tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 07-07-2017

  • Cập nhật : 07/07/2017

Giành giật khốc liệt 'miếng bánh' căn hộ cao cấp

Trong báo cáo tổng kết thị trường bất động sản trong 3 tháng vừa qua do công ty bất động sản Danh Khôi Á châu (DKRA) công bố cho thấy: Thị trường căn hộ cao cấp trong những năm gần đây ghi nhận sự xuất hiện ấn tượng của nhiều chủ đầu tư Việt Nam. Trước đây, phân khúc cao cấp hầu hết chỉ tập trung ở các chủ đầu tư ngoại.

Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA nhận định: "Trong sân chơi có phần khốc liệt này, chủ đầu tư Việt Nam đang cố gắng tìm ra nhiều hướng đi sáng tạo về chất lượng, thiết kế để cạnh tranh với chủ đầu tư ngoại. Có nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã mạnh dạn ghi dấu ấn với một số công trình đạt chất lượng cao, không thua kém nhà đầu tư ngoại. Sân chơi nội – ngoại dự báo sẽ còn kéo dài và đây là sự rượt đuổi công bằng trong câu chuyện niềm tin và tín nhiệm của khách hàng.

Nếu ở quý 1 phân khúc căn hộ cao cấp giảm nhiệt thì sang đến quý 2, phân khúc này đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ và có sự phân biệt rõ rệt của 2 top chủ đầu tư nội và ngoại.

Giành giật khốc liệt 'miếng bánh' căn hộ cao cấp  - ảnh 1
Càng có sự cạnh tranh gay gắt, khách hàng sẽ càng được hưởng lợi nhiều nhất

Với kinh nghiệm phát triển và sự có mặt sớm tại Việt Nam, các Chủ đầu tư nước ngoài được biết đến như Phú Mỹ Hưng (Đài Loan), Capitaland, Keppel Land (Singapore). Tuy nhiên thời gian 10 năm trở lại đây các Chủ đầu tư loại hình căn hộ cao cấp của Việt Nam được thị trường chú ý như Vingroup, Novaland, Đại Quang Minh, Trung Thủy Group, Sơn Kim Land…

Trong số những doanh nghiệp ngoại, thì những dự án của các chủ đầu tư đến từ Singapore luôn là mục tiêu tìm đến của khách hàng cao cấp. Bởi lẽ đây họ có thế mạnh vượt trội về kinh nghiệm phát triển, nguồn vốn phát triển dự án, chất lượng sản phẩm (thiết kế, quy mô, tiện ích…), uy tín trong quá trình xây dựng/bàn giao, quản lý… Không chỉ vậy, đặc biệt với trình độ phát triển vượt trội, Singapore còn là tiêu chuẩn cho việc khẳng định sự cao cấp.

"Tuy nhiên nhiều chủ đầu tư Việt Nam cũng có những thế mạnh mà nhà đầu tư ngoại khó cạnh tranh như nguồn quỹ đất, vị trí dự án hấp dẫn, sự thấu hiểu nhu cầu và thói quen của khách hàng Việt Nam nên thường có những chính sách bán hàng hấp dẫn, đưa ra những sản phẩm đúng nhu cầu… Với những thế mạnh riêng của mình, các chủ đầu tư Nội – Ngoại đang nỗ lực để đáp ứng hơn nữa và kéo khách hàng về mình nhiều hơn", ông Lâm nhấn mạnh.

Trong sáu tháng đầu năm 2017, nguồn cung và tiêu thụ căn hộ cao cấp của các doanh nghiệp nội – ngoại đang bám đuổi sát nhau và sự chênh lệch gần như không đáng kể. Cụ thể, nguồn cung chủ đầu tư trong nước tung ra thị trường 1.783 căn, trong đó lượng tiêu thụ đạt 1.612 căn. Trong khi nguồn cung đến từ chủ đầu tư ngoại là 1.782 căn với lượng tiêu thụ cũng khá sít sao là 1.458 căn.

Riêng đối với khách hàng, khi tìm đến sản phẩm của những ông "trùm" bất động sản trong hay ngoài nước thì họ đều có mục đích, tiêu chí rõ ràng mà nó phù hợp với điều kiện/loại hình/thế mạnh của từng chủ đầu tư.

"Sự cạnh tranh và bám đuổi luôn tạo ra sự nỗ lực và cải thiện không ngừng về cả chất lượng, thiết kế, chính sách bán hàng… Trong cuộc chơi này, khách hàng là người hưởng lợi lớn nhất", lãnh đạo DKRA khẳng định.(PLO)
---------------------------

EU kêu gọi thúc đẩy thương mại đa phương mở rộng dựa trên các quy tắc công bằng

Việc thúc đẩy một hệ thống thương mại đa phương mở rộng dựa trên các quy tắc công bằng, cũng như vấn đề toàn cầu hóa, cần là những ưu tiên trong chương trình nghị sự của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: AFP/ TTXVN

Đây là tuyên bố các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg , Đức, trong hai ngày 7-8/7.
  
Trong tuyên bố chung dài 3 trang, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nêu rõ vai trò và trách nhiệm quốc tế của EU trong thời điểm "rối ren" đang ngày càng gia tăng. Hơn bao giờ hết, EU đã trở thành điểm tham chiếu toàn cầu cho các nỗ lực hỗ trợ thương mại tự do và công bằng, hoặc các hành động cụ thể đối phó với các thách thức toàn cầu.
   
Tuyên bố chung nhấn mạnh các quan ngại về tình trạng mất việc làm và sự xói mòn các tiêu chuẩn do thương mại sẽ là ưu tiên trong chương trình nghị sự của G20. Các vấn đề này cần được giải quyết không phải bằng cách lập các rào cản bảo hộ, mà bằng cách làm cho thương mại và đầu tư trở nên tự do và công bằng. Các nhà lãnh đạo EU tuyên bố sẽ ủng hộ một loạt hành động tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới.

Theo ông Donald Tusk và Jean-Claude Juncker, G20 cần tuân thủ các cam kết bảo hộ và tăng cường hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các quan chức EU khẳng định sẽ thúc giục các nước thành viên G20 đóng góp vào những kết quả cụ thể tại Hội nghị bộ trưởng WTO diễn ra tại Buenos Aires vào tháng 12 tới, và thực thi các quy tắc đã được nhất trí.

Hai nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh các trách nhiệm của khu vực tư nhân trong việc giải quyết các mối quan ngại về toàn cầu hóa,  đồng thời hoan nghênh các nỗ lực hợp tác nhằm cải thiện các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và lao động trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Được thành lập vào năm 1999, G20 là diễn đàn hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính và hiện chiếm hơn 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên thế giới và 75% thương mại toàn cầu. G20 bao gồm 19 quốc gia thành viên và EU.(TTXVN)
-----------------------------

Thủ tướng: Cho phép tập đoàn BMW tiếp cận số ô tô trị giá 15 triệu euro, nhưng phải thay đại lý tại Việt Nam

Tập đoàn BWM có thể tiếp cận ngay được số ô tô đang được giữ tại cảng ở TP HCM để bảo dưỡng nhưng cũng đồng thời phải thay đại lý ở Việt Nam vì doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật.

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tập đoàn BMW khi làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu của Đức vào sáng nay (6/7).

Trong buổi gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Karsten Engel TGĐ phụ trách ASEAN, Tập đoàn BMW bày tỏ: “Chúng tôi muốn sản xuất linh kiện ô tô ở Việt nam và sử dụng phần mềm do người Việt Nam sản xuất cho ô tô của chúng tôi trên toàn thế giới”.

 

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết họ đã đang không xuất khẩu vào Việt Nam từ 7 tháng nay và 700 ô tô trị giá 15 triệu euro đang bị giữ ở cảng.

“Chúng tôi muốn vụ này sớm được giải quyết để số ô tô này không phải bị huỷ”, ông Karsten Engel nhấn mạnh.

Trả lời, Thủ tướng cho biết lô xe này khi vào Việt Nam thuế đã được tính thấp hơn giá trị rất nhiều. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện một số giấy tờ giả trong quá trình nhập cảng.

“Môi trường đầu tư như vậy chúng ta không đồng tình”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định vụ việc không phải do Tập đoàn BMW tại Đức mà là do 1 số người ở đại lý ở Việt Nam.

“Cho nên việc thay đại lý là cần thiết” Thủ tướng nói, “Chúng tôi sẽ điều tra xử lý nghiêm để bảo vệ môi trường tốt cho các nhà đầu tư khác, đảm bảo quyền lợi. Đồng thời tôi sẽ yêu cầu Hải quan cho phép Tập đoàn vào bảo dưỡng thiết bị, để số ô tô còn lại trị giá 15 triệu euro không hư hỏng”.

Thủ tướng cũng cho biết, việc này sẽ có hiệu lực ngay lập tức. “Còn vụ việc này tính sau, giải quyết trên cơ sở bảo đảm quyền lợi cho người cung cấp”, ông nói.

Trên thực tế, vụ việc của BMW bắt đầu từ ngày 30/11 khi Bộ Tài chính đã có văn bản hỏa tốc, yêu cầu Tổng cục Hải quan ngừng thông quan toàn bộ số xe BMW hàng nhập khẩu của CTCP ô tô Âu Châu Euro Auro.

Lý do Bộ Tài chính đưa ra là bởi công ty này đã có một loạt vi phạm như tự ý tiêu thụ hàng hóa khi chưa được cơ quan Hải quan địa phương cho thông quan trong thời gian được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định.

Công ty này đã không cung cấp được Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của ô tô BMW từ công ty nhập khẩu, có dấu hiệu gian lận, lừa dối khách hàng.

Đặc biệt, Euro Auto được xác định đã sử dụng tài liệu giả như hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại... để nhập khẩu lô xe BMW nói trên.(CafeF)
---------------------------

Nguy cơ mất thị trường tôm 800 triệu USD

Chiều 5-7, tại hội nghị triển khai xây dựng chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu do Cục Thú y tổ chức ở TP HCM, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết xuất khẩu tôm đang gặp nhiều khó khăn do hàng rào kỹ thuật về bệnh dịch, tồn dư kháng sinh.

Vừa qua, 6 thị trường: Úc, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi, Trung Quốc, Brazil, Mexico đã yêu cầu các lô hàng tôm của Việt Nam phải xuất phát từ cơ sở an toàn dịch bệnh; nếu không, từng lô phải có chứng nhận sạch bệnh đối với sản phẩm tôm chưa nấu chín. Những thị trường này chiếm hơn 25% tỉ trọng xuất khẩu tôm của Việt Nam, tương đương 800 triệu USD/năm.

Theo Cục Thú y, đơn vị này đã nhiều lần cảnh báo về các quy định từ phía nước ngoài để phối hợp ứng phó nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn khá thờ ơ. Ngay như hội nghị này, Cục Thú y mời gần 40 DN để triển khai nhưng chỉ có 3 DN tham dự.


Xuất khẩu tôm đối mặt nhiều quy định nghiêm ngặt về an toàn dịch bệnh Ảnh: Ngọc Trinh


Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cộng đồng DN chế biến hết sức lo lắng trước những quy định trên vì các chỉ tiêu về dịch bệnh thuộc khâu nuôi. Các chỉ tiêu này rất khó kiểm soát vì nếu khâu nuôi không dùng kháng sinh sẽ không loại bỏ được mầm bệnh có ở khắp nơi.

Với Hàn Quốc, thị trường liên tục tăng trưởng 10 năm qua, đạt kim ngạch 300 triệu USD/năm nhưng đến ngày 1-4-2018 sẽ áp dụng quy định mới về chứng nhận sạch bệnh thì nguy cơ mất thị trường này là rất cao. Với thị trường Úc, xuất khẩu tôm đạt 80 triệu USD/năm nhưng những tháng đầu năm sụt giảm đến 50% do hàng rào kỹ thuật.

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Úc, cho biết tỉ lệ nuôi tôm thành công tại Việt Nam rất thấp, chỉ 25%-30%, do các hộ nuôi có trình độ thấp. Tôm Việt Nam trước giờ cạnh tranh được là nhờ giá thấp nhưng những quy định mới dù giá thấp cũng không bán được nên buộc phải thay đổi.

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Thú y thủy sản - Cục Thú y, cho biết đã khởi động việc ứng phó với các quy định mới của nước ngoài từ năm 2014 nhưng không được DN hưởng ứng. Hiện tại, chỉ mới có Công ty Việt Úc và Công ty Huy Long An tham gia xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Trong đó, Công ty Việt Úc đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí để được ngành thú y công nhận. Theo quy trình, phía nhập khẩu phải đến tái kiểm tra và mất nhiều thời gian cho các thủ tục để được thế giới công nhận an toàn dịch bệnh.

Theo ông Long, người nuôi cũng như DN chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Do đó, nếu tiếp tục duy trì cách sản xuất như hiện nay, con tôm dễ lâm vào tình cảnh phải "giải cứu". Trung Quốc không phải là thị trường dễ tính đối với tôm nhập khẩu chính ngạch. Do đó, nếu ngành tôm trông chờ vào xuất tiểu ngạch thì nên nhìn vào bài học của con heo vừa qua.(NLĐ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục