đất.

Theo pháp luật hiện hành, nhà đầu tư được thuê đất trong thời gian 50 năm, một số trường hợp đặc biệt là 75 năm.

Tuy nhiên, để có sự cạnh tranh tương tự với những đặc khu kinh tế trên thế giới, hiện Bộ đã đề xuất với Quốc hội nâng thời gian lên 99 năm.

Đáng chú ý, cả ba đặc khu này được cho phép có chủ trương kinh doanh casino du lịch.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, ba khu này không chỉ được lập ra để cho kinh doanh casino mà là nơi phát triển nhiều ngành nghề khác nữa ngoài các ngành nghề chiến lược, dựa trên điều kiện địa lý với ưu tiên là mục tiên phát triển theo từng khu vực.

Ví dụ như Vân Phong là nơi phát triển cảng trung chuyển tốt nhất Việt Nam thì có thể phát triển logistics hay Vân Đồn phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, sinh học…

Các ngành nghề có giá trị gia tăng cao sẽ được thiết kế tại các khu vực này và không xung đột với nhau, các ngành nghề được đầu tư đang rà soát và sớm công bố cho các nhà đầu tư biết.

"Quan điểm của Bộ là muốn thay đổi phải mạnh dạn, tất cả đề xuất này đang chờ Quốc hội quyết định nhưng cơ bản là tiệm cận với các mô hình quốc tế", ông Dũng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Dũng, hiện nay Chính phủ đang hoàn thiện các chương trình hành động, ban hành, sửa đổi cơ chế, chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xử lý nợ xấu...

Ông Dũng nói rằng Việt Nam nhận thấy thời kỳ phát triển dựa vào tiềm năng tĩnh, tức dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ… đã qua.

Trong khi đó, những động lực đổi mới từng tạo cú hích tăng trưởng tốt cho nền kinh tế Việt Nam cũng đã đến ngưỡng giới hạn, các cải cách cũng đã bão hòa.

Vì thế hiện nay phải thay đổi mô hình tăng trưởng và việc hình thành đặc khu kinh tế mới là một trong cách thức tạo đột phá mới trong thu hút đầu tư.(Tuoitre)
--------------------------------

Chứng khoán 'bốc hơi' 2 tỉ USD trong phiên 'đổ dốc' 09-08-2017

09-08-2017, thị trường 'bốc hơi' khoảng 2 tỉ USD sau phiên đổ dốc mất gần 18 điểm.

Sáng 10.8, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức khai trương thị trường chứng khoán phái sinh.

Tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết quy mô thị trường trái phiếu và cổ phiếu đã đạt hơn 80% GDP, trong đó thị trường cổ phiếu là 57% và trái phiếu chính phủ là 24%. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tổng quy mô thị trường sẽ tương đương 110% GDP, tương đương tổng dư nợ tín dụng của toàn bộ nền kinh tế vào thời điểm đó.

09-08-2017, thị trường "bốc hơi" khoảng 2 tỉ USD sau phiên đổ dốc mất gần 18 điểm. Thị trường dần "bình tĩnh" trở lại trong phiên giao dịch sáng nay. Cổ phiếu BID đang trong tâm điểm dần có sự hồi phục, tăng nhẹ ở giờ đầu giao dịch, sau đó giảm dần và mất 400 đồng, nằm ở mức 20.000 đồng/CP. CTG cũng giảm nhẹ 200 đồng, VCB giảm 300 đồng, ACB và MBB cùng giảm 100 đồng, STB tăng 200 đồng còn EIB thì đứng giá.

Nhiều cổ phiếu blue-chips cũng xanh trở lại, như CII tăng 1.500 đồng lên 35.300 đồng/CP, HCM tăng 100 đồng lên 41.600 đồng/CP, Sabeco tăng đến 7.400 đồng, lên 249.400 đồng/CP, VNM tăng 1.600 đồng lên 151.600 đồng/CP…

Giá tăng tích cực đã đẩy VN-Index lên 775,6 điểm vào lúc 10 giờ 30 phút, sau đó giảm về 773,76 điểm khi kết phiên giao dịch sáng. Khối lượng giao dịch hơn 112 triệu cổ phiếu với giá trị đạt hơn 1.877 tỉ đồng. Toàn sàn có 116 mã tăng, 55 mã đứng giá và 127 mã giảm.

Kết phiên sáng ngày giao dịch đầu tiên của chứng khoán phái sinh, mã VN30F1708 và VN30F1709 cùng giảm lần lượt 8,4 điểm và 7,3 điểm xuống 749 điểm; VN30F1712 giảm xuống 751 điểm, còn VN30F1803 tăng 7,9 điểm lên 756 điểm. (Thanhnien)
-----------------------

Thêm một ngân hàng sắp đưa 1,3 tỉ cổ phiếu lên sàn

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa ra văn bản chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng trên sàn HOSE với mã chứng khoán là VPB.

Theo đó, kể từ ngày 17-8, hơn 1,3 tỉ cổ phiếu của VBP sẽ chính thức lên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) với giá của ngày giao dịch đầu tiên sẽ là 39.000 đồng/cổ phiếu. Theo quy định, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/- 20% so với giá tham chiếu.

Tính đến 30-6-2017, tổng tài sản của VPBank đạt 249.000 tỉ đồng, tăng 9% so với thời điểm cuối năm 2016. Tổng huy động vốn trên thị trường tăng mạnh từ 172.000 tỉ đồng cuối năm 2016 lên 195.000 tỉ đồng cuối tháng 6-2017, tương đương với mức tăng trưởng 13%.

Với việc niêm yết đợt này, VPBank là ngân hàng thứ ba niêm yết kể từ đầu năm tới nay nhưng là ngân hàng đầu tiên niêm yết trên sàn chính thức. Trước đó VIB và Kienlongbank cùng nhau đưa cổ phiếu lên sàn chưa tập trung UPCoM vào đầu tháng 1 và cuối tháng 6.

Theo Công ty Chứng khoán HSC, dự đoán trong vòng 6-18 tháng tới sẽ có khoảng 11 ngân hàng của Việt Nam niêm yết.(PLO)
-------------------------

Khó giảm giá ô tô trong nước

Trong nỗ lực xây dựng chiến lược mới cho ngành công nghiệp ô tô, cần xây dựng được các gói chính sách sao cho giảm được chi phí sản xuất, từ đó giảm được giá ô tô, đem lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng

Ngày 10-8 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo Phát triển cụm công nghiệp ô tô trên thế giới và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. Một trong những vấn đề được thảo luận sôi nổi là Việt Nam có thể giảm giá thành ô tô lắp ráp trong nước hay không và bằng cách nào?

Nội địa hóa cao nhất chỉ 37%

TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM, nhận xét công nghiệp ô tô Việt Nam đã thất bại trong quá khứ, hiện tại vẫn thất bại và tương lai chưa biết có thành công hay không. Trong nỗ lực xây dựng một chiến lược mới cho ngành công nghiệp quan trọng này, phải xây dựng được các gói chính sách sao cho giảm được chi phí sản xuất, từ đó giảm được giá ô tô, đem lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng để duy trì hoạt động, tiến tới phát triển ngành công nghiệp ô tô trong tương lai.

gia thanh lap rap o to o viet nam cao hon 10%-20% so voi indonesia va thai lan anh: hoang trieu

Giá thành lắp ráp ô tô ở Việt Nam cao hơn 10%-20% so với Indonesia và Thái Lan Ảnh: HOÀNG TRIỀU

 

Dưới góc độ nhà sản xuất, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban Chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho biết một chiếc ô tô được cấu thành bởi 30.000 chi tiết khác nhau, doanh nghiệp (DN) chỉ sản xuất một số cụm chi tiết lớn, 70%-80% phải mua từ các DN ở nước ngoài nên rất tốn kém. Tại Toyota, dòng đạt tỉ lệ nội địa hóa cao nhất là Innova với 37%, tức là giá trị xe 10.000 USD thì có 3.700 USD được sản xuất ở Việt Nam. Để giảm giá thành sản xuất phải nâng tỉ lệ nội địa hóa trong khi điều kiện để nâng tỉ lệ nội địa hóa là phải có dung lượng thị trường đủ lớn. Giá thành lắp ráp từ Việt Nam cao hơn 10%-20% so với xe sản xuất từ Indonesia và Thái Lan. Giá đến tay người sở hữu còn đắt đỏ hơn do chính sách thuế, phí trước bạ rất cao từ chủ trương hạn chế sử dụng ô tô.

Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, ông Dương Văn Hùng, Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng sản lượng tiêu thụ không phải là lý do tiên quyết để DN có vốn đầu tư nước ngoài đặt trung tâm nghiên cứu phát triển tại Việt Nam hoặc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Các DN thường lờ đi vấn đề này, ngay cả khi có cam kết với Chính phủ Việt Nam mà không hiểu lý do vì sao họ không thực hiện. Với cách làm như vậy, nếu các chuyên gia nước ngoài rút đi thì người Việt không thể làm gì được trong công nghiệp ô tô.

Mò mẫm tìm đường

Ông Nguyễn Tiến Hán, Phó trưởng Khoa Công nghệ ô tô Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, nhìn nhận muốn có ngành công nghiệp ô tô phải đầu tư vào con người, từ đó mới giải quyết được vấn đề công nghệ, tỉ lệ nội địa hóa... "Chúng tôi mỗi năm có 1.000 sinh viên tốt nghiệp, chủ yếu đi làm thuê cho nước ngoài. Phải có những DN Việt Nam mạnh, sử dụng lao động trình độ cao mới tổ chức và phát triển được. Ta chưa có mà chỉ trông chờ đi mua, đi vay thì không thể làm nên công nghiệp ô tô được" - ông Hán nêu quan điểm.

Là DN dẫn đầu về sản lượng ô tô tiêu thụ trong nước, ông Vũ Quang Long, Công ty Thaco Trường Hải, thừa nhận đã kiến nghị từ rất lâu và rất nhiều về các giải pháp cho công nghiệp ô tô, khó khăn ai cũng biết nhưng chưa làm được gì. Năng lực cạnh tranh của ô tô Việt Nam thua ngay từ chi phí trong nước. Chẳng hạn, chi phí nhập khẩu mỗi xe từ Thái Lan về Việt Nam là 5 triệu đồng thì xe của Trường Hải sản xuất ở miền Trung chuyển ra Hà Nội, TP HCM đã mất 3-4 triệu đồng. Hoặc DN xin cơ chế hỗ trợ nhưng chờ mãi không được bộ ngành chấp thuận. Đến khi triển khai rồi bộ mới có ý kiến. Do đó, không đủ điều kiện hưởng ưu đãi vì thiết bị được nhập về trước ngày có cơ chế. Chính sách của nhà nước hiện chưa đồng bộ, rõ ràng. 98% dân số chưa có ô tô nhưng lại hạn chế tiêu thụ ô tô vì sợ tắc đường. Trong khi đó, đầu tư hạ tầng giao thông gọi vốn xã hội hóa phải chờ đủ dung lượng xe, nhà đầu tư mới bỏ tiền làm đường.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp - đánh giá bài học thành công của các quốc gia sản xuất ô tô là hình thành các cụm công nghiệp ô tô để phát triển công nghiệp phụ trợ, từ đó cung cấp linh, phụ kiện cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô để giảm giá thành. "Việc hình thành nên các cụm này là một trong số các nội dung đã được phê duyệt trong Chương trình hành động hợp tác công nghiệp Việt - Nhật. Tuy đây không phải vấn đề quá nóng nhưng là hướng tiếp cận xem xét cho tầm nhìn phát triển lâu dài" - bà Thúy nói. (NLĐ)
 

Trở về

Bài cùng chuyên mục