tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 10-08-2017

  • Cập nhật : 10/08/2017

Bộ Tài chính muốn mở rộng thu thuế tài sản

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện báo cáo chuyên đề thực trạng thu tiền sử dụng đất, thuê đất, chính sách thuế liên quan đến đất đai và bất động sản (BĐS), đồng thời đưa ra các giải pháp, chính sách thuế liên quan đến thị trường BĐS.

bo tai chinh muon mo rong thu thue tai san

Bộ Tài chính muốn mở rộng thu thuế tài sản

Bộ Tài chính cho rằng ở Việt Nam chưa có sắc thuế tài sản riêng nhưng đã có những chính sách thuế liên quan đến tài sản như thuế sử dụng đất. Tuy nhiên, các chính sách thuế này chưa đáp ứng được vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước. Chẳng hạn số thu thuế sử dụng đất của Việt Nam chỉ chiếm 0,03% GDP và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách.

Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng trong các năm gần đây: Từ 1.400 USD (khoảng 30 triệu đồng) năm 2013 lên 2.200 USD (khoảng gần 50 triệu đồng) năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 3.400 USD (gần 80 triệu đồng) đến năm 2020. Theo đó dự kiến việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư BĐS của người dân có xu hướng tăng lên...

Từ đó Bộ Tài chính khẳng định cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản. Điều này nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, góp phần bình ổn thị trường BĐS, hạn chế đầu cơ và sử dụng BĐS lãng phí.

Trước đó, Bộ Tài chính đã nghiên cứu đánh thuế người có nhà thứ hai trở lên. Cách tính thuế như thế nào thì chưa được quy định cụ thể. Tuy nhiên, việc đánh thuế với nhà đã từng được đưa vào dự thảo Luật Thuế nhà, đất từ năm 2009. Dự thảo luật này đưa ra ba phương án tính thuế nhà. Sau khi lấy ý kiến, trong báo cáo của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề xuất chọn phương án thu thuế đối với người sở hữu nhà thứ hai trở lên và với mức thuế suất áp dụng là 0,03%.

Hồi tháng 11-2016, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Thành ủy TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM… về thông tin đánh thuế người có căn nhà thứ hai trở lên. “Sắc thuế này sẽ góp phần giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh, chống đầu cơ, tăng nguồn cung cho thị trường, tạo thêm cơ hội cho người có nhu cầu thật tiếp cận nhà ở và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước” - HoREA nêu quan điểm.(PLO)
------------------------

Khách Việt chi 8 tỉ USD/năm đi du lịch ngoại

Du khách Việt gia tăng du lịch nước ngoài khiến một nguồn ngoại tệ lớn chảy qua biên giới.

Du lịch nước ngoài gia tăng mạnh

Khảo sát một số công ty du lịch cho thấy du khách VN đi nước ngoài đang tăng đáng kể. Đại diện Công ty du lịch TST tourist cho biết trước đây tỷ lệ khách mua tour nội địa và tour nước ngoài của công ty thường ở mức 50/50, nhưng 2 năm trở lại đây là 60/40 với cán cân nghiêng về các tour du lịch nước ngoài. Tại Công ty truyền thông Du lịch Việt, lượng khách đi du lịch nước ngoài chiếm tới 70 - 80%.

Du khách VN cũng rất chịu chi khi đi du lịch nước ngoài. Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ của Hiệp hội Du lịch VN, năm 2016 có khoảng 6,5 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài, chi tiêu 7 - 8 tỉ USD; trong khi năm 2012 là khoảng 3,5 tỉ USD.

Chuyên gia du lịch Nguyễn Minh Mẫn cho biết các nước và vùng lãnh thổ lân cận có nền du lịch phát triển như Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc hay Nhật Bản đều muốn thu hút khách VN thay thế khách Trung Quốc vì họ biết tiềm năng khách VN rất lớn. Người VN xuất ngoại du lịch còn mạnh tay trong việc mua sắm. Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, đánh giá các nước làm du lịch rất “khôn”, chiêu dụ khách VN bằng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ các công ty du lịch Việt đưa khách sang nước họ để có giá tour tốt. Các điểm đến ở các nước này thậm chí có cả tiếng Việt, nên ngày càng thu hút du khách Việt.

Rẻ hơn trong nước

Hầu hết khách trong chuyến đi du lịch Đài Loan 5 ngày 4 đêm cuối tháng 7 vừa rồi do Saigontourist tổ chức đều có chung nhận xét, các điểm đến của VN đẹp, hấp dẫn hơn nhiều. Tuy nhiên sự chuyên nghiệp, chất lượng, giá rẻ... là những lý do khiến ngày càng nhiều người Việt chọn đi du lịch nước ngoài. Một yếu tố quan trọng là giá dịch vụ du lịch nội địa cao, gây bất lợi trong việc cạnh tranh với các điểm đến nước ngoài. Đơn cử một tour du lịch Thái Lan 5 đêm 6 ngày giá từ khoảng 7 - 10 triệu đồng/người, trong khi một tour cùng số ngày từ TP.HCM ra Hà Nội (đi Sa Pa, Hạ Long) cũng xấp xỉ 9 triệu đồng/người. Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá dịch vụ trong nước cao, theo ông Mẫn, do cứ dịp lễ, tết là giá đồng loạt tăng cao bất thường.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Viet Circle, bổ sung: nhiều điểm đến trong nước còn làm ăn chụp giật, dịch vụ không ổn định, không giữ chữ tín. Không ít lần công ty ông dẫn khách đoàn từ TP.HCM ra Hà Nội, đã thỏa thuận đặt trước phòng khách sạn nhưng đến nơi lại bị từ chối với lý do hết phòng.

Ở góc độ khác, ông Trần Văn Long cho rằng giá tour ở VN cao do không có chính sách hỗ trợ khiến các doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn, điểm đến, phương tiện di chuyển phải đẩy giá cao mới đủ bù chi phí.

Tour nội đắt đỏ vì thiếu liên kết

Xu hướng người Việt thích đi du lịch nước ngoài hơn trong nước, theo các chuyên gia, nếu để lâu sẽ gây thiệt hại cho du lịch và kinh tế VN. “Không giữ được nguồn khách nội, chúng ta không thể có chi phí để tái đầu tư điểm đến, tạo sản phẩm mới hay xúc tiến, quảng bá du lịch”, ông Mẫn cảnh báo.

Một chuyên gia du lịch cho rằng lý do quan trọng để tạo nên giá tour cạnh tranh của nhiều nước là sự bắt tay liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành, điểm đến, thương mại, hàng không, ẩm thực, trong đó nhạc trưởng là nhà nước. "Còn chúng ta thì vẫn mạnh ai nấy làm, rất khó để có giá cạnh tranh", vị này nói.

Cách khắc phục tốt nhất là phải nâng cao quản lý nhà nước, thuyết phục người dân cùng làm du lịch, quyết liệt ngăn chặn nạn chặt chém mùa cao điểm, giảm bớt các loại phí tham quan. “Nhà nước phải có chính sách ưu đãi về thuế để giảm giá tour trong nước, tạo cú hích cho phát triển du lịch nội địa”, ông Huê đề xuất.(Thanhnien)
---------------------------

Người Thái chuộng hàng Việt vì ngon, bổ, rẻ

 “Cho tôi biết tên Latin của loại xoài và khoai môn mà công ty chế biến, một ký có bao nhiêu trái, mỗi trái cắt được bao nhiêu miếng, kích cỡ thế nào?” - ông Somchai Kiatsrichart, doanh nhân người Thái hỏi.

Doanh nhân Thái Lan tìm hiểu sản phẩm VN tại hội chợ - Ảnh: L.NAM

Vị doanh nhân người Thái nói trên là của Công ty Pan Asia, và sau khi ăn thử hai miếng khoai môn sấy tại gian hàng của Công ty Vinamit, thì ông đề nghị một nhân viên tại gian hàng này báo giá các sản phẩm. 

Không chỉ thu hút sự quan tâm của các doanh nhân Thái Lan, các sản phẩm Việt cũng nhận được đánh giá khá cao của nhiều doanh nhân quốc tế khác đến tham gia Hội chợ quốc tế ASEAN - Ấn Độ, diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 2 đến 5-8 với sự có mặt của 10 doanh nghiệp VN.

“Ngon và lạ lắm, vị rất đậm đà, béo và thơm” - doanh nhân Iran Parviz Akhavan bình luận sau khi dùng thử sản phẩm cơm dừa sấy khô của Công ty Lương Quới (Bến Tre), đồng thời cho biết rất quan tâm đến những sản phẩm này. 

Đặc biệt, Công ty chế biến thực phẩm Bích Chi đã bán được bốn container sản phẩm cho một khách hàng Ấn Độ, trong khi một công ty Ấn Độ khác cho biết sẵn sàng mua các món bánh tráng, bột thực phẩm... do sản phẩm an toàn và giá hợp lý.

Ông Somchai Kiatsrichart cho biết sẽ lên kế hoạch nhập khẩu những loại thực phẩm này vào Thái Lan vì “vị ngon hơn hàng Thái cùng loại, nhiều cơ hội bán ở Thái Lan và xuất sang các nước”, đồng thời yêu cầu trợ lý phải chụp hình bao bì và phải quay lại mua mấy bịch sản phẩm của Vinamit.

Tương tự, sau khi dùng thử món hạt điều rang muối “Bà Tư Bình Phước” của Công ty CP hạt điều Gia Bảo, doanh nhân Thái Lan Nipit Mark cho rằng sản phẩm có vị béo hơn hạt điều Thái Lan, đồng thời cho biết sẽ xem xét việc nhập sản phẩm này vào Thái Lan, bởi “hạt điều này ngon hơn loại hàng mà tôi đang kinh doanh”.

Cầm chai nước mắm Phú Quốc (VN) lên xem, ông Songyos Nopprad - người có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nước mắm - khẳng định chất lượng cá và muối ở VN hoàn toàn có thể tạo ra những loại nước mắm chất lượng cao, có thể xuất sang nhiều quốc gia khác.

“Chúng tôi sẽ tính đến việc hợp tác đầu tư sản xuất nước mắm tại VN trong tương lai” - ông Songyos Nopprad nói.

Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhiều doanh nhân Thái rất thích thú khi trực tiếp chứng kiến tại Ngôi nhà Việt Nam quy trình chưng cất thủ công (không sử dụng hóa chất) sản phẩm tinh dầu của chị Đoan Thùy, một doanh nghiệp trẻ mới khởi nghiệp, đồng thời cho biết muốn đặt hàng và về lâu dài sẽ hợp tác đầu tư.

Khi nghe thông báo không thể có sản lượng nhiều do sản xuất thủ công, đối tác Thái cho biết sẵn sàng mua giá cao để đưa vào phân khúc hàng quý, cao cấp.

Tương tự, sản phẩm mặt nạ dừa Bến Tre của Công ty Cửu Long cũng có 6-7 doanh nhân mua thử và cho biết sẽ mua lâu dài.

“Hàng Việt có sáng tạo, sản phẩm lạ và trúng xu thế lại được người giới thiệu nhẹ nhàng, dễ thương sẽ không thiếu đầu ra” - bà Hạnh đúc kết.

Ông Sanan Angubolkul, chủ tịch Hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam, cho biết các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm hữu cơ Việt Nam được nhiều thành viên hiệp hội quan tâm và có kế hoạch nhập về bán tại thị trường Thái Lan.

“Người dân Thái cũng thích các sản phẩm Việt Nam nên cơ hội cho hàng Việt xâm nhập thị trường Thái Lan rất sáng sủa nếu sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và giá cả hợp lý” - ông Sanan Angubolkul 
khẳng định.(Tuoitre)
-------------------------------

Mỹ, Nga hưởng lợi khi Ả Rập Xê Út giảm cung dầu cho châu Á

Hãng dầu mỏ Ả Rập Xê Út Saudi Aramco sẽ hạ ít nhất 520.000 thùng/ngày trong số dầu thô giao cho khách hàng thế giới vào tháng 9 năm nay.

Theo CNBC, việc cắt giảm phân bổ nguồn cung phù hợp với cam kết của Ả Rập Xê Út trong thỏa thuận giảm sản lượng do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dẫn đầu. Theo thỏa thuận, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới phải hạ sản lượng 486.000 thùng dầu/ngày. Ả Rập Xê Út chủ yếu hạ cung cho khách mua châu Á khi giảm đến 10% trong tháng 9.

Nhà phân tích dầu mỏ Stephen Brennock của PVM nhận định: “Quyết định về việc phân bổ dầu thô cho châu Á của Ả Rập Xê Út cho thấy nước này tin tưởng vào cam kết sẽ làm mọi cách để bình thường hóa lượng dầu thô dư thừa đang tăng lên của thế giới”.

Ông Brennock cho rằng các nước châu Á sẽ sớm bị buộc phải phụ thuộc vào nhiều nhà xuất khẩu ở khu vực Đại Tây Dương. Ngoài ra, Nga rất có nhiều khả năng sẽ giành được thị phần ở thị trường châu Á của Ả Rập Xê Út. “Nga, Mỹ và Iran sẽ nhanh chóng tiến vào bù đắp sự thiếu hụt”, ông Brennock nói.

Giá dầu Brent tăng khoảng 0,5% lên mức 52,63 USD/thùng vào sáng 8.8. Dầu WTI của Mỹ thì tăng 0,6% lên 49,68 USD/thùng.

Vì mức giảm phân bổ dầu thô tập trung vào loại dầu nhẹ hơn như dầu Arab Light và Arab Extra Light, tác động giá cả sẽ thể hiện rõ hơn trên giá dầu chuẩn ở phương Tây vì khách mua châu Á sẽ tìm kiếm nguồn hàng Đại Tây Dương và Mỹ, chuyên gia Sam Alderson của hãng Energy Aspects cho biết. (Thanhnien)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục