tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 31-12-2017

  • Cập nhật : 31/12/2017

Rau quả được mùa: Đặc sản tết giảm giá, xuất đi Mỹ đắt hàng

Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 12 năm 2017 đạt 145 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu rau quả năm 2017 lên con số 1,56 tỷ USD (khoảng 35.500 tỷ đồng), tăng trên 68% so với cùng kỳ năm 2016.

hoa qua nhap khau do bo ve viet nam, gia ban kha re

Hoa quả nhập khẩu đổ bộ về Việt Nam, giá bán khá rẻ

Sát Tết, hoa quả nội giảm giá mạnh

Dù đã bước vào thị trường mùa Tết, song nhiều loại hoa quả lại giảm giá đồng loạt do người dân đua nhau trồng dẫn đến cung vượt cầu.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 12, nhiều mặt hàng hoa quả có biến động giảm mạnh. Đơn cử, tại một số tỉnh ĐBSCL, nông dân trồng thanh long ruột đỏ rất lo lắng vì giá loại trái cây này ở mức 35.000 đồng/kg (loại 1), loại 2 có giá 24.000-25.000 đồng/kg, giảm 6.000-7.000 đồng/kg so với tháng trước; thanh long ruột trắng tại Bình Thuận trái vụ cũng giảm chỉ còn mức giá là 6.000-8.000 đồng/kg.

Tương tự, cam tại một số tỉnh phía Bắc như: cam Cao Phong (Hòa Bình), cam Hàm Yên (Tuyên Quang), cam Văn Giang (Hưng Yên)... đều đang giá giảm. Cụ thể, cam Cao Phong giá bán lẻ trên thị trường khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn so với mức 40.000-50.000 đồng/kg của năm ngoái...

Thực tế, câu chuyện cung vượt cầu dẫn đến giá nông sản giảm mạnh được nhắc đến khá nhiều trong năm 2017. Đặc biệt, vào nửa đầu năm 2017, có tới hơn 10 mặt hàng rau quả rớt giá thê thảm do cùng chung một nguyên nhân: “dư thừa”.

Song, kết thúc năm 2017, ngành hàng rau quả vẫn thắng lợi lớn với giá trị xuất khẩu kỷ lục. Đáng chú ý, trong năm có thêm nhiều mặt hàng hoa quả “đặt chân” được vào các thị trường khó tính như vú sữa xuất vào Mỹ, xoài xuất khẩu vào Úc.  

Xuất khẩu kỷ lục

Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước tính đến hết năm 2017, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thế nhưng, năm nay, Việt Nam cũng chi tới 1,56 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng rau quả, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 334 triệu USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ 2016 và mặt hàng quả đạt 1,19 tỷ USD, tăng 83,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Thị trường nhập khẩu đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ Trung Quốc sang Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ,... Theo đó, rau quả Thái Lan chiếm tới 56% thị trường nhập khẩu, trong khi rau quả Trung Quốc chỉ chiếm 18,6% thị phần.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, giá trị nhập khẩu rau quả ở hầu hết các thị trường chính đều tăng. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Thái Lan (gấp 2,2 lần), Ấn Độ (tăng 92%) và Hàn Quốc (tăng 82%).

Thực tế, trong suốt năm 2017, hoa quả nhập khẩu luôn phủ sóng thị trường, bán chất đống tại từ các siêu thị chợ truyền thống hay trên “chợ mạng”. Đáng chú ý, bên cạnh dòng hàng cao cấp, các loại hoa quả nhập khẩu như táo, nho, kiwi, lê, cam,... có giá khá rẻ. Thậm chí, nhiều thời điểm các loại hoa quả được nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Pháp,... còn rẻ hơn cả hoa quả Trung Quốc và hoa quả nội khi giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng chỉ ở mức 30.000-60.000 đồng/kg tùy loại(Vietnamnet)
--------------------------

Năm 2018, TPHCM thu ngân sách 1.203 tỷ đồng/ngày

Tối 30/12, ngành tài chính TPHCM đã tổ chức Hội nghị về kết quả thu chi ngân sách nhà nước năm 2017. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Báo cáo với Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND và UBND TPHCM, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phan Thị Thắng cho biết, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính giao cho TPHCM là 347.882 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa là 226.482 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 109.000 tỷ đồng; thu từ dầu thô 12.400 tỷ đồng.

Tính đến cuối ngày 30-12, tổng thu ngân sách trên địa bàn TPHCM là hơn 345.287 tỷ đồng, đạt 99,25% dự toán được giao. Còn tổng chi ngân sách (không tính tạm ứng và ghi thu chi) là 61.050 tỷ đồng, đạt 86,42% dự toán. Tuy nhiên, theo bà Thắng, trong ngày 31-12, TPHCM còn tiếp nhận nguồn thu nên ước tính tổng thu ngân sách của năm 2017 sẽ lên tới 347.892 tỷ đồng, đạt 103% so với dự toán dự toán thu ngân sách được cấp trên giao là 347.882 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, năm 2018, nhiệm vụ thu ngân sách Trung ương giao cho TPHCM hơn 376.000 tỷ đồng, như vậy tính ra bình quân mỗi ngày (trừ ngày chủ nhật) TPHCM phải thu ngân sách 1.203 tỷ đồng là khá cao. Chính vì thế, để đảm bảo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, TP phải phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu dự toán thu - chi ngân sách năm 2018. Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các ngành, các cấp ngay từ đầu năm cần tập trung đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; nâng cao năng lực bộ máy, tinh thần trách nhiệm của cán bộ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tại hội nghị, UBND TPHCM đã tặng bằng khen cho 35 doanh nghiệp và 24 quận, huyện đã có thành tích xuất sắc trong công tác thu nộp ngân sách nhà nước năm 2017.(SGGP)
---------------------

Xuất khẩu dầu thô năm 2017 của Mỹ tăng mạnh nhờ Trung Quốc

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong quý 4/2017 tăng gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái nhờ có giá thấp hơn chuẩn quốc tế và nhu cầu tiêu thụ mạnh của Trung Quốc.

Nikkei dẫn số liệu của Tổ chức Thông tin Năng lượng Mỹ được công bố hôm 28.12 cho biết, Mỹ đã xuất khẩu gần 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày trong ba tháng 10 - 12.2017, gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tính riêng trong tuần thứ tư của tháng này, lượng dầu thô được bán ra đạt 1,21 triệu thùng/ngày, gấp đôi so với năm trước.

Washington đã bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu vào tháng 12.2015, nhưng khối lượng dầu tại Mỹ vẫn còn khá hạn chế cho đến mùa hè này, đặc biệt là vào cuối tháng 8.2017, khi siêu bão Harvey càn quét bang Texas khiến các nhà máy lọc dầu lớn đặt tại đây phải tạm ngưng hoạt động.

Sự chênh lệch giá tiêu chuẩn giữa dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ và dầu Brent biển Bắc đã tăng gấp đôi lên 6,3 USD/thùng vào đầu tháng 9.2017. Ngay cả khi đã tính chi phí vận chuyển, mức giá trung bình khoảng 40 USD/thùng vẫn là một thỏa thuận quá tốt đối với đa số người mua nước ngoài mua dầu thô Mỹ.

Đáng chú ý nhất là Trung Quốc đã tăng cường tiêu thụ một lượng lớn dầu của Mỹ trong năm nay. Lượng dầu thô trung bình xuất khẩu qua Trung Quốc đạt 180.000 thùng/ngày từ tháng 1 đến tháng 9.2017, cao hơn khoảng 14 lần so với năm ngoái. Nhiều nhà sản xuất Mỹ đã bắt đầu bán hàng cho Đại lục một cách nghiêm túc. Continental Resources, nhà sản xuất khí đốt và dầu mỏ lớn của Mỹ, đã bán cho khách hàng tại Trung Quốc 33.500 thùng/ngày trong tháng 11.2017.

Việc Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu được cho là được thúc đẩy bởi yếu tố chính trị khi Bắc Kinh đang cố gắng đáp ứng yêu cầu từ Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm giảm sự mất cân bằng thương mại song phương giữa hai bên. Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) đang xem xét kế hoạch xây dựng đường ống dẫn nối mỏ dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ tại lưu vực Permian, bang Texas tới trung tâm xuất khẩu ở Vịnh Mexico.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đã đồng ý mở rộng hợp đồng cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2018. Ngoài ra, việc nổ đường ống dẫn dầu tại Libya do một vụ ném bom gây ra hôm 26.12 đã khiến nguồn cung suy yếu, qua đó đẩy giá dầu lên cao. Giá dầu WTI đã tăng lên hơn 60 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6.2015. Theo các chuyên gia, sự hiện diện của Mỹ như một nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn có thể trở thành nguồn cơn gây căng thẳng cho các nước Trung Đông và Nga trong thời gian tới.(Thanhnien)
------------------------

Người Việt chi gần 8.000 tỷ đồng ăn snack trong năm 2017

Hãng nghiên cứu thị trường Statista ước tính bình quân mỗi năm một người Việt tiêu thụ khoảng 700 gram snack.

binh quan moi nguoi viet tieu thu 700 gram snack trong nam 2017.

Bình quân mỗi người Việt tiêu thụ 700 gram snack trong năm 2017.

Theo báo cáo tổng quan về thị trường snack năm 2017 vừa được hãng nghiên cứu Statista công bố, tổng doanh thu sản phẩm này tại Việt Nam ước tính khoảng 354 triệu USD, tương đương gần 8.000 tỷ đồng. Quy mô thị trường Việt Nam còn khá nhỏ so với thế giới, chỉ bằng khoảng một phần 170 so với quốc gia dẫn đầu là Mỹ.

Statista phân loại snack thành 3 dòng sản phẩm chính dựa theo nguyên liệu chế biến gồm bột, khoai tây và các loại hạt. Cơ cấu doanh thu theo sản phẩm của thị trường Việt Nam phân hóa rõ rệt khi snack làm từ bột chiếm hơn 58%, trong khi sản phẩm từ khoai tây chỉ khoảng 6%.

Ước tính mỗi người Việt đã chi khoảng 3,77 USD, tương đương 85.000 đồng để tiêu thụ 700 gram snack trong năm nay. Dự báo khối lượng tiêu thụ bình quân đầu người trong vòng bốn năm tới sẽ nhích nhẹ lên khoảng 740 gram.

Mức sống ngày càng cải thiện, cộng thêm sự thay đổi xu hướng chi tiêu của giới trẻ giúp thị trường snack Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng và dư địa khai thác.Tuy nhiên, nhận thức của người dân về lối sống lành mạnh khiến tốc độ tăng trưởng doanh thu khoảng hai năm gần đây có dấu hiệu chậm lại. Giai đoạn 2011-2015, thị trường luôn duy trì mức tăng hai chữ số nhưng đến năm 2018 thì chỉ còn tối đa 5,5%. Doanh thu toàn thị trường dự báo đến năm 2021 vào khoảng 455 triệu USD, tương đương 10.300 tỷ đồng.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục