tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tìm cửa đầu tư vào Nhật Bản

  • Cập nhật : 06/07/2016

Lĩnh vực thông tin – truyền thông và khoa học công nghệ là lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam và Nhật Bản cũng đang có nhu cầu lớn.

Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam luỹ kế đến hết tháng 6/2016 đã đạt 39,8 tỷ USD, với hơn 3.100 dự án, xếp vị trí thứ 2 trong số các quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện mới có 35 dự án đầu tư tại Nhật Bản, với tổng vốn đạt 6,6 triệu USD. Nhật Bản hiện đứng ở vị trí 45/68 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của DN Việt Nam.

Cục diện đó đang tạo ra rất nhiều cơ hội để thay đổi. Bởi các lĩnh vực đầu tư thế mạnh của DN Việt Nam hiện nay lại đang phù hợp với định hướng phát triển của Nhật Bản trong tương lai.

Rộng cửa đón NĐT

Nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư đã được cơ quan quản lý và DN chỉ ra tại hội thảo “Xúc tiến đầu tư, mở rộng kinh doanh với thị trường Nhật Bản” do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), Cục Đầu tư nước ngoài và Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản phối hợp tổ chức ngày 5/7.

cntt la mot trong nhung linh vuc dau tu tiem nang cua viet nam tai nhat ban

CNTT là một trong những lĩnh vực đầu tư tiềm năng của Việt Nam tại Nhật Bản

Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các lĩnh vực đầu tư chủ yếu của Việt Nam tại thị trường Nhật là thông tin – truyền thông, khoa học và công nghệ; bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô; du lịch; dịch vụ lưu trú, nhà hàng; cơ sở chế biến, chế tạo…

Đánh giá về chất lượng dòng vốn, ông Chung phân tích, số lượng dự án đầu tư của Việt Nam chưa nhiều, quy mô đầu tư còn nhỏ, nhưng các dự án hoạt động đem lại hiệu quả khá tốt, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), sản xuất phần mềm… đem lại giá trị gia tăng cao và góp phần nâng cao năng lực cho các kỹ sư, cử nhân CNTT của Việt Nam.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng đặc biệt nhấn mạnh lĩnh vực thông tin – truyền thông và khoa học công nghệ là lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam và Nhật Bản cũng đang có nhu cầu lớn.

Cho rằng hiện đang là thời điểm thuận lợi để đầu tư vào Nhật Bản, ông Shigeki Maeda, Phó Chủ tịch thường trực Jetro Tokyo đã chỉ ra nhiều lý do cho nhận định này. Theo đó, các DN nước ngoài đầu tư vào Nhật Bản đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là nguồn vốn từ châu Á tăng mạnh trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Nếu tỷ lệ tăng trưởng của dòng vốn từ châu Mỹ vào khoảng 3,6% thì châu Á lên tới 9%.

Ông Shigeki Maeda lý giải, lý do của sự đổ bộ mạnh mẽ này không chỉ do nền kinh tế Nhật Bản khởi sắc mà còn nhờ nỗ lực của Chính phủ Nhật. Đầu năm 2012, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách phát triển kinh tế, nhấn mạnh việc gia tăng GDP, gia tăng lợi nhuận cho DN, cũng như tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Chính phủ cũng đang nỗ lực lớn cải thiện môi trường đầu tư và thu hút FDI. Từ tháng 4 năm nay thuế thu nhập DN giảm xuống ở mức 20%, cùng với một loạt chính sách mở cửa đối với các lĩnh vực như truyền tải điện, dược phẩm… “Sau TPP các DN Nhật Bản sẽ càng chú ý liên kết với các DN từ châu Á, đặc biệt là DN Việt Nam”, ông quả quyết.

Không dễ thâm nhập nếu thiếu chuẩn bị

Là một trong số ít DN đã chính thức mở chi nhánh tại Nhật Bản, ông Nguyễn Ích Vinh, Giám đốc Công ty CNTT Tinh Vân đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích để thâm nhập thị trường khó tính này. Ông Vinh cho biết, DN này đã có thời gian “thai nghén” lên tới 3 năm trước khi chính thức thành lập công ty tại Nhật Bản vào năm ngoái. Đó là khoảng thời gian chuẩn bị vốn, thu thập thông tin, tiếp xúc với các cơ quan xúc tiến thương mại…

Ông chia sẻ, thách thức của thị trường Nhật Bản thể hiện không chỉ đối với DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT mà còn đối với tất cả các lĩnh vực khác nói chung. Theo đó nhận thức về chất lượng của DN Việt Nam đối với tiêu chuẩn chất lượng của DN Nhật Bản là rất khác nhau.

Thường thì sản phẩm của Việt Nam không đáp ứng đúng kỳ vọng của người Nhật, do đó cần phải tìm hiểu rất kỹ trước khi bắt tay vào chính thức hợp tác. Ông cũng lưu ý, chi phí xúc tiến thương mại và làm việc tại Nhật Bản cũng rất cao, đối với DNNVV khoản đi kèm này là rất tốn kém. “Chu kỳ từ lúc bắt đầu tiếp xúc với đối tác cho đến lúc chứng minh được năng lực, có dự án đầu tiên phải mất ít nhất 1-2 năm, do đó NĐT cần lên kế hoạch bài bản”, ông Vinh khuyến cáo.

Riêng trong lĩnh vực CNTT, DN Việt Nam thường nghĩ chi phí nhân công của mình rất cạnh tranh, song ông Vinh đánh giá đây sẽ không phải là lợi thế dài hạn. “Chúng ta chỉ còn khoảng 4-5 năm, sau đó sẽ không còn cạnh tranh hơn so với Trung Quốc và Ấn Độ nữa”, ông cho biết thêm. Vì vậy, cơ hội tận dụng lợi thế cạnh tranh để gia tăng đầu tư sẽ không còn nhiều nếu DN vẫn chần chừ trước cơ hội vào thị trường Nhật Bản.

Từ phía cơ quan quản lý, ông Vũ Văn Chung cũng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN đầu tư vào Nhật Bản nếu có đủ năng lực. Ông cho biết, các dự án đầu tư vào Nhật chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực như CNTT, dịch vụ… cần ít vốn, quy mô chủ yếu dưới 1 triệu USD, do đó thủ tục cấp phép vô cùng đơn giản.

Thời gian triển khai dự án chủ yếu phụ thuộc vào giai đoạn xúc tiến ban đầu. Nếu DN đã có quá trình nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng và chọn được đối tác tin cậy thì khi triển khai thực tế sẽ rất nhanh chóng. “Tôi khẳng định nếu có sự chuẩn bị bài bản thì sẽ không thể mất tới 5-6 năm mới có được dự án đầu tư vào Nhật như nhiều người lo ngại”, ông Chung nói chắc chắn.


Ngọc Khanh
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục