tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 01-01-2018

  • Cập nhật : 01/01/2018

Bán vốn Nhà nước, cần ưu tiên doanh nghiệp nội

GS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng: Sang năm 2018, cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá nhà nước. Trong đó việc bán vốn DNNN cần ưu tiên cho doanh nghiệp Việt thay vì để nhà đầu tư ngoại chiếm lĩnh.

Nhìn lại năm 2017, một trong những điểm nổi bật, có ý nghĩa đối với nền kinh tế đó là việc tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,81%. Không chỉ là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua của Việt Nam, GDP năm 2017 còn ấn tượng bởi sự bứt phát ngoạn mục.

​​​​Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, GS. TSKH. Võ Đại Lược cho biết đây quả là kết quả hết sức bất ngờ. Nếu hồi đầu năm 2017, sau khi công bố mức tăng trưởng 5,15% trong quý I, không ít nhận định cho rằng mục tiêu 6,7% là khó khả thi.

gs. tskh. vo dai luoc, nguyen vien truong vien kinh te va chinh tri the gioi

GS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

GS. TSKH. Võ Đại Lược nói:

Năm 2017, kinh tế thế giới có sự phục hồi tốt nhưng vẫn chậm trễ. Trong khi đó tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở đạt được tốc độ có thể nói rất cao. Việt Nam là nước có môi trường đầu tư tốt, kinh tế vĩ mô ổn định. Minh chứng là số vốn FDI vào Việt Nam tăng kỷ lục.

Trong năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới tại Việt Nam tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta là 35,88 tỷ USD (tăng 44,4% so với năm 2016), giải ngân đạt mức kỷ lục 16 tỷ USD.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, nền kinh tế tăng trưởng cao những vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào FDI. Thống kê cho thấy, FDI chiếm tới hơn 72% tổng giá trị xuất khẩu, hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp. Tăng trưởng FDI chi phối tăng trưởng quốc gia, trong khi đó giá trị gia tăng họ mang về nước họ.

Việc tái cơ cấu nền kinh tế năm qua, trong đó 3 trụ cột là tái cơ cấu DNNN, ngân hàng, đầu tư công vẫn còn chưa được như kỳ vọng. Nếu cổ phần hóa không cẩn thận thì các doanh nghiệp nước ngoài chiếm hết, họ nắm quyền chi phối và rồi doanh nghiệp Việt vốn đã yếu thế lại càng yếu hơn.

Chủ trương của Chính phủ đó Nhà nước không đi bán bia, bán sữa là rất đúng. Nhưng trong cổ phần hóa có một vấn đề rất lớn đó là nhiều khi người ta nhắm vào giá trị đất đai chứ không phải giá trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Hiện nay chúng ta mới chỉ có nghị định, trước nhiều vấn đề phức tạp của tiến trình cổ phần hóa tôi cho rằng cần phải có luật riêng để đảm bảo tối đa lợi ích của nhà nước trong việc bán vốn.

Trong khi đó, nợ công mặc dù Bộ Tài chính khẳng định đã đỡ áp lực và có xu hướng giảm nhưng tôi cho rằng đây vẫn là vấn đề rất thách thức trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Nếu nợ công tiếp tục cao, chạm ngưỡng cho phép thì nền kinh tế khó có thể tăng trưởng tốt, bền vững. Bởi chỉ tính riêng tiền lãi vay đã lớn rồi. Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam chi hơn 238 nghìn tỷ trả nợ gốc và lãi vay năm 2017, trong đó chi trả nợ lãi 91 nghìn tỷ đồng.

Nợ công thì chưa kiểm soát được, nợ xấu thì vẫn còn là ẩn số. Nó đang được xử lý như thế nào, con số thực chất là bao nhiêu. Đó vẫn là câu hỏi mà chưa có lời giải đáp tin cậy. Khi nợ xấu cao thì lãi suất cho vay khó có thể giảm. Lãi suất cứ tiếp tục cao thế này thì doanh nghiệp lấy sức đâu cạnh tranh.

Nếu đi sâu vào các căn bản, khía cạnh của nền kinh tế sẽ thấy còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đầu tư công kém hiệu quả, vốn giải ngân rất thấp; đã kém hiệu quả lại còn chậm trễ mà giải ngân càng chậm thì chịu lãi càng cao.

Ông vừa có nhắc tới cổ phần hoá. Cuối năm 2017, thị trường chứng kiến thương vụ thoái vốn có thể nói là đình đám nhất trong lịch sử, đó là thương vụ Sabeco. Ông đánh giá như thế nào về thương vụ này, qua đó có thể rút được kinh nghiệm gì?

Nếu cổ phần hóa mà để nước ngoài nắm quyền chi phối thì tôi cho rằng cần lo nhiều hơn mừng. Mừng vì chúng ta bán thành công và thu được về lượng tiền lớn cho vào ngân sách, nhưng lo là doanh nghiệp nước ngoài làm chủ thì thương hiệu Việt Nam sẽ như thế nào. Trong khi đó, FDI đã chi phối tới nền kinh tế rất lớn rồi.

Do vậy tôi cho rằng khi cổ phần DNNN cần ưu tiên trước hết cho các doanh nghiệp Việt, để doanh nghiệp Việt được làm chủ. Phải ưu tiên cho doanh nghiệp Việt chứ. Lúc đầu có thể họ chưa mạnh, nhưng sau đó họ sẽ mạnh. Chúng ta có thể ưu đãi về giá. Đáng bán DNNN đó 4.000 tỷ nhưng DN trong nước thì chỉ cần 3.500 tỷ thôi.

Tất nhiên phải có những tiêu chuẩn, điều kiện chứ không phải ai cũng được. Sau này những cái doanh nghiệp mang về lớn hơn rất nhiều. Điều này tôi nghĩ cũng chính là thực hiện chủ trương lấy doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Trước đây rất nhiều xí nghiệp quốc doanh ở Đông Đức họ chỉ bán giá 1 USD thôi. Tôi có hỏi tại sao các ông lại bán như cho không vậy thì các vị này có nói: Quan trọng là chúng tôi tìm được những quản lý giỏi. Năm nay có thể chỉ bán 1 USD nhưng năm sau nộp về ngân sách cả 1 triệu USD.

Do vậy tôi cho rằng cổ phần hóa phải theo hướng ưu tiên doanh nghiệp trong nước. Thứ hai, cổ phần hóa phải trên mức 50%. Nếu cổ phần hóa dưới mức này thì Nhà nước vẫn nắm quyền quyết định, trong khi đó lại thu hút thêm được vốn tư nhân, Nếu sử dụng không hiệu quả, tiếp tục làm ăn trì trệ thì còn nguy hiểm hơn nhiều so với không cổ phần hoá.

Liệu có lo ngại về lợi ích nhóm khi chúng ta ưu ái doanh nghiệp trong nước như vậy không thưa ông? Và theo ông, số tiền sau khi bán vốn nhà nước thì nên sử dụng như thế nào?

Có chứ. Tất cả đều có thể có nguy cơ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân nếu chúng ta không có cơ chế quản lý tốt. Vậy nên tôi mới cho rằng cần có luật riêng về cổ phần hoá. Luật với những quy định rõ ràng, chặt chẽ sẽ xử lý được các vấn đề này. Qua đó chúng ta sẽ quy định ưu tiên cho ai, ưu tiên như thế nào?

Không thể hạn chế tới mức tối đa nhưng tôi cho rằng nếu có luật cũng sẽ hạn chế được tương đối. Nhưng cá nhân tôi cho rằng thà để lợi ích nhóm cho doanh nghiệp Việt còn hơn lợi ích dâng cho người nước ngoài.

Số tiền sau khi bán vốn DNNN thu về tôi cho rằng nên lập một cái quỹ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển, qua đó cho vay với lãi suất ưu đãi bất kể cả doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Đồng thời số tiền đó cũng nên để đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt hai tuyến Hà Nội – Hải Phòng và TP.HCM – Vũng Tàu.

Nếu nhà nước có tiền nên mua lại 2 tuyến quan trọng nhất này rồi sau đó thu lại với mức phí rất thấp hoặc miễn phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Thu phí BOT quá cao thì doanh nghiệp không chịu nổi.

Ông nhận định như thế nào về bức tranh kinh tế năm 2018?

- Tôi cho rằng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Có thể đạt được mức 6,5 – 6,7%. Nhưng nếu Chính phủ ráo riết thực hiện tái cơ cấu 3 chương trình tôi nói trên, đó là tái cơ cấu DNNN, đầu tư công, ngân hàng thì có thể sẽ không được như vậy.

Tăng trưởng cao chưa chắc đã là tốt, đặc biệt nếu tăng trưởng đó không đi kèm với chất lượng. Cần phải chuyển đối, tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, chuyển đổi sang mô hình khác dựa vào nội lực, công nghệ, nhân lực có chất lượng cao.

Nhận định về bức tranh kinh tế 2018, có nhiều ý kiến cho rằng tốt hơn, cũng có ý kiến cho rằng sẽ đảm hơn năm 2017. Cả 2 đều có cái lý của nó. Nếu tính theo chu kỳ tăng trưởng 10 năm thì dự báo năm 2018 sẽ có khả năng nhiều biến động kinh tế lớn. Bởi thời gian qua nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới thực hiện nới lỏng tiền tệ, sau một thời gian nới lỏng thì sẽ phải thắt chặt lại. Nếu kinh tế thế giới khó khăn, việc các nước gia tăng đầu tư vào những nước có nền kinh tế vĩ mô ổn định như Việt Nam là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên trước nguồn vốn lớn rót vào, việc quản lý, cân đối như thế nào là một bài toán khó.

Bên cạnh đó những thách thức cố hữu của nền kinh tế như nợ công, nợ xấu, gánh nặng chi phí kinh doanh lớn, thủ tục hành chính còn rườm rà… tất cả đều là những lực cản lớn trong năm 2018 đòi hỏi cần tiếp tục được xử lý mạnh mẽ, thực chất.(Dantri)
-----------------------------

Sai phạm 15.000 tỷ đồng tại Tập đoàn Than Khoáng sản

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra đối với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị thành viên với nhiều tồn tại, vi phạm trong hoạt động đầu tư tài chính, mua sắm tài sản, quản lý tài nguyên, hoạt động kinh doanh....

Liên quan đến hoạt động đầu tư tài chính, báo cáo cho biết, đến cuối năm 2014, tổng số vốn đầu tư ngoài của công ty mẹ vào khoảng 13.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động này của TKV có rất nhiều khoản đầu tư lỗ, nguy cơ mất vốn.

Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc TKV chủ trương quản lý đầu tư tài chính thuộc ngành nghề kinh doanh chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm pháp luật, bảo lãnh trả nợ vay vượt thẩm quyền. Hậu quả là một số khoản đầu tư thua lỗ, mất vốn với giá trị lớn.

Cụ thể, Công ty liên doanh Công nghiệp Kẽm Việt Thái lỗ gần 300 tỷ, mất hết vốn chủ sở hữu và nợ Công ty TNHH MTV KLM Thái Nguyên gần 25 tỷ đồng, xác nhận bảo lãnh vượt thẩm quyền. TKV cũng g

óp 870 tỷ đồng tại Sắt Thạch Khê thiếu khảo sát, tính toán kỹ và các điều kiện cần thiết dẫn đến đọng vốn trong thời gian dài, lãng phí.

Khoản đầu tư của TKV vào Công ty cổ phần Crommit Cổ Định, Thanh Hóa (VTCC) cũng thua lỗ. Đơn vị này đã góp vốn, giải ngân xấp xỉ 437 tỷ đồng để đầu tư 2 dự án nhưng phải dừng hoạt động từ năm 2014 dẫn đến toàn bộ vốn đầu tư không hiệu quả, lỗ lũy kế từ 2012-2015 vào khoảng 113 tỷ đồng.

tap doan than khoang san co nhieu khoan dau tu ngoai nganh co nguy co mat von. anh: ttx vn

Tập đoàn Than Khoáng sản có nhiều khoản đầu tư ngoài ngành có nguy cơ mất vốn. Ảnh: TTX VN

Một số khoản đầu tư tại Lào, Campuchia do không được điều tra, khảo sát kỹ để lập, thẩm định, phê duyệt phương án và quyết định đầu tư phù hợp với thực tế và quy định, dẫn đến lỗ, mất vốn 380 tỷ đồng

tại các dự án Công ty liên doanh Stung Trenng, Công ty liên doanh Alumia (Campuchia), Công ty TNHH Vinacomin, dự án mỏ sắt Phu Nhuon (Lào)...

Trong đó, điển hình là việc TKV đầu tư vào Công ty Southern Mining Co., Ltd gần 4,4 triệu USD (khoảng gần 78 tỷ đồng), đến thời điểm thanh tra không có hiệu quả, khả năng mất toàn bộ vốn đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là vào năm 2007, ông Doãn Văn Quang - Phó tổng giám đốc TKV đã ký bản ghi nhớ mua cổ phần công ty này và chuyển tiền vào tài khoản của một cá nhân mang quốc tịch Campuchia nhưng chưa có khảo sát hay xác định hiệu quả đầu tư. Kết quả khảo sát ban đầu của dự án do ông Quang dẫn đầu cũng báo cáo mỏ có khoáng sản. Tuy nhiên, khi TKV tiến hành khảo sát lại thì không có dấu hiệu quặng như báo cáo ban đầu.

"Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc TKV phải chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo, thực hiện công tác điều tra, khảo sát để trên cơ sở đó lập, thẩm định phương án đầu tư không sát, không khả thi và không hiệu quả", kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.

Việc đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính của TKV cũng để xảy ra thất thoát hàng trăm tỷ đồng.

Kết luận thanh tra chỉ ra, Công ty cổ phần Vận tải thủy liên tục thua lỗ do quy mô, năng lực không phù hợp với yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị TKV vẫn quyết định cho công ty đầu tư 2 tàu, đồng thời sử dụng quỹ đầu tư phát triển để cho đơn vị này vay 356 tỷ đồng trả nợ sai mục đích, không lãi suất, không đúng thẩm quyền. Cuối năm 2014, dù Hội đồng thành viên có nghị quyết thu hồi để bù trừ nợ và bàn giao để khai thác nhưng vẫn không mang lại hiệu quả.

Đến giữa năm 2015, tổng tài sản của đơn vị này là 119 tỷ đồng, nhưng tổng nợ phải trả lên tới 79,4 tỷ, lỗ lũy kế cũng vào khoảng 65 tỷ đồng, mất hết vốn và nợ vay khác là 60 tỷ đồng (trong đó nợ TKV 49 tỷ) không còn khả năng thanh toán.

Khoản đầu tư tại Công ty Đóng tàu Sông Ninh, Công ty Đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà cũng bị mất vốn, đồng thời không có khả năng thu hồi khoản nợ gần 53 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra những điểm chưa đúng trong quản lý, khai thác tài nguyên, hoạt động kinh doanh (về công tác giám định mua bán than, quản lý chi phí...

"Hầu hết các dự án đầu tư mở rộng sản xuất do TKV và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư đều kéo dài, chậm tiến độ, thiết kế kỹ thuật không phù hợp với thiết kế cơ sở một số dự án không phê duyệt kế hoạch đấu thầu", kết luận nêu.

Từ năm 2010 đến giữa năm 2015, TKV đã và đang thực hiện đầu tư 1.100 dự án mua sắm máy móc thiết bị nhưng có 92 dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng, có dự án điều chỉnh đến 3 lần.

Theo cơ quan thanh tra, Tổng giám đốc TKV đã ban hành nhiều văn bản cho phép các đơn vị tự ý mua máy móc qua đơn vị trung gian thương mại, không qua đấu giá...

Đối với công tác giám định mua bán than của TKV, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm.

Công tác này tại một số đơn vị được Công ty cổ phần Giám định (Quacontrol) xác nhận kết quả giám định khối lượng nhưng không trực tiếp tham gia kiểm tra theo từng chuyến thăm được giao, trong khi đây là căn cứ rất quan trọng để xác định giá bán. Tuy nhiên, các đơn vị thực hiện không nghiêm nên kết quả xác định, điều chỉnh giá mua bán thiếu chính xác, chất lượng và số sản phẩm than thu hồi được sau tuyển chọn có sự chênh lệch lớn so với trước đó.

Thanh tra lấy ví dụ, tại Công ty Tuyển than Cửa Ông, từ 2010 đến 6/2015 đã thu hồi được số lượng than cục sau sàng tuyển cao hơn nhiều so với sản lượng trên cơ sở xác nhận của Qualcotrol để thanh toán cho các đơn vị khai thác mỏ là 1,64 triệu tấn. Theo đó, chênh lệch than thu hồi và phế phẩm thải loại trước và sau sàng tuyển với tổng giá trị 1.833 tỷ đồng.

Với một loạt các vi phạm trên, cơ quan thanh tra cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ của Thanh tra Chính phủ xem xét, điều tra, xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm tại TKV và một số doanh nghiệp trực thuộc gồm Công ty cổ phần Xi măng Hữu Nghị - Phú Thọ, Công ty cổ phần Xi măng Hà Giang và Công ty cổ phần Bình Nguyên - Đắk Nông đã vi phạm điều khoản hợp đồng kinh tế điều kiện giao hàng và thanh toán, dẫn đến mất vốn.

"Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc TKV và Tổng công ty TKV (trước năm 2005) đã quyết định chủ trương và quản lý đầu tư tài chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm quy định, buông lỏng quản lý, bảo lãnh nợ vượt thẩm quyền dẫn đến thua lỗ, mất vốn", Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Cơ quan này cũng kiến nghị xử lý về kinh tế với tổng số tiền gần 15.000 tỷ đồng và 6,7 triệu m2 nhà đất. Bên cạnh trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ cho rằng Bộ Công an cần xem xét chỉ đạo và thực hiện xử lý trách nhiệm đối với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh Thanh Hóa, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Tĩnh.

Sau khi Thanh tra Chính phủ báo cáo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về các nội dung nêu trên, Văn phòng Chính phủ đã ra văn bản yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng có những ý kiến về các kết luận thanh tra.(Vnexpress)
-----------------------------

Venezuela phát hành tiền ảo riêng trong vài ngày tới

Chính phủ Venezuela mới đây đã thông báo về việc ra mắt đồng tiền ảo của nước này trong một vài ngày tới.
Theo đó, đồng tiền ảo này sẽ được hỗ trợ bởi 5,3 triệu dùng dầu với trị giá khoảng 267 tỷ USD. Việc phát hành này nhằm mục đích giảm bớt cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng đang diễn ra tại nước này.

tong thong venezuela nicolas maduro. anh: carlos becerra, anadolu agency.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: Carlos Becerra, Anadolu Agency.

Trước đó vào đầu tháng này, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã gây bất ngờ cho thế giới khi thông báo về đồng tiền ảo "petro" dự kiến, được hỗ trợ bởi lượng dữ trữ dầu, gas, vàng và kim cương của nước này.

Bất chấp những hoài nghi từ các chuyên gia tiền ảo khi họ nghĩ rằng Venezuela không có đủ khả năng trong việc này, Bộ trưởng Truyền thông Jorge Rodriguez cho biết đồng tiền ảo petro đầu tiên sẽ được ra mắt trong một vài ngày tới.

Theo ông, sự khác biệt của đồng petro này với các đồng tiền ảo khác như Bitcoin là nó được hậu thuẫn bởi 5.342 tỷ thùng dầu, tương đương 267 tỷ USD tại nước này.

Hiện giới truyền thông nước này chưa đưa ra nhiều chi tiết và thông tin về các thợ mỏ cũng như những vấn đề liên quan tới kỹ thuật.

Chính phủ Venezuela hy vọng đồng tiền ảo petro này sẽ giúp bù đắp lại sự sụp đổ của đồng tiền nước này cũng như giúp nước này thoát khỏi tình trạng cô lập.

Ông Rodriguez cũng hy vọng đồng petro sẽ được sử dụng như một phần trong cơ chế thanh toán cho các nhà cung cấp quốc tế trong bối cảnh những người này đang dừng cung hàng cho Venezuela do nước này bị đánh giá là thiếu khả năng trả nợ.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã chì trích chính phủ Mỹ khi tạo ra một cuộc chiến tranh kinh tế và kết quả là 30 triệu người Venezuela bị rơi vào tình trạng thiếu thốn, giá cả tăng vọt và kinh tế rơi vào suy thoái.

Trước đó, ông Maduro cũng đã đổ lỗi cho Mỹ vì việc tạo áp lực đối với Bồ Đào Nha, khiến cho nước này không xuất khẩu thịt lợn cho Venezuela.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt về chính trị và tài chính lên chính phủ Maduro, buộc tội các quan chức cấp cao của nước này về lạm dụng quyền lực và tham nhũng. (Theleader)
--------------------------------

Ngành đường lo ứng phó với ATIGA

Theo lộ trình cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), kể từ ngày 1/1/2018, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu chỉ là 5%.

Trước sức ép cạnh tranh với đường ngoại nhập giá rẻ trong khu vực (nhất là đường Thái Lan), ngành mía đường Việt Nam đang đứng trước áp lực buộc phải đổi mới nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

“Bùng nổ” xu hướng M&A

Sau một thời gian đàm phán, cuối tháng 11/2017, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã quyết định đầu tư sở hữu 65% cổ phần (trị giá 1.000 tỷ đồng) của Công ty TNHH Đường Khánh Hòa. Với sự hợp tác này, Vinamilk về cơ bản đã khép kín chuỗi cung ứng của mình, còn Công ty TNHH Đường Khánh Hòa có cơ hội tái cơ cấu lại doanh nghiệp, nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Sau khi đổi tên thành Công ty cổ phần Đường Việt Nam (Vietsugar), Công ty này sẽ đầu tư mở rộng công suất lên 15.000 tấn mía/ngày, thay vì chỉ 10.000 tấn/ngày như trước đây và luyện độc lập đường thô 2.000 tấn/ngày, tăng 500 tấn/ngày.

nganh duong lo ung pho voi atiga

Từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đường Khánh Hòa và nay là Tổng Giám đốc Vietsugar, ông Đỗ Thành Liêm cho biết: Mặc dù trong thời gian qua, Công ty TNHH Đường Khánh Hòa đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên nền kinh tế thị trường cần có những bước chuyển mang tính đột phá để phù hợp với xu thế phát triển. Hy vọng sự hợp tác này sẽ mang lại sức bật mới cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung cũng như ngành mía đường Việt Nam trong thời gian tới.

Với sự đầu tư và kinh nghiệm quản trị tiên tiến của Vinamilk, thương vụ này được đánh giá sẽ mang lại hướng đi mới cho ngành mía đường Việt Nam, từng bước chủ động hội nhập vào sân chơi khu vực và toàn cầu.

Trước đó, vào tháng 5/2017, ngành mía đường cũng “rung động” thông tin khi chứng kiến thương vụ sáp nhập lớn nhất của ngành. Đó là khi Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) và Công ty cổ phần Đường Biên Hòa cùng sáp nhập để tạo nên một công ty đường lớn nhất Việt Nam với thị phần trên 30%.

Việc sáp nhập này cũng góp phần mang tới sự chủ động hơn cho doanh nghiệp trong việc phát triển vùng nguyên liệu khi TTCS có 49.000 héc ta trồng mía nguyên liệu, chưa kể vùng nguyên liệu tại Lào của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai được cả hai mua lại trước đó.

Ngoài xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A), trong thời gian gần đây, ngành mía đường cũng chứng kiến một xu hướng liên kết mới. Đó là sự hợp tác giữa doanh nghiệp mía đường với doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ đường, như vụ hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Thành Thành Công với Tập đoàn KIDO diễn ra cách đây nửa tháng.

Theo đó, từ đầu năm 2018, TTC chịu trách nhiệm sản xuất, cung ứng đường Biên Hòa Daily để KIDO phân phối trên hệ thống hơn 200 nhà phân phối và 450.000 điểm bán lẻ, đồng thời cam kết doanh số bán hàng hằng năm. Trong giai đoạn 2, dưới sự bảo trợ, nhượng quyền của TTC, hai bên sẽ phát triển thêm các dòng sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc M&A giữa các doanh nghiệp mía đường sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần, giảm giá thành từ việc tiết kiệm chi phí, sử dụng được nguồn nhân sự giỏi của đối tác… Từ đó nâng cao được nội lực, sức mạnh tài chính để tạo ra các giá trị gia tăng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trước sức ép của đường ngoại trên thị trường nội địa.

Tập trung hạ giá thành sản phẩm

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc tái cơ cấu lại ngành mía đường, tái cấu trúc lại doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để ngành mía đường nâng cao tính cạnh tranh.

Bản thân các doanh nghiệp trong ngành có những ưu thế và yếu kém nhất định nên buộc phải thay đổi theo hướng sáp nhập, liên kết hoặc di dời tới gần vùng nguyên liệu.... Đơn cử như việc hợp tác giữa Vinamilk và Công ty TNHH Đường Khánh Hòa mới đây cũng là liên kết để cả hai cùng mạnh hơn.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, bên cạnh việc liên kết giữa các doanh nghiệp thì vấn đề mấu chốt hiện nay của ngành đường vẫn là phải kéo giá thành sản xuất cây mía xuống. Bởi đây là khâu quan trọng nhất khiến giá thành đường trong nước cao hơn đối thủ cạnh tranh.

Ngoại trừ một số “đại gia” như Thành Thành Công có chi phí sản xuất 30 USD/tấn mía thì phần lớn các doanh nghiệp đang phải sản xuất, thu mua ở mức 50 USD/tấn. Trong khi đó, chi phí sản xuất mía ở Bzaril chỉ có 16 USD/tấn mía, Australia 18-20 USD/tấn, Thái Lan 30 USD/tấn.

Để giảm giá thành sản xuất cây mía, Giáo sư Xuân cho rằng, không còn cách nào khác là phải thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng quy mô lớn để cơ giới hóa. Có như vậy mới giảm được chi phí giá thành còn 50% so với cách làm hiện nay.

Mặt khác, cây mía cũng đang chịu tác động lớn của bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn và sự cạnh tranh của các cây trồng khác. Do vậy, để giữ vùng nguyên liệu, các nhà máy đường cần có cơ chế hỗ trợ, chia sẻ lợi nhuận với người nông dân trồng mía, hỗ trợ giống mía, kỹ thuật cho bà con nông dân tăng cao năng suất chất lượng mía để nâng cao thu nhập và đời sống cho bà con nông dân.

Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm đường Việt Nam, không có cách nào khác ngoài việc các doanh nghiệp phải tập trung nghiên cứu hạ giá thành sản phẩm.

Các nhà máy đường có thể chủ động trong giảm giá thành sản phẩm bằng cách tạo lập kênh phân phối của chính mình, bởi có như vậy, mới có thể kiểm soát, bình ổn được giá đường trong nước. Đồng thời, chủ động hơn nữa trong việc đầu tư, nghiên cứu nhập khẩu giống mía, nâng cao chất lượng chữ lượng đường trong mía làm tăng năng suất mía mới mang lại hiệu quả cao trong sản xuất đường giúp giảm giá thành đường.

Ngoài ra, để lành mạnh hóa thị trường đường trong nước, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần có những chính sách hữu hiệu ngăn chặn đường nhập lậu đang hoành hành hiện nay.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục