tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 07-07-2017

  • Cập nhật : 07/07/2017

Hồng Kông đang dần xuống hạng và sự trỗi dậy của Thâm Quyến

Sự trỗi dậy của Thâm Quyến và sự suy yếu của Hồng Kông đang đặt Hồng Kông vào một tình thế khá bất lợi.

hong kong dang dan xuong hang va su troi day cua tham quyen anh: cnn

Hồng Kông đang dần xuống hạng và sự trỗi dậy của Thâm Quyến Ảnh: CNN

 

Làng chài mang tên Thâm Quyến một thời từng được coi như lối chạy thoát sang Hồng Kông của nhiều người Trung Quốc. Hồng Kông khi ấy được mệnh danh “thành phố của những ước mơ”.

Để chạm được vào ước mơ bên kia biên giới, người ta phải vượt qua hàng rào dây thép gai chằng chịt, rồi đến một con sông ngập bùn, một hàng rào cao và tiếp đó đến một khu vực cấm. Hoặc người ta cũng có thể bơi qua biển để sang đến Hồng Kông, nhưng họ sẽ phải đối diện với rủi ro mất mạng bởi bị cá mập tấn công hay chết đuối.

Giờ đây, có lẽ không người Trung Quốc nào còn muốn liều mạng như vậy để sang được đến Hồng Kông nữa. Hồng Kông đang mất đi sức hấp dẫn của mình. Trong khi đó, thành phố Thâm Quyến, thành phố được chính phủ Trung Quốc xây dựng với mục đích ban đầu là để tạo nên đối trọng với Hồng Kông, đã phát triển vượt bậc.

Thâm Quyến giờ là một trong những trung tâm công nghệ phần cứng của thế giới, được coi như điểm đến hấp dẫn của rất nhiều nhân lực chất lượng cao toàn cầu. 

Sự trỗi dậy của Thâm Quyến và sự suy yếu của Hồng Kông đang đặt Hồng Kông vào một tình thế khá bất lợi, theo bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.

Giờ đây bên cạnh một Thâm Quyến phát triển bùng nổ, Hồng Kông bỗng trở nên quá bình thường và xu thế này nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn. Tuần trước, trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm ngày Hồng Kông trở về Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo về “lằn ranh đỏ”.

Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mọi ý đồ gây nguy hiểm cho chủ quyền, an ninh, thách thức quyền lực của chính quyền trung ương hoặc dùng Hồng Kông để tiến hành hoạt động phá hoại chống đại lục là “hành động vượt lằn ranh đỏ và tuyệt đối không được phép”.

Trong bảng xếp hạng các thành phố của Trung Quốc, Hồng Kông đang tụt hạng dần. Nếu như vào năm 1997, Hồng Kông đóng góp 18% GDP của Trung Quốc, nay tỷ lệ đó chỉ còn 3%. Cảng Hồng Kông một thời sôi động nhất thế giới nay đã tụt xuống vị trí thứ năm, sau cảng Thâm Quyến và Thượng Hải. 

Từ một vị thế khác biệt, nay Hồng Kông cũng chẳng khác gì các thành phố khác của Trung Quốc. 

Thâm Quyến đã chuyển mình thành công thành một trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu lớn của Trung Quốc. Cùng lúc đó, Thâm Quyến cũng nổi lên trong vai trò của một trung tâm công nghệ.

Trong khi đó, một Hồng Kông vẫn đi theo lối phát triển cũ dựa vào ngành ngân hàng, bất động sản và dịch vụ đã không thể tạo được đột phá nào thực sự lớn. Tất nhiên sẽ là sai lầm nếu khẳng định rằng Hồng Kông đã không có thành tựu gì. 

20 năm qua, kinh tế Hồng Kông tăng trưởng cao nhờ những đồng đôla và tiền vốn rót vào bất động sản của nhà đầu tư Trung Quốc. Ngoài ra, Hồng Kông cũng được coi như kênh dẫn vốn quan trọng trong sự phát triển của Trung Quốc.

Trong con mắt của người Trung Quốc, Hồng Kông sẽ dần trở nên bình thường hơn, Hồng Kông sẽ chỉ còn như một thành phố vệ tinh của thành phố Thâm Quyến, được nối với Thâm Quyến bằng những cây cầu, đường hầm, đường sắt tốc độ cao chạy quanh khu vực đồng bằng sông Châu. (bizlive)
-----------------------

Nhiều “đại gia ôtô” Hàn Quốc đối mặt với khó khăn tại Trung Quốc

Căng thẳng ngoại giao giữa Hàn Quốc và Trung Quốc liên quan tới việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc và nhu cầu suy yếu ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, được xem là nguyên nhân đẩy hoạt động kinh doanh của một số hãng sản xuất ôtô của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á vào cảnh khó khăn. 

Nhiều “đại gia ôtô” Hàn Quốc đối mặt với khó khăn tại Trung Quốc

Dây chuyền sản xuất xe ôtô tại nhà máy của Hyundai ở Thương Châu, Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc. Nguồn: AFP/TTXVN

Hyundai Motor Co. mới đây thông báo doanh số bán xe trong tháng Sáu của hãng đã giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 376.109 chiếc, trong đó, doanh số bán ôtô trong nước giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 69.970 chiếc xuống 61.837 chiếc. 

Số lượng ôtô bán ra thị trường nước ngoài cũng giảm 16% trong thời gian này, từ mức 375.051 chiếc xuống 314.272 chiếc. 

Trong thời gian từ tháng 1-5/2017, Hyundai đã chứng kiến doanh số bán hàng tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới là Trung Quốc giảm 37% xuống còn 266.228 chiếc. 

Còn trong nửa đầu năm 2017, Hyundai đã bán được tổng cộng 2,198 triệu chiếc, giảm 8,2% so với con số 2,394 triệu chiếc trong cùng kỳ năm ngoái. 

Kia Motors Corp. cũng thông báo doanh số bán xe của hãng trong tháng Sáu đã giảm 13% so với cùng kỳ năm trước xuống 232.370 chiếc. 

Doanh số bán xe trong nước giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 52.506 chiếc trong tháng Năm xuống 47.015 trong tháng Sáu và số lượng xe bán ra thị trường nước ngoài giảm 14% xuống 185.355 chiếc. 

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số xe bán được của Kia đã giảm 9,4% xuống 1,32 triệu chiếc. Do ảnh hưởng từ THAAD, số lượng xe tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc đã giảm 54% xuống 110.667 chiếc trong thời gian từ tháng 1-5/2017. 

Trong một diễn biến có liên quan, GM Korea Co., chi nhánh Hàn Quốc của General Motors Co., cho biết doanh số bán xe của họ trong tháng Sáu đã giảm 21% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu trong nước yếu. 

GM Korea đã bán được tổng cộng 43.692 chiếc trong tháng Sáu, giảm so với mức 55.077 chiếc ghi nhận được trong cùng kỳ năm trước, chủ yếu là ở các dòng xe Malibu, Impala và dòng sedan cỡ lớn Alpheon. 

Trong thời gian tháng 1-6/2017, GM Korea đã chứng kiến doanh số bán giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 307.512 chiếc xuống 278.998 chiếc. 

Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp nhằm trả đũa việc triển khai THAAD như ngừng cung cấp các gói du lịch tới Hàn Quốc và các hàng hóa sản xuất khác.(Vietnam+)
---------------------

Sáu tháng, hơn 2 tỷ USD kiều hối về TP HCM

Lượng kiều hối chuyển về TP HCM qua các kênh chính thức đạt 2,1 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM - Nguyễn Hoàng Minh, lượng kiều hối chuyển về Thành phố vẫn chủ yếu từ thị trường Mỹ (chiếm 60%) và châu Âu (khoảng 19%).

"Phần lớn kiều hối chuyển về được người dân sử dụng vào sản xuất kinh doanh, đầu tư chứ không cất giữ, chi tiêu hay tập trung vào đầu tư bất động sản, chứng khoán như trước đây", Phó giám đốc Nguyễn Hoàng Minh cho biết.

Kiều hối thường phụ thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô, tình hình của người lao động ở nước ngoài, các dịch vụ thu hút kiều hối... Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định và sức ép tăng tỷ giá do tâm lý thị trường bị loại bỏ chính là nguyên nhân lớn khiến người nhận kiều hối dần chuyển từ ngoại tệ sang nắm giữ tiền đồng.

Nhờ đó, tỷ giá USD/VND từ đầu năm đến nay khá ổn định dù thị trường thế giới biến động mạnh. Đến 9h sáng, mỗi USD được các ngân hàng niêm yết quanh 22.710 - 22.780 đồng, nhích nhẹ 5 đồng so với hôm qua. 

Với tình hình kinh tế của TP HCM phục hồi khá mạnh so với mặt bằng chung của cả nước, ông Minh dự báo lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn trong năm 2017 sẽ khả quan.(Vnexpress)
---------------------------

TPHCM kiến nghị cho HFIC đầu tư Trung tâm tài chính tại Thủ Thiêm

nguon anh: phoi canh mot phan thu thiem, nguon: fica

Nguồn ảnh: Phối cảnh một phần Thủ Thiêm, nguồn: Fica

Dự án dự kiến được xây dựng từ 20 đến 50 tầng với tổng diện tích sàn khoảng 220.000m2 và tổng mức đầu tư khoảng 4.898 tỷ đồng.

Ủy ban nhân dân (UBND) TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận lựa chọn Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) làm nhà đầu tư dự án Trung tâm tài chính TPHCM.

HFIC là doanh nghiệp đặc thù 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND Thành phố.

Dự án Trung tâm tài chính TPHCM nằm tại hai lô đất số 1-7 và 1-11 thuộc khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). TPHCM kiến nghị cho phép HFIC thuê hai lô đất này không qua đấu giá để thực hiện đầu tư dự án nêu trên.

Dự án dự kiến được xây dựng từ 20 đến 50 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 220.000m2 và tổng mức đầu tư khoảng 4.898 tỷ đồng. Thời gian xây dựng dự án dự kiến từ năm 2018 đến năm 2021.

Theo UBND TPHCM, dự án này sẽ là nơi hội tụ, tạo điều kiện mời gọi, thu hút các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư trong và ngoài nước, cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới mở văn phòng hoạt động, qua đó khơi thông dòng vốn từ nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam; tạo tiền đề cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của TPHCM, cả nước và khu vực. 

Ngoài ra, Trung tâm tài chính sẽ là công cụ tài chính chủ lực của TPHCM trong việc huy động các nguồn vốn trung, dài hạn trong và ngoài nước để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn nguồn chi cho đầu tư của Thành phố ngày càng khó khăn.

Ngoài ra, UBND TPHCM cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thi Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Trong dự án này, đối tác nước ngoài trong Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC (Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) đã không tiếp tục tham gia đầu tư dự án.(NCĐT)

Trở về

Bài cùng chuyên mục