tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 08-07-2017

  • Cập nhật : 08/07/2017

Lê Thanh Thản - từ ông trùm nhà giá rẻ đến những dự án tai tiếng

Sở hữu chuỗi khách sạn 3-5 sao ở hàng chục tỉnh, thành, nhưng chỉ đến khi triển khai các dự án nhà ở tại Hà Nội thì tên tuổi của Tập đoàn Mường Thanh - do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch mới thực sự được chú ý. Năm 2012, tên tuổi Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) được biết đến khi mở bán chung cư Đại Thanh chỉ 10 triệu đồng một m2. Với mức giá sốc này, lần đầu tiên ở Hà Nội có một dự án nhà thương mại giá dưới 500 triệu đồng, bằng một phần ba giá của dự án có vị trí tương đương. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn mở bán, hàng nghìn căn hộ tại dự án Đại Thanh giao dịch thành công. 

nguoi mua nha tung phai chiu khoan chenh 3-5 trieu dong moi m2 khi mua nha gia re cua doanh nghiep tu nhan so 1 dien bien, do ong le thanh than lam chu tich. anh: ba do

Người mua nhà từng phải chịu khoản chênh 3-5 triệu đồng mỗi m2 khi mua nhà giá rẻ của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên, do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch. Ảnh: Bá Đô

Không lâu sau đó, mặc cho những đồn đoán về khó khăn tài chính, công ty của ông Lê Thanh Thản liên tục mua lại nhiều dự án chậm tiến độ và triển khai một loạt dự án nhà giá rẻ với mức giá gốc chỉ trên dưới 15 triệu đồng mỗi m2 quanh khu vực Linh Đàm, vành đai 3. Mỗi lần ông Thản cho ra sản phẩm mới lại tạo nên những cơn sốt giao dịch.

Nhiều sàn bất động sản, môi giới "sống khỏe" nhờ vào các dự án chung cư của ông Thản. Dù được coi là nhà giá rẻ, người mua không thể tiếp cận giá gốc của chủ đầu tư mà phải thông qua các sàn trung gian và chịu thêm giá chênh từ 2 đến 5 triệu đồng mỗi m2. Không ít nhà đầu tư đã giàu lên nhờ đầu tư vào những dự án của ông Thản và thu chênh lệch 100-300 triệu đồng chỉ sau vài tuần đến vài tháng.

Trong bối cảnh không ít đại gia bất động sản sa lầy với hàng loạt dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư, nhà thầu mắc kẹt giữa tiền vay ngân hàng, tiền trả nhân công, tiền mua vật liệu…, việc bán hàng "thần tốc" với hàng nghìn căn hộ trong thời gian ngắn của Điện Biên trở thành "hiện tượng" trên thị trường.

Nhiều chuyên gia từng cho rằng, doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản đã mở ra một trào lưu, hướng đi mới nhằm giải quyết bế tắc cho các chủ đầu tư trong giai đoạn thị trường khủng hoảng. Không ít chủ đầu tư sau đó cũng chuyển hướng sang phân khúc này để tìm ra lối thoát. 

Thời điểm đó, ông Thản tiết lộ với VnExpress, bí quyết để bán nhà thấp hơn thị trường nhưng vẫn có lãi là ở chỗ quản lý chặt chẽ vật tư và hạn chế các khâu không cần thiết. Thay bằng việc thuê đơn vị thiết kế hàng chục tỷ đồng thì đơn vị này tự làm để tiết giảm chi phí. Lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp cũng chỉ đạo trực tiếp quá trình thi công dự án. Ngoài ra, đơn vị này tự sản xuất một số vật liệu để kiểm soát được chất lượng và giá thành.

Đặc biệt, một trong những kinh nghiệm mà ông Thản cho rằng quan trọng là không sử dụng đòn bẩy tài chính, không vay vốn ngân hàng để triển khai dự án để không chịu áp lực trả lãi, giá bán không bị đội quá cao. Cùng với đó, tiến độ xây dựng luôn được thúc nhanh để tiết giảm chi phí, nhanh thu tiền của người mua nhà. Nhờ giá bán rẻ, tiến độ xây dựng nhanh nên “chung cư ông Thản” đã trở thành lựa chọn của nhiều gia đình trẻ. 

Tuy nhiên, việc triển khai ồ ạt dự án có quy mô lớn cùng với chiến lược tiết kiệm, cắt giảm chi phí để cạnh tranh về giá thành cũng khiến chủ đầu tư này đối mặt với không ít thách thức khi một loạt sự cố xảy ra tại các dự án khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị khởi tố do có dấu hiệu trốn thuế, vi phạm quy định về quản lý nhà ở tại 12 dự án tại Hà Nội. 

Trước khi cơ quan quản lý đi đến xem xét quyết định này, tại các dự án do Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên đã nhiều lần xảy ra sự cố nghiêm trọng về cháy nổ, tình trạng xây vượt tầng, xây dựng không đúng quy hoạch, sập giàn giáo công trình… Ở những dự án đã đưa vào vận hành thì bên cạnh câu chuyện chất lượng công trình còn xảy ra tình trạng quá tải về hạ tầng tiện ích do lượng cư dân sinh sống vượt xa so với quy hoạch ban đầu. Những sự cố mang tính dây chuyền tại nhiều dự án khiến từ cuối năm 2015, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định dừng cấp phép dự án mới của chủ đầu tư này. 

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản chia sẻ, với cách làm của ông Lê Thanh Thản, nếu là một dự án quy mô nhỏ thì có thể làm được. Tuy nhiên, với những công trình quy mô hàng chục tầng với cả nghìn căn hộ và tâm lý thúc tiến độ càng nhanh càng tốt thì dễ dẫn tới tình trạng "vỡ trận" khi không kiểm soát được chất lượng công trình.

"Đó là chưa kể, có thời điểm chủ đầu tư này triển khai nhiều dự án lớn cùng lúc, nếu vẫn giữ quan điểm tiết kiệm chi phí không đúng cách thì việc không đảm bảo chất lượng dự án là hoàn toàn có thể xảy ra", vị này nói. 

Bên cạnh câu chuyện chất lượng công trình do những sự cố liên tiếp, sự quá tải về hạ tầng khiến "chung cư ông Thản" giờ không chỉ là nỗi ám ảnh của người mua nhà mà còn cả đối với cơ quan quản lý, chính quyền địa phương. Giống như lời lãnh đạo một phường - nơi có dự án của ông Thản cho hay, tính riêng dân số 12 tòa nhà đã bằng cả một phường trước đây. Điều đó gây áp lực không nhỏ về trường học, bệnh viện, không gian sinh hoạt cộng đồng, nơi đỗ xe...(Vnexpress)
--------------------

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Châu trong ASEAN

Ngày 4/7, Trưởng phòng Tổng hợp thuộc Ủy ban Thương vụ thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, ông La Chính khẳng định Việt Nam đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Quảng Châu trong khu vực ASEAN.

 

ong la chinh - truong phong tong hop thuoc uy ban thuong vu quang chau - tra loi phong van.

Ông La Chính - Trưởng phòng Tổng hợp thuộc Uỷ ban Thương vụ Quảng Châu - trả lời phỏng vấn.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Quảng Châu, trong buổi giới thiệu tình hình thành phố Quảng Châu với các nhà báo châu Á, ông La Chính cho biết trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố Quảng Châu với Việt Nam đã đạt 2,8 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2015. 

Trong đó, Quảng Châu đã xuất khẩu sang Việt Nam 1,83 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm trước, trong khi thành phố này đã nhập khẩu từ Việt Nam 970 triệu USD, tăng 6,5%. 

Trong năm 2016, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Quảng Châu trong khu vực ASEAN, chỉ đứng sau kim ngạch thương mại Malaysia (3,48 tỷ USD). 

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ tháng 1-5/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Quảng Châu với Việt Nam đã đạt tới 1,83 tỷ USD, tăng 82,2% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD (tăng 117,4%) và nhập khẩu đạt 430 triệu USD (tăng 19,2%). 

Như vậy, trong giai đoạn trên, Việt Nam đã vượt Malaysia để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Châu trong khu vực ASEAN. 

can bo thanh pho quang chau giao luu voi cac nha bao chau a.

Cán bộ thành phố Quảng Châu giao lưu với các nhà báo châu Á.

 

Ngoài ra, ông La Chính còn cho biết thêm trong năm 2016, Quảng Châu đã đầu tư xây dựng 4 doanh nghiệp mới tại Việt Nam đã thành lập 4 doanh nghiệp mới, nâng tổng mức đầu tư theo hợp đồng của Trung Quốc lên tới 10,82 triệu USD. 

Còn tính đến tháng 5/2017, thành phố Quảng Châu đã đầu tư thành lập 21 doanh nghiệp mới, nâng tổng mức đầu tư theo hợp đồng của Trung Quốc lên tới 49,95 triệu USD.

Cũng trong năm 2016, Việt Nam đã đầu tư xây dựng thành lập 2 doanh nghiệp mới tại Quảng Châu với tổng mức đầu tư nước ngoài theo hợp đồng lên tới 210.000 USD. 

Và tính đến tháng 5/2017, Việt Nam đã đầu tư xây dựng 9 doanh nghiệp tại Quảng Châu, nâng tổng mức đầu tư nước ngoài theo hợp của Việt Nam lên tới 6,48 triệu USD.       

Ông La Chính khẳng định những năm gần đây thành phố Quảng Châu nói riêng và tỉnh Quảng Đông nói chung đã hợp tác chặt chẽ với các thành phố, các hiệp hội doanh nghiệp cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam, qua đó tích cực xây dựng nền tảng cho trao đổi thương mại và hợp tác giữa hai bên.(TTXVN)
------------------

PVFCCo nằm trong Top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - DPM) vừa được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn vào Top 40 thương hiệu công ty có giá trị nhất Việt Nam trong năm thứ hai liên tiếp.Cụ thể, theo kết quả công bố ngày 3-07-2017, PVFCCo xếp hạng ở vị trí thứ 33 với sự tăng trưởng của giá trị thương hiệu từ 27 triệu USD (năm 2016) lên 27,8 triệu USD (năm 2017) và là đại diện duy nhất trong ngành phân bón.

ba con nong dan tin dung thuong hieu phan bon dam phu my cua pvfcco - anh v.thy

Bà con nông dân tin dùng thương hiệu phân bón Đạm Phú Mỹ của PVFCCo - Ảnh V.Thy

Ông Dương Trí Hội, Phó Tổng giám đốc PVFCCo, chia sẻ rằng cùng thời điểm đón nhận danh hiệu này Nhà máy Đạm Phú Mỹ chuẩn bị đạt mốc sản xuất tấn Đạm Phú Mỹ thứ 10 triệu và đang triển khai chương trình “Đạm Phú Mỹ - Triệu tình thương” trên toàn quốc.

Điều này, theo ông Hội, càng nhân thêm niềm vui cho tập thể cán bộ công nhân viên PVFCCo tiếp tục cố gắng trong việc hoàn thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn nữa.

"Đây là kết quả nỗ lực không ngừng của tập thể công ty để giữ vững và nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu trong tâm trí cả khách hàng và bà con nông dân", ông Hội nói.

Đây cũng là lần thứ hai Forbes Việt Nam thực hiện danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất tại Việt Nam với tổng giá trị thương hiệu đạt hơn 5,4 tỉ USD.  (Tuoitre)
-------------------------------

Xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh, cá tra vẫn gặp khó

Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng 14,6%, tương đương 3,6 tỉ USD. Đáng chú ý là sản phẩm tôm tăng trưởng mạnh trong quý 2 trong khi cá tra vẫn gặp khó.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý 1, kim ngạch xuất khẩu tôm giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước do gặp khó về nguyên liệu và thị trường đầu ra. Về thị trường, lệnh cấm nhập khẩu tôm của Úc cũng khiến nhiều doanh nghiệp lao đao trong những tháng đầu năm.

Tuy nhiên từ đầu quý 2, việc xuất khẩu tôm dần phục hồi và kim ngạch xuất khẩu quý 2 tăng trên 30% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng mạnh của quý 2 đã giúp tổng kim ngạch xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm đạt 1,35 tỉ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân một phần là do Úc từng bước nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu tôm. Bên cạnh đó nguồn cung tôm của một số nước xuất khẩu khác giảm đã tạo cơ hội cho con tôm Việt Nam.

Trong khi đó, một sản phẩm chủ lực khác của ngành thủy sản Việt Nam là cá tra thì vẫn gặp rất nhiều khó khăn với tốc độ tăng trưởng chưa đến 3% trong 6 tháng đầu năm 2017, tương đương giá trị 790 triệu USD.

“Nguyên nhân là do gặp phải chiến dịch truyền thông bôi bẩn ở các nước châu Âu. Kế đến là Mỹ vẫn tiếp tục áp thuế chống bán phá giá và sẽ áp dụng chế độ kiểm soát nghiêm ngặt đối với cá tra từ ngày 1.9.2017. Đây là 2 thị trường chính của cá tra Việt Nam”, VASEP cho biết.(Thanhnien)
-------------------------

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục