tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nguyên phụ liệu dược phẩm được nhập nhiều từ thị trường Trung Quốc

  • Cập nhật : 29/09/2018

Chiếm 63,5% tỷ trọng, Trung Quốc đã trở thành nguồn cung chủ lực nhóm hàng nguyên phụ liệu dược phẩm cho Việt Nam tính đến hết tháng 8/2018.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, tháng 8/2018 Việt Nam đã phải nhập khẩu 33,6 triệu USD nguyên phụ liệu dược phẩm giảm 3,9% so với tháng 7/2018, tính chung 8 tháng đầu năm 2018 kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt 270,7 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Có vị trí và khoảng cách địa lý gần với Việt Nam, thuận lợi trong việc giao dịch và vận chuyển, Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, chiếm 63,5% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng, đạt 172,2 triệu USD tăng 27,59% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tháng 8/2018, kim ngạch nhập từ thị trường Trung Quốc đạt 23,8 triệu USD, tăng 2,27% so với tháng 7/2018 và tăng 51,55% so với tháng 8/2017.

Thị trường nhập nhiều đứng thứ hai là Ấn Độ, chiếm 17,2% đạt 46,7 triệu USD, nhưng so với 8 tháng năm 2017 giảm 8,93%, tính riêng tháng 8/2018 giảm 23,64% so với tháng 7/2018 xuống còn 4,3 triệu USD và giảm 37,1% so với tháng 8/2017.

Kế đến là các nước EU, chiếm 10,9% đạt 29,7 triệu USD, giảm 8,08% so với cùng kỳ, riêng tháng 8/2018 là trên 3 triệu USD, giảm 21,46% so với tháng 7/2008 và giảm 33,01% so với tháng 8/2017.

Về cơ cấu nguồn cung trong tháng 8/2018, nếu so với tháng 7/2018 thì có thêm thị trường Thái Lan với kim ngạch 290,4 nghìn USD, tăng đột biến so với tháng 8/2017 gấp 3,49 lần (tức tăng 249,11%), tính chung 8 tháng 2018 đạt 1,42 triệu USD tăng 82,52% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, nhập từ thị trường Hàn Quốc cũng tăng mạnh 72,25% tuy chỉ đạt 3,7 triệu USD. Ở chiều ngược lại, nhập từ thị trường Singapre giảm mạnh 76,36% tương ứng với 879,3 nghìn USD.

Thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dược phẩm 8T/2018

Thị trường

T8/2018 (USD)

+/- so với T7/2018 (%)*

8T/2018 (USD)

+/- so với cùng kỳ 2017 (%)*

Trung Quốc

23.860.734

2,27

172.207.720

27,59

Ấn Độ

4.365.484

-23,64

46.745.578

-8,93

Tây Ban Nha

1.847.802

0,46

11.324.027

13,24

Đức

678.160

53,45

8.248.136

-8,3

Thụy Sỹ

380.973

2,59

5.224.816

38,13

Hàn Quốc

69.000

-86,18

3.783.816

72,25

Italy

56.297

-91,03

3.716.534

-9,41

Anh

64.888

-76,13

3.004.981

-51,19

Pháp

243.396

-48,96

2.383.840

37,3

Áo

115.122

-32,04

1.070.769

-22,09

Singapore

118.729

-18,37

879.331

-76,63

(*Vinanet tính toán số liệu từ TCHQ)

Với hệ sinh thái phong phú, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về việc nuôi dưỡng và phát triển các cây thuốc quý.

Theo thống kê của Viện Dược liệu, đến nay Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số những loài đã công bố, có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: sâm Ngọc Linh, Tam thất hoang, Bách hợp, Thông đỏ… trong đó, sâm Ngọc Linh (hay sâm Việt Nam) là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, cao hơn cả những loại sâm quý được nghiên cứu sử dụng lâu đời trên thế giới như sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc.

Sau gần 30 năm thực hiện, công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn cây thuốc đã đạt những kết quả nhất định. Đến nay, ngành y tế đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái gồm: vùng Đồng bằng Sông Hồng (Hà Nội), vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam bộ (TP Hồ Chí Minh). Đồng thời, ngành đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc tại 7 vườn cây thuốc thuộc các đơn vị; 100% các nguồn gen bảo tồn được đánh giá ban đầu; 30% nguồn gen được đánh giá chi tiết về các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển… Đặc biệt, hiện đã có 11 cây dược liệu được trồng theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” (GACP - WHO), bao gồm: Trinh nữ hoàng cung, Actiso, Bìm bìm biếc, Rau đắng đất, Đinh lăng, Diệp hạ châu đắng, cỏ Nhọ nồi, Tần dày lá, Dây thìa canh, chè dây và Kim tiền thảo.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn dựa vào thuốc thảo dược để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ở các nước có nền công nghiệp phát triển, 1/4 số thuốc thống kê trong các đơn đều có chứa hoạt chất thảo mộc. Và ngày nay, việc tìm kiếm các hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc là một xu thế rất được các nhà khoa học quan tâm.

Còn tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50 - 60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Theo đó, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam là rất lớn. Hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện có hơn 60 bệnh viện y học cổ truyền công lập; hơn 90% bệnh viện đa khoa tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh.

Mặc dù có tiềm năng thế mạnh lớn, nhưng hiện nay Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước, còn lại 75% vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Việt Nam cũng chưa đưa được các bài thuốc quý trong cộng đồng ra sử dụng rộng rãi; thậm chí nhiều bài thuốc quý đã bị mai một, thất truyền hoặc bị đánh cắp, giả mạo. Đồng thời, sản phẩm từ dược liệu quý của nước ta chưa trở thành hàng hóa có giá trị cao và chưa được sử dụng rộng rãi.


Theo Vinanet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục