tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Digiworld: Liệu đã có kế hoạch B?

  • Cập nhật : 01/08/2016
 
Lợi nhuận sau thuế của Digiworld trong 6 tháng đầu năm đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Giữa tháng 7, nhận thấy tình hình kinh doanh không thể đạt được các con số tăng trưởng như mục tiêu đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông 2016, lãnh đạo Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld - DGW) đã tổ chức một cuộc gặp gỡ riêng với báo chí.

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Digiworld, xác nhận Công ty vừa trải qua nửa đầu năm 2016 không mấy thuận lợi. Thị trường công nghệ thông tin (IT) giảm tới 17% về sản lượng, theo nghiên cứu của GfK. Hàng hóa lại không được chuyển về đúng thời hạn như kế hoạch. Đặc biệt, từ năm 2016, việc Nokia thay đổi chiến lược, bỏ mảng điện thoại để chuyển sang mảng phần mềm và điện toán đám mây đã khiến Digiworld nói riêng và toàn ngành điện thoại nói chung, từ bán buôn đến bán lẻ đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng (Nokia đã bán mảng thiết bị di động cho Microsoft).

Trong bối cảnh đó, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2016 của Digiworld chỉ đạt 1.751 tỉ đồng, giảm 16%, còn lợi nhuận sau thuế đạt 32,2 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Tính ra, Digiworld mới chỉ đi được khoảng 1/3-1/4 chặng đường đề ra. Đây là lý do để Digiworld quyết định điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2016.

Trên thực tế, không riêng gì Digiworld mà các doanh nghiệp phân phối sản phẩm công nghệ nói chung đều gặp trở ngại. Vì thế, mới có thông tin FPT dự kiến bán mảng bán lẻ và phân phối. Hay hoạt động kinh doanh của Petrosetco (PET) cũng đã đi xuống rõ rệt do không còn ưu thế phân phối sản phẩm cho Samsung.

Digiworld: Lieu da co ke hoach B?

Về phần Digiworld, máy tính xách tay và máy tính bảng - dòng sản phẩm truyền thống và cũng là nguồn đóng góp chính vào doanh thu của Digiworld - đã chứng kiến sức tiêu thụ chậm lại. Chưa kể, dưới áp lực cạnh tranh, giá bán của các loại sản phẩm này ngày càng rẻ.  Vì thế, dù Digiworld vẫn là nhà phân phối dẫn đầu ở mảng này, chiếm khoảng 25% thị phần và bán hàng cho hầu hết các thương hiệu lớn như Dell, Toshiba, Asus, HP, Lenovo nhưng doanh thu từ mảng máy tính của Digiworld có xu hướng giảm với mức giảm hơn 11% trong 2 quý đầu năm nay.

Digiworld đã nhìn thấy được cục diện này cách đây 3 năm nên sớm có những thay đổi khi hướng mũi nhọn vào phân phối điện thoại di động thông minh (smartphone). Tuy nhiên, vì Digiworld chỉ mới tham gia vào phân phối smartphone chưa lâu, lại chỉ tập trung chủ yếu vào phân phối sản phẩm Nokia nên biến động ở Nokia đã tác động không nhỏ đến chiến lược và các kế hoạch kinh doanh của Digiworld trong mảng này. May mắn cho Digiworld là Công ty đã mở rộng danh mục bán smartphone ngay từ năm 2014 nên vẫn giữ được vị thế là nhà phân phối smartphone lớn thứ 3 trên thị trường (sau FPT và PET) cũng như không đến mức rơi vào thế hụt chân khi bị sụt giảm nguồn thu từ Nokia.

Tuy nhiên, vì Nokia (Microsoft) chiếm tới 64% doanh thu smartphone của Digiworld nên Công ty chưa thể dùng nguồn thu từ phân phối các sản phẩm điện thoại khác để lắp đầy khoảng trống doanh thu từ Nokia. Bằng chứng là đóng góp của mảng smartphone trong năm 2015 chỉ còn 36% thay vì 50% như năm 2014. Sang nửa đầu năm 2016, theo thông tin từ Công ty, mảng smartphone chỉ góp 33,6% doanh thu.

Nhìn trên danh mục sản phẩm, Digiworld hiện mới phân phối độc quyền cho 3 nhãn hàng điện thoại là Wiko (Pháp), Obi (Mỹ), Intex (Ấn Độ). Dù các nhãn hàng này khá nổi đình nổi đám ở thị trường bản địa nhưng khi đến Việt Nam, đây vẫn là những cái tên quá mới. Chẳng hạn, Digiworld mới chỉ phân phối Obi từ tháng 11.2015, còn Intex mới được tung ra thị trường cách đây 3 tháng. Digiworld sẽ phải bỏ thêm nhiều thời gian, công sức để đưa các sản phẩm này trở nên thân thuộc với người tiêu dùng.

Digiworld: Lieu da co ke hoach B?

Đối với các smartphone đã có tên tuổi, việc phân phối cũng đã khó khăn hơn. Bởi xu hướng của các nhà sản xuất như Samsung, Apple... là mở rộng bán hàng cho cả nhà bán lẻ lớn thay vì thông qua các nhà phân phối độc quyền như trước.

Với các đặc điểm kể trên, Digiworld chưa thể đạt tới tốc độ tăng trưởng cao như kế hoạch đề ra ban đầu và phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để phù hợp với tình hình kinh doanh thực tiễn.  Đây cũng là lúc để Digiworld khẳng định lại chiến lược đại dương xanh của mình.

Đó là vẫn đi con đường phân phối các nhãn hiệu smartphone bình dân.Tuy bình dân nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Các sản phẩm Digiworld chọn phân phối cũng phải là những sản phẩm phù hợp với chiến lược đón đầu tiềm năng thị trường từ 40% người dùng điện thoại phổ thông (feature phone) đang chuyển dần sang dùng smartphone. Theo tính toán của ông Đoàn Hồng Việt, chỉ cần tham gia phân phối cho 4-5 hãng, mỗi hãng chiếm giữ khoảng 3-4% thị phần trên thị trường smartphone thì miếng bánh phân phối của Digiworld cũng không hề nhỏ.

Digiworld còn có lợi thế của một nhà bán buôn chuyên nghiệp, là đơn vị đủ khả năng làm trọn gói từ A đến Z các dịch vụ phát triển thị trường (từ phân tích thị trường, marketing, bán hàng, phân phối và cung ứng đến dịch vụ hậu mãi) để đưa 1 sản phẩm smartphone từ không ai biết đến chỗ thâm nhập được thị trường Việt Nam. Hợp đồng với Wiko từ tháng 8.2014 là một ví dụ. Sau một năm ra mắt, thương hiệu này đã chiếm 2,5% thị phần smartphone tại Việt Nam và đạt doanh thu xấp xỉ 400 tỉ đồng.

Thành công ở Wiko là cơ sở để Digiworld tự tin sẽ nhận được những hợp đồng trọn gói từ các thương hiệu smartphone khác. Tuy nhiên, rủi ro cần tính đến cho Digiworld là thời gian hàng về có thể bị chậm trễ. Hay thời gian triển khai bán hàng cho Obi, Intex cũng bị chậm hơn dự tính  ban đầu. Vì thế, với các sản phẩm mới, Digiworld dự tính sẽ đi những bước thận trọng hơn. Theo dự kiến, quý IV này, Digiworld sẽ tung ra thị trường sản phẩm smartphone của Freetel (Nhật), thuộc phân khúc tầm trung, vốn được yêu thích tại Nhật.

Ưu thế của nhà bán buôn cũng giúp Digiworld có thể tận dụng khoảng trống 40% thị trường, nơi mà các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động, Nguyễn  Kim… còn ngần ngại vươn tới do thường tốn kém nhiều thời gian và chi phí đầu tư . Đó là phân phối hàng đến các công ty, các cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ tại thị trường nông thôn. Hay Digiworld cũng có thể đẩy mạnh bán hàng cho các kênh kinh doanh trực tuyến như Lazada, Tiki, Adayroi…

Rõ ràng, hiện tại Digiworld đang đối mặt với những khó khăn nhất định, buộc Công ty phải điều chỉnh giảm mục tiêu kinh doanh đề ra. Nhưng trong tương lai, với vị thế tốp đầu ngành phân phối sản phẩm IT, với định hướng phân phối trọn gói các smartphone giá rẻ, đánh mạnh vào thị trường nông thôn, lại tận dụng lợi thế của nhà bán buôn có khả năng cung cấp dịch vụ phát triển thị trường, Digiworld hoàn toàn có thể quay trở lại tốc độ tăng trưởng bình quân trên 33%/năm.


Ngọc Thủy
(Theo Nhịp cầu đầu tư)

Trở về

Bài cùng chuyên mục