tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Deutsche Bank bị "chiếu tướng"

  • Cập nhật : 18/08/2016
john cryan, ceo deutsche bank, da phai thuc hien mot cuoc cat giam dau don cac tham vong toan cau cua deutsche.

John Cryan, CEO Deutsche Bank, đã phải thực hiện một cuộc cắt giảm đau đớn các tham vọng toàn cầu của Deutsche.

Đó là một canh bạc “để đời” của Anshu Jain trong sự nghiệp trị vì tại Deutsche Bank. Vào năm 2014, khi hầu hết các ngân hàng châu Âu đang co cụm trước các thị trường ảm đạm và các quy định tài chính siết chặt hơn thì Jain, khi đó là đồng CEO tại ngân hàng Đức này, đã đi theo hướng ngược lại.

Hai tuần sau khi Barclays, đối thủ châu Âu của Deutsche, đầu hàng trước sức ép thị trường và đã giảm mạnh bộ phận giao dịch nợ thì Deutsche đã tung ra kế hoạch tăng vốn thêm 8 tỉ USD. Động thái này một phần nhằm tăng cường “đạn dược” cho ngân hàng lớn nhất nước Đức trong cuộc chiến giành thị phần khi các đối thủ rút lui và cũng là để định vị Deutsche như ngân hàng châu Âu cuối cùng còn lại đủ khả năng thách thức những gã khổng lồ Mỹ ở Phố Wall. Jain vào thời điểm ấy tuyên bố Deutsche sẽ là “ngân hàng đa năng thực sự duy nhất có trụ sở tại châu Âu”.

Nhưng canh bạc đó đã thất bại: các thị trường vẫn ảm đạm và các quy định vẫn tiếp tục siết chặt. Hai năm sau, Jain và đồng CEO Jürgen Fitschen đã phải thoái vị. Bộ phận ngân hàng đầu tư của Deutsche đã mất vị trí tốp 3 dẫn đầu. Tình trạng vốn của Ngân hàng thì bị săm soi. Người kế nhiệm Jain là John Cryan, từng là Giám đốc Tài chính tại ngân hàng Thụy Sĩ UBS, đã phải thực hiện một cuộc cắt giảm đau đớn các tham vọng toàn cầu của Deutsche.

Nhưng Cryan đang đối mặt với một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Bộ phận các thị trường của Deutsche, vốn chiếm 1/3 tổng doanh thu, đang chật vật đối phó với một thế giới ít giao dịch hơn, các quy định về vốn khắt khe hơn, sự thống trị tăng lên của người Mỹ. Mảng ngân hàng bán lẻ của Deutsche ở Đức, trong khi chứng kiến biên lợi nhuận lúc nào cũng mỏng, lại đang chịu thêm một cú sốc là các mức lãi suất thấp kỷ lục của châu Âu.

Tổng chi phí của Deutsche ở mức cao ngất ngưỡng và Ngân hàng đang bị kẹt trong các cuộc chiến pháp lý mà có thể tiêu tốn hàng tỉ euro. Năm ngoái, Deutsche đã lỗ 6,8 tỉ euro do các mức phạt cũng như ghi giảm giá trị tài sản. Các chuyên gia phân tích dự đoán năm nay Deutsche sẽ lỗ 860 triệu euro. “Các thị trường cực kỳ khắc nghiệt trong năm nay. Sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU) đã khiến tình hình thêm tồi tệ. Lúc nào cũng là một bước tiến, 2 bước lùi. Cryan có lẽ đang kỳ vọng sẽ là 1 và ¼ bước tiến, chỉ 1 bước lùi”, Chris Wheeler, nhà phân tích tại Atlantic Equities, nhận xét.

Giá cổ phiếu của Deutsche đã giảm hơn 40% kể từ đầu năm đến nay do nhà đầu tư ngày càng mất niềm tin vào chiến lược của Ngân hàng. Hiện tại, nhà đầu tư cho rằng Deutsche trị giá khoảng 17 tỉ euro, chỉ bằng 25% giá trị sổ sách. Đà giảm giá cổ phiếu dự kiến sẽ còn tiếp tục khi cuộc kiểm tra sức khỏe ngân hàng châu Âu mới nhất vào ngày 29.7 cho thấy, Deutsche có hệ số vốn thấp hơn hầu hết các đối thủ. Nghĩa là Deutsche vẫn còn phải đi một đoạn đường rất dài nữa trong nỗ lực tái cấu trúc được triển khai từ năm ngoái.

Khi mới công bố chỉ định Cryan làm CEO, giá cổ phiếu đã tăng 8%, cho thấy nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào ông. Ngay cả giới truyền thông Đức cũng hoan nghênh vì không giống người tiền nhiệm Anshu Jain, ông nói tiếng Đức sõi và ca ngợi ông là “nhà tái cấu trúc cương quyết” khi ông góp phần lớn trong việc ổn định UBS trước đó. Nhưng sau 1 năm tại nhiệm, giới truyền thông, nhà đầu tư, cả giới quan sát cũng bắt đầu đặt dấu hỏi liệu Cryan có phải là câu trả lời cho những vấn đề tại Deutsche.

Đi tìm chỗ dựa

Hầu hết các chuyên gia phân tích đều cho rằng John Cryan đang đối mặt với trách nhiệm cam go nhất trong số các CEO ngân hàng châu Âu. Tính ra, cổ phiếu Deutsche đã giảm khoảng 60% trong vòng 1 năm kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 7.2015, cao hơn mức giảm của Barclays, Credit Suisse và Standard Chartered trong cùng thời kỳ. Mỗi ngân hàng đều báo cáo lỗ ròng vào năm ngoái. Nhưng Deutsche dường như có ít lựa chọn nhất, khi thiếu mảng quản lý tài sản cá nhân mạnh của Credit Suisse, mảng thẻ tín dụng và bán lẻ khá sinh lợi của Barclays hay lợi thế ở các thị trường mới nổi của Standard Chartered.

UBS, chẳng hạn, khi ra sức gia tăng lợi nhuận vào năm 2012, ngân hàng Thụy Sĩ này đã chọn cách giảm mạnh mảng ngân hàng đầu tư, một động thái đã giúp cải thiện lợi nhuận và vốn. Nhưng quan trọng là UBS còn có mảng quản lý tài sản cá nhân, một mảng mạnh khác của nó để làm chỗ dựa. Trong khi đó, Deutsche Bank thì không có niềm an ủi như vậy: mảng ngân hàng đầu tư vẫn là trụ cột chính và không có mảng nào khác có quy mô cũng như khả năng sinh lợi tương đương để Ngân hàng làm chỗ dựa cho công cuộc tái cấu trúc của mình.

“Do ngành ngân hàng bán lẻ ở Đức quá khó xơi, Deutsche không có một thị trường nội địa vững chắc để làm chỗ dựa, tương tự như Santander ở Tây Ban Nha hay BNP ở Pháp, UBS ở Thụy Sĩ”, một nhà điều hành ngân hàng cấp cao của Đức cho biết.

Viên đá đặt nền móng trong kế hoạch tái cấu trúc của Deutsche là quyết định “quẳng gánh lo” đối với mảng bán lẻ Postbank, mà giới phân tích ước tính khoảng 5 tỉ euro trên sổ sách của ngân hàng này. Deutsche cũng sẽ phải giảm tài sản ở mảng ngân hàng đầu tư và cắt giảm chi phí bằng cách sa thải 9.000 trong số gần 100.000 nhân viên, đóng cửa cơ sở hoạt động ở 10 nước từ Argentina cho đến New Zealand và đóng cửa các chi nhánh ngân hàng ở Đức. Nếu kế hoạch này thành công, Deutsche hy vọng sẽ cải thiện đáng kể khả năng sinh lợi và hệ số vốn vào năm 2018.

Nhưng đó là đường đi rất gập ghềnh. Ngân hàng đã lỗ trước thuế 700 triệu euro trong 3 tháng cuối cùng của năm ngoái, thậm chí đã loại trừ các chi phí tái cấu trúc. Lợi nhuận trong quý đầu tiên của năm 2016 ít hơn phân nửa so với cách đó 1 năm trong khi lợi nhuận của quý II thì bốc hơi.

Các nhà quản lý cấp cao của Deutsche đã luôn khuyến cáo rằng chi phí của cuộc đại tu sẽ còn đè nặng thêm một thời gian dài nữa trước khi trái ngọt xuất hiện và rằng 2016 sẽ là năm mà các chi phí tái cấu trúc đạt đỉnh. Deutsche cũng bị ảnh hưởng bởi các thị trường ảm đạm, vốn đã làm giảm lợi nhuận khắp ngành ngân hàng đầu tư. Brexit cũng đã làm gia tăng tình trạng bấp bênh ở Deutsche, khiến cho các mảng giao dịch và tư vấn thêm ế ẩm. Trong bối cảnh đó, các mức lãi suất siêu thấp của châu Âu càng gây căng thẳng lên mảng bản lẻ của ngân hàng này.

Trong bối cảnh giá cổ phiếu Deutsche liên tục lao dốc, người ta càng đặt câu hỏi về việc liệu chiến lược của Ngân hàng có cần xem xét lại để có những điều chỉnh thích hợp. Một mối quan ngại là liệu Deutsche sẽ có thể bán Postbank theo đúng như kế hoạch. Bởi lẽ, hiện không người mua nào quan tâm và thị trường niêm yết châu Âu thì “phờ phạc”. Hồi cuối tháng 7, Marcus Schenck, Giám đốc Tài chính Deutsche, cho biết Ngân hàng không phải chịu áp lực bán Postbank cho đến năm 2017, nhưng nếu không bán được, kế hoạch vực dậy dòng vốn của Deutsche sẽ cần phải xem lại.

Một mảng lớn khác mà Deutsche cần phải tập trung là ngân hàng đầu tư. Các luật lệ được ban hành đã tác động lớn đến mảng này khi các quy định khắt khe về vốn đã buộc Ngân hàng phải rút khỏi nhiều lĩnh vực hoạt động như giao dịch chứng khoán rủi ro cao.

Kế hoạch của Deutsche cho mảng ngân hàng đầu tư đến năm 2018 bao gồm việc giảm số lượng khách hàng tới phân nửa và cắt giảm tài sản có rủi ro tới 28 tỉ euro. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa là gì khi so với các đối thủ châu Âu như UBS và Credit Suisse. Chẳng hạn, Credit Suisse đang cắt giảm tới 60 tỉ USD tài sản có rủi ro từ mảng ngân hàng đầu tư và đang chịu áp lực phải cắt giảm mạnh tay hơn nữa từ phía các nhà đầu tư.

Thậm chí với các quy định tài chính dự kiến sẽ còn ngặt nghèo hơn sắp tới, nhiều nhà quan sát cho rằng Deutsche sẽ phải cắt giảm tài sản ở mảng các thị trường toàn cầu một cách mạnh mẽ hơn. “Đó là điểm mấu chốt trong những rắc rối mang tính cơ cấu của Deutsche. Mảng này dùng đòn bẩy tài chính quá lớn, mà lại không kiếm đủ tiền”, Daniele Brupbacher, chuyên gia phân tích tại UBS, nhận xét.

Một trong 20 nhà đầu tư lớn nhất vào Deutsche (không muốn nêu tên) cho rằng: “Vấn đề của Deutsche là Ngân hàng đã đi đến chỗ nếu tiếp tục cắt giảm tài sản, nó sẽ mất đi nguồn doanh thu đáng kể”.

Kian Abouhossein, chuyên gia phân tích tại JPMorgan, cũng nghi ngờ về khả năng Deutsche thực hiện những điều chỉnh lớn trong chiến lược của mình. “Deutsche Bank là một ngân hàng đầu tư. Vì thế nhìn từ góc độ này, việc thay đổi chiến lược là không thể. Chúng ta muốn Deutsche làm những gì giống như Credit Suisse đã và đang làm là điều không thể”, ông nhấn mạnh.

Deutsche cũng đối mặt với hậu quả của quá trình kiểm soát lỏng lẻo. Ngân hàng đang dính vào 7.000 vụ kiện tụng riêng lẻ và các động thái từ phía cơ quan quản lý. Trước mắt là việc Mỹ mở cuộc điều tra vào hành động bán một cách “hời hợt” các chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp cho người mua cũng như việc Mỹ và Anh cùng điều tra vào các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ trị giá 10 tỉ USD liên quan đến bộ phận Nga của Deutsche.

Cryan đã nói rằng ông muốn giải quyết các vụ kiện lớn càng sớm càng tốt và Ngân hàng gần đây tiết lộ đang đàm phán dàn xếp với Bộ Tư pháp Mỹ về cuộc điều tra liên quan đến tài sản thế chấp. Tuy nhiên, điều nhà đầu tư lo lắng là họ không biết chi phí dàn xếp sẽ bao nhiêu và đặc biệt là liệu số tiền dàn xếp này có nhiều hơn mức 5,5 tỉ euro mà Deutsche đã dành riêng cho khoản giải quyết các vụ kiện tụng hay không.

Dấu hỏi về vốn

Nhiều nhà phân tích đi đến kết luận rằng, với lợi nhuận ảm đạm, chi phí tái cấu trúc cao, quy định siết chặt, lớp đệm về vốn yếu ớt và các rủi ro pháp lý quá lớn, Deutsche cần phải huy động nhiều vốn hơn. Ban điều hành ngân hàng này đã liên tục khẳng định rằng Deutsche không có kế hoạch phát hành cổ phiếu mới. Nhưng hệ số vốn lõi cấp 1 - một chỉ số quan trọng đo sức mạnh tài chính của ngân hàng - đứng ở mức 10,8% vào cuối tháng 6.

Hệ số này dự kiến sẽ được cải thiện hơn vào cuối năm nay nhờ bán cổ phần trong một ngân hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, nó vẫn thấp so với các đối thủ (11,9% tại JPMorgan, 12,2% tại Goldman Sachs và 12,5% tại Citi). Và các chuyên gia phân tích cho rằng Deutsche sẽ thiếu khoảng 7 tỉ euro để có thể thực hiện mục tiêu tăng hệ số vốn lên 12,5% vào năm 2018.

Một người thân cận với dàn quản lý cấp cao của Deutsche cho biết, chẳng có ý nghĩa gì khi tăng vốn trước thời điểm Ngân hàng giải quyết các vụ kiện tụng pháp lý lớn hơn với phía Mỹ. Vì nếu làm vậy, Ngân hàng sẽ phải trả chi phí dàn xếp cao. “Trong ngắn hạn, tôi thấy rằng họ không muốn tăng vốn trước khi giải quyết xong vấn đề tranh chấp với phía Mỹ. Nhưng rõ ràng trong trung hạn, Deutsche cần nhiều vốn hơn”, một nhà đầu tư nằm trong tốp 20 nhà đầu tư vào Deutsche nói.

Vấn đề cho Deutsche là ngân hàng này có quá ít lựa chọn để cải thiện được tình hình vốn của mình. Với khả năng sinh lời kém, Deutsche không thể cải thiện vốn bằng cách dùng lợi nhuận giữ lại. Trong khi đó, chuyên gia phân tích tài chính David Hendler thuộc Viola Risk Advisors cho rằng cuộc kiểm tra sức khỏe mới nhất cũng cho thấy Deutsche cần một lượng vốn rất lớn. “Tự tạo ra vốn đang nằm ngoài khả năng của họ”, ông nói.

Còn nếu cắt giảm tài sản mạnh hơn, dù sẽ giúp cải thiện chỉ số vốn, nhưng lại buộc Deutsche phải hy sinh lợi nhuận trong dài hạn. Bán các mảng kinh doanh như mảng quản lý tài sản cũng tạo ra những bất lợi tương tự. Với việc giá cổ phiếu đã thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách và nhóm cổ phiếu ngân hàng đang “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư, đây cũng không phải là thời điểm thuận lợi để phát hành tăng vốn.

Với quá ít sự lựa chọn, Deutsche Bank cũng như ông chủ John Cryan có thể nói đang bị “chiếu tướng”.


Ngô Ngọc Châu
(Theo Nhịp cầu đầu tư)

Trở về

Bài cùng chuyên mục