tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 15-06-2016

  • Cập nhật : 15/06/2016

Nhật Bản, Mỹ "bắt tay" đảm bảo ổn định tại biển Hoa Đông

Ngày 14/6, Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí hai nước sẽ hợp tác nhằm đảm bảo ổn định trên biển Hoa Đông.

tau hai giam trung quoc (truoc) va tau tuan tra cua luc luong phong ve bo bien nhat ban tai vung bien gan dao tranh chap ngay 24/9/2012. anh: kyodo/ ttxvn

Tàu hải giám Trung Quốc (trước) và tàu tuần tra của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản tại vùng biển gần đảo tranh chấp ngày 24/9/2012. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Động thái trên diễn ra sau khi một tàu khu trục nhỏ của Hải quân Trung Quốc đi vào vùng tiếp giáp ngay bên ngoài lãnh hải Nhật Bản, gần quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên vùng biển này. 

Tuyên bố này được đưa ra trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift tại thủ đô Tokyo.

Trước đó, hãng thông tấn Kyodo dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết ngày 9/6, tàu Hải quân Trung Quốc đã đi vào khu vực phía Đông Bắc đảo Kuba thuộc quần đảo Senkaku, sau đó đã rời khỏi vùng biển này từ vị trí gần đảo Taisho cũng thuộc quần đảo Senkaku và hướng về phía Bắc, song không xâm phạm lãnh hải Nhật Bản. 

Các tàu hải cảnh Trung Quốc thường đi vào các vùng tiếp giáp gần quần đảo tranh chấp, nhưng đây là lần đầu tiên Nhật Bản phát hiện tàu Hải quân Trung Quốc.

Tại cuộc họp trên, Bộ trưởng Nakatani đánh giá cao sự đối phó tốt của hai nước đối với sự việc hôm 9/6, cho rằng các cơ chế của liên minh an ninh Nhật-Mỹ cho phép Tokyo hợp tác chặt chẽ với Washington, trong đó có hoạt động chia sẻ thông tin.

Về phần mình, Đô đốc Swift nhấn mạnh tầm quan trọng của hàng loạt cuộc tập trận phòng thủ, trong đó có diễn tập hải quân chung thường niên Malabar giữa các lực lượng hải quân Ấn Độ, Mỹ và Nhật đang diễn ra ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Okinawa, hoặc cuộc tập trận mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) theo kế hoạch diễn ra trong mùa Hè này.

Bên cạnh đó, giới chức quốc phòng Mỹ và Nhật Bản cũng thảo luận những sự việc xảy ra gần đây tại Okinawa khiến người dân địa phương ác cảm đối với sự hiện diện của quân đội Mỹ.


Đảng cầm quyền Đài Loan “cấm cửa” ông Mã Anh Cửu

Quốc dân Đảng đối lập Đài Loan chỉ trích chính quyền mới “đàn áp” khi cấm cựu lãnh đạo Mã Anh Cửu đến Hồng Kông vì vấn đề an ninh.

cuu lanh dao ma anh cuu. anh: reuters

Cựu lãnh đạo Mã Anh Cửu. Ảnh: Reuters

Hôm 12-6, chính quyền bà Thái Anh Văn ra lệnh cấm ông Mã Anh Cửu đến Hồng Kông, nơi cựu lãnh đạo dự kiến có bài phát biểu tại lễ trao giải nhà xuất bản châu Á vào ngày 15-6. Văn phòng lãnh đạo Đài Loan cho biết: “Dựa trên tình hình quốc tế mà Đài Loan đang đối mặt cũng như cân nhắc vấn đề an ninh và lợi ích lãnh thổ, Hồng Kông là một khu vực khá nhạy cảm đối với việc duy trì an ninh của Đài Loan”. Thêm vào đó, văn phòng này cho biết thật khó để kiểm soát rủi ro của chuyến thăm cũng như giới chức Đài Loan và Hồng Kông không có thời gian phối hợp chuẩn bị.

Trong khi đó, hiệp hội các nhà xuất bản ở châu Á cho biết trên trang web tổ chức này rằng họ cảm thấy thất vọng vì ông Mã sẽ không tham dự nhưng có kế hoạch để ông phát biểu trực tuyến.

Bước đi trên cho thấy DPP càng tỏ ra thận trọng hơn kể từ khi một nhóm công dân Đài Loan bị trục xuất khỏi Kenya đến Trung Quốc vì tình nghi gian lận viễn thông hồi tháng 4. Động thái này khiến Đài Loan tức giận. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 1, chính quyền ông Mã đã thất bại trước tân lãnh đạo Thái Anh Văn và DPP, đảng theo đường lối độc lập khỏi Trung Quốc.

Trung Quốc đến nay vẫn duy trì chính sách “một quốc gia, hai chế độ” đối với Đài Loan nhưng chính quyền lãnh thổ này đã bác bỏ.

Bắc Kinh nhiều lần cảnh báo Đài Loan sẽ gánh chịu hậu quả tiêu cực nếu lãnh đạo Đài Loan không công nhận lãnh thổ này là một phần của Trung Quốc theo chính sách “một Trung Quốc”. Tuy nhiên, bà Thái tuyên bố sẽ giữ nguyên hiện trạng với Trung Quốc nhưng không được đề cập đến chính sách “một Trung Quốc” nữa.


Campuchia bắt hàng chục đối tượng lừa đảo người Trung Quốc

Campuchia đã bắt giữ 27 đối tượng người Trung Quốc, trong đó có 12 người từ Đài Loan, tình nghi điều hành một đường dây lừa đảo qua điện thoại để tống tiền các nạn nhân tại Trung Quốc.

Ngày 14/6, các quan chức Campuchia đã xác nhận thông tin trên. Vụ bắt giữ diễn ra khi giới chức Campuchia đột kích một biệt thự ở thủ đô Phnom Penh ngày 13/6 vừa qua.

Theo hãng Reuters, những đối tượng trên bị bắt giữ trong chiến dịch có sự phối hợp của giới chức Trung Quốc và Campuchia. 

Lực lượng chức năng 2 nước đã triệt phá các âm mưu lừa đảo được sắp đặt từ Campuchia. Cảnh sát Campuchia cho biết các đối tượng ở Campuchia có thể gọi điện cho các nạn nhân ở Trung Quốc để đòi tiền chuộc người thân mà chúng lừa là bị bắt giữ hoặc các lý do bịa đặt khác. Hiện những người này đang bị thẩm vấn và sẽ bị trục xuất nếu bị buộc tội.

Kể từ tháng 11/2015 đến nay, Campuchia đã trục xuất hơn 200 công dân Trung Quốc kể trong chiến dịch trấn áp các vụ lừa đảo qua Internet và điện thoại. Thống kê cho thấy các vụ lừa đảo kiểu này đã gây ra thiệt hại hàng triệu USD cho các nạn nhân tại Trung Quốc, đồng thời còn gây ra nhiều vụ tử tự.

SIPRI cảnh báo Triều Tiên sắp "ra lò"10 đầu đạn hạt nhân

Một nghiên cứu được công bố hôm 13-6 cho thấy CHDCND Triều Tiên có khả năng sẽ sản xuất 10 đầu đạn hạt nhân trong bối cảnh các động thái khiêu khích của nước này ngày càng gia tăng và mối quan hệ liên Triều đóng băng.

Theo số liệu tổng hợp của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Triều Tiên đang có trong tay đủ lượng nguyên liệu để chế tạo 10 đầu đạn hạt nhân như hồi tháng 1-2016. Tuy nhiên, SIPRI nghĩ rằng điều này không thể hiện rằng Bình Nhưỡng có khả năng tiến hành thử hạt nhânnữa hay không. SIPRI còn ước đoán rằng Triều Tiên đã bổ sung thêm 2-4 đầu đạn hạt nhân vào kho dự trữ từ năm ngoái.

hien so luong dau dan hat nhan tren the gioi uoc tinh dat 15.395 dau dan. anh: nk news

Hiện số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới ước tính đạt 15.395 đầu đạn. Ảnh: NK NEWS

Hiện nay, số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới ước tính đạt 15.395 đầu đạn, giảm 455 đầu đạn so với năm 2015. Con số này cũng bao gồm những đầu đạn đã thử thất bại. Xét về quốc gia, theo SIPRI, Nga đang đứng đầu danh sách này với 7.290 đầu đạn, đứng vị trí thứ hai là Mỹ với 7.000 chiếc. Cả hai nước đang nắm giữ 93% tổng số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới. Các nước theo sau bao gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel.

Ông Shannon Kile, Trưởng dự án vũ khí hạt nhân của SIPRI, nhận định: “Mặc dù số lượng vũ khí đã giảm liên tục, song triển vọng tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân vẫn còn ảm đạm. Tất cả các nước sở hữu vũ khí hạt nhân cần tiếp tục ưu tiên ngăn chặn vấn đề này trong chiến lược an ninh quốc gia của họ”.

Theo trang NK News, hồi tháng 10-2015, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ước tính Triều Tiên đang sở hữu ít nhất 40 kg chất plutonium và có thể dùng chưa tới 6 kg plutonium để chế tạo một quả bom hạt nhân. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói rằng Bình Nhưỡng hiện tích cực theo đuổi chương trình làm giàu uranium nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết. Giáo sư Suh Kune-yull thuộc trường ĐH Quốc gia Seoul cho biết Triều Tiên có thể sản xuất được khoảng 20 kg plutonium và 15 kg uranium.


Rơi trực thăng quân sự Myanmar, 3 sĩ quan tử nạn

Ngày 14/6 đã xảy ra vụ rơi máy bay trực thăng quân sự ở khu rừng phía Bắc Myanmar làm 3 sĩ quan thiệt mạng.

Quan chức thuộc Văn phòng chính quyền thị trấn Daik U, Khin Lay Si cho biết vụ tai nạn xảy ra tại khu rừng gần thị trấn Daik U, thuộc khu vực Bago, cách Yangon khoảng 150 km về phía Đông Bắc.

Theo quan chức trên, đội cứu hộ tới hiện trường vụ tai nạn đã xác nhận con số thương vong trên, gồm một thiếu tá, một đại úy và một thành viên phi hành đoàn của trực thăng xấu số.

Hiện chưa rõ số người ở trên máy bay khi phương tiện này gặp nạn, cả quân đội và Bộ Thông tin Myanmar vẫn chưa ra thông báo về vụ việc này.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục