tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

7 lời khuyên dành cho doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ

  • Cập nhật : 26/10/2015

Xuất khẩu không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn

Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể định hướng xuất khẩu, hoặc dành một phần doanh số bán theo định hướng xuất khẩu, nhằm đa dạng hóa thị trường, tránh rủi ro khi biến động thị trường trong nước.

7 loi khuyen danh cho doanh nghiep xuat khau vua va nho

7 lời khuyên dành cho doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ

Lợi thế của doanh nghiệp nhỏ là linh hoạt, dễ thay đổi để phù hợp thị trường. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa có sức bật lớn hơn doanh nghiệp lớn, chịu ảnh hưởng ít hơn và hồi phục nhanh hơn. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực đồ gỗ nội thất, chế biến thủy hải sản, công nghiệp phụ trợ ... là những ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.

Ví dụ, trong năm 2010, tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi tập trung hơn 70% các nhà sản xuất đồ nội thất Việt Nam, có hơn 2500 doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong số đó không ít doanh nghiệp theo định hướng xuất khẩu.

Doanh nghiệp vừa khởi nghiệp cũng có thể định hướng xuất khẩu

Ngày nay, nhiều doanh nghiệp có thể định hướng xuất khẩu ngay từ khi vừa thành lập, không cần thông qua chiếm lĩnh thị trường nội địa. Các trường hợp áp dụng chiến lược xuất khẩu này thường gặp khi sản phẩm xuất khẩu sẽ có lợi nhuận cao hơn sản xuất bán ra trực tiếp tại thị trường trong nước, hoặc khi sản phẩm xuất khẩu bị cạnh tranh gay gắt tại thị trường trong nước. Những lúc này, doanh nghiệp có thể thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài trước, sau đó khi đã đủ lực có thể quay trở lại thâm nhập thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp mới thành lập hiện đại cũng mong muốn xuất khẩu hàng hóa của họ để thu về lợi nhuận cao hơn từ thị trường nước ngoài.

Ví dụ, tại Hoa Kỳ, trong năm 2013, nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng trong doanh số bán ra thị trường nước ngoài bởi các công ty vừa mới tham gia xuất khẩu, và có sự gia tăng trong việc quan tâm đến xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trước nay chưa từng thử nghiệm xuất khẩu. Các nhà xuất khẩu cho biết nhu cầu với hàng hóa của họ, từ quần áo đến giỏ đựng cỏ, đều đang tăng. Do đó họ rất sẵn lòng đương đầu với những thách thức của xuất khẩu, bao gồm cả vấn đề logistics và đáp ứng tiêu chuẩn và luật lệ quốc tế.

Tìm đến sự hỗ trợ từ các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp (BSO) có sẵn

Chỉ với một ý tưởng có thể sáng tạo nên một doanh nghiệp. Tuy nhiên để duy trì hoạt động của doanh nghiệp cần cả một quá trình. Quá trình này có thể trở nên dễ dàng hơn nếu doanh nghiệp tìm đến với các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp (BSO) có sẵn trên thị trường. Đôi khi những dịch vụ từ các tổ chức này là miễn phí.

Các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp rất đa dạng, có thể có xuất xứ từ chính thị trường xuất khẩu mà doanh nghiệp muốn tiếp cận. Ví dụ hiện nay để tìm kiếm đối tác Nhật Bản doanh nghiệp có thể tìm đến với JETRO hay JICA. Các đại sứ quán, lãnh sự quán, phòng thương mại của các quốc gia cũng có thể hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về quốc gia đó, đôi khi miễn phí.

Đôi khi cũng có những tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức phi chính phủ, như VCCI.

Tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp miễn phí do chính Nhà nước cung cấp thường hoạt động dưới dạng trung tâm xúc tiến, mà Viettrade, ITPC là một ví dụ.

www.itpc.gov.vn/

Ngoài ra, hiện nay có nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động dưới dạng tư nhân, như dịch vụ của công ty World wide access dưới đây. Để được cung cấp dịch vụ từ các BSO tư nhân này, doanh nghiệp có thể phải trả phí.

http://www.world-wide-access.com/

Liên tục tìm kiếm và cập nhật thông tin

Thông tin về các cuộc hội chợ hội thảo có đề tài liên quan đến ngành hàng, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp, hoặc thông tin về các thị trường, sản phẩm cùng loại, đối thủ cạnh tranh đôi khi có sẵn trên mạng Internet và miễn phí. Doanh nghiệp cũng có thể thường xuyên đọc báo, xem tin tức trên truyền hình để theo dõi thông tin.

Đôi khi các tấm gương từ các doanh nghiệp nước ngoài cũng có nhiều điều đáng để học hỏi. Một ví dụ là tờ báo New Zealand Herald với loạt bài về các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

http://www.nzherald.co.nz/business/news/article.cfm?c_id=3&objectid=10891055

Nghiên cứu kĩ về pháp luật nước sở tại

Luật pháp vô cùng quan trọng đối với đồi sống kinh doanh thường ngày. Để xuất khẩu đạt hiệu quả cao nhất, doanh nghiệp nên thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật liên quan đến kinh doanh và lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu từ quốc gia của mình và quốc gia là thị trường xuất khẩu, thông qua đó có những hiểu biết cơ bản về khả năng, điều kiện xuất khẩu của mình, các điều kiện, thủ tục, thuế suất tại thị trường xuất khẩu mục tiêu và đưa ra quyết định về luật pháp sử dụng làm cơ sở giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng.

Về vấn đề chọn pháp luật của quốc gia nào là cơ sở giải quyết tranh chấp, doanh nghiệp có thể tham khảo thêm một câu hỏi có liên quan đến vấn đề này đã từng đăng trên tờ Businessweek:

http://www.businessweek.com/articles/2013-06-21/determining-which-laws-matter-when-you-export

Các văn phòng luật sư, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lí và cung cấp văn bản pháp luật cho doanh nghiệp, miễn phí hoặc có trả phí. Đôi khi truyền hình và báo đài cũng có cung cấp các thông tin về luật pháp.

Ngoài ra, với các doanh nghiệp chịu nhiều rủi ro tiềm ẩn từ các vụ kiện chống phá giá, có thể tổ chức riêng bộ phận pháp lí trong doanh nghiệp hoặc thuê văn phòng luật sư hỗ trợ về pháp lí.

Xuất khẩu theo các phương thức giao hàng hóa trọn gói (Xuất CIF nhập FOB) Phương thức giao nhận hàng hóa gồm 13 phương thức chia làm 4 nhóm. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện nay chủ yếu giao nhận theo phương thức FOB (giao hàng lên boong tàu tại cảng đi), chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc lựa chọn những phương thức trọn gói (như CIF, DDU, DDP) để xuất khẩu, chủ yếu do chưa có nhiều quan hệ với giới bảo hiểm và vận tải. Tuy nhiên, điều này lại có ý nghĩa trong việc tăng giá trị hàng xuất khẩu, và một số trường hợp doanh nghiệp có thể thu lợi nhuận cao hơn nếu lựa chọn phương thức giao hàng trọn gói. Cách thức giao hàng trọn gói như CIF, DDU còn đem lại lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo hiệu quả kết nối giữa các nhóm doanh nghiệp Việt Nam.

Đa dạng hóa việc sử dụng các phương thức thanh toán:

Doanh nghiệp cần liên tục cập nhật kiến thức về nghiệp vụ thanh toán và thị trường ngoại hối vì điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận thu được từ xuất khẩu và độ an toàn của dòng tiền.

Có nhiều phương thức thanh toán như nhờ thu, tài khoản mở, thư tín dụng... Hiện nay để đảm bảo an toàn trong xuất khẩu đa số doanh nghiệp chọn phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (L/C). Tuy nhiên, ngay cả trong phương thức thanh toán bằng L/C cũng có rất nhiều loại: L/C không hủy ngang, L/C giáp lưng và nhiều vấn đề, ví dụ liên quan đến việc kí hậu L/C. Khi xuất khẩu bằng đường hàng không, xuất khẩu bằng đường bộ có nhiều đòi hỏi riêng về các loại giấy tờ giao nhận hàng hóa mà doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu chưa có nghiệp vụ cần học hỏi bằng nhiều cách thức để nắm rõ, tránh bị gian lận hợp đồng.

Ngoài ra,  gần đây nhiều ngân hàng như Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV ... còn cung cấp cả dạng thức bao thanh toán, một dạng tín dụng đảm bảo doanh nghiệp có thể nắm giữ tiền mặt trong tay trước khi nhà nhập khẩu thanh toán. Đây là một phương thức thanh toán đã phát triển từ lâu tại các quốc gia phát triển đến mức độ thị trường thứ cấp, tuy nhiên chỉ mới du nhập vào Việt Nam trong vài năm gần đây và tại Việt Nam chỉ mới ở dạng thức sơ khai. Doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu thêm về phương thức này để đa dạng hóa các hình thức thanh toán của mình. Tại Việt Nam những qui định về bao thanh toán có trong văn bản 1096/2004/QĐ-NHNN, hiện nay vẫn còn hiệu lực (chưa có văn bản thay thế).

(Anh Thư – ITPC)

(Theo itpc)

Trở về

Bài cùng chuyên mục