tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 08-09-2017

  • Cập nhật : 08/09/2017

CGV muốn đầu tư thêm 200 triệu USD vào Việt Nam trong 4 năm tới

cj cgv viet nam du kien ​​se mo tu 12 den 15 rap chieu phim moi moi nam, voi chi phi tu 4 den 7 trieu usd cho moi rap.nguon anh: boxoffice.com

CJ CGV Việt Nam dự kiến ​​sẽ mở từ 12 đến 15 rạp chiếu phim mới mỗi năm, với chi phí từ 4 đến 7 triệu USD cho mỗi rạp.Nguồn ảnh: boxoffice.com

CJ CGV Việt Nam, một chi nhánh của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), đã khai trương rạp chiếu phim thứ 50 tại Việt Nam vào thứ Năm tại thành phố Hồ Chí Minh, nâng số phòng chiếu phim lên 313 với 42.800 ghế ngồi.

CJ CGV cho biết họ đã lên kế hoạch đầu tư khoảng 200 triệu USD trong 4 năm tới để nâng cấp và mở rộng hệ thống chiếu phim tại Việt Nam, bao gồm cả các thành phố cấp nhỏ và vùng sâu, vùng xa.

CJ CGV Việt Nam tham gia thị trường các rạp chiếu phim ở Việt Nam 6 năm trước đây sau khi mua lại MegaStar, hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất nước vào thời điểm đó, với giá 73,6 triệu USD. CJ CGV hiện là nhà phân phối và điều hành hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất của Việt Nam và đạt doanh thu 1,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2016, tăng 3,3% so với 2015, còn lợi nhuận đạt 93 tỷ đồng.

Dong Won Kwak, Tổng Giám đốc của CJ CGV Vietnam, cho biết thị trường giải trí tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm cao, ước tính hơn 20%, mang lại tiềm năng rất lớn cho các nhà đầu tư và chứng minh khoản đầu tư của công ty vào thị trường Việt Nam là đúng đắn.

Các doanh nghiệp trong ngành đang cạnh tranh với nhau để tìm ra phương cách tốt nhất để tối đa hóa tài năng điện ảnh và các nguồn lực khác để phát triển thị trường điện ảnh địa phương, bao gồm sắp xếp các hội thảo làm phim và đầu tư vào các dự án phim.

CJ CGV Việt Nam dự kiến ​​sẽ mở từ 12 đến 15 rạp chiếu phim mới mỗi năm, với chi phí từ 4 đến 7 triệu USD cho mỗi rạp. Công ty dự kiến sẽ đầu tư tổng công 70 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong năm nay.

Ông Dong nói thêm rằng với dân số gấp đôi Hàn Quốc và sự phát triển của ngành điện ảnh, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thập kỷ tới.

Trong năm ngoái, tổng doanh thu phòng vé của khoảng 140 rạp phim tại Việt Nam là vào khoảng 130 triệu USD và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 200 triệu USD vào năm tới. Một khảo sát cho thấy hơn 55% người Việt Nam đến rạp chiếu phim ít nhất 1 lần/tháng và chi tiêu trung bình 4,04 USD/ người.

Theo số liệu của Nikkei, các chuỗi rạp nước ngoài đang có mặt ở Việt Nam bao gồm CJ CGV của Hàn Quốc với 43% thị phần, Lotte (30%), và Platinum Cineplex của Indonesia (10%). Hai công ty nội địa là Galaxy và BHD Star Cineplex lần lượt chiếm 9% và 6%.(NCĐT)
---------------------------

Nhãn Thái Lan vào Việt Nam sau đó lại sang Trung Quốc

Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cho biết không có chuyện nhãn Thái lấn át nhãn Việt mà chủ yếu để tái xuất sang thị trường Trung Quốc.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nhận được nhiều câu hỏi về việc có thông tin cho rằng nhãn nhập khẩu từ Thái Lan đang ồ ạt vào Việt Nam. Theo đó, nhãn Thái Lan đang lấn át thị trường khiến nhãn nội, đặc biệt xuất xứ Hưng Yên, khó cạnh tranh. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, cho biết mỗi năm nước ta xuất khẩu khoảng 200.000-300.000 tấn nhãn. Đặc biệt, mỗi tháng có 30-100 tấn nhãn xuất đi Mỹ.

Về việc nhãn Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam lấn át nhãn nội, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho rằng chưa có cơ sở để kết luận. Ông Trung cung cấp thông tin 90% số nhãn được được nhập từ Thái Lan sau đó lại tái xuất sang Trung Quốc. Con số này có được từ việc đối chiếu báo cáo xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu.

 nhan long hung yen. (anh: hieu cong) 

Nhãn lồng Hưng Yên. (Ảnh: Hiếu Công) 

Báo chí cũng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên, về việc nhãn Thái lấn át nhãn Hưng Yên. Ông Thơ cũng phủ nhận thông tin này. Theo ông Thơ, hiện nay, chỉ có một số cơ sở sản xuất long nhãn tại Hưng Yên có nhập khẩu nhãn Thái Lan về sản xuất.

Giá nhãn Thái Lan nhập khẩu về để làm long nhãn đạt khoảng 12.000 đồng/kg. “Hiện nay chỉ có một số ít cơ sở sản xuất của Hưng Yên nhập khẩu nhãn về làm long nhãn. Số lượng cơ sở này không nhiều”, ông Thơ nói thêm.

Cũng theo ông Thơ, nhãn lồng Hưng Yên đang bước vào cuối vụ. Tỉnh Hưng Yên đang trong tình trạng “cháy” nhãn, đã gần hết trong khi nhu cầu thị trường vẫn còn rất lớn. Ông Thơ cho biết vào một số thời điểm, nhãn lồng Hưng Yên có giá lên tới 80.000 đồng/kg.

Hưng Yên có khoảng 3.300 ha nhãn lồng với sản lượng trung bình hàng năm khoảng 40.000 tấn. Riêng năm 2017 sản lượng giảm hơn mọi năm, chỉ khoảng  32.000 tấn, ước thu được khoảng 900 tỷ đồng.(ZingNews)
-------------------------

Chỉ khoảng 300 DN Việt có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

“Ước tính, hiện nay chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cũng chỉ mới cung ứng các phụ tùng thay thế chứ chưa tham gia sản xuất các sản phẩm chính”.

Đây là thông tin đưa ra bởi Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Hội thảo "Việt Nam trước ngã rẽ tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới" do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức sáng nay (7/9).

Theo ông Đỗ Thắng Hải, hiện rất ít DN có thể kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong khi đó, số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, trong số các DN tư nhân đang hoạt động tại Việt Nam thì DN lớn chiếm chưa đầy 2%, trong khi DN vừa chiếm từ 2-5% còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Được đánh giá là nền kinh tế năng động và là một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư và kinh doanh, nhưng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn rất khó khăn và sức cạnh tranh còn thấp.

“Việc kết nối DN trong và ngoài nước còn mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ đối tác nước ngoài đến khu vực DN trong nước còn hạn chế. Điều đáng lo ngại nhất là DN tư nhân rất khó khăn, rất ít DN có thể kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu”, Thứ trưởng nhận xét.

Cùng quan điểm trên, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng, mặc dù được kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu nhưng DN Việt Nam chủ yếu chỉ thực hiện hoạt động sản xuất có công nghệ thấp nhất, bao gồm: Phần cứng công nghệ thông tin và truyền thông, dệt may.

Bên cạnh đó, việc thiếu vắng các nhà cung cấp tiềm năng có đủ năng lực cạnh tranh, đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng và độ tin cậy của các công ty đa quốc gia là một trong những trở ngại đối với việc hình thành liên kết ở Việt Nam.

Đáng chú ý, dữ liệu điều tra của WB cho thấy, trong khi một nửa số DN FDI có chứng chỉ về chất lượng được quốc tế công nhận (như ISO 9001) thì chưa đến 10% DN trong nước có được chứng chỉ này.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, hội nhập quốc tế cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đem lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam về mặt tăng trưởng xuất khẩu, cơ hội việc làm và giảm nghèo nhưng hiệu quả chưa cao trong việc phát triển những kết nối của nền kinh tế trong nước và sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu đến thời điểm này.

​Do vậy, ông Ousmane Dion khuyến nghị, dù là quốc gia có luồng thu hút FDI tốt nhưng việc đem lại sức lan tỏa cần tích cực hơn, đặc biệt là việc tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Báo cáo của WB cũng đưa ra một số khuyến nghị chính để giúp Việt Nam tiến sát hơn với mục tiêu của mình.

Đó là cải thiện sự phối hợp giữa các bộ, ngành, tạo thuận lợi về trao đổi thông tin, liên hệ giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đồng thời hỗ trợ có mục tiêu nhằm phát huy thế mạnh của một số nhà cung ứng trong nước.

Nếu đạt được vị thế cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài quy mô lớn, qua đó tạo thêm việc làm và tạo thêm cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước.

Nhưng để đạt được mục tiêu đó, theo báo cáo, cần phải có một gói sáng kiến cải cách toàn diện như: Thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hạ tầng thông qua đẩy mạnh huy động vốn của khu vực tư nhân và áp dụng cách tiếp cận tổng hợp hơn trong phát triển các hành lang giao thông; phát triển các thị trường dịch vụ cạnh tranh và tự do hóa các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài; hợp lý hóa các thủ tục biên giới để nâng cao minh bạch và khả năng tiên liệu; thúc đẩy quan hệ với các nước phát triển để đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ và đầu tư về công nghệ.(ChinhPhu)
---------------------------------

Kiều hối chảy về TPHCM bất ngờ tăng mạnh

Tám tháng đầu năm 2017, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM qua các kênh chính thức đạt 3 tỷ USD, tăng 900 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, 8 tháng đầu năm 2017, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM qua các kênh chính thức đạt 3 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cách đây 2 tháng là 2,1 tỷ USD.

Như thường lệ, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM từ thị trường Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với chiếm 60%, từ khu vực châu Âu là khoảng 19%.

Lượng kiều hối về Việt Nam tăng liên tục từ năm 2010 và đạt mức kỷ lục 13,2 tỷ USD năm 2015. Tuy nhiên, con số này đã giảm 33% vào năm 2016. Một trong những nguyên nhân khiến lượng kiều hối đổ về Việt Nam sụt giảm là do các ngân hàng cắt giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống 0%. Lãi suất thấp không kích thích người dân gửi tiền về.

Theo một số chuyên gia nhận định, tỷ giá VND/USD trong 4-5 tháng tới sẽ vẫn theo hướng đi lên nhưng mức độ tăng sẽ chậm và trong tầm kiểm soát của Nhân hàng Nhà nước.

Trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) vừa đưa ra một số liệu đang lưu ý đó là “tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao hơn nhiều so với cùng kỳ”.

Dẫn chứng bằng số liệu, cơ quan này cho thấy tín dụng ngoại tệ ước tăng gần 12%, đây là tỷ lệ cao gấp nhiều lần so với mức 1,7% của cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên theo UBGSTCQG, việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ chỉ tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.(PLO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục